Không phải mối quan hệ nào đều hoàn hảo và không có bất đồng, tuy nhiên chúng ta cần nhận thức được rằng, giữa những cuộc tranh luận đơn thuần và một mối quan hệ độc hại có sự khác biệt rất lớn. Các mối quan hệ thông thường đều nhằm giúp ta phát triển và cải thiện bản thân, nhưng khi mối quan hệ trở nên độc hại, bạn sẽ cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mất phương hướng và mất niềm tin vào chính mình.
Hãy tự hỏi bản thân những câu sau: Bạn cảm thấy thế nào khi ở bên người yêu của mình? Bạn có cảm thấy họ đang làm đời sống của bạn thêm “drama” không? Họ có đang bắt bẻ từng câu chữ của bạn và những cuộc tranh cãi vì lý do tủn mủn có đang diễn ra ngày một dày đặc không?
Tiến sĩ Lillian Glass, một chuyên gia về giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể định nghĩa một người “độc hại” là người khiến bạn thấy bất an khi ở bên cạnh hoặc khiến bạn thấy tồi tệ về bản thân. Glass cho rằng ông chính là người đầu tiên đưa ra khái niệm về thuật ngữ “người độc hại” trong quyển sách của mình “Toxic People: 10 Ways Of Dealing With People Who Make Your Life Miserable“.
Sự độc hại này chỉ mang tính chủ quan và không phải áp dụng với mọi trường hợp. Glass nói rằng, “Chúng ta đều có cách đối xử tiêu cực ở một mức độ nhất định với một người nào đó”. Ví dụ, một số có thể “dị ứng” khi gặp phải những người tự luyến, trong khi những người khác thấy họ hài hước. Sự độc hại cũng có thể tồn tại trên cùng một thang đánh giá và thay đổi tùy theo mức độ.
Tuy nhiên, việc hiểu bạn cần và muốn gì từ người yêu là yếu tố quan trọng để có một mối quan hệ bền vững. Những mối quan hệ độc hại thường gây ra đau khổ cho đôi bên, luôn chứa đầy những nghi ngờ, sự mất cân bằng. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến và cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ không lành mạnh.
Cuộc sống của bạn sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều nếu ở cạnh một người mà ta liên tục phải lo lắng, sợ hãi rằng bản thân sẽ bị phán xét khi giao tiếp hoặc hành xử một cách thông thường. Glass nói rằng điều này có thể được biểu hiện qua việc thấy bản thân thiếu hấp dẫn, bị kiểm soát và không hạnh phúc. Kể cả họ có chủ đích “dìm hàng” bạn hay không, nếu bạn thấy mình không thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân khi ở cạnh người đó thì đây chính là tín hiệu để hai người có một cuộc trao đổi thẳng thắn với nhau.
Khi bạn ở trong môi trường độc hại, những cảm xúc tiêu cực lâu dài có thể khiến bạn mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Các dậu hiệu bao gồm: nhịp thở thay đổi, mọc mụn khắp cơ thể hoặc xuất hiện những vết phát ban trên da, cảm thấy ấp úng khi nói chuyện v.v…. Khi gặp phải những vấn đề trên, một vài người sẽ giải tỏa căng thẳng bằng cách tập trung vào ăn uống. Tuy nhiên, chính điều đó lại dẫn tới nhiều tác hại sức khỏe khác.
Giao tiếp là điều kiện tiên quyết cho mọi mối quan hệ bền vững, dù mối quan hệ đấy có mang yếu tố lãng mạn hay không. Nếu bạn muốn nói chuyện với người yêu về một điều họ đã làm và gây tổn thương bạn, nhưng người đó lại không quan tâmhoặc có xu hướng tấn lại bạn bằng lời nói, thì đây không phải mối quan hệ hai chiều lành mạnh. Khi bạn yêu thương một ai đó, bạn sẽ thực sự quan tâm tới cảm xúc của họ.
Glass khuyên mọi người hãy chú ý tới cách đối phương phản ứng khi bị chất vấn về một vấn đề. Họ có lắng nghe, nhận trách nhiệm và cố gắng cải thiện không? Hay họ sẽ giận dữ, đổ lỗi cho bạn và khiến mọi thứ tồi tệ hơn?
Thay vì quan tâm tới nhau, bạn và đối phương lại chỉ quan tâm đến cảm xúc của chính mình. Chủ đề trò chuyện giữa hai người là về quyền lực, ai kiểm soát hay nắm phần hơn trong mối quan hệ. Bạn sẽ cảm thấy như đang chơi đấu trí với người ta, đồng thời luôn lo lắng mình sẽ là người thắng hay kẻ thua cuộc. Khi ở trong một mối quan hệ như vậy, tâm trạng ta sẽ luôn ở trong trạng thái phòng bị, khiến bản thân khó lòng tận hưởng niềm vui của tình yêu.
Khi cả hai chỉ tìm cách bảo vệ bản thân, điều này sẽ vô tình biến đối phương thành “kẻ thù”. Từ vai trò những người yêu nhau, luôn quan tâm đến nhau, ta lại “tặng” cho đối phương những lời mỉa mai đầy ẩn ý như kiểu: “Vì anh/cô làm tôi tổn thương nên giờ hãy chịu lại những điều tương tự nhé!”
Hiện tượng này xảy ra khi cả hai không tìm được tiếng nói chung, và một người trong đó luôn cố gắng đóng vai nạn nhân để lảng tránh hoặc đổ lỗi cho người kia. Nguyên nhân của cuộc tranh cãi thường được cho là bởi ngoại cảnh hoặc những người xung quanh thay vì nhìn nhận lại bản thân. Khi một người không nhận thức được vấn đề của mình, những cuộc trao đổi để hiểu nhau hơn sẽ không thể đem đến kết quả tốt.
Để biết bạn có đang ở trong một mối quan hệ độc hại hay không, hãy hỏi những người thân thiết với mình. Khi yêu, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua những tín hiệu tiêu cực trong mối quan hệ và tự an ủi mình rằng rồi mọi thứ sẽ tốt lên. Chỉ có người ngoài cuộc mới đủ tỉnh táo và đưa ra được những lời khuyên đúng đắn. Ngoài ra, bạn nên tự hỏi bản thân rằng liệu mình có đang dành quá ít thời gian cho người thân và bạn bè chỉ vì người yêu không?
Đôi khi, mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc hai người đang mong muốn những điều khác nhau. Ví dụ bạn đã sẵn sàng có con, nhưng đối phương vẫn muốn tập trung cho sự nghiệp. Tuy nhiên, không phải lúc nào những khác biệt này cũng dẫn đến các cuộc tranh cãi căng thẳng. “Chiến tranh” thường chỉ nổ ra khi một trong hai bên cảm thấy bị kìm hãm hoặc không được đáp ứng nhu cầu. Khi tình huống này lặp đi lặp lại nhiều lần, những kỳ vọng không được đáp lại sẽ biến thành sự căm ghét, chán nản.
Dù có yêu nhau và muốn ở cạnh nửa kia đến mấy, vẫn sẽ có lúc chúng ta muốn ở một mình. Nhưng nếu bạn thấy vui cũng như nhẹ nhõm khi không có sự hiện diện của họ, rất có thể bạn đang ở trong một mối quan hệ không lành mạnh. Hãy tự hỏi bản thân tại sao mình thấy vui tươi khi thiếu vắng người mà ta yêu thương? Phải chăng là do họ đang làm cuộc sống của bạn mệt mỏi và căng thẳng hơn? Hay là do họ không cho bạn không gian riêng khi bạn cần?
Bạn đang ở trong mối quan hệ không lành mạnh nếu một trong hai đang cố gắng thay đổi đối phương (hay bản thân) thành hình ảnh mà người còn lại mong muốn. Chúng ta không thể thay đổi những người xung quanh khi chính họ không muốn, và càng không thể bắt ép họ làm theo ý mình. Nếu không ý thức được những điều này và chấp nhận sự khác biệt, cái duy nhất mà ta nhận được trong tình yêu này chính là sự thất vọng, bực bội.
Nếu bạn thấy bản thân cho đi nhiều hơn, kiệt sức, bất an và bối rối mỗi khi phải đáp ứng nhu cầu của người khác,thì bạn có thể cân nhắc tới việc rời đi. Một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi sự cân bằng giữa việc cho và nhận. Glass giải thích rằng, ta có thể thấy sự ích kỷ được thể hiện rõ ràng nhất khi một người liên tục đòi hỏi sự chú ý từ nửa kia, nhưng lại luôn phớt lờ nhu cầu của đối phương.
Hầu hết các tình huống tiêu cực không diễn ra khi mối quan hệ mới bắt đầu. Chúng ngày càng rõ ràng và tồi tệ hơn khi bạn ở bên cạnh người ấy một thời gian dài cũng như đầu tư khá nhiều cho mối quan hệ. Nếu các dấu hiệu trên khiến bạn nhớ về chính mình thì đây chính là thời điểm bạn nên thu lại tình cảm và tự hỏi bản thân rằng: “Liệu bạn có đang đánh mất chính mình? Bạn có thấy tự ti không? Bạn có cảm thấy bị mắc kẹt không?”
Nếu câu trả lời là có, bạn đang ở trong một mối quan hệ không lành mạnh. Và đây là lúc bạn nên dành cho bản thân những điều tử tế.
Để giúp mối quan hệ luôn lành mạnh, bạn và người yêu có thể cân nhắc việc tìm một bác sĩ tâm lý. Nhờ có họ, mối quan hệ sẽ luôn được nhìn ở góc độ khách quan, cũng như bạn có thể nhờ qua bác sĩ tâm lý để nhắn gửi những tâm sự của mình cho nửa kia. Việc cải thiện được mối quan hệ là hoàn toàn có thể nhưng nó đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải tỉnh táo và chú ý hành vi của mình cũng như ngừng đặt quá nhiều hy vọng vào mối quan hệ. Nếu đối phương không thay đổi hoặc không sẵn sàng bỏ công sức, việc duy trì mối quan hệ này sẽ không đem lại hạnh phúc cho bạn.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì?
#Nghĩ: 8 kho báu tình yêu mà chúng ta đều sở hữu
Tình yêu Pocketing: Khi đời ai người nấy sống, bố mẹ ai người nấy chăm
Chủ nghĩa khắc kỷ dạy chúng ta điều gì về tình yêu?
Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…