Shopping

13 lí do không nên xem "13 Lí Do Tại Sao"

Với 13 tập phim kể về 13 lí do khiến cô gái 17 tuổi tìm đến cái chết, bộ phim mô tả trần trụi những góc tối học đường như bạo lực, bắt nạt, lạm dụng tình dục. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh trước thái độ thờ ơ của người lớn. Tuy nhiên, “13 Lí Do Tại Sao” lại không phải là một bộ phim nên xem, đặc biệt là với những bạn trẻ đang gặp vấn đề trong cuộc sống.
Warning: Bài viết và bộ phim có thể khiến đời bạn thêm u ám. Hãy cân nhắc trước khi đọc tiếp.

Tự tử không phải là một sự lựa chọn

Ở cái độ tuổi cấp 2, cấp 3, ai trong chúng ta cũng từng nghĩ đến cái chết. Đây là lí do bộ phim rơi vào danh sách đen với bất cứ ai có dấu hiệu trầm cảm. Liệu các khán giả trẻ có tìm được lí do của mình qua câu chuyện của Hannah, và chọn cách giải thoát hệt cô nàng? Dĩ nhiên, bạn sẽ không mong một vài tựa báo về những cô cậu kết liễu đời mình theo motif “13 lí do tại sao” rồi.
Con gái của nam ca sĩ Michael Jackson, Paris Jackson cũng từng lên tiếng cảnh báo về nội dung bộ phim “Hãy xem phim với một tâm lý cảnh giác và cần phải nhớ trong đầu rằng phim có thể khiến tâm trạng bạn thêm u ám. Nếu bạn đang gặp phải khó khăn, làm ơn đừng xem nó”.

Bộ phim không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ảnh: Netflix

Bộ phim có đang lãng mạn hóa chuyện tự tử?

Hannah là hiện thân, là tiếng nói của những nạn nhân chịu đựng sự bạo hành. Nhưng tất cả những gì cô làm lúc đó là im lặng và chịu đựng. Chỉ khi Hannah mất đi, tiếng nói của cô mới được mọi người lắng nghe, mẹ cô mới tất tả tìm hiểu về cuộc sống của con gái, hay cậu trai Clay mới thương nhớ đến cô. Nó vô tình truyền vào đầu những khán giả trẻ ảo tưởng “Sau khi mình chết, liệu có ai nhớ đến mình không?”.
Bên cạnh đó, hành động để lại những cuốn băng của Hannah cũng giống như một kế hoạch trả thù, giày vò những kẻ từng khiến đời cô điêu đứng. Chi tiết này khiến cho vụ tự sát nghe có vẻ rất thỏa đáng. Đây cũng chính là một trong những thông điệp sai lầm đằng sau “13 Lí Do Tại Sao”. Bởi thực tế sẽ chẳng bao giờ diễn ra như vậy. Có chăng nó chỉ kéo theo câu chuyện rắc rối bên dưới.

Hannah không chỉ hủy hoại cuộc sống của mình

“Đây là lỗi của cậu, Hannah à. Cái mớ hỗn độn này bắt đầu từ cậu. Cậu đã làm rối tung cuộc đời của người khác” – Clay Jensen.
Việc Hannah tự vẫn và để lại cuốn băng đã khiến cuộc sống của mọi người trở nên đảo lộn. Nó khiến bố mẹ cô li thân, Jessica – một nạn nhân khác trong vụ lạm dụng bị dằn vặt. Hay như Clay, cậu bạn tử tế bị ám ảnh bởi bóng ma Hannah, tự cho rằng mình chính là lí do cô nàng từ bỏ cuộc sống, dù cậu chẳng hề có lỗi.

Hannah đã khiến cuộc sống của mọi người trở nên đảo lộn. Ảnh: Netflix

Mục đích của những cuốn băng chỉ để đổ lỗi cho người khác, như thể, nếu bố mẹ, nhà trường, hay bạn học của cô hành động khác, có lẽ sẽ không dẫn đến cái chết của cô gái ở tuổi xuân xanh. Tuy nhiên, đừng quên rằng chính Hannah đã không lựa chọn. Cô sẵn sàng ghi âm 13 lí do mình tự tử, nhưng lại chẳng thể dành cho mình 1 lí do để tiếp tục. Nếu có bài học gì đó trong bộ phim, tôi nghĩ nó chính là “Đừng như Hannah”.

Hannah không hoàn toàn là nạn nhân

Trong phim, Hannah đích thị là một “nữ hoàng thị phi” khi nhiều lần tự đưa bản thân vào rắc rối, tiêu biểu như đến dự bữa tiệc của Bryce dù biết rõ cậu ta là loại người như thế nào. Cô cũng góp một tay vào nỗi bất hạnh của Jessica khi trốn trong tủ, để mặc cho người bạn thân cũ của mình bị lạm dụng. Hannah dường như không hề quan tâm đến cảm nhận của Jessica khi gởi cô bạn và những người liên quan cuốn băng kể chi tiết về việc cô ấy đã bị hại. Giả như Jessica cũng chọn cách tự sát, chắc chắn Hannah sẽ trở thành một trong những lí do tại sao.

Để Jessica nghe những cuốn băng là một cách trả thù “tàn nhẫn”. Ảnh: Netflix

Liệu có cần thiết đến 13 lí do dài dòng?

Vì lỡ gắn mác với con số 13 nên bộ phim bị kéo dài đến mức không cần thiết. Đôi khi câu chuyện về Hannah Baker phải ngồi ghế dự bị để dành chỗ cho những tuyến nhân vật phụ. Với mạch phim dài lê thê, kịch bản cẩu thả chỉ quan tâm đến việc gây sốc, điều duy nhất níu giữ khán giả ở lại có lẽ là lí do đẩy cô nàng đến bước đường cùng.

Clay Jensen – Cậu bạn tử tế vô tình bị kéo vào cuộc đời rắc rối của Hannah. Ảnh: Netflix

Bên cạnh đó, 13 lí do của Hannah cũng không hoàn toàn thỏa đáng, không phải bất cứ ai được xướng danh trong những cuốn băng cũng phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của cô nàng, điển hình như cậu bạn tử tế Clay Jensen. Đầu phim, Clay xuất hiện như một thám tử điều tra về cái chết của Hannah. Cho đến khi nghe đến cuộn băng Hannah nhắc tên mình như một trong những lí do khiến cô nàng tự sát, cả khán giả lẫn Clay đều không khỏi bàng hoàng. Chính sự đòi hỏi, và cách đổ lỗi có phần vô lý của Hannah khiến người xem cảm thấy bất bình với series.

Những chiêu trò gây sốc của nhà đài

Dẫu biết đây là một tác phẩm hơi đen tối của nhà đài Netflix, tuy nhiên một số phân đoạn lại quá tàn nhẫn so với một bộ phim học đường. Đặc biệt là cảnh lũ học trò máu lạnh đập đầu Tyler vào gương, dìm đầu cậu xuống bồn toilet và làm nhục cậu bằng một cây chổi. Cảnh phim này đã khiến một bộ phận lớn khán giả phẫn nộ. Rõ ràng, đây là một chi tiết không cần thiết. Những kẻ làm phim chỉ quan tâm đến việc gây sốc chứ chẳng để lại bất cứ giá trị nào. Khi cảnh phim được phát sóng đã vướng phải không ít lời chỉ trích của cộng đồng mạng.

Netflix vướng phải làn sóng chỉ trích sau khi tập cuối phát sóng. Ảnh: Twitter

The Millennials xin phép dừng bài viết ở lí do thứ 6, vì không muốn kéo dài mọi thứ như cách đài Netflix đã làm. Đây vẫn là một series khá chất lượng về phần hình ảnh và âm nhạc, đánh đúng vào chủ đề nóng hổi trong xã hội. Tuy nhiên, với kịch bản vụng về và những chi tiết gây sốc, “13 Lí Do Tại Sao” có thể khiến người xem, phần lớn là những cô cậu tuổi teen chưa đủ nhận thức, có những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống và tự làm hại bản thân.
Nên nhớ, bạn có thể tìm thấy hàng tá lí do để ra đi, không cần đến 13 lí do trên. Nhưng thử nhìn vào mặt khác của cuộc sống, đôi khi chỉ cần một lí do để ở lại. Hãy tự tặng cho mình một lí do để tận hưởng cuộc sống, vì bạn xứng đáng.
PetiteXam

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

16 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago