Mỗi năm cứ đến dịp này, sau phần “tổng kết” năm cũ sẽ là những điều chúng ta muốn đạt được trong năm mới. Tuần đầu tiên của 2021 sắp qua, bạn đã có dự định gì cho năm nay chưa?
Cho đến khi chúng ta hoàn thiện và phổ biến vắc-xin COVID-19 thì “cách ly” hay “giãn cách xã hội” vẫn sẽ diễn ra thường xuyên. Thế thì tại sao không biến 2021 thành năm đọc sách?
Việc đọc cho chúng ta cơ hội để tiếp xúc với những quan điểm khác nhau, từ đó nâng cao nhận thức cũng như tăng khả năng đồng cảm. Trong mỗi khóa học, sinh viên của tôi đều phải đọc rất nhiều thứ, tiếp thu nhiều luồng tư tưởng từ các tác giả khác nhau, nhằm mục đích tìm kiếm sự thật, thấu hiểu những xung đột, công nhận tính hợp pháp và nhân văn trong từng câu chuyện, từng ý kiến riêng biệt.
Nếu phần đọc của khóa học được cấu trúc tốt, khi kết thúc học kỳ, các bạn sinh viên sẽ trở nên cởi mở hơn rất nhiều trong việc tiếp nhận những quan điểm khác nhau, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của sự đoàn kết.
Vậy nhưng xin đừng nghĩ rằng chỉ có sinh viên mới cần phải đọc. Tất cả chúng ta đều có thể, và đều nên đọc sách. Không chỉ thế, còn phải đọc thật nhiều. Hãy tìm những tác giả mà bình thường bạn không đọc. Hãy xem xét những người viết nêu quan điểm ngược với những gì bạn tin tưởng. Sau đó, khi trở về với cuộc sống bình thường, hãy tự hào rằng bạn đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
— Tiến sĩ Samuel Abrams – Giáo sư Chính trị và Khoa học Xã hội (Sarah Lawrence College); Học giả thỉnh giảng (Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ) —
Tò mò là một đức tính quen thuộc và quan trọng. Nó là nguyên nhân sâu xa của những phát minh lớn về khoa học kỹ thuật. Nó giúp biến ý tưởng thành hiện thực. Thậm chí, nhờ vào tò mò, bạn có thể nấu ăn ngon hơn hoặc đá bóng giỏi hơn.
Tuy nhiên, chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của đức tính này trong việc tạo dựng lại liên kết trong một thế giới hiện đang bị “ngắt kết nối”. Nếu bạn tò mò, bạn sẽ đánh giá cao việc người nào đó sẽ có câu trả lời cho những gì bạn đang muốn biết. Đây là tiềm năng của sự kết nối. Bạn háo hức muốn biết xem người đối diện có thể dạy bạn điều gì. Đồng thời, bạn cũng không dễ dàng phán xét người khác. Bạn sẽ đặt câu hỏi trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Thế nhưng, sẽ rất khó để giữ mình trong trạng thái “đói kiến thức” như thế này. Nếu bạn không dũng cảm, thiếu lịch sự, hay quá nóng vội, người khác sẽ dễ dàng nhận ra điều đó (và nếu bạn gây ra hậu quả nghiêm trọng, cứ yên tâm là người ta sẽ nói cho bạn hay thôi). Nhưng khi bạn không đặt câu hỏi, sẽ chẳng ai để ý cả. Và như thế, bạn sẽ quên đi rằng đức tính này cũng cần được rèn luyện và thực hành thường xuyên.
Hãy biến 2021 thành năm của sự tò mò. Hãy hỏi nhiều thứ hơn, hỏi hay hơn, và hỏi chân thành hơn, để từ đó biết quan sát sự việc từ nhiều góc độ khác nhau, cảm thông với người khác, và cuối cùng là tiến đến sự kết nối giữa người với người.
— Tiến sĩ Emily Chamlee-Wright – Chủ tịch Viện nghiên cứu Nhân học (George Mason University) —
Bảy tỉ rưỡi người trên Trái đất này sẽ có bảy tỉ rưỡi cách nhìn nhận thế giới khác nhau. Mặc dù sự đa dạng này mang lại lợi ích, nhưng nó cũng đồng thời phát sinh những vấn đề do xung đột quan điểm.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chính cơn đại dịch toàn cầu này lại cho chúng ta cơ hội hàn gắn những rạn nứt do khác biệt kể trên. Mặc dù mỗi người đều phải đối phó với những tác động của đại dịch ở quy mô cá nhân, nhưng đồng thời chúng ta cũng “được” chiêm nghiệm cách mà những người ở những vùng đất, trong những độ tuổi, làm những nghề nghiệp khác nhau đang dùng để chống đỡ mối hiểm họa chung này.
Sự chiêm nghiệm này có tiềm năng mang đến cho chúng ta một món quà mà lợi ích của nó vượt xa tất cả những tác hại của đại dịch – một dạng “thuốc giải độc” cho sự phân cực độc hại đang đe dọa không riêng một quốc gia nào.
Hãy dành ra 365 ngày tới để ngắm nhìn thế giới và nhận ra nó không hoàn hảo đến mức nào, như cách hàng tỉ người khác vẫn đang nhìn.
— Bác sĩ Jeffrey Flier – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Y (Harvard University) —
2020 đem đến cho chúng ta sợ hãi, buồn bã, và tức giận đủ dùng trong một thập kỷ hoặc hơn. Phần lớn những cảm xúc tiêu cực này đến từ bên ngoài. Nhưng một phần trong số chúng là kết quả của việc tâm trí chúng ta không ngừng “nói nhảm”.
Ngay cả vào một ngày không có gì nổi trội, và bạn đang chăn ấm nệm êm trong nhà, thì tâm trí bạn vẫn có thể lang thang khắp nơi, khiến bạn bận rộn với những việc không vui hay những thứ không thật sự quan trọng. Bất chấp bạn có nỗ lực kiềm chế thế nào thì những suy nghĩ này vẫn sẽ cứ “không mời mà đến”.
Tuy nhiên, tin tốt là bạn có thể giảm tần suất xuất hiện của chúng bằng cách thực hành những biện pháp giúp tĩnh lặng tâm trí như thiền định hoặc sống theo chánh niệm. Điều này sẽ có ích trong năm 2021 – một năm với nhiều “tàn dư” từ 2020 để giải quyết.
— Tiến sĩ Mark Leary – Giáo sư danh dự về Tâm lý học và Khoa học Thần kinh (Duke University) —
Trong Kinh thánh, có một dụ ngôn thế này: Pharaoh nằm mơ thấy 7 con bò mập mạp đẹp đẽ. Sau đó Ngài lại thấy 7 con bò gầy guộc xấu xí. Và đám bò gầy nuốt chửng những con béo tốt. Giấc mơ này ý nói: Sắp tới, xứ Ai Cập sẽ có 7 năm đói kém. Nhưng mọi người sẽ vượt qua thời gian này, nhờ số lương thực tích trữ trong 7 năm được mùa trước đây.
Nói theo một cách nào đó, thì chúng ta đã và đang sống đúng như giấc mơ này. Cách mọi người vượt qua đại dịch có liên quan mật thiết đến nguồn lực tinh thần mà chúng ta xây dựng trước đó, từ kiến thức đến các mối quan hệ, cũng như sức mạnh của tâm hồn. Tuy nhiên, dần dà, chúng ta đã dùng cạn “số lương thực” này, biến mình thành một đám đông ồn ào, nóng vội, và sẽ càng hỗn loạn hơn nữa sau khi đại dịch qua đi.
Trong năm nay, tôi nghĩ chúng ta có thể quay trở về với những công việc “tốn thời gian”. Đọc sách thay vì bấm điện thoại, vun đắp những mối quan hệ thay vì nằm dài xem tivi, cầu nguyện hoặc thiền định thay vì ngồi lì lướt web hay chơi điện tử. Những công việc “tốn thời gian” này sẽ giúp bạn đủ tĩnh lặng để nuôi dưỡng niềm tin và sức mạnh nội tại để đối mặt với thế giới hỗn loạn này.
Hãy làm một người nông dân, đừng làm một người du mục. Hãy gieo trồng và gặt hái. Du mục đi rất nhiều nơi, nhưng chỉ có nông dân mới làm cho mọi thứ phát triển.
— Rabbi David Wolpe – Giáo sĩ Cao cấp Max Webb (Sinai Temple) —
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…