Hệ limbic(*) không quan tâm bạn là người thế nào. Nó không đánh giá nếu bạn có khạc nhổ ngoài đường. Nó cũng không phải là nguyên nhân khiến bạn ngày nhớ đêm chờ được crush trả lời tin nhắn. Mục tiêu duy nhất của nó là giữ cho bạn sống sót.
Ngoài ra, hệ limbic còn ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận mọi thứ quanh mình, kể cả những con người khác. Nó đọc ngôn ngữ cơ thể. Những kết luận mà hệ limbic đưa ra có tính chất tức thời, chính xác nhưng vẫn lẫn màu phán xét.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể “tận dụng” hệ limbic để mang lại lợi ích cho mình, bằng cách học cách kiểm soát những hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ (non-verbal language behaviours).
(*) Hệ limbic (hệ viền) là một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người, đặc biệt là những cảm xúc liên quan đến sự sống còn như sợ hãi và tức giận. Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về danh sách đầy đủ các cơ quan trong hệ thống limbic. Các cơ quan thường được chấp nhận gồm: vùng dưới đồi, hồi hải mã, hạch hạnh nhân, thể chai.
Chúng ta thường hiểu lầm rằng 93% những giao tiếp ta thực hiện là giao tiếp phi ngôn ngữ. Tuy nhiên, thuật ngữ phi ngôn ngữ (non-verbal) không đồng nghĩa với ngôn ngữ cơ thể (body language). Nó còn bao gồm cách bạn trò chuyện nữa. Tỉ lệ thực tế của các thành tố khi giao tiếp là 55% giao tiếp thông qua ngôn từ (verbal), 38% tông giọng (tone of voice), và 7% cách dùng từ (word-choice).
Khoa học đã chứng minh con người có bản chất tương hỗ. Chúng ta có xu hướng “trả lại” những gì mình nhận được. Nghe có vẻ khó tin nhưng bạn hoàn toàn có thể ghét một người chỉ vì họ thể hiện (vô tình hoặc cố ý) rằng họ không ưa bạn.
Có lẽ bạn hay nghe lời khuyên này khi trò chuyện với ai đó: đứng thẳng, thả lỏng vai, nói từ tốn, và nhìn vào mắt đối phương. Đây không đơn thuần là cách để bạn trông tự tin hơn, mà nó còn gửi đi thông điệp rằng “Tôi tin tưởng bạn. Tôi cảm thấy thoải mái khi ở cạnh bạn.”
Não bộ đối phương sẽ tiếp nhận và “dịch” lại để họ biết rằng, “Người này thích sự hiện diện của bạn đấy.” Ngược lại, nếu bạn tỏ ra bồn chồn, không thoải mái, đảo mắt, nhịp chân, thu mình lại,… đối phương sẽ không có kết luận nào khác ngoài việc bạn không thích nói chuyện với họ. Bằng cách thể hiện sự bình tĩnh, bạn sẽ “lừa” được hệ limbic của đối phương, cho dù thật ra lúc ấy bụng đang “đánh lô tô” dữ dội.
Trở thành một người dễ mến đem lại những lợi ích rất lớn. Nó ảnh hưởng đến cách mọi người đối xử với bạn.
Photo: Hannah Swann
Tưởng tượng bạn đang trên một chuyến bay. Máy bay hạ cánh. Sau khi mọi thứ đã ổn định, tiếp viên thông báo hành khách có thể rời khỏi đó. Hàng ghế đầu đứng dậy, dỡ lấy hành lý trong khoang phía trên và di chuyển xuống máy bay. Tiếp đó, hàng thứ hai đứng dậy… Cứ thế, mọi người tuần tự đi ra. Đó là một quá trình đơn giản và hiển nhiên.
Bạn ngồi tại chỗ của mình, kiên nhẫn chờ đến lượt. Người cuối cùng của hàng trên vừa rời đi. Bạn đứng dậy, lấy hành lý, ra hiệu cho bà cụ dãy ghế bên kia đi trước.
Nhưng khi bà vừa đứng lên thì một người hàng ghế sau đã vội bước tới, huých bà cụ ngã xuống ghế.
Hành vi không tôn trọng luật lệ và người khác này có thể bắt gặp mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ trên các phương tiện di chuyển. Ai cũng có thể chen hàng trong siêu thị, ai cũng có thể lấn làn trên đường, ai cũng có thể vì lợi ích của mình mà không ngại làm phiền một người, thậm chí một nhóm người khác.
Hãy để người khác cũng có cơ hội ra khỏi máy bay. Học cách hợp tác cả với những người xa lạ. Không ai thích ở gần một người ích kỷ cả đâu.
Photo: Couple In The Shuttle
Bạn match một cô nàng / anh chàng cực dễ thương trên ứng dụng hẹn hò. Cả hai nói chuyện vô cùng ăn ý. Tối nay là buổi hẹn đầu tiên của hai người.
Bạn hồi hộp đến nơi hẹn. Buổi gặp mặt diễn ra khá suôn sẻ, ngoại trừ việc cô ấy / anh ấy dùng điện thoại hơi nhiều trong buổi hẹn 2 tiếng.
Nhưng không vấn đề gì. Có thể đó là một người bận rộn. Bạn cũng là một người hay dùng điện thoại mà. Thế là hai người gặp nhau lần thứ hai. Lần này, cô ấy / anh ấy không ngại ngần mà lướt điện thoại ngay trong lúc bạn đang nói chuyện.
Bạn về nhà. Hai người cũng chẳng gặp nhau lần nào sau đó nữa.
Nghiện điện thoại đã và đang trở thành một căn bệnh nan y. Trong một khảo sát, 10.000 người độc thân cho biết check điện thoại trong cuộc hẹn là thứ gây “mất hứng” nhất. Đừng ngại ngần “ngắt kết nối” khi bạn đang tương tác với người khác. Đó là điều tôn trọng tối thiểu bạn dành cho họ.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…