Tình yêu là gì? What is love (không phải bài hát của TWICE)? Bạn chỉ cần hỏi một câu là sẽ nhận về 7749 câu trả lời, trong đó không thiếu những trường hợp câu này “vả” câu kia chan chát, kiểu như Tình yêu là mộng đẹp và Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, hoặc Tình yêu chỉ đến với những ai dũng cảm theo đuổi và Theo tình tình chạy, trốn tình tình theo.
Xem thêm: 8 kho báu tình yêu mà chúng ta đều sở hữu
Nhưng có một điều ai cũng biết, rằng yêu ai đó không phải chuyện dễ dàng. Bạn có thể có cảm tình hoặc bị thu hút bởi người khác ngay giây phút đầu gặp gỡ, thế nhưng cần rất nhiều thời gian, sự thấu hiểu, và lòng hy sinh để xây dựng không chỉ tình yêu mà còn là sự đam mê, cảm giác thân mật, sự gắn kết,…
Một thứ phức tạp như tình yêu, liệu có thể nào được quy định bởi một “công thức” hay không?
Nghe cứ “như đùa” nhưng trong bài viết To Fall in Love With Anyone, Do This của tác giả Mandy Len Catron trong mục Modern Love của New York Times, bà đã đề cập đến “công thức” này. Chính xác hơn, đây là một nghiên cứu của tiến sĩ – giáo sư tâm lý học Arthur Aron nhằm mục đích khám phá xem liệu hai người hoàn toàn xa lạ có thể trở nên gắn kết với nhau hơn hay không sau khi cùng trả lời 36 câu hỏi và nhìn vào mắt nhau trong 4 phút.
Năm 1967, tiến sĩ tâm lý học Arthur Aron phát hiện ra 2 thứ vĩ đại: tình yêu đời mình, và khởi nguồn cho công trình nghiên cứu nổi tiếng sau này về tình yêu.
“Xu hướng thời bấy giờ là nghiên cứu những chủ đề mà mọi người cho rằng không thể dùng khoa học để lý giải. Cùng lúc ấy, tôi tìm thấy bạn đời của mình, tình yêu cùng sự hỗ trợ của bà ấy là động lực để tôi chọn tình yêu làm đề tài của mình.”
Vợ chồng nhà Arons khi còn trẻ
30 năm sau, Arthur Aron cùng cộng sự kiêm bạn đời của ông – bà Elaine Aron – công bố nghiên cứu về quy trình tạo dựng sự gần gũi. Đây chính là cái mà ngày nay chúng ta thường gọi là “công thức tình yêu 36 câu hỏi”. Ý tưởng ban đầu của nhà Arons là nghiên cứu về những yếu tố tác động đến sự gần gũi, cũng như cách nó ảnh hưởng đến não bộ, hành vi, và các hormones trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” khiến người ta yêu nhau lại là thứ làm nó nổi tiếng đến tận bây giờ.
2 người đầu tiên tình nguyện tham gia thử nghiệm “36 câu hỏi” là trợ lý nghiên cứu của nhà Arons. Khi ấy họ không rõ mục đích của nghiên cứu là gì. Tuy nhiên sau khi tham gia thử nghiệm, cả hai nhanh chóng phát triển tình cảm. Tất cả những người làm việc tại phòng lab đều được mời đến dự đám cưới sau đó.
Giáo sư Aron cho biết bộ câu hỏi này bắt buộc người tham gia phải tự tiết lộ những điều khác nhau về bản thân. Nói cách khác, bạn sẽ phải “giải giáp” chính mình và để cho đối phương nhìn thấu mình. Không chỉ đơn thuần là màu sắc yêu thích, tên cún cưng nhà bạn, mà đó là những trải nghiệm riêng tư nhất, xúc động nhất, đó là những mong muốn, những “góc khuất” của bạn. Việc cho phép ai đó nhìn thấy khía cạnh yếu đuối và dễ tổn thương của bản thân đòi hỏi sự tin tưởng rất cao. Sự tin tưởng và mức độ gần gũi có mối quan hệ tương hỗ, bạn càng tin ai, thì bạn càng gần gũi (về tâm lý) với người đó, và ngược lại.
Theo chuyên gia tư vấn và trị liệu tâm lý Matt Davies, những câu hỏi này cho phép chúng ta hiểu rằng, ai cũng có mặt tốt mặt xấu, có những nỗi sợ, có thành công và có cả lỗi lầm. Đó là điều gắn kết chúng ta. Sự gần gũi về mặt tâm lý là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn đến lòng đam mê (passion). Và kết quả là từ chỗ hoàn toàn không quen biết nhau nhưng hai người lạ vẫn có thể phải lòng nhau sau khi tham gia “bài tập” tạo gắn kết này.
Làm thế nào để thoải mái bộc lộ bản thân với một người hoàn toàn xa lạ? Các câu hỏi được chia thành 3 phần, với mức độ riêng tư tăng dần, nhằm mục đích để cả hai đều cảm thấy thoải mái khi bắt đầu. Ngoài ra, giáo sư Aron còn tiết lộ rằng việc hai người có điểm chung với nhau hay không không quan trọng bằng việc cả hai tin rằng đối phương “có gì đó” giống mình. Một số câu trong bộ “công thức” này được thiết kế để tạo ra niềm tin ấy, và trong trường hợp câu trả lời của người kia trùng với bạn, khả năng bạn có cảm tình với họ và muốn tìm hiểu thêm về người này càng cao.
Câu trả lời là có. Không những thành công khiến hai người trở nên gần gũi, thân mật với nhau hơn, mà nó còn có thể dẫn đến tình yêu. Tuy nhiên, hiệu-ứng-36-câu-hỏi sẽ kéo dài trong bao lâu?
Câu trả lời từ chính “cha đẻ” cho biết: “Không có nhiều nghiên cứu về tác động lâu dài của những câu hỏi này. Hầu hết những nghiên cứu đã thực hiện chỉ xét đến quy mô trong phòng thí nghiệm. Kết quả nhận được từ những người tham gia một giờ sau đó, là họ cảm thấy rất thân thiết với người kia. Thế nhưng 6 tháng sau mọi chuyện thế nào thì chúng tôi không biết được.”
Tuy nhiên, tiến sĩ Aron đã chỉ ra rằng quy trình tạo dựng sự gần gũi qua 36 câu hỏi này có hiệu quả lớn hơn và lâu dài hơn với những người đã kết hôn. Kết quả từ các cặp đôi cho biết không chỉ mức độ thân thiết và gần gũi giữa họ được gia tăng mà tình cảm đôi bên dành cho nhau cũng thế.
Như vậy, nếu thích, bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm “công thức tình yêu” này trong cuộc hẹn hò sắp tới. Tuy nhiên, chuyện sau đó thế nào lại phụ thuộc vào cả hai. Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng của một mối quan hệ, ngay cả với những mối quan hệ không lãng mạn:
một trong hai có sức khỏe tinh thần kém
những căng thẳng (stress) do biến cố quan trọng trong đời
ảnh hưởng những người bạn giao du hoặc ở gần bạn (bạn bè, gia đình)
kỹ năng giao tiếp kém
Để duy trì mối quan hệ, bạn cần giữ cho những yếu tố này luôn cân bằng. Với những mối quan hệ lãng mạn thì sự thông cảm và sẻ chia rất quan trọng. Hãy bên họ khi họ lúc buồn cũng như lúc vui. Ngoài ra, bạn và người kia có thể thường xuyên cùng thực hiện những điều thú vị, mới mẻ để giữ vững và duy trì đam mê hai người dành cho nhau.
1. Nếu có thể lựa chọn bất cứ người nào trên thế giới, bạn sẽ rủ ai cùng ăn tối?
2. Bạn có muốn trở nên nổi tiếng không? Bằng cách nào?
3. Bạn có “nhẩm ” lại những gì định nói trước khi gọi điện cho ai đó không? Vì sao?
4. Điều gì làm nên một ngày “hoàn hảo”?
5. Lần cuối cùng bạn “tự hát tự nghe” là khi nào? Còn hát cho người khác nghe thì sao?
6. Nếu cuộc đời dài 90 năm, thì trong 60 năm còn lại, bạn sẽ chọn duy trì ngoại hình hay trí tuệ của năm bạn 30?
7. Bạn có linh cảm bí mật nào về cái chết của mình không?
8. Kể 3 điểm chung giữa bạn và người đối diện
9. Bạn biết ơn điều gì nhất trong cuộc sống?
10. Nếu có thể thay đổi bất cứ điều gì trong cách bạn được nuôi dạy từ bé đến giờ, đó sẽ là gì?
11. Kể lại câu chuyện đời mình trong 4 phút, càng chi tiết càng tốt.
12. Nếu sáng mai thức dậy, bạn được “Trời ban” một đức tính hoặc một khả năng, đó sẽ là gì?
13. Nếu có một quả cầu pha lê cho bạn biết sự thật về bản thân, về cuộc đời, về tương lai, hoặc bất cứ thứ gì khác, thì bạn muốn biết điều gì?
14. Có điều gì mà bạn ao ước sẽ thực hiện từ rất lâu rồi không? Tại sao bạn vẫn chưa làm?
15. Thành tựu lớn nhất đời bạn là gì?
16. Bạn xem trọng điều gì nhất trong tình bạn?
17. Ký ức trân quý nhất của bạn là gì?
18. Còn kỷ niệm tồi tệ nhất thì sao?
19. Nếu biết trước chỉ còn 1 năm để sống, bạn có muốn thay đổi điều gì về cách mà mình đang sống không? Vì sao?
20. Tình bạn có ý nghĩa thế nào với bạn?
21. Tình yêu và tình cảm nói chung có vai trò gì trong đời sống của bạn?
22. Lần lượt chia sẻ 5 khía cạnh tích cực của nhau theo suy nghĩ và cảm nhận của mỗi bên.
23. Gia đình bạn ấm áp và thân thiết như thế nào? Bạn có cho rằng tuổi thơ của mình hạnh phúc hơn nhiều người không?
24. Mối quan hệ giữa bạn và mẹ như thế nào?
25. Đặt 3 câu bắt đầu bằng “chúng ta”, và 3 câu ấy phải chính xác. Ví dụ, “Chúng ta đang ở trong phòng này, và cảm thấy rằng…”
26. Hoàn thành câu sau: “Ước gì có ai đó để tôi có thể chia sẻ về…”
27. Nếu có ý định trở thành bạn thân với người đối diện, hãy nói cho họ một điều quan trọng mà họ cần phải biết.
28. Nói với người đối diện những gì bạn thích ở họ. Cứ thành thật và nói ra ngay cả những điều bạn không thường nói với ai đó khi vừa mới gặp gỡ.
29. Chia sẻ với họ một kỷ niệm xấu hổ trong đời.
30. Lần cuối bạn khóc trước mặt ai đó là khi nào? Còn lần cuối bạn khóc một mình?
31. Nói với người đối diện về một điểm ở họ khiến bạn thích.
32. Xét tất cả mọi vấn đề thì đâu là việc nghiêm túc / nghiêm trọng đến mức không thể lấy ra đùa giỡn?
33. Nếu tối nay bạn chết và không còn kịp nói gì với ai, bạn sẽ hối tiếc về chuyện chưa nói nào nhất? Vì sao đến giờ bạn vẫn chưa nói cho người đó?
34. Nhà bạn cháy. Sau khi tất cả người thân và thú cưng đã được cứu, bạn còn có thể vào đó một lần cuối để lấy một món đồ. Đó sẽ là gì, và tại sao?
35. Cái chết của ai trong gia đình sẽ làm bạn bứt rứt nhất? Vì sao?
36. Chia sẻ một vấn đề cá nhân và hỏi ý kiến người đối diện nên giải quyết vấn đề đó như thế nào. Ngoài ra, nhờ họ phản hồi cảm nhận của mình về thái độ/cảm xúc của bạn đối với vấn đề mà bạn lựa chọn.
Tham khảo:
Behind the famous ‘36 questions that lead to love’ – Ange McCormack và nhà báo Sarah McVeigh
The 36 Questions That Lead to Love – Daniel Jones
Do the 36 questions to fall in love actually work? – Jasmine Lee-Zogbessou
Bài viết sử dụng hình ảnh minh họa của tác giả Puuung.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…