Kỵ sĩ Ba Tư – cha đẻ của giày cao gót
Ghi chép cổ nhất về giày cao gót xuất hiện vào cuối thế kỉ 16. Có hai bức tranh đang trưng bày ở Bảo tàng Victoria và Albert (London) – được cho là đã vẽ từ giữa năm 1591 và 1593, mô tả hình ảnh các kỵ sĩ Ba Tư đi giày cao gót.
Các nhà sử học cho rằng, giày cao gót được sáng tạo bởi những người lính Ba Tư không phải để đi bộ mà để vừa với yên cương. Theo đó, giày cao gót ra đời với mục đích giúp người lính giữ thăng bằng tốt và dễ dàng đứng vững ở trong kiềng khi cưỡi ngựa. Sáng tạo mang tính ứng dụng này của người lính đã giúp họ có thể bắn cung tên chuẩn xác hơn.
Giày cao gót nhanh chóng trở thành vật dụng không thể thiếu của những người cưỡi ngựa Ba Tư. Việc sở hữu ngựa vốn đã thể hiện sự giàu có và quyền lực của người lính, giờ đây, đôi giày cao gót còn phô trương sức mạnh của họ nhiều hơn thế nữa.
Những đôi giày có gót sau đó được du nhập đến châu Âu sau khi Persia’s Shah Abbas – người có đội kỵ binh lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, giới thiệu với các nhà cai trị nơi đây về sự tồn tại của những đôi giày tiện dụng này.
Giày cao gót nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực và nam tính trong tầng lớp quý tộc Châu Âu. Thậm chí, người ta còn cho rằng, phần gót càng cao thì địa vị của người mang càng lớn.
Phụ nữ cũng bắt đầu đi giày cao gót vào thời điểm này vì tính thiết thực của chúng.
Giày cao gót đã hoàn toàn chinh phục công chúng – đặc biệt là nữ giới, khi phụ kiện này lần đầu được xuất hiện trong lễ cưới của Nữ hoàng Pháp Catherine de Medici. Vì không muốn xuất hiện với chiều cao khiêm tốn, Nữ hoàng đã đặt một đôi giày đế cao cho lễ cưới vào năm 1533.
Giống như giày nam vào thời điểm đó, chiều cao của gót giày tương ứng với mức độ cao quý của người phụ nữ. Giày cao gót của phụ nữ được gọi là chopines và được sử dụng làm “giày ngoài” để che chắn những đôi giày bên trong của họ khỏi bụi bẩn. Những đôi giày được làm từ kim loại hoặc nút chai đặc biệt phổ biến ở Tây Ban Nha và Venice (Ý).
Giày chopines có đế nặng, một số đôi có chiều cao lên đến 20 inch (tương đương 50cm) làm cho những quý cô khó di chuyển khi không có người hầu hỗ trợ bên cạnh. Nếu không hình dung được độ “khủng” của những chiếc gót này, thì phần gót 20 inch đó có độ cao gấp 3 lần so với chiều cao trung bình giày cao gót dành cho vũ nữ thoát y ngày nay 7 inch (gần 18cm).
Một trong những người đi giày cao gót nổi tiếng nhất giai đoạn này là Vua Louis XIV của Pháp – người có chiều cao 5.4ft (tương đương 1m6) khá khiêm tốn. Ông đã đi giày cao gót để có vẻ cao hơn, quyền lực hơn. Nhà vua thậm chí còn thông qua điều luật quy định rằng chỉ những người thuộc dòng dõi quý tộc mới được đi giày cao gót để gia tăng quyền lực và đảm bảo uy tín của chiếc giày.
Trong những bức chân dung được trình bày tại các buổi trình diễn hoàng gia, nếu để ý kỹ sẽ thấy gót chân của Vua Louis XIV thường được nhuộm đỏ. Đây vốn được xem là một sắc tố để nhấn mạnh địa vị xã hội cao cấp nhất của ông.
Theo đó, nhà vua cũng đã từng thực thi một điều luật nghiêm cấm bất cứ ai không có giày đế đỏ vào tòa án của mình. Chính từ biểu tượng sang trọng và quyền quý này mà nhà thiết kế giày dép nổi tiếng người Pháp – Christian Louboutin, đã lấy cảm hứng sáng tạo cho đôi giày cao gót đế đỏ của mình.
Qua thế kỷ 18, giày cao gót ngày càng trở nên đa dạng và phân biệt giới tính rõ ràng hơn. Chẳng hạn như việc giày cao gót của phụ nữ được làm cao hơn, phần gót hẹp và mỏng manh hơn. Trong khi đó, giày cao gót của nam giới sẽ rộng hơn và chắc chắn hơn.
Trên thực tế, vào khoảng năm 1730, nam giới đã hoàn toàn ngừng đi giày cao gót vì tính nữ được gán cho phụ kiện này. Và sau Cách mạng Pháp 1789, phong cách giày của tầng lớp quý tộc đã có nhiều thay đổi.
Ý tưởng về việc sử dụng giày cao gót nam của hoàng gia đã chấm dứt, theo sau là toàn bộ cánh đàn ông cũng nhanh chóng “xóa sổ” thiết kế này như một cách thể hiện sự chán ghét của mình đối với hàng gia.
Sự trở lại của giày cao gót được ghi nhận vào thời đại Victoria. Giờ đây, được coi là một loại giày nữ tính, giày cao gót trở thành hiện thân cho sự tinh tế và gợi cảm của một người phụ nữ.
Sự ra đời của máy khâu vào năm 1846 là một cuộc cách mạng giúp cho phần trên của giày có thể được khâu gọn gàng vào đế của giày cao gót, tạo ra một mu bàn chân cong nhẹ thể hiện sự nữ tính.
Các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách của nữ giới ở châu Âu thời đó dưới dạng “Bưu thiếp Pháp” (những tấm bưu thiếp trong đó hình ảnh một phụ nữ khỏa thân, tạo dáng như một bức tượng cổ điển, chân mang giày cao gót). Điều này làm dấy lên ý tưởng rằng giày cao gót thật quyến rũ và vô cùng hợp thời trang. Giày cao gót khối vuông, ngắn, với chiều cao 2 inch trở thành kiểu giày được lựa chọn nhiều.
1900s – 19300s : Giai đoạn phát triển chìm nổi của giày cao gót
Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chân của phụ nữ luôn ẩn dưới chiếc váy dài nên phong cách giày không được quan tâm nhiều. Các phong trào đòi quyền tự do và đấu tranh cho quyền phụ nữ vào đầu thế kỷ 20 là nguyên nhân khiến cho giày cao gót phẳng hơn và thiết thực hơn do nhu cầu về độ thoải mái tăng cao.
Đến những năm 1920, thời trang Flapper dành cho những phụ nữ trẻ, yêu lối sống tự do, phóng túng trỗi dậy với kiểu trang điểm đậm, tóc bob, đội mũ chuông, mặc váy ngắn ngang gối, đã làm thổi bùng ngành sản xuất giày dép. Loại phụ kiện này bắt đầu được sản xuất hàng loạt, trở thành một mặt hàng thời trang dành cho tầng lớp trung lưu. Lúc này, phần lớn gót giày vẫn dưới 2 inch (khoảng 5cm) cho đến những năm 1920s khi thời trang được ưu tiên hơn tính thực dụng.
Các thiết kế trở nên kiểu cách, đề cao sự sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân. Sự hồi sinh của giày cao gót trong những năm 20s, một phần là do thời trang trở nên táo bạo hơn, và vì thế mà thiết kế của giày dép cũng không thể kém cạnh.
Tuy nhiên, cuộc đại suy thoái kinh tế vào những năm 1930 và Thế chiến II đã làm cho sự phổ biến của giày cao gót giảm mạnh do nhu cầu về một đôi giày thấp, rộng và thiết thực hơn ngày càng tăng. Thời trang cao cấp và xa xỉ là mối quan tâm xa vời nhất của mọi người vào thời điểm đó.
1950s – 1970s: Sự ra đời của giày gót nhọn
Tuy giày gót nhọn đã ra đời những năm 1930 nhưng phải đến khoảng thập niên 50 mới trở nên phổ biến khi các nhà thiết kế thời trang xuất hiện trên thị trường. Năm 1954, chiếc giày gót nhọn kiêu sa đầu tiên được ra đời bởi Roger Vivier (người Pháp) khi ông lên ý tưởng các thiết kế giày cho BST của Dior. Ngay lập tức, giày cao gót trở thành “cơn sốt” của phái đẹp, trở thành biểu tượng của sắc đẹp phụ nữ.
Ngày càng có nhiều thiết kế giày cao gót được nhìn thấy trong các cửa hàng và sự xuất hiện của các ngôi sao lớn của Hollywood như Marilyn Monroe hay Audrey Hepburn – những người luôn mang những đôi giày cao gót thời thượng cả trong phim lẫn ngoài đời, khiến cho các buổi biểu diễn giày cao gót trở nên rất phổ biến. Giày gót nhọn hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường giày dép nữ giới trong suốt những năm 60s.
1970s – 1990s: Giày đế thô lên ngôi
Vào những năm 1970s đã chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên vương thịnh của giày gót nhọn. Những đôi giày bằng chất liệu lụa, satin đắt tiền và trang trí cầu kỳ đã biến mất, thay vào đó là ý tưởng mang tính cách mạng về bình đẳng giới: giày da đế thô (platform) được cả nam và nữ ưa chuộng. Đây là loại giày có đế dày và chắc chắn và chiều cao chỉ vào khoảng 10cm.
Những đôi giày bằng chất liệu lụa, satin đắt tiền và trang trí cầu kỳ đã biến mất và nhường chỗ cho giày platform, nhưng ở các quốc gia khác, nhiều loại hình giày cao gót có hình thù độc đáo vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, những đôi giày cao gót đôi khi bị coi là biểu tượng của sự mê hoặc, ma quái và bị cấm sử dụng.
Các nhà thiết kế giày danh tiếng như Manolo Blahnik đã một lần nữa khiến cho giày cao gót trở nên phổ biến vào những năm 1980s và 1990s, nơi giày cao gót và những kiểu giày thời thượng, theo xu hướng được đưa lên sàn catwalk, Hollywood và cuối cùng là tủ giày của mọi phụ nữ.
Thời hiện đại, giày cao gót đã trở nên vô cùng quen thuộc với giới mộ điệu với vô vàn các lựa chọn về thiết kế và kích cỡ được các nhà thiết kế miệt mài sáng tạo, ngày càng trau chuốt về kiểu dáng, họa tiết, chất liệu… Chúng được coi là thứ phụ kiện quyền năng như hình tượng từ khi ra đời”, là trợ thủ đắc lực cho hầu hết phụ nữ để trở nên yêu kiều khi xúng xính váy áo xuống phố.
Giày cao gót đã không còn quá đắt đỏ, độc quyền hay cao quý như chúng đã từng khi giá thành đa dạng và phù hợp với mọi tầng lớp xã hội.
Ban đầu được tạo ra và mang bởi nam giới và đã bị “nữ hóa” theo thời gian, giày cao gót đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thịnh suy khác nhau, đại diện cho nhiều giá trị trong suốt các thời đại lịch sử – từ nam tính và quyền lực cho đến kiêu sa, nữ tính.
Tham khảo: Hannah Ellen
Xem thêm:
100 năm lịch sử của tóc mái
Hành trình “mím môi mà thắt” của phụ nữ qua lịch sử áo corset
#Nghĩ: Giày cao gót, tình dục, nữ tính và nữ quyền
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…