Mặc dù là cuối tuần nhưng không ít người lại ghét ngày Chủ Nhật, bởi đơn giản sau đó là một tuần dài với đầy những bài vở và công việc đang chờ đón chúng ta. Với một số người, Chủ Nhật còn mang lại cảm giác bồn chồn, lo lắng, cảm giác “mất kết nối” với hiện tại khi đi kèm với đủ nỗi lo vì một thứ Hai đang đến. Đây đều là những dấu hiệu của của hội chứng: nỗi sợ Chủ Nhật (Sunday Scaries).
Đây là một dạng của rối loạn lo âu chờ đợi (anticipatory anxiety). Những ai mắc căn bệnh này sẽ có cảm giác căng thẳng trong khoảng thời gian về một tình huống tương lai giả định/tưởng tượng chứa đựng một nguy cơ không thể lường trước. Với nỗi sợ Chủ Nhật, người ta dễ cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến những việc có thể diễn ra trong tuần tiếp theo.
Theo Tiến sĩ Susanne Cooperman, nhà tâm lý học thần kinh và phân tâm học tại NYU Langone Health, mỗi khi lo lắng, tuyến thượng thận sẽ tiết ra adrenaline và cortisol (hormone căng thẳng). Hai chất này tiết ra càng nhiều, bạn sẽ càng hồi hộp và bồn chồn hơn. Trong trường hợp “ngó lơ” không chữa trị, những cảm giác khó chịu, bồn chồn, sợ hãi xuất hiện dày đặc hơn, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến dạ dày. Quan trọng nhất là nó ảnh hưởng đến việc chúng ta tận hưởng một ngày cuối tuần trọn vẹn.
Tuy nhiên, cảm giác khó chịu này vẫn có thể được giải quyết. Theo khoa học, có đến 5 cách để vượt qua nỗi sợ Chủ Nhật và chuẩn bị tốt hơn cho tuần mới.
Để giải quyết bất cứ vấn đề gì, trước tiên bạn phải tìm đến gốc rễ của nó. Câu trả lời của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất thường là:
– Môi trường làm việc hiện tại quá độc hại hoặc quá nhiều drama.
– Bạn không có động lực làm việc, không vui vẻ hay hào hứng với công việc.
– Bạn đang “quá tải” công việc.
– Nỗ lực của bạn không được đánh giá đúng mức.
– Công việc quá dễ hoặc quá khó đối với bạn.
– Deadline đến rồi!
– Bạn sắp phải thuyết trình trong cuộc họp, chỉ nghĩ đến thôi là tay chân đã run rẩy.
Để tìm được nguyên nhân sâu xa, bạn nên dành thời gian tự hỏi vì sao mình lại thấy vậy. Từ đấy bạn sẽ tìm ra cách để sắp xếp lại suy nghĩ của mình và dần tìm được phương án hợp lý để giải tỏa những thứ làm bạn vò đầu bứt tóc mỗi Chủ Nhật.
Thay vì tất bật vào mỗi Chủ Nhật để lên kế hoạch cho tuần mới (hoặc tệ hơn nữa là… để đấy sáng thứ Hai tính tiếp), tại sao bạn không làm chuẩn bị tất cả vào thứ 6, hoặc vào ngày làm việc cuối cùng trong tuần của bạn?
Đầu tiên, liệt kê tất cả những việc bạn phải đối mặt vào thứ Hai (hoặc cho đến giữa tuần): tham gia cuộc họp nọ, gặp người này, giải quyết công việc kia,… Sau đó, với từng mục cụ thể, tiếp tục viết ra ít nhất một giải pháp mà bạn có thể làm trong vòng 24h tới để nó bớt đáng sợ hơn. Ví dụ: chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp, xem lại lần cuối những thứ cần thảo luận trong cuộc gặp mặt,…
Thực hành phương pháp này giúp bạn phân loại những nỗi lo lắng trong tuần mới, ghi nhớ tốt hơn các việc cần làm và dễ dàng nắm bắt lịch trình của mình. Chưa kể bạn vừa tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, vừa có thể bắt đầu một tuần mới với những kế hoạch đã được sắp xếp cẩn thận. Cuối cùng, bạn chỉ việc tận hưởng những ngày cuối tuần thật dễ chịu với các chầu cà phê, mua sắm…
Cuối tuần là lúc làm gì tùy thích, tuy nhiên đừng “làm quá”, đặc biệt vào Chủ Nhật, nếu không bạn sẽ xuất hiện tại chỗ làm vào ngày hôm sau trong trạng thái lừ đừ mỏi mệt. Hãy giải trí nhẹ nhàng, lý tưởng nhất là dành ngày này để nghỉ ngơi và “sạc” năng lượng cho tuần mới. Bạn có thể xem Netflix, đọc sách, viết nhật ký, hoặc dành thời gian thử nghiệm một công thức nấu ăn mới.
Ngoài ra, bạn có thể biến Chủ Nhật thành một ngày đáng trông đợi (thay vì sợ hãi) bằng cách làm những điều bạn thích vào ngày này, cố gắng duy trì để biến nó thành một thói quen. Ví dụ như mỗi trưa Chủ Nhật sẽ đi đến quán cafe yêu thích, mỗi tối Chủ Nhật sẽ ăn cơm cùng gia đình,…
Nếu bạn vẫn bồn chồn và lo lắng, hãy biến thứ Hai thành một ngày đáng mong đợi hơn bằng cách lên kế hoạch cho những hoạt động thú vị – thứ sẽ giúp “kéo mood” cho bạn. Bạn có thể hẹn hò hội bạn tại quán cafe mới khám phá được, tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi gym / yoga, hoặc tận hưởng buổi tối tại một một phòng trà nghe nhạc
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Đại học Rochester về “hiệu ứng cuối tuần“ (weekend effect), những người lên kế hoạch cho cả thứ Hai thể hiện mức độ kết nối và trạng thái tự chủ cao hơn những người chỉ có kế hoạch đến cuối tuần. Bởi vậy, để kéo dài tâm lý tích cực, hãy lên kế hoạch cho những điều thú vị ngay cả trong tuần nữa.
Nếu những phương pháp trên vẫn không hiệu quả, thì đây là biện-pháp-cuối-cùng: thay đổi triệt để. Bạn không thích môi trường làm việc hiện tại, vậy hãy tìm một công ty khác. Bạn không có hứng với công việc này nữa? Đổi việc, chuyển ngành, hoặc thậm chí thử tự mình kinh doanh gì đó xem sao.
Tất nhiên không có gì đảm bảo rằng chỉ cần thay đổi là bạn sẽ lập tức hết sợ Chủ Nhật, hơn nữa nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Tuy vậy, hãy cứ thử đi, vì cuộc sống quá ngắn để bạn dành mỗi ngày Chủ Nhật trong lo âu và sợ hãi.
Theo Calendar
Có thể bạn quan tâm:
7 kiểu nghỉ ngơi để nạp đầy năng lượng
#NgườiLớnĐiLàm: Làm thế nào để tránh xa “drama” nơi công sở?
Gửi điện thoại, Chủ Nhật này mình tạm xa nhau xíu nhé!
Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…