Cine

“Thử thách” bản thân cuối tuần với 5 tựa phim kinh dị về truyền thuyết đô thị

Truyền thuyết đô thị (urban legend) là những câu chuyện được phổ biến bằng cách truyền miệng hoặc bằng mạng internet. Các câu chuyện này đều mang yếu tố bí ẩn, kinh dị, rùng rợn về một nhân vật hoặc một sự kiện cụ thể. Các bộ phim về đề tài này đang trở thành xu hướng trong giới kinh dị và là nguồn cảm hứng dồi dào cho các đạo diễn, thay thế những chủ đề kinh dị đã quen thuộc, đơn cử như Chuyện Ma Gần Nhà – bộ phim Việt Nam đầu tiên thuộc thể loại này sẽ ra mắt vào năm sau.

Tuy nhiên, trong khi chờ phim ra mắt, hãy cùng The Millennials xem lại 5 tựa phim kinh dị về truyền thuyết đô thị được nhắc đến nhiều nhất dưới đây nhé.

Candyman (1992)

Được làm dựa trên câu chuyện gốc The Forbidden của bậc thầy truyện kinh dị Clive Barker, Candyman là một trong những phim truyền thuyết đô thị được nhắc đến nhiều nhất, và sẽ sớm xuất hiện trở lại trong tựa phim reboot do Jordan Peele đạo diễn. Bộ phim của biên kịch kiêm đạo diễn Bernard Rose hấp dẫn vì kết hợp hài hòa nhiều yếu tố với nhau: những truyền thuyết ám ảnh mọi người, những vụ án có thật, và vấn đề phân biệt chủng tộc.

Trong quá trình hoàn thành luận văn về các truyền thuyết đô thị, cô sinh viên Helen Lyle (Virginia Madsen) bị cuốn vào những vụ giết người bí ẩn tại các khu ổ chuột phía nam Chicago. Người ta cho rằng thủ phạm là Candyman – một linh hồn bí ẩn, có gốc gác là là người con trai chết oan của một nô lệ da đen.

Trên thực tế, những vụ giết người xảy ra do điều kiện nhà ở trong khu ổ chuột quá tệ, thủ phạm có thể dễ dàng đột nhập vào nhà qua những lỗ hổng trên tường chỉ được che lại sơ sài bằng đồ nội thất.
Ảnh: Candyman

Việc có kẻ mạo danh mình đã làm Candyman “thật” (Tony Todd) tức giận. Hắn quyết định lộ diện, kéo theo đó là chuỗi sự kiện kinh hoàng mà nhân vật chính phải trải qua…

Phân cảnh Candyman “ói” ra một đàn ong được đánh giá là một trong những kinh điển nhất của dòng phim kinh dị.
Ảnh: Candyman

Truyền thuyết: Thật ra Candyman có phần “ăn gian” vì phim không những dựa trên một truyền thuyết đô thị có sẵn mà còn tự mình tạo ra một truyền thuyết mới. Candyman được nhiều người xem là có liên quan đến truyền thuyết về Bloody Mary, vì cách “triệu hồi” hai nhân vật này giống nhau: nhìn vào gương và gọi tên họ.

Slender Man (2018)

Tại một thị trấn nhỏ ở Massachusetts, 4 cô gái Wren, Hallie, Chloe, và Katie đã “chơi dại” khi triệu hồi một nhân vật vô cùng nổi tiếng trong các câu chuyện creepypasta: Slender Man. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Katie được phát hiện đã mất tích một tuần sau đó.

Người đàn ông gầy gò hay Kẻ không mặt – tên “Việt hóa” của hình nhân khẳng khiu Slender Man
Ảnh: phim Slender Man

Mặc dù lấy đề tài truyền thuyết đô thị, cụ thể là creepypasta (thuật ngữ chỉ những câu chuyện đáng sợ được sáng tác và lưu truyền chủ yếu trên internet), thế nhưng Slender Man của đạo diễn Sylvain White lại nhận về một rổ đánh giá tiêu cực từ cả khán giả lẫn giới phê bình.

Nguyên nhân được cho là cách xây dựng dàn nhân vật chính diện quá nhạt nhòa. Katie, người diễn ra dáng nhất trong hội 4 người thì lại là nhân vật chết đầu tiên. Hơn nữa, phần thoại của các nhân vật cũng khiến khán giả “rùng mình” (đáng tiếc không phải vì sợ hãi) khi cuộc trò chuyện của những cô gái tuổi teen lại được viết ra bởi một biên kịch tuổi trung niên.

Tuy nhiên, phe phản diện Slender Man lại chiếm được cảm tình của khán giả nhờ tạo hình gây ám ảnh và hình dáng lòng khòng xiêu vẹo khi hắn xuất hiện từ trong bóng tối, đủ khiến bạn lạnh sống lưng.

Truyền thuyết: Slender Man là một sản phẩm của văn hóa đại chúng (pop culture) hiện đại. Hắn được mô tả là một người cao gầy không mặt, khoác bộ vest đen hoặc xám, cổ đeo cà vạt đen. Slender Man cực kỳ cao, có khi đến gần 3m. Hắn thường xuất hiện ở những nơi như: rừng, hầm rượu, ngã 3 đường vắng vẻ, nơi bỏ hoang. Slender Man có “sở thích” bắt cóc trẻ em, ngoài ra hắn có thể thâm nhập vào tâm trí nạn nhân và làm họ phát điên.

Slender Man theo mô tả trong creepypasta
Ảnh: Slender Man

The Mothman Prophecies (2002)

Cặp vợ chồng John Klein và Mary vô tình gặp tai nạn thảm khốc trên đường về nhà. Khi tỉnh dây, Mary khẳng đinh đã nhìn thấy một sinh vật nửa người nửa bướm nhưng John chẳng hề tin. Sau khi Mary qua đời vì bạo bệnh, John phát hiện cô để lại nhiều bức vẽ bí ẩn về nhân vật người bướm Mothman. Hai năm sau, trên đường đi công tác, John bị lạc đến tận một thành phố tên Point Pleasant. Tại đây, anh gặp cảnh sát Connie Mills, và được nghe thông tin về việc người dân vùng này đã gặp một sinh vật bí ẩn nửa người nửa bướm…

Ảnh: phim The Mothman Prophecies

Truyền thuyết: The Mothman Prophecies được đạo diễn Mark Pellington làm dựa theo quyển sách cùng tên, xuất bản năm 1975. Truyền thuyết về người bướm (mothman) là một câu chuyện rất phổ biến vào khoảng năm 1966 ở vùng Tây Virginia, sau khi người dân phản ánh rằng họ nhìn thấy một sinh vật bí ẩn với đôi cánh to sau lưng. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của sinh vật bí ẩn này, trong đó bao gồm câu chuyện rằng người bướm thật ra là đứa con bị dị tật bẩm sinh của một phù thủy. Truyền thuyết về sinh vật với đôi cánh sau lưng làm người ta sợ hãi, tuy nhiên hằng năm, người dân thành phố Point Pleasant vẫn tổ chức một dịp ăn mừng để tôn vinh nhân vật này.

Tượng người bướm tại thành phố Point Pleasant
Ảnh: Imgur/AnusMcRectum

Scary Stories to Tell in the Dark (2019)

Scary Stories to Tell in the Dark (Chuyện kinh dị lúc nửa đêm) là bộ phim kinh dị của đạo diễn André Øvredal, làm dựa trên bộ truyện cùng tên của Alvin Schwartz. Xuyên suốt nội dung của cuốn truyện là từng mẩu chuyện nhỏ với hình ảnh minh họa đầy ám ảnh trong mỗi trang truyện. Và năm 2019, những con quái vật gây ám ảnh nhiều người đã chính thức “sống dậy” trên màn ảnh qua bàn tay biến hóa tài tình của đạo diễn Øvredal và nhà sản xuất Guillermo del Toro – người chuyên trị dòng phim kinh dị / quái vật.

Scary Stories to Tell in the Dark nhận được những đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, với nhiều lời khen ngợi về yếu tố kinh dị, mặc dù một số người tỏ ra không thích việc phim lạm dụng quá nhiều vào yếu tố hù dọa bất ngờ (jump scares).

Truyền thuyết: Quyển sách gốc là tập hợp của nhiều truyền thuyết rùng rợn về những con quái vật, trong đó nổi bật có thể kể đến The Red Spot, kể về một cô gái bị nhện cắn. Khi vết cắn vỡ ra, bên trong lúc nhúc bầy nhện con mới nở.

Ringu (1998)

Ra đời năm 1998, Ringu được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ra mắt trước đó bảy năm của Koji Suzuki. Nội dung phim kể về một giai thoại bí ẩn xoay quanh một cuộn băng. Người ta đồn rằng cuộn băng kỳ bí đó mang một lời nguyền kinh khủng, khiến bất kỳ ai xem nó xong sẽ đột tử đúng một tuần sau đó.

Nữ phóng viên Reiko Asakawa (Nanako Matsushima thủ vai) là người thực hiện chuyên đề phỏng vấn các học sinh về câu chuyện đó và hành trình đưa cô tới một câu chuyện kinh hoàng: người cháu Tomoko của cô cùng ba người bạn khác đã qua đời vào cùng một ngày với gương mặt thể hiện rõ sự kinh hãi. Trước khi chết, bốn người bạn đã cùng đi chơi trong một căn chòi ở Izu xa xôi và những bức ảnh chụp cả nhóm đều có gương mặt bị méo mó biến dạng. Lần theo dấu vết, Reiko tới đúng nơi nhóm bạn trẻ qua đời và phát hiện ở đây một cuộn băng bí ẩn. Cô đưa nó vào đầu đọc và được xem những hình ảnh rùng rợn, không liên quan đến nhau. Ngay khi cuộn băng kết thúc cũng là lúc tiếng chuông điện thoại réo vang và Reiko nhận ra mình đã bị lời nguyền ám – cô chỉ còn bảy ngày để sống.

Hoảng hốt, Reiko cầu viện tới sự giúp đỡ của người chồng cũ Ryuji Takayama (Hiroyuki Sanada). Để tìm hiểu rõ ngọn ngành, người đàn ông này quyết định xem cuộn băng ma quỷ bất chấp sự ngăn cản của Reiko, thậm chí còn đề nghị sao thêm một bản riêng cho anh để nghiên cứu…

Với kinh phí chỉ tương đương 1,2 triệu USD, bộ phim đã thu về 12 tỷ yên Nhật (137 triệu USD) sau nhiều tuần liền làm mưa làm gió tại các phòng chiếu. Cho đến ngày nay, tác phẩm này vẫn là bộ phim kinh dị ăn khách nhất mọi thời tại đất nước mặt trời mọc và cũng được xem là phim gây kinh hãi nhất cho khán giả. Nhiều phiên bản làm lại ra đời sau đó, bao gồm The Ring (2002) của Mỹ. Tuy nhiên, Ringu vẫn là tượng đài bất khả chiến bại về hù dọa.

Truyền thuyết: Phim dựa trên hai truyền thuyết nổi tiếng của Nhật Bản, cả hai đều liên quan đến những phụ nữ chết do đuối nước. Biến thể phổ biến nhất là câu chuyện về Okiku, một cô hầu gái đã gieo mình xuống giếng tự tử để thoát khỏi chủ nhân của mình.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

19 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago