Cảm xúc là một phần của con người, ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và tương tác với những người xung quanh. Những lựa chọn, hành động, và nhận thức của chúng ta tại bất cứ thời điểm nào trong đời, dù ít hay nhiều, đều chịu tác động của những cảm xúc mà mình đang trải qua khi ấy.
Thời điểm những năm 70s của thế kỷ trước, nhà tâm lý học Paul Ekman đã đưa ra lý thuyết về 6 cảm xúc cơ bản: hạnh phúc, buồn bã, ghê tởm, sợ hãi, ngạc nhiên, và giận dữ. Đây là những cảm xúc phổ quát nhất, trải dài qua tất cả những nền văn minh từ xưa đến nay. Về sau, danh sách các cảm xúc cơ bản của Ekman được bổ sung: tự hào, hổ thẹn, ngượng ngùng, phấn khích, nhẹ nhõm, tội lỗi, …
Theo nhà tâm lý học Robert Plutchik, con người có 8 cảm xúc cơ bản: mừng vui, tin tưởng, sợ hãi, ngạc nhiên, buồn bã, mong chờ, giận dữ, và ghê tởm. Ông còn giới thiệu khái niệm bánh xe cảm xúc, cho rằng các cảm xúc cơ bản có thể kết hợp để hình thành nên những tổ hợp cảm xúc khác nhau, tương tự sự kết hợp của các màu trên bánh xe màu sắc. Theo đó, từ những cảm xúc cơ bản và đơn giản ban đầu, chúng ta sẽ có những cảm xúc cao cấp và phức tạp hơn, ví dụ mừng vui và tin tưởng có thể tạo ra yêu thương.
Lý thuyết về 6 cảm xúc cơ bản của Paul Ekman là thuyết được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, như hầu hết các khái niệm khác trong tâm lý học, việc xác định xem đâu là những cảm xúc cơ bản hay cách chúng được phân loại vẫn còn là vấn đề được thảo luận và tìm hiểu.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng số lượng cảm xúc cơ bản chỉ là 2 hoặc 3. Số khác thì phân loai cảm xúc theo thứ bậc. Theo đó, những cảm xúc nền tảng có thể bị “bẻ gẫy” thành những cảm xúc thứ cấp, ví dụ như yêu thương sẽ bao gồm yêu mến và khao khát. Dưới cảm xúc thứ cấp là các cảm xúc thấp hơn nữa, gọi là cảm xúc bậc ba, ví dụ như dưới yêu mến sẽ là thích, quan tâm, dịu dàng, …
Nghiên cứu năm 2017 của hai nhà nghiên cứu Viện Đại học California–Berkeley cho rằng chúng ta không chỉ có 6 hay 8 cảm xúc cơ bản. Tác giả Alan S. Cowen và Dacher Keltner đã xác định được 27 loại cảm xúc khác nhau của con người. Nhóm tác giả cũng cho biết chúng ta trải nghiệm cảm xúc theo một phổ và có sự pha trộn nhất định chứ không cảm nhận riêng biệt từng loại.
Trong số các loại cảm xúc khác nhau thì hạnh phúc là thứ chúng ta mong muốn nhất. Nó thường được định nghĩa là một trạng thái cảm xúc dễ chịu và đặc trưng bởi sự mãn nguyện, mừng vui, thỏa mãn, hài lòng, và an lạc. Những công trình nghiên cứu về hạnh phúc đã tăng đáng kể kể từ những năm 1960s ở những lĩnh vực khác nhau, trong đó có tâm lý học tích cực – một nhánh của tâm lý học.
Cảm xúc hạnh phúc thường được thể hiện qua:
Biểu cảm khuôn mặt: cười, …,
Ngôn ngữ cơ thể: tư thế thoải mái, …,
Giọng nói: nhịp điệu nhanh, sôi nổi, dễ chịu.
Hạnh phúc là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, tuy nhiên những gì con người nghĩ rằng sẽ giúp tạo ra hạnh phúc lại bị ảnh hưởng nặng bởi văn hóa. Ví dụ, văn hóa đại chúng (pop culture) khiến chúng ta có xu hướng cho rằng việc có được / đạt được một số thứ nhất định – nhà cao cửa rộng, công việc lương cao, gia đình vợ chồng con cái đề huề yên ấm – thì sẽ có hạnh phúc. Thực tế, những thành tố của hạnh phúc phức tạp và mang tính cá nhân hóa cao hơn (Positive emotion: Integrating the light sides and dark sides, J. Gruber & J. T. Moskowitz (Eds.)).
Nhiều nghiên cứu ủng hộ quan điểm hạnh phúc đóng một vai trò nhất định với sức khỏe thể chất và tinh thần – nó có thể giúp tăng tuổi thọ cũng như mức độ hài lòng trong hôn nhân. Ngược lại, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, và cô đơn có liên quan đến việc giảm khả năng miễn dịch, tăng viêm nhiễm, và giảm tuổi thọ.
Buồn bã được đặc trưng bởi thất vọng, sầu khổ, tuyệt vọng, không quan tâm, và tâm trạng ủ dột. Tương tự như các loại cảm xúc cơ bản khác, buồn bã là thứ ai cũng từng gặp phải. Trạng thái cảm xúc này có tính thời điểm, song nhiều người vẫn có thể trải nghiệm nỗi buồn sâu sắc và dai dẳng hơn, dẫn đến hiện tượng trầm cảm. Cảm xúc buồn bã thường được thể hiện qua:
Khóc,
Tâm trạng ủ dột,
Mệt mỏi,
Im lặng,
Cô lập khỏi người khác.
Nỗi buồn có thể xảy ra ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy vào nguyên nhân gây ra nó. Cách mỗi người phản ứng với sự buồn bã cũng không giống nhau. Nó có thể làm xuất hiện những cơ chế phòng vệ như tránh né người khác, tự ý sử dụng thuốc, và trầm ngâm với những suy nghĩ tiêu cực. Trong khi thực chất những hành vi này lại có thể phóng đại sự buồn bã và kéo dài thời gian một người trải nghiệm cảm xúc này.
Sợ hãi là một cảm xúc mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn. Trong những tình huống nguy hiểm, nỗi sợ sẽ khiến các cơ bắp căng cứng, nhịp tim và hô hấp tăng, tâm trí tỉnh táo hơn để giúp bạn hoặc tìm cách thoát khỏi (flight) hoặc tìm cách chống trả (fight). Chiến-hay-chạy là cơ chế đối phó hữu hiệu với các mối đe dọa trong môi trường sống của con người.
Không phải ai cũng trải qua nỗi sợ hãi theo cách giống nhau – một số sẽ có biểu hiện mạnh mẽ hơn, số khác lại dễ sợ hãi hơn trước những tình huống hoặc đối tượng nhất định. Tuy nhiên, một số phản ứng thường thấy sẽ là:
Biểu cảm khuôn mặt: mắt mở to, cằm bị kéo về sau, …,
Ngôn ngữ cơ thể: nỗ lực ẩn nấp hoặc lẩn trốn mối đe dọa, …,
Phản ứng sinh lý: hơi thở dồn dập, nhịp tim tăng.
Sợ hãi là cách cơ thể phản hồi với những mối đe dọa có tính chất tức thời. Nhưng đối với các mối đe dọa tiềm tàng, thậm chí là khi đứng trước những suy nghĩ ai đó hay thứ gì đó nguy hiểm, phản ứng tương tự cũng xuất hiện. Chúng được gọi là chứng lo âu, ví dụ như lo âu xã hội (social anxiety) có liên quan đến nỗi sợ hãi đối với các tình huống xã hội.
Một số người lại tận hưởng cảm xúc sợ hãi và tự nguyện tìm đến chúng thông qua thông qua thể thao mạo hiểm, trò chơi cảm giác mạnh, phim, truyện kinh dị, … Liên tục tiếp xúc với những tình huống / đối tượng gây sợ “giúp” chúng ta thích nghi và quen thuộc với nỗi sợ đó hơn. Các phản ứng sợ hãi và lo lắng theo đó giảm xuống. Đây là nguyên lý đằng sau liệu pháp tiếp xúc – một trong những phương pháp điều trị phổ biến dành cho những người bị chứng ám ảnh sợ.
Ghê tởm là một trong 6 cảm xúc cơ bản theo lý thuyết về cảm xúc của Paul Ekman. Nó thường được thể hiện qua:
Ngôn ngữ cơ thể: tránh né thứ làm mình ghê tởm, …,
Phản ứng thể chất: nôn ọe, …,
Biểu cảm khuôn mặt: khịt mũi, cong môi trên.
Con người có thể thấy ghê tởm vì nhiều nguyên nhân, ví dụ như khi nhìn / ngửi / nếm phải thứ gì đó. Về mặt tiến hóa, cảm xúc này xuất hiện bảo vệ chúng ta trước những thực phẩm có khả năng gây thương vong (có độc hoặc thức ăn hỏng). Ngoài ra, một số người còn thấy ghê tởm với máu, cái chết, những thứ thối rữa, nhiễm trùng, hoặc những thứ dơ bẩn, hôi thối. Các nhà khoa học xem đây là cách cơ thể tránh né các nguồn có thể lây truyền bệnh.
Cuối cùng là những nguyên nhân liên quan đến đạo đức – chúng ta thấy ghê tởm trước những hành vi xấu xa và những con người tàn nhẫn, độc ác.
Đây là một cảm xúc mãnh liệt, đặc trưng bởi sự thù địch, kích động, thất vọng, và xu hướng chống đối người khác. Giận dữ, cũng như sợ hãi, góp phần vào việc kích thích phản ứng chiến-hay-chạy của cơ thể. Nó thường được thể hiện qua:
Biểu cảm khuôn mặt: cau mày, trừng mắt, …,
Ngôn ngữ cơ thể: quay đi chỗ khác, tư thế mạnh bạo, …,
Giọng nói: la hét, nói năng cộc cằn, …,
Phản ứng sinh lý: da đỏ, đổ mồ hôi, …,
Hành vi hung hăng: đánh, đá, ném đồ vật.
Nhìn chung, cảm xúc giận dữ có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Những khoảnh khắc nóng giận sẽ trở thành vấn đề cần lưu ý nếu chúng vượt khỏi mức độ cho phép hoặc khi được thể hiện theo những cách không lành mạnh, nguy hiểm, gây tổn hại cho người khác. “Cả giận mất khôn” – cơn giận nếu không được kiểm soát chẳng những ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định mà còn dễ biến thành các hành vi bạo lực hơn.
Cảm xúc giận dữ có liên quan đến một số bệnh như tiểu đường, tim mạch. Nó còn khuyến khích những hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia, hút thuốc, lái xe bất cẩn, … Tuy nhiên, nó vẫn mang đến những lợi ích nhất định, ví dụ như giúp làm rõ nhu cầu của một người trong mối quan hệ, hoặc thúc đẩy họ tìm hướng giải quyết những thứ đang làm phiền mình.
Cảm xúc này diễn ra khá nhanh khi chúng ta có phản ứng giật mình vì một điều gì đó xảy đến bất ngờ. Ngạc nhiên có thể mang sắc thái trung tính, tích cực (ngạc nhiên khi được tặng quà không vì dịp gì cả), và tiêu cực (“hết hồn” vì bị hù dọa). Nó thường được thể hiện qua:
Biểu cảm khuôn mặt: nhướng mày, mắt mở to, miệng há hốc, …,
Phản ứng thể chất: nhảy lùi ra sau, …,
Phản ứng bằng cách phát âm thanh: la, hét, há to miệng hớp hơi.
Với lượng adrenalin tăng cao mỗi lúc chúng ta bị giật mình, ngạc nhiên được xem là có khả năng kích thích phản ứng chiến-hay-chạy. Ngoài ra, cảm xúc này còn gây tác động lên hành vi của chúng ta. Một số ví dụ như: xu hướng chú ý và nhớ nhiều hơn những sự kiện gây kinh ngạc – bạn có thể kiểm chứng điều này khi xem tin tức hoặc đọc báo; xu hướng dễ bị lung lay khi gặp phải những lập luận / tranh cãi không lường trước; và xu hướng học hỏi nhiều hơn từ những thông tin dạng “gây bất ngờ”.
(Tham khảo: Verywellmind)
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…