Thấy mặt người ở vết nứt hay đám mây, sống như một người khác trên các mạng xã hội, hay những suy nghĩ như: “Mình đã từng nằm mơ thấy cảnh này rồi“,… Tất cả các hiện tượng đó đều là dấu hiệu của những hiệu ứng tâm lý kỳ lạ ở con người và chúng đều có những tên gọi riêng biệt.
Bystander Effect (tên tiếng Việt là Hiệu ứng người ngoài cuộc / Hiệu ứng bàng quang) là hiện tượng tâm lý xã hội, chỉ về một tình huống khẩn cấp mà trong đó những người có mặt không giúp đỡ nạn nhân. Các nghiên cứu cho rằng khả năng hỗ trợ có liên quan tới số người chứng kiến; nói cách khác, càng nhiều người chứng kiến thì càng có ít khả năng ai đó sẽ hỗ trợ.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp hiệu ứng này trong các vụ tai nạn trên đường phố.
Theo lý giải của các nhà khoa học, căn nguyên của hiệu ứng này là do hầu hết mọi người chứng kiến vụ việc đều nghĩ rằng, sẽ có người khác trong đám đông giúp đỡ nạn nhân và mình chỉ là “người ngoài cuộc.”
Do đó, nếu chẳng may rơi vào tình huống hiểm nghèo ở chỗ đông người, hãy nhờ đích danh một người hoặc một nhóm nhỏ quanh đó để giúp đỡ bạn, đừng thụ động trông chờ vào lòng nghĩa hiệp của đám đông.
Google Effect (tên tiếng Việt là Hiệu ứng Google) – còn được biết đến như “chứng hay quên kỹ thuật số”, là hệ quả của quá trình phát triển công nghệ. Khi Google trở nên quá phổ biến, nó khiến con người ngày nay có thể quên đi một kiến thức, một thông tin với tốc độ cực nhanh.
Đơn giản là vì khi cần, chúng ta lại có thể tiếp tục tra cứu ngay lập tức. Và rồi sau khi tra, dù rất muốn nhớ nhưng khi gặp lại, do tâm lý ỷ y mà hiệu ứng Google đã vô hình chung tạo ra, bạn vẫn phải tiếp tục rút điện thoại “google” tiếp.
Tương tự như Google Effect, Online Disinhibition Effect (tên tiếng Việt là Hiệu ứng anh hùng bàn phím) xuất hiện cùng với sự bùng nổ của internet.
Cụ thể, khi trở thành một phần của cộng đồng mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, con người sẽ dễ trở nên xấu tính, cọc cằn và thích phán xét hơn. Hệ quả của hiệu ứng tâm lý này là chúng ta thường đưa ra các bình luận thiếu tế nhị, khiếm nhã về một cá nhân hay vấn đề, mà mình thậm chí chỉ vừa lướt qua trên internet.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của hiệu ứng này là sự mất phản xạ có điều kiện, đến từ việc chúng ta có thể dễ dàng che đậy bản thân bằng một nickname trong thế giới ảo, và dường như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về các hành động của mình.
Dấu hiệu của hiện tượng Pareidolia (tên tiếng Việt là Ảo giác khuôn mặt) chính là khi nhìn vào một vật bất kì như quả cam, trên bức tường, trên đám mây…xuất hiện những hình mặt người. Khi đó, vùng não bộ chuyên phân tích và nhận diện khuôn mặt nhờ hình ảnh thu được từ mắt bị đánh thức. Cảm xúc trên những khuôn mặt mà bạn nhìn thấy đôi khi thay đổi theo tâm trạng của bản thân, và thường xảy ra vào một thời điểm nhất định.
Ở tầm ảnh hưởng rộng hơn, hiệu ứng Pareidolia còn dùng để định nghĩa việc con người sẽ có xu hướng liên tưởng và gán ghép một sự vật, sự việc hay khung cảnh mới lạ mình vừa chứng kiến với những thứ đã quen thuộc trước đây.
Việc con người có thể nhìn thấy khuôn mặt người hoặc liên tưởng tới các hình ảnh khá hay không đều do sự chi phối, sự mong muốn trong não bộ hình thành nên. Khi chúng ta kì vọng nhìn thấy một điều gì đó thì não bộ sẽ tự động tìm kiếm lắp ghép tất cả các chi tiết có sẵn trong môi trường để đáp lại sự kỳ vọng đó của chúng ta.
Dù chẳng vấp phải thứ gì, bạn vô ý ngã ngay giữa khuôn viên trường đại học. Ngay lập tức, mặt đỏ ửng và cúi gằm xuống nhằm tránh sự thương hại và hài hước mà bạn tin chắc rằng đang hiện rõ trên mặt những người xung quanh.
Nếu đã từng trải qua cảm giác như thế thì chứng tỏ bạn đang là nạn nhân của Spotlight Effect (tên tiếng Việt là Hiệu ứng “ánh đèn sân khấu”)
Trong tiếng Anh, cụm từ “spotlight“ để chỉ đèn rọi vào một điểm trên sân khấu, khiến điểm đó nổi bật hẳn lên. Đa phần chúng ta đều phải trải qua những tình huống khá lúng túng và ngượng không để đâu cho hết: vấp ngã cầu thang nơi đông người; làm đổ nước lên người lạ; hoặc đơn giản là phải ra ngoài với đầu tóc xấu xí.
Dựa vào tâm lí con người luôn bị ám ảnh rằng, đám đông luôn chú ý, soi mói và đánh giá về từng hành động của mình, hiệu ứng “ánh đèn sân khấu” sẽ khiến một số người rụt rè, tự ti, sợ hãi khi thể hiện bản thân.
Bạn có từng trải qua cảm giác quen thuộc khi gặp một ai đó lần đầu tiên hay thấy mình đã từng ở một nơi nào trước đây mặc dù chưa hề đặt chân đến? Nếu câu trả lời là có thì nhiều khả năng bạn đã trải qua hiện tượng Déjà vu đấy!
Mặc dù thoạt nghe có vẻ lạ lùng nhưng hiện tượng Déjà Vu xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ, và được chứng minh là một hiệu ứng tâm lý mà gần như tất cả mọi người đều đã từng gặp phải ít nhất một lần trong đời.
Trong tiếng Pháp, “Déjà Vu” có nghĩa là “đã từng thấy”, thuật ngữ này dùng để chỉ hiện tượng chúng ta cảm thấy khung cảnh và sự việc mình đang chứng kiến trước mắt, dường như đã từng xảy ra trước đây. Đó có thể là những giấc mơ trước đây mà vô tình bạn lại gặp phải sự kiện tương tự ở ngoài đời thật. Chính sự trì hoãn trong quá trình xử lý thông tin của não bộ khiến bạn cảm giác như đã “nhìn thấy tương lai” từ trước.
Đến nay, Déjà Vu vẫn là một trong những hiệu ứng tâm lý bí ẩn nhất và giới khoa học hiện chưa tìm ra một lời giải thích đáng cho hiện tượng này.
Tham khảo: Being – Định nghĩa chính mình
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Cuộc trò chuyện đầy ngắn ngủi này sẽ quyết định liệu bạn có thể nổi…
Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…