Theo Davenport, Schwartz, và Elliot (1990), bắt nạt chốn công sở là “một nỗ lực ác ý nhằm khiến một người phải rời khỏi nơi làm việc thông qua việc buộc tội vô cớ, hạ nhục, hành hạ tinh thần, quấy rối nói chung, và / hoặc khủng bố.
Một người dẫn đầu (có thể là tổ chức, cấp trên, đồng nghiệp, hoặc cấp dưới) và tập hợp nhiều người khác thực hiện những hành vi bắt nạt một cách có hệ thống và thường xuyên. Hậu quả luôn là sự tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, bệnh tật, tác động về mặt xã hội, và thường thấy nhất là bị loại trừ khỏi nơi làm việc.” (trang 40)
Nếu dựng một vở kịch lấy cảm hứng từ vấn nạn bắt nạt công sở, cũng như tất cả những vở kịch khác, chúng ta sẽ cần một hệ thống nhân vật. Vở kịch ‘khủng bố tâm lý’ này sẽ dựa trên cốt truyện của 6 nguyên mẫu – mỗi người đều có một vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình bắt nạt: Nhà Cải Cách, Rồng, Người Biến Hình, Người Xây Dựng Cộng Đồng, Bù Nhìn, và Lãnh Đạo.
Trong vai người dẫn truyện, tác giả đã thu thập những câu chuyện từ gần 200 nạn nhân của bắt nạt công sở tại 27 tiểu bang và 8 quốc gia. Có thể dễ dàng nhận ra 6 kiểu nhân vật này xuất hiện thấp thoáng trong những câu chuyện trên.
Đây thông thường là bia nhắm của những kẻ bắt nạt. Nhà Cải Cách là những người hết mình với công cuộc sáng tạo đổi mới, tìm tòi nhiều khía cạnh, vun đắp mối quan hệ với đa dạng cá nhân, không ngại thể hiện ý tưởng và bộc lộ những khám phá linh hoạt của họ với thế giới.
Họ thường được xem là những nhân tố mang đến sự thay đổi bất ngờ, không lường trước. Những thay đổi này đi ngược lại với quy tắc, truyền thống, và lề lối hoạt động của tổ chức – tạm gọi là Đất Nước – trước giờ.
Nhà Cải Cách hướng đến cộng đồng, nhưng họ theo đuổi tính độc lập. Động cơ và sự thúc đẩy của họ đến từ bên trong chứ không phải từ các xác nhận và giá trị bên ngoài. Họ không ngại tiếp nhận những quan điểm thách thức những gì họ tin tưởng, để từ đó không ngừng nỗ lực phát triển bản thân.
Sự khác biệt, độc lập, xu hướng thắc mắc về mọi thứ, cũng như ‘nguy cơ’ mang đến sự thay đổi của họ đánh thức Rồng khỏi giấc ngủ sâu trong hang động. Rồng phẫn nộ, vì sức mạnh của nó sẽ giảm đi khi người dân bắt đầu nhen nhóm khởi nghĩa.
Nhà Cải Cách là đối thủ chết người của Rồng. Họ trực tiếp – mặc dù thông thường là không cố ý – thách thức quyền lực và sức mạnh của Rồng. Họ thường bị săn đuổi vì một trong ba lý do:
– Năng suất, năng lực, và danh tiếng vì dám khác biệt của họ là mối đe dọa với những người dân khác, họ sẽ muốn thay đổi, và trật tự sẽ bị xáo trộn;
– Những ý tưởng sáng tạo của họ thách thức tư duy ‘mọi việc vẫn luôn như thế này từ trước đến nay’ của Đất Nước;
– Tiêu chuẩn đạo đức cao của họ khiến họ không thể im lặng trước những hành vi đáng nghi vấn và / hoặc bất hợp pháp trong bộ máy tổ chức của Đất Nước, trực tiếp gây hại đến người dân.
Những con Rồng đề cao tinh thần ‘thượng tôn kỷ luật’. Kỷ luật ở đây là những thứ do chúng đề ra và đảm bảo mọi người trong Nước đều phải thực thi. Chúng sẽ tức giận và không hề che giấu cơn thịnh nộ với bất kỳ ai chống lại.
Đối với Rồng, chỉ có duy nhất một bề trên để phụng sự – lợi ích của nó. Rồng cũng hiếm khi tham gia vào công cuộc xây dựng đổi mới Đất Nước. Sức lực và thời gian của nó dành cho công việc ‘trị an’ mà thực chất là thao túng, cổ vũ những điều vô lý / có hại, miễn sao phục vụ lợi ích bản thân, và thẳng tay tiêu diệt mọi lý lẽ trái chiều cũng như mọi cá nhân dám phản bác.
Một Đất Nước thường chỉ có một Rồng, hoặc ít nhất mỗi Làng trong Nước chỉ một con. Tuy nhiên, một Nước đã có Rồng thì khả năng cao là chúng sẽ không bao giờ biến mất. Một con Rồng bị hạ gục thì một con khác sẽ đánh hơi thấy lợi thế của ngôi vị bỏ trống cũng như sự cám dỗ của quyền lực mà nhanh chóng thay thế.
Rồng cần sự hỗ trợ của những kẻ dưới quyền để có thể một mình yên vị trên ngôi cao. ‘Nhóm phục vụ’ này thường bao gồm Người Xây Dựng Cộng Đồng – những người tuân thủ luật pháp, hoàn toàn không phải mối nguy hại – và Người Biến Hình – nhóm bị đánh giá là yếu đuối và dễ sai khiến.
Khi một con Rồng cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ cho Người Biến Hình bắt đầu ‘bỏ độc’ bằng cách lan truyền những lời đồn thổi, thao túng, thực hiện những hành vi phá hoại nhằm bịt miệng và làm mất uy tín những ai nó cho là đối thủ của mình. Người Biến Hình sẽ nhanh nhẹn thực hiện theo chỉ đạo, vì những hành động đó khiến họ thấy bản thân có giá trị và có quyền lực hơn.
Nhà Cải Cách thường không nhận ra mình bị tấn công cho đến khi chất độc đã lan đi khắp nơi – khi danh tiếng và những mối quan hệ của họ đã bị phá hủy.
Người Biến Hình khao khát thể hiện ý tưởng và sự sáng tạo của mình. Tuy nhiên, họ thiếu tự tin và bản lĩnh để trở thành Nhà Cải Cách. Nhu cầu quyền lực cố hữu khiến họ không thích hợp làm Người Xây Dựng Cộng Đồng. Bản tính bất an, không vững chắc, thiết hụt sức thuyết phục cũng làm họ gặp trở ngại trong việc biến thành Rồng. Người Biến Hình lo lắng khi phải dấn thân vào lãnh thổ mới – những lĩnh vực / thay đổi họ chưa thử qua – vì họ sợ cuộc hành trình đơn độc, hoặc tệ hơn, là chính mình bị trừ khử.
Rồng nhanh chóng nhận ra khát khao quyền lực cùng các tiêu chuẩn đạo đức vững-như-kiềng-chỉ-còn-một-chân của Người Biến Hình. Nó chiêu mộ họ, cho họ cảm giác “Tôi quan trọng và có giá trị”, biến họ thành tay sai.
Dưới sự điều khiển của Rồng, Người Biến Hình liên tục thay đổi nhận dạng của mình để thực hiện nhiệm vụ được giao: kết giao với các đồng minh tiềm năng, bịt miệng kẻ thù, đôi khi sẵn sàng ‘ôm bom cảm tử’ trước con mắt hài lòng của Rồng.
‘Chơi’ cùng Rồng, Người Biến Hình có điểm tựa để nói lên ý tưởng và suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, đó là những thứ đã được qua kiểm duyệt hoặc chỉ là phiên bản khác đi của những gì Rồng muốn. Họ hầu như không (chính xác là không được) đóng góp nhiều vào những hoạt động sáng tạo hay quá trình đổi mới của Đất Nước. Nếu Rồng bị tiêu diệt, Người Biến Hình trở thành những kẻ lang thang, đánh mất khả năng suy nghĩ và làm việc độc lập.
Họ hiểu rõ những quy luật ngầm, đồng thời chấp nhận tuân theo hệ thống pháp luật được thiết lập. Người Xây Dựng Cộng Đồng hiếm khi mở rộng mối quan hệ của mình. Họ không giao thiệp với dân Làng khác hay Đất Nước khác. Điều này vô tình rất có lợi cho Rồng vì nó cần người dân ở yên trong tầm kiểm soát của mình.
Sự tồn tại thân thiện của Người Xây Dựng Cộng Đồng hướng họ đến việc hoàn thành đúng và đủ trách nhiệm công dân cơ bản. Không đòi hỏi, không thắc mắc, không kiến nghị, không phản bác. Họ tránh gây xáo trộn hết mức có thể đến cuộc đời êm đềm, đẹp đẽ và thơ mộng như dòng Hương Giang trong miêu tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Rồng thích Người Xây Dựng Cộng Đồng vì thái độ hòa hoãn của họ không đe dọa đến quyền lực, quy tắc, hay hệ thống phân cấp tự áp đặt của nó. Bù Nhìn thường lựa chọn Người Xây Dựng Cộng Đồng cho những vị trí cấp cao của Đất Nước vì họ phù hợp làm người duy trì hiện trạng, giúp Bù Nhìn dễ dàng nhắm mắt làm ngơ trước những bất công để giữ mọi thứ yên ổn mà ‘đi tới’.
Người Xây Dựng Cộng Đồng không xấu. Họ tử tế, làm việc hiệu quả, đóng góp đầy đủ cho Đất Nước. Tuy nhiên, họ thiếu sự dũng cảm để nói lên sự thật cũng như không đủ tò mò và ý chí để thách thức những gì cần phải thay đổi.
Rồng không nắm giữ vị trí cao nhất trong Nước. Mặc dù chuyên quyền và là kẻ khơi mào mọi rắc rối, nhưng trên Rồng vẫn còn người đứng đầu. Họ có thể là Bù Nhìn hoặc Lãnh Đạo.
Đối diện với người đứng đầu, những mánh khóe chiêu dụ, bỏ độc, đồn thổi, đe dọa,… của Rồng không hiệu quả. Thay vào đó, Rồng thường sử dụng chiêu trò thao túng, đảm bảo rằng người đứng đầu luôn cảm thấy họ quan trọng, quyền lực, và được kính nể.
Khi Nhà Cải Cách nhận ra mình bị hãm hại, họ thường tìm gặp người đứng đầu, và thật không may nếu đây là một Bù Nhìn. Bù Nhìn ngay lập tức gạt vấn đề sang một bên hoặc chỉ giả vờ lắng nghe chứ không hề có động thái nào tiếp theo. Họ ưu ái Người Xây Dựng Cộng Đồng, vì đây là những người có thể mỉm cười, gật đầu, giữ mọi thứ như cũ, và khéo léo gói gọn tất cả những vấn đề ‘không đáng có’ vứt thẳng ra cửa.
Sau cuộc gặp với Bù Nhìn, Nhà Cải Cách thường cảm thấy thất vọng vì người đứng đầu không thể can thiệp một cách cởi mở và nhiệt huyết về các vấn đề đang cản trở sự phát triển của Đất Nước, đồng thời ảnh hưởng đến cảm giác an toàn và thân thuộc của người dân. Kết quả, họ rời khỏi Nước.
Bù Nhìn tạo ra những nền văn hóa ổn định nhưng trì trệ, làm thui chột khả năng sáng tạo và đổi mới, khuyến khích thái độ thụ động và im lặng trước những vấn đề xảy ra.
Ngược lại, nếu người Nhà Cải Cách gặp là một Lãnh Đạo, ngay lập tức họ sẽ hành động bằng cách nghiên cứu vấn đề, đặt câu hỏi, và theo đuổi sự thật trong quyền hạn của mình. Khác với Bù Nhìn, Lãnh Đạo có được vị trí của họ bằng cách tìm kiếm giải pháp. Giá trị của họ đi cùng với kết quả và những thay đổi họ giúp tạo ra cho Đất Nước, chứ không đơn thuần là một cái tên sơn son trên cửa.
Lãnh Đạo hiểu rằng quyền tự chủ, quan điểm đa dạng, hay bất đồng ý kiến là trạng thái bình thường, là những công cụ cần thiết giúp phát hiện lỗ hổng, khắc phục vấn đề, dẫn đến thay đổi, quan trọng hơn hết là tạo ra những cộng đồng tử tế, hòa nhập, cạnh tranh lành mạnh. Lãnh Đạo không ngại nghe ý kiến của người khác và sẵn sàng ủng hộ nếu đó là những điều đem lại lợi ích chung cho Đất Nước.
Rồng không thể tồn tại trong những Đất Nước nơi người dân và người đứng đầu có những cuộc trò chuyện minh bạch, công khai, trực tiếp và trung thực về các vấn đề thể chế, hệ thống. Nó rời đi, Nhà Cải Cách được trọng dụng, và mọi người vui mừng trước những đổi mới tốt đẹp.
(Dựa theo bài viết của tác giả Dorothy Suskind – Tiến sĩ, Giáo sư trợ lý Khoa Giáo dục và Tư vấn (Education and Counseling) tại Đại học Longwood (Farmville, Virginia) )
Tài liệu tham khảo của tác giả:
Davenport, N., Schwartz, R. D., & Elliott, G. P. (1999). Mobbing: Emotional abuse in the American workplace. Ames, IA: Civil Society Publishing.
Xem thêm:
#NgườiLớnĐiLàm: Câu chuyện về dịch vụ ‘vượt quá mong đợi’
#NgườiLớnĐiLàm: Hai lá thư
#Nghĩ: Rối loạn lo âu xã hội ngăn cản chúng ta mở lòng như thế nào?
#Nghĩ: kafkaesque – Cơn ác mộng của thế giới hiện đại
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…