Cine

Nhìn lại 6 tác phẩm kinh dị từng nhận đề cử Phim xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm

Phim kinh dị vốn không phải thể loại được Viện Hàn lâm ưu ái. Trong tổng số 546 phim từng nhận đề cử Oscar cho hạng mục Phim xuất sắc nhất (Best Picture), chỉ có 6 phim thuộc thể loại này.

Không ai quy định cả, nhưng thông thường những bộ phim dễ lọt vào mắt xanh của Viện Hàn lâm sẽ thuộc vào các thể loại: chính kịch (drama), tiểu sử kịch tính (biopic), và lãng mạn (romance). Dường như trong mắt Hội đồng bình chọn, những phim thể loại này sẽ mang nhiều giá trị nghệ thuật và phê bình hơn những bộ phim khoa học viễn tưởng (sci-fi), hành động (action), và kinh dị (horror).

Có rất ít phim thuộc thể loại kinh dị nhận được đề cử cho giải thưởng Điện ảnh danh giá nhất hành tinh này. Giải thưởng thắng được nếu có chủ yếu là các giải phụ về phục trang, nhạc phim, hoặc hiệu ứng.

Là cây hái ra tiền nhưng vẫn bị hắt hủi?

Phim kinh dị là phim “dễ xem”, vì nó tập trung vào việc khơi gợi một trong những cảm xúc cơ bản và nguyên thủy nhất của con người: nỗi sợ. Tuy nhiên, đây cũng là “điểm yếu” chí mạng của dòng phim này khi nó thường bị đánh giá là có nội dung nhạt nhẽo, hời hợt, chủ yếu chỉ tập trung hù dọa khán giả bằng jump-scares hoặc những hình ảnh chém giết tra tấn đầu rơi máu chảy – đặc trưng của dòng kinh dị chặt chém (slasher). 

Rất nhiều bộ phim kinh dị có cùng một mô-típ câu chuyện: Có một tên điên khát máu xuất hiện, và hắn giết (gần như) tất cả mọi người.

Có thời gian, Hollywood gần như bế tắc trong việc tìm kiếm các kịch bản kinh dị mới sau thời kỳ vàng son 60-80. Đây cũng là thời gian làn sóng kinh dị tâm linh bên kia địa cầu dần “mò” đến Hollywood, với các phiên bản re-make các tác phẩm kinh dị nổi tiếng châu Á như The Ring (Ringu – Nhật Bản), The Grudge (Ju-on – Nhật Bản), Shutter (re-make từ bộ phim Thái Lan cùng tên), và The Uninvited (A Tale of Two Sister – Hàn Quốc). Sau đó, thể loại này cũng dần không còn đủ sức hút với khán giả ngay tại chính sân nhà. 

Nỗi sợ đang trở lại

Đến khoảng những năm 2010, thể loại kinh dị ở Hollywood lại một lần nữa vươn lên với sự xuất hiện của những tựa phim đến từ các studio độc lập như A24, Blumhouse với Insidious, The Witch… Năm 2017 đánh dấu một cột mốc mới cho phim kinh dị khi trong số 100 phim có doanh thu cao nhất đã có hơn 10 phim thuộc thể loại này. 

Không chỉ kéo khán giả trở lại rạp mà những tựa phim kinh dị gần đây cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của Viện Hàn lâm. Get Out (2017) đã làm nên kỳ tích với 4 đề cử ở các hạng mục chính và 1 giải thưởng cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Hereditary, A Quiet Place, hay Midsommar cũng là những cái tên để lại những ấn tượng tốt trong lòng khán giả, từng bước xóa bỏ định kiến phim kinh dị là phim không được chú trọng nội dung

Với những thay đổi đáng kể, trong tương lai, khả năng sẽ có nhiều hơn những bộ phim kinh dị nhận được sự ủng hộ của khán giả, đồng thời là công nhận của Viện Hàn lâm. Còn bây giờ, hãy cùng The Millennials điểm lại 6 bộ phim từng nhận đề cử Oscar cho hạng mục Phim xuất sắc nhất.

1. The Exorcist (1973)

The Exorcist là bộ phim kinh dị đầu tiên nhận đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất, cùng với 9 đề cử quan trọng khác. Tuy chỉ đạt Oscar cho 2 hạng mục là Hòa âm xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất nhưng bộ phim đã trở thành một trong những tượng đài kinh dị , là chuẩn mực của các bộ phim đề tài kinh dị tâm linh và tôn giáo sau này.

Ảnh: The Exorcist

Tuy nhiên, The Exorcist vướng phải rắc rối từ scandal bóc lột sức lao động của diễn viên, vấp phải sự phản đối của cộng đồng tôn giáo, và nhận cáo buộc đã cố tình thôi miên để làm tăng nỗi sợ của khán giả. Những phần tiếp theo của The Exorcist mặc dù không quá thất bại, nhưng vẫn chỉ được xem là “ăn theo” và không vượt qua cái bóng của phần một.

2. Jaws (1975)

Chỉ 2 năm sau khi The Exorcist ra mắt, khán giả lại được dịp ám ảnh với Jaws. Bộ phim này đã khiến nhiều người không còn dám đi tắm biển vì sợ cá mập tấn công như trong phim (dù trên thực tế thì trung bình mỗi năm, số lượng cá mập chết vì con người nhiều hơn là số lượng con người bỏ mạng vì cá mập).

Cá mập trông hơi giả trân nhưng vào thời kỳ CGI vẫn chưa phát triển thì như thế này đã rất xuất sắc rồi
Ảnh: Jaw

Tác phẩm nhận được 4 đề cử và chiến thắng ở ba hạng mục Dựng phim, Nhạc nền trong phim và Âm thanh,”hụt” mất hạng mục Phim xuất sắc nhất. Nhiều người phản đối việc Jaws xuất hiện trong danh sách đề cử vì họ xem đây là phim thuần giải trí, hơn nữa đạo diễn Steven Spieldberg khi ấy hãy còn quá trẻ.

Chiến thắng ngoạn mục này không những giúp ích cho tên tuổi Steven Spieldberg mà còn là tiền đề giúp ông tiếp tục thực hiện nhiều bộ phim bom tấn dung hòa giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật như E.T (1982).

3. The Silence of the Lambs (1992)

The Silence of the Lambs là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại kinh dị giành Oscar ở hạng mục Phim xuất sắc nhất. Không những thế, phim còn lập kỷ lục trở thành một trong ba phim được Big Five – 5 giải thưởng quan trọng nhất của Oscar bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Ảnh: The Silence of the Lambs

Khách quan mà nói, đây không phải là một bộ phim thuần kinh dị mà thiên về trinh thám, hình sự, tâm lý nhiều hơn. Đóng vai trò trọng tâm trong tác phẩm chính là màn đấu trí của bác sĩ Hannibal Lecter với nữ nhân viên FBI Clarice Starling song song với việc truy tìm kẻ sát nhân đang lẩn trốn. Câu chuyện này nghe không quá đáng sợ, cái khiến khán giả ám ảnh là màn trình diễn của Sir Anthony Hopkins!

Ảnh: The Silence of the Lambs

4. The Sixth Sense (1999)

The Sixth Sense nhận 6 đề cử Oscar ở tất cả các hạng mục quan trọng, bao gồm Đạo diễn, Dựng phim, Kịch bản gốc, Nam phụ, Nữ phụ, và Phim xuất sắc nhất. Tuy nhiên, đáng tiếc là không đạt tượng vàng nào.

The Sixth Sense được đánh giá là một trong những phim hay nhất của đạo diễn M. Night Shyamalan, đồng thời là cột mốc đáng nhớ của thể loại kinh dị khi được bình chọn là một trong những phim có kết thúc hay nhất, với sự lồng ghép khéo léo những yếu tố tâm lý, kinh dị tâm linh, và nhân văn. Đây cũng là cơ duyên để Bruce Willis tiếp tục hợp tác với Shyamalan trong bộ phim đề tài siêu anh hùng sau đó, Unbreakable.

5. Black Swan (2010)

Đạo diễn Darren Aronofsky nổi tiếng với lối dựng phim độc đáo, những câu chuyện có đề tài lạ lẫm như bộ phim Pi (1998), Requiem for a Dream (2000), The Fountain (2006) và gần đây nhất là bộ phim Mother! gây nên nhiều tranh cãi do ẩn ý tôn giáo được thể hiện khá cực đoan.

Ảnh: Black Swan

Tuy nhiên cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp và giúp cho Darren bước lên bục vinh quang chính là khi Black Swan. Với cảm hứng từ vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga, Darren đã kể lại hành trình biến đổi từ sự ngây thơ của thiên nga trắng sang hình ảnh thiên nga đen đầy dục vọng và khao khát thể hiện bản thân của nữ vũ công Nina Sayers.

Phim nhận được 5 đề cử Oscar và đem về cho Natalie Portman tượng vàng hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất.

6. Get Out (2017)

Get Out được xem là “chú ngựa ô” đột phá tại Oscar khi bất ngờ lọt vào danh sách đề cử chính thức ở 4 hạng mục lớn, bao gồm Đạo diễn, Nam diễn viên chính, Kịch bản gốc, và Phim xuất sắc nhất.

Ảnh: Get Out

Có rất nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Get Out được đề cử Oscar. Một vài thành viên Viện Hàn lâm “bất bình” cho rằng bộ phim không xứng đáng được xếp chung với các tác phẩm mang tính nghệ thuật khác. Tuy nhiên kịch bản đột phá và sự lồng ghép giữa yếu tố tâm lý học và phân biệt chủng tộc đã giúp phim giành được tượng vàng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Thành công của Get Out là sự khích lệ rất lớn cho đạo diễn kiêm biên kịch Jordan Peele khi anh mạnh dạn từ bỏ thể loại hài mình đã gắn bó trong thời gian dài để dấn thân vào thế giới phim kinh dị.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

12 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago