Culture

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, sự hiện diện của họ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự và chính trị mà còn thâm nhập sâu vào kiến trúc của các công trình bấy giờ.

Thời kỳ thuộc địa kéo dài gần một thế kỷ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong kiến trúc đô thị của Việt Nam, tạo nên một sự pha trộn đặc biệt giữa bản sắc phương Đông và phong cách phương Tây. Những công trình như nhà thờ, trường học, nhà ga và biệt thự mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Pháp vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trở thành một phần của di sản văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Chính sự kiện tuy đau thương và khó khăn này, cũng phần nào dẫn đến sự ra đời và phát triển của nhiều loại hình kiến trúc đa dạng mà chúng ta vẫn thấy hiện hữu tại thủ đô Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố khác.

1. Phong cách kiến trúc thực dân Pháp ban đầu

Loại hình kiến trúc thuộc địa thô sơ này (Early Colonial Architecture) tại Việt Nam bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, khi Pháp thiết lập sự kiểm soát trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phong cách kiến trúc thực dân ban đầu không quá chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ mà tập trung nhiều vào tính công năng, sự thích ứng với khí hậu địa phương, và khả năng xây dựng nhanh chóng để phục vụ công tác cai trị.

Đặc điểm chính:

  • Thiết kế đơn giản và thực dụng: Công trình được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của chính quyền thực dân và đội ngũ quân sự. Kiến trúc không quá cầu kỳ, chú trọng đến sự bền vững, công năng và dễ dàng thi công. Các tòa nhà thường có mặt bằng hình chữ nhật hoặc hình khối đơn giản, không có nhiều chi tiết phức tạp.
  • Hành lang rộng và mái dốc: Để chống lại cái nóng nhiệt đới, nhiều công trình thực dân Pháp ban đầu có hành lang rộng bao quanh, giúp điều hòa không khí và tạo khoảng trống che mát cho không gian bên trong. Mái nhà thường có độ dốc lớn, lợp ngói hoặc tôn để thoát nước mưa nhanh chóng, phù hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới gió mùa.
  • Sử dụng vật liệu địa phương: Ban đầu, các kiến trúc sư thực dân đã sử dụng nhiều vật liệu địa phương như gạch nung, ngói đất sét, gỗ, kết hợp với thép và xi măng, nhằm thích ứng với môi trường xây dựng ở Việt Nam và giảm chi phí vận chuyển.
  • Các chi tiết trang trí đơn giản: Trang trí ngoại thất thường rất khiêm tốn, chỉ bao gồm các họa tiết đơn giản, như hình con tiện hoặc hoa văn gắn trên tường. Mặt tiền có thể được làm nổi bật bằng các yếu tố như cuốn vòm liên tục hoặc các cửa sổ vòm bán cầu, nhưng vẫn không quá cầu kỳ.

Những công trình tiêu biểu đại diện cho phong cách kiến trúc thực dân Pháp ban đầu, bao gồm: Bảo tàng Lịch sử Quân sự, ga Hàng Cỏ (Hà Nội), và bệnh viện Hữu Nghị (trước đây có tên là Indigène du Protectorat)

Ga Hàng Cỏ ngày xưa. Nguồn ảnh: Sưu tầm

2. Phong cách kiến trúc Art Deco

Đây là một loại hình kiến trúc và nghệ thuật ra đời vào những năm 1920 và 1930 (sau Thế Chiến thứ I), trở nên phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt tại các đô thị lớn. Ở Việt Nam, Art Deco xuất hiện vào thời kỳ Pháp thuộc và được các kiến trúc sư Pháp lẫn Việt áp dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng mang tính biểu tượng và quan trọng.

Đặc điểm chính:

  • Đơn giản và hiện đại: Art Deco nhấn mạnh vào tính đơn giản, hiện đại, và tách rời khỏi những chi tiết cầu kỳ của kiến trúc Tân cổ điển. Các công trình mang phong cách này thường có bố cục hình khối rõ ràng và mạch lạc, tập trung vào các đường nét hình học, góc cạnh và sự đối xứng.
  • Hình khối mạnh mẽ: Kiến trúc Art Deco thường sử dụng các hình khối mạnh mẽ như khối vuông, hình chữ nhật, và khối tam giác. Mặt tiền của công trình thường có nhiều khối hình học xếp chồng lên nhau, tạo nên một cấu trúc mạnh mẽ và đầy sức sống.
  • Trang trí hình học và đường nét: Các họa tiết trang trí của Art Deco thường là các mô-típ hình học như đường kẻ ngang, hình ziczac, và hình vuông. Các chi tiết trang trí thường mang tính trừu tượng, không còn tập trung vào các yếu tố tự nhiên hay hình tượng truyền thống như trước đây.
  • Sử dụng vật liệu hiện đại: Art Deco tận dụng tối đa các vật liệu hiện đại như thép, bê tông cốt thép, thủy tinh và gạch men. Đây là thời kỳ mà các vật liệu mới giúp các kiến trúc sư có thể thực hiện được các ý tưởng kiến trúc mạnh mẽ và sáng tạo.
  • Mái vát và cấu trúc vuông vắn: Một số công trình Art Deco ở Việt Nam còn có mái vát, tháp nhỏ hoặc các cấu trúc hình học trên mái nhà. Các đường nét thẳng, sắc sảo và đơn giản của kiến trúc này là đặc trưng của phong cách thiết kế này.

Những công trình tiêu biểu đại diện cho phong cách kiến trúc Art Deco, bao gồm: Chi nhánh ngân hàng Đông Dương, nhà in IDEO (Tràng Tiền), công ty AVIA (Trần Hưng Đạo), Bưu điện (Đinh Lễ), các tòa nhà số 91 Đinh Tiên Hoàng….cùng nhiều biệt thự cổ khác. 

3. Phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp

Trong bối cảnh Việt Nam, phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp (French Neoclassical Architecture) được các kiến trúc sư áp dụng cho các công trình xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Đây là một trào lưu kiến trúc xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 và thịnh hành trong suốt thế kỷ 19 tại Pháp. Loại hình kiến trúc này chịu ảnh hưởng từ những thiết kế công trình của Hy Lạp và La Mã cổ đại, kết hợp với sự cân đối, thanh lịch, và tinh tế của phong cách cổ điển Pháp.

Đặc điểm chính:

  • Sự cân đối và hài hòa: Kiến trúc Tân cổ điển nhấn mạnh vào sự cân đối, tỷ lệ hài hòa giữa các phần của công trình. Các yếu tố trang trí thường được sắp xếp đối xứng, với các cột, vòm, và phào chỉ theo phong cách cổ điển.
  • Cột và vòm (arch): Một trong những đặc trưng nổi bật của phong cách này là việc sử dụng các cột theo các kiểu thức cổ điển (Doric, Ionic, Corinthian) để trang trí mặt tiền. Các vòm bán nguyệt (semi-circular arches) cũng được sử dụng nhiều trong thiết kế cửa sổ, cửa ra vào và các hành lang.
  • Phào chỉ và trang trí tinh xảo: Mặt tiền của các công trình kiến trúc Tân cổ điển thường được trang trí phào chỉ và các họa tiết hoa văn tinh xảo. Những chi tiết trang trí này bao gồm hoa văn, phù điêu, và các hình chạm khắc mang tính cổ điển như laurel, vòng nguyệt quế, hoặc các họa tiết hình học thanh thoát.
  • Mái nhà cao và dốc: Mái nhà trong kiến trúc Tân cổ điển thường có dạng cao, dốc, với nhiều tầng mái được trang trí bằng các đường phào chỉ và cửa sổ mái (dormer windows) tạo điểm nhấn.
  • Cấu trúc hình khối đơn giản nhưng uy nghi: Các công trình thường có bố cục hình khối chắc chắn, mang lại cảm giác bền vững và uy nghiêm. Những đường nét cơ bản đơn giản nhưng tạo nên sự hùng vĩ và trang trọng.

Những công trình tiêu biểu đại diện cho phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp, bao gồm: Nhà hát Lớn Hà Nội, Phủ chủ tịch (trước đây là Phủ Toàn quyền Đông Dương) và Dinh Norodom (bây giờ gọi là Dinh Độc Lập).

Toàn cảnh của Nhà hát Lớn Hà Nội. Nguồn ảnh: Paul Panayiotou/Getty Images.

4. Phong cách kiến trúc Đông Dương

Phong cách kiến trúc Đông Dương (Indochine Style) là một phong cách kiến trúc ra đời trong thời kỳ Pháp thuộc tại Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), kết hợp giữa kiến trúc cổ điển phương Tây và các yếu tố kiến trúc truyền thống Á Đông. Phong cách này xuất hiện từ những năm 1920, với mong muốn tạo ra những công trình phù hợp với điều kiện khí hậu và văn hóa bản địa nhưng vẫn mang dấu ấn kiến trúc Pháp.

Đặc điểm chính của phong cách kiến trúc Đông Dương:

  • Sự kết hợp giữa Đông và Tây: Phong cách kiến trúc Đông Dương nổi bật với sự hòa quyện giữa các yếu tố kiến trúc cổ điển Pháp và các đặc điểm truyền thống của kiến trúc Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Dương. Cấu trúc thường mang những nét đẹp tinh tế của kiến trúc châu Âu, nhưng vật liệu, hình dáng và thiết kế lại được điều chỉnh để thích nghi với khí hậu nhiệt đới.
  • Mái nhà: Các công trình theo phong cách Đông Dương thường có mái dốc, lợp ngói hoặc tôn, giống như mái nhà truyền thống của Việt Nam, nhằm giúp nước mưa thoát nhanh và giảm nhiệt độ trong nhà. Mái vòm hoặc hình tam giác kết hợp với các chi tiết mái truyền thống phương Đông tạo sự mềm mại.
  • Hành lang và hiên rộng: Một đặc điểm quan trọng của phong cách này là việc sử dụng hành lang rộng và hiên dài để giúp thông gió, giảm nhiệt độ cho các công trình, đồng thời tạo không gian thoáng đãng để người ở cảm thấy thoải mái trong môi trường khí hậu nóng ẩm. Điều này phù hợp với nhu cầu tránh cái nóng oi bức của miền nhiệt đới.
  • Cửa sổ lớn và thông thoáng: Các tòa nhà Đông Dương thường có cửa sổ lớn để tối ưu hóa sự lưu thông không khí và ánh sáng tự nhiên. Cửa sổ này thường có khung gỗ và các chi tiết chạm trổ theo phong cách Á Đông.
  • Trang trí và chi tiết chạm trổ: Các công trình kiến trúc Đông Dương thường có các chi tiết trang trí chạm khắc đơn giản nhưng mang đậm tính biểu tượng của các nền văn hóa Á Đông như hoa sen, rồng, hoặc các hình ảnh tự nhiên như lá cây, hoa văn truyền thống.

Những công trình tiêu biểu đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương, bao gồm: Trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Bưu điện Trung Tâm Sài Gòn, Bảo tàng Louis Finot.

Hình ảnh bên ngoài của Bưu điện Sài Gòn. Nguồn ảnh: Ho Ngoc Binh/Getty Images.

5. Phong cách kiến trúc Neo-gothic

Khi phong cách kiến trúc Neo-Gothic được đưa vào Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, nó mang một số sự điều chỉnh và khác biệt so với nguyên bản ở châu Âu. Các kiến trúc sư và nhà xây dựng Pháp tại Việt Nam đã phải thích nghi với môi trường khí hậu nhiệt đới, văn hóa và nhu cầu sử dụng địa phương, dẫn đến việc tạo ra một phiên bản Neo-Gothic đặc biệt mang tính bản địa.

Đặc điểm chính :

  • Điều chỉnh để phù hợp với khí hậu: Do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, các công trình Neo-Gothic thời Pháp thuộc thường có tường dày hơn để cách nhiệt tốt hơn. Cửa sổ lớn, thường có lưới hoặc song cửa bằng kim loại, được thiết kế để thông gió và tạo sự thông thoáng bên trong. Mái của các công trình tại Việt Nam thường được làm dốc và sử dụng ngói để giúp thoát nước mưa nhanh chóng và bảo vệ cấu trúc khỏi sự ẩm ướt, đặc biệt trong mùa mưa dài.
  • Giảm bớt tính trang trí phức tạp: Các công trình Neo-Gothic tại Việt Nam thường có mức độ trang trí và chi tiết phức tạp giảm đi so với các công trình ở châu Âu. Ví dụ, các chi tiết điêu khắc, phù điêu, và trang trí hoa lá Gothic truyền thống thường được tiết giảm hoặc đơn giản hóa do yếu tố chi phí và thời gian, cũng như nhu cầu về tính thực tiễn trong sử dụng.
  • Ứng dụng chủ yếu trong các công trình tôn giáo: Trong thời kỳ Pháp thuộc, phong cách Neo-Gothic chủ yếu được áp dụng cho các công trình tôn giáo, đặc biệt là nhà thờ Công giáo.

Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến khi nói đến kiến trúc Neo-gothic: Nhà thờ Lớn Hà Nội (St. Joseph’s Cathedral) và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (Notre-Dame Cathedral Basilica of Saigon).

Nhà thờ Lớn Hà Nội qua chi tiết trang trí của một cánh cổng. Nguồn ảnh: ak_phuong/Getty Images.

6. Phong cách kiến trúc Pháp-Hoa

Như cái tên đã nói lên tất cả, phong cách kiến trúc Pháp – Hoa là một trường phái kiến trúc nơi mà sự giao thoa văn hóa Pháp và Trung Hoa đã ảnh hưởng lớn đến kiến trúc đô thị và các công trình. Phong cách này kết hợp các yếu tố của kiến trúc truyền thống Trung Hoa với sự tinh tế và trang nhã của kiến trúc Pháp, tạo ra một thể loại kiến trúc mới. Phong cách này thường thấy ở các khu vực có sự hiện diện lớn của cộng đồng người Hoa, đặc biệt là ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Đặc điểm chính:

  • Mái nhà: Các công trình kiến trúc Pháp – Hoa thường có mái cong, kiểu truyền thống Trung Hoa với các chi tiết uốn lượn ở đỉnh mái và góc mái.
  • Cửa sổ và cửa ra vào: Phong cách này thường có cửa sổ hình vòm theo kiểu kiến trúc Pháp, kết hợp với các chi tiết trang trí kiểu Trung Hoa. Cửa ra vào thường được chạm trổ cầu kỳ với các hình họa liên quan đến văn hóa Trung Hoa như hình rồng, hoa sen, hoặc các biểu tượng phong thủy.
  • Trang trí và chi tiết điêu khắc: Các chi tiết trang trí trong kiến trúc Pháp – Hoa thường phức tạp và mang nhiều yếu tố tượng trưng trong văn hóa Trung Hoa như long phụng, chim hạc, và các hoa văn hình sóng. Trong khi kiến trúc Đông Dương thiên về sự tối giản và công năng, kiến trúc Pháp – Hoa lại tập trung vào sự cầu kỳ và trang trí chi tiết hơn.
  • Mặt tiền công trình: Mặt tiền của các công trình kiến trúc Pháp – Hoa thường được trang trí bằng các hình vẽ và chạm khắc phức tạp, thể hiện sự giàu có và địa vị của gia chủ, một yếu tố quan trọng trong văn hóa Trung Hoa. Các tòa nhà thường có hình dáng thanh thoát, gợi nhắc đến sự uy nghiêm và trang nhã của kiến trúc truyền thống Trung Hoa.

Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến khi nói đến kiến trúc Pháp – Hoa: Dinh Tổng đốc Hoàng Trọng, chợ Bình Tây, Nhà của các thương gia người Hoa ở khu Chợ Lớn, nhà cổ Huỳnh Lê.

Xem thêm những bài viết khác tại đây:

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

12 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago