Lifestyle

Đâu là ngưỡng tiêu thụ rượu bia an toàn nhất?

Các loại đồ uống có cồn như rượu bia đã “đồng hành” với con người hầu như xuyên suốt chiều dài lịch sử. Nó xuất hiện trong các sự kiện xã hội, các dịp ăn mừng, cả trong đời sống thường ngày.

Về bản chất, rượu bia không xấu. Nếu sử dụng chừng mực và có trách nhiệm, nó có thể giúp con người nâng cao tâm trạng, khiến những cuộc họp mặt trở nên thân mật và thú vị hơn. Nhưng nếu lạm dụng thì nó có thể phá hủy sức khỏe của bạn “toàn diện” chẳng kém bất kỳ loại ma túy nào.

Vậy tiêu thụ rượu bia ở mức độ nào mới là đủ? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta sử dụng đồ có cồn vượt mức khuyến nghị?

Rượu bia là thức uống dành cho người lớn

Tại Mỹ, độ tuổi sử dụng rượu bia hợp pháp là từ 21 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, con số này là 18 (theo Điều 5.3 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019). Ngoài ra, các hành vi khuyến mãi, kinh doanh, quảng cáo rượu bia hướng đến người dưới 18 tuổi hoặc dùng hình ảnh người dưới 18 tuổi trong quảng cáo rượu bia đều chịu phạt theo quy định của pháp luật.

Vì sao lại phải ra quy định về độ tuổi được sử dụng chất có cồn? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu uống rượu bia càng sớm thì khả năng chúng ta đối mặt với các rối loạn do sử dụng rượu bia sau này càng cao. Vì não bộ vẫn tiếp tục phát triển cho đến khoảng 21-22 tuổi, nên nếu sử dụng quá nhiều rượu bia, khả năng nhận thức và học tập ở trẻ em và trẻ vị thành niên dễ gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng không có nghĩa người lớn có thể thoải mái sử dụng

Rối loạn sử dụng rượu (Alcohol Use Disorder – AUD) là một chứng rối loạn não, đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng ngừng hoặc kiểm soát việc sử dụng rượu bia bất chất những hậu quả về xã hội, nghề nghiệp, hoặc sức khỏe. Những người mắc AUD là những người lạm dụng và bị phụ thuộc vào bia rượu. Họ còn được biết đến với tên gọi “gần gũi” hơn là sâu rượu hoặc bợm nhậu.

AUD là một hội chứng rối loạn không phân biệt tuổi tác. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ mắc AUD trong nhóm tuổi từ 65 trở lên tăng cao trong vòng 2 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, những người nghiện rượu trong từ độ tuổi trung niên trở lên có nguy cơ tự tử cao hơn đáng kể so với những người trẻ tuổi.

Ảnh: Unsplash / Kelsey Chance

Tác động của rượu bia lên mỗi người là không giống nhau

Sở dĩ chúng ta nói “Con người khi say là con người thật nhất.” là vì rượu bia có tác dụng “nâng mood”, khiến một người trở nên kém cảnh giác và ít dè dặt hơn so với khi tỉnh táo. Tuy nhiên, không phải ai khi say vào cũng nói nhiều hơn, vui vẻ hơn hay hung hăng hơn, cục súc hơn.

Tác động của rượu bia lên mỗi người là không giống nhau. Nó chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, ví dụ: giới tính, trọng lượng cơ thể, tình hình trao đổi chất, “đô” uống của mỗi người, … Những yếu tố này tác động cả đến cách một người phản ứng với bia rượu và nguy cơ trở thành sâu rượu của họ.

“Tới bến” là hành vi nguy hiểm

“Không say không về” nghe thì vui đấy, nhưng hành vi này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguy hiểm hơn nữa, say bí tỉ không phải là chuyện chỉ xảy ra trong các cuộc ăn chơi tới bến như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Theo CDC Hoa Kỳ, say bí tỉ là trạng thái nồng độ cồn trong máu đạt mức 0,08g/dL sau khoảng 2 tiếng đồng hồ – tức khoảng 4 ly trở lên với nữ và từ 5 ly trở lên với nam. Nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể tới bến (mà không hay biết) trong một trò game phạt rượu hoặc một buổi họp mặt bạn bè “vô hại”.

“May mắn” là nhậu tới bến không khiến bạn trở thành con sâu rượu ngay lập tức. Nó chỉ làm tăng nguy cơ mắc chứng nghiện rượu sau này mà thôi. Tuy nhiên, nó vẫn để lại những tác động dài và ngắn hạn lên sức khỏe thể chất và tinh thần, ví dụ như:

– Tăng nguy cơ mắc ung thư,
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về tim, mạch máu, gan,
– Ảnh hưởng trí nhớ và năng lực học tập,
– Tăng nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục,
– Tăng nguy cơ gặp thương tích không chủ ý: tai nạn xe cộ, té ngã, bỏng, …,
– Gia tăng hành vi bạo lực cả lên người khác và bản thân.

Giảm đau bằng rượu bia là hành vi không an toàn

Có khoảng 28% người có bệnh mãn tính hoặc trải qua các cơn đau dai dẳng do điều trị hoặc bệnh tật tìm đến đồ có cồn như một loại “thuốc giảm đau”. Nhưng đây là một biện pháp không an toàn và không được khuyến khích.

Sở dĩ rượu bia có thể giúp người bệnh thấy đỡ đau và thoải mái hơn là vì nó làm chậm hoạt động của não và hệ thần kinh. Song sự giải tỏa này chỉ mang tính chất tạm thời. Để tác dụng này không biến mất, người bệnh cần phải dùng bia rượu liên tục. Lâu dài, họ sẽ bị “nhờn” và cần liều lượng mạnh hơn nữa để giảm đau.

Về cơ bản, đây cũng là một hành vi nghiện rượu. Chưa kể nhiều người còn có “sáng kiến” dùng thuốc giảm đau chung với rượu bia – một việc làm có thể gây chết người.

Đừng tin tưởng vào những “phương thuốc” giải rượu

Có hai lý do chúng ta không nên quá tin tưởng vào những phương thuốc giải rượu dù là dân gian hay hiện đại. Thứ nhất, chúng không thật sự có tác dụng khiến bạn tỉnh táo hơn, hoặc nếu có thì cũng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn. Thứ hai, những “phương thuốc” này chỉ thêm khuyến khích tâm lý “xả láng” vì-dù-gì-cũng-có-thuốc-giải.

Ngoài ra, nhiều người còn truyền miệng một số bí quyết như thứ tự uống hoặc các công thức pha trộn rượu bia với những chất khác nhau để cho dễ uống hoặc bớt say. Việc làm này về cơ bản cũng không có tác dụng. Uống cái gì trước không phải là vấn đề, liều lượng cồn nạp vào cơ thể mới quan trọng.

90% lượng cồn vào cơ thể sẽ tiến thẳng đến gan, được gan xử lý và khử độc trước khi đào thải ra ngoài. Bình thường, lá gan của bạn mất khoảng 1 giờ để giải độc 7g cồn. Tuy nhiên khả năng giải độc của gan không vô hạn – tế bào gan chỉ có thể lọc được một lượng cồn hạn định trong mỗi giờ. Nếu nồng độ cồn trong cơ thể quá cao, nó sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý.

Nhưng đó là với những lá gan khỏe mạnh bình thường. Trong trường hợp gan bị suy do bệnh lý hoặc lạm dụng rượu bia kéo dài, khả năng lọc và thải độc của nó sẽ giảm đi rất nhiều, cho đến mức gần như “tê liệt” hoàn toàn. Lúc này, tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và ảnh hưởng trên diện rộng, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan cũng như toàn cơ thể.

Ảnh: Unsplash / Tobias

Ngưỡng an toàn nhất của rượu bia chỉ có một, đó là không tiêu thụ chúng. Nếu không thể tránh né, tốt nhất chúng ta đừng lạm dụng, đặc biệt không uống khi tham gia giao thông, vận hành máy móc, có bệnh lý cần tránh, đang sử dụng thuốc có phản ứng với cồn, và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Những thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi nhất từ trước đến nay
Nói quanh co – Vì sao nhiều người thích đi đường vòng?
Những đặc điểm tính cách ít ai nói, được “gói” kỹ của người thành công

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

15 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago