Nổi bật

Black Friday – 8 câu chuyện thú vị về ngày hội “ai rồi cũng hết tiền”

Black Friday – ngày mua sắm lớn nhất năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hoặc ít nhất, đó là những gì chúng ta biết về ngày này.

Tuy nhiên, Black Friday có tuổi đời rất “non trẻ”, xoay quanh là một lịch sử thú vị. Bạn đã sẵn sàng cho những sự thật đáng ngạc nhiên về ngày hội mua sắm “điên cuồng này chưa?

Black Friday ban đầu không phải “ngày hội mua sắm”

Ngày nay, nhắc Black Friday lập tức chúng ta nghĩ ngay đến ngày hội mua sắm lớn nhất không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên toàn thế giới. Thế nhưng ban đầu, thuật ngữ này được dùng để chỉ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ những năm 1800s.

Bảng hiển thị giá vàng của NYSE năm 1869 | Ảnh: BBC / Library of Congress

Cụ thể, ngày Thứ Sáu đen tối đó là 24/9/1869 – ngày giá vàng sụt giảm thảm hại, đánh dấu cơn khủng hoảng tồi tệ của thị trường chứng khoán và tài chính Mỹ, sau khi hai nhà đầu cơ là Jay Gould và James Fisk thành công trong việc làm lũng đoạn thị trường vàng trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).

Là thủ phạm gây ra cơn ác mộng Black Friday, nhưng James Fisk đã “thẳng thắn” bình luận rằng, “Chúng tôi được tất cả, chỉ mất có danh dự thôi.”

Lễ diễu hành Macy không bắt nguồn từ Mỹ

Đối với người Mỹ, Lễ diễu hành truyền thống nhân dịp Lễ Tạ Ơn của Macy – đế chế bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ – đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi mùa lễ hội.

Năm 1924, Lễ diễu hành đầu tiên của Macy được tổ chức tại thành phố New York, với sự tham gia của các con vật trong Vườn thú Central Park và các nhân viên của Macy | Ảnh: BBC / Macy’s

Lễ diễu hành được tổ chức tại thành phố New York (NYC), đều đặn mỗi năm từ 1924. Đám rước khởi hành từ khu vực Thượng Tây Manhattan (Upper West Side Manhattan) đến flagship store của Macy ở Quảng trường Herald, được phát sóng cả nước trên đài NBC. Bóng bay Ông già Nô-en (Santa Claus) thường là nhân vật xuất hiện cuối cùng trong đám rước như một dấu chỉ rằng mùa Giáng Sinh đã bắt đầu.

Tuy nhiên, sự kiện này không chính thức khởi đầu tại Mỹ mà được lấy cảm hứng từ “bạn hàng xóm” Canada. Lễ diễu hành Ông già Nô-en được cửa hàng bách hóa Eaton (Canada) tổ chức lần đầu vào 2/12/1905. Buổi rước cũng kết thúc bằng sự xuất hiện của ông già Nô-en, và người tiêu dùng (tất nhiên) được khuyến khích mua quà tặng cho mùa lễ tại các cửa hàng của Eaton.

Lễ Tạ Frank (Franksgiving)

Ban đầu, Lễ Tạ Ơn sẽ rơi vào thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 – đó có thể là thứ Năm tuần thứ 4 hoặc tuần thứ 5 của tháng, tùy từng năm cụ thể. 

Tuy nhiên, “sự cố” xảy ra vào năm 1939 đã thay đổi tất cả. Thứ năm cuối tháng 11 năm đó trùng hợp cũng là ngày cuối cùng trong tháng. Lo lắng về việc mùa nghỉ lễ (đồng thời là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất năm) bị rút ngắn, các nhà bán lẻ đồng loạt kiến nghị Franklin Roosevelt – Tổng thống đương thời – cho dời kỳ nghỉ sớm lên 1 tuần, và Roosevelt chấp thuận.

Việc này đồng thời làm xáo trộn thời gian tổ chức ngày Tạ Ơn tại các vùng miền khác nhau trên nước Mỹ. Trong suốt 3 năm sau đó, Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) được “vui miệng” gọi chệch thành “Lễ Tạ Frank” (Franksgiving).

Một lời phàn nàn “nhẹ nhàng” gửi đến Tổng thống Roosevelt: “Chúc mừng Ngài Tổng thống và phán quyết của Ngài. Xin hỏi chúng tôi nên phục vụ món gà Tây lúc nào đây? Ngày 21 hay 28?” | Ảnh: BBC / FDR Library

Đến cuối 1941, để chấm dứt sự lộn xộn, Quốc hội đã ra thông báo rằng Lễ Tạ Ơn sẽ chính thức diễn ra vào thứ Năm tuần thứ 4 của tháng 11.

Hội chứng “sếp-ơi-sau-lễ-tự-nhiên-em-bệnh”

Lần đầu tiên thuật ngữ Black Friday được sử dụng với hàm ý chỉ ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn là trong ấn bản tháng 11 năm 1951 của tờ Quản trị và Điều hành Nhà máy – bản tin dành riêng cho những người làm công việc này.

Ăn lễ xong tui mệt ghê… | Ảnh: The Atlantic / Library of Congress (1897)

Cụ thể, ấn bản đã viết Friday-after-Thanksgiving-itis là căn bệnh chỉ đứng sau dịch hạch về độ ảnh hưởng của nó”, xuất phát từ sự thật số lượng công nhân xin nghỉ làm với lý do bị bệnh vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn cao một cách đáng ngờ.

Tại thời điểm đó, thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn không phải ngày nghỉ chính thức, nhưng nó được “ngầm” hiểu như một phần của ngày lễ. Với các thương hiệu bán lẻ thì Black Friday là ngày thứ Sáu hốt bạc, trong khi với các chủ nhà máy và doanh nghiệp trong lĩnh vực khác thì đây quả là một ngày thứ Sáu “đen tối”.

Black Friday hay Big Friday?

Theo nhà ngôn ngữ học Benjamin Zimmer thì trong nhiều thế kỷ, từ black đã được dùng để chỉ nhiều thứ khác nhau, mà phần lớn trong số đó là những tai họa.

Thành phố đầu tiên phổ biến thuật ngữ Black Friday là Philadelphia, khi các nhân viên cảnh sát gọi thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn là thứ Sáu đen tối vì tình trạng giao thông hỗn loạn và ùn tắc kinh hoàng do lưu lượng người đi mua sắm quá đông.

Các tập đoàn bán lẻ dĩ nhiên không muốn một trong những ngày làm ăn “ổn áp” nhất năm của mình lại liên quan đến khói bụi hay tắc nghẽn giao thông, nên họ nảy ra sáng kiến gọi ngày này là Big Friday thay vì Black Friday (theo thông tin từ một tờ báo địa phương Philadephia năm 1961).

Black Friday trở thành từ lóng của giới cảnh sát và tài xế xe buýt tại Philadelphia trong thời gian dài.
Ảnh: BBC

Và sáng kiến đó có thành công hay không thì khỏi cần trả lời cũng biết. Mặc kệ những cố gắng “cải tạo”, Black Friday trở thành từ lóng (slang) của Philadelphia trong một thời gian khá dài. Đến những năm 1980, Black Friday bắt đầu được sử dụng ở một số địa phương khác, cho đến giữa thập niên 90 thì trở nên phổ biến trên toàn nước Mỹ.

Black Friday là ngày hội mua sắm lớn nhất năm?

Mặc dù được mệnh danh là ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ, nhưng kỳ thực Black Friday chưa “có tuổi” với danh hiệu này.

Ảnh: Reuters

Vào khoảng đầu năm năm 2000, Black Friday được chính thức công nhận là một ngày nghỉ, đồng thời là cơ hội mua sắm cho mùa Giáng Sinh sắp tới. Đây là dịp nghỉ 4 ngày liên tiếp của người lao động tại Mỹ (thứ Năm Tạ Ơn, thứ Sáu “đen”, và cuối tuần). Tuy nhiên, thời điểm mọi người rút ví nhiều nhất vẫn chưa phải vào lúc này, mà là ngày thứ Bảy ngay trước Giáng Sinh. Rõ ràng là deal rẻ vẫn không “ngon” bằng sự trì hoãn.

Black Friday ra quốc tế

Chính xác thì, được “truyền cảm hứng” từ Black Friday, một số quốc gia khác cũng có những ngày hội mua sắm của riêng họ. 

Canada cũng có Black Friday, mặc dù Lễ Tạ Ơn tại nước này diễn ra vào tháng 10 chứ không phải tháng 11 như Mỹ. Mexico có El Buen Fin (viết tắt của El Buen Fin de Semana, nghĩa là Cuối tuần tốt đẹp), diễn ra vào dịp cuối tuần trước ngày kỉ niệm Cách mạng Mexico (thứ Hai thứ ba tháng 11).

Trên nền tảng trực tuyến, các nhà bán lẻ như Amazon đẩy mạnh Cyber Monday (khái niệm xuất hiện lần đầu năm 2005) như một cơ hội mua sắm online cho người tiêu dùng toàn cầu. Trong khi đó ở Trung Quốc, Ngày Độc Thân (11/11) mặc dù mới hình thành không lâu nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những ngày hội mua sắm lớn nhất tại nước này và các quốc gia châu Á khác, với những kỷ lục ấn tượng như bán hết 2 triệu chiếc áo ngực trong vòng 1 giờ đồng hồ (và nếu gom đống áo này lại, chúng ta sẽ được một ngọn núi áo ngực cao gấp ba lần đỉnh Everest).

Người độc thân làm gì vào Ngày Độc Thân? Tất nhiên là lên mạng và săn deal rồi chứ người yêu đâu mà đi chơi.

Black Friday có nguy cơ “tuyệt chủng”

Khoảng cuối những năm 2000, mặc dù chiều lòng người tiêu dùng mua sắm dịp Black Friday, nhưng đa số các cửa hàng vẫn chỉ mở cửa sớm nhất vào lúc 6h sáng. 

Những hàng người dài dằng dặc đã trở thành một “đặc sản” mùa săn sales tại Mỹ. Năm 2013, có khoảng 137 triệu người tiêu dùng đã tham gia mua sắm trong Black Friday. Con số này nhiều hơn cả dân số Nhật Bản | Ảnh: Flickr

Dần dần, giờ mở cửa được đẩy lên 5h, rồi 4h, và đến năm 2011, Wal-Mart phá vỡ mọi kỷ lục đồng thời phá luôn khái niệm Black Friday khi mở cửa từ chiều ngày thứ Năm.

Các nhà bán lẻ khác dĩ nhiên không thể chịu thua trong cuộc đua này. Giờ mở cửa cứ được “nhích” dần lên. Trong một khảo sát của NRF, 33 triệu người Mỹ nói rằng họ sẵn sàng đi mua sắm ngay sau bữa tối Tạ Ơn.

Thời gian mở cửa càng sớm, khách hàng xếp hàng càng sớm. Nhiều người không ngần ngại cắm trại hẳn bên ngoài để không bỏ lỡ cơ hội trở thành một trong những vị khách đầu tiên vào sáng mai | Ảnh: Shutterstock

Thế có nghĩa là Black Friday sẽ không còn nữa à? Không hề gì, mất thứ Sáu đen thì sẽ có thứ Năm xám (Grey Thursday). Với các tập đoàn bán lẻ thì vấn đề không phải là ngày nào trong tuần, chỉ cần mọi người vẫn đam mê săn deal là được.  

Mi Nguyen

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

19 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

21 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago