#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt
Bùi Viện chính thức trở thành tên của con đường này từ ngày 6/10/1955. Trước đó, dưới thời Bảo Đại, nó có tên là Bảo hộ Thoại. Theo cuốn sách Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Đình Tư, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên đường Bảo hộ Thoại thành Bùi Viện từ 1955.
Theo tài liệu, trước thời gian khoảng năm 1950 – 1951, nơi này đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ những căn nhà lụp xụp trong khu vực Trần Hưng Đạo – Bùi Viện – Đề Thám. Năm 1952, nhà đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt căn hộ liền kề tại đây. Dấu tích nay vẫn rất rõ ràng trên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Đề Thám cho tới Nguyễn Cư Trinh. Đó là những căn nhà xây theo kiểu 1 trệt 2 lầu, có những đường nét kiến trúc giống hệt nhau.
Được biết, những người “Tây” đầu tiên đến sống trên con phố này không phải là khách du lịch, mà là người Mỹ làm việc ở Sài Gòn trước 1975.
Trước năm 1975, nơi đây được gọi là “Ngã tư Quốc tế” – cái tên này vốn dĩ không có tên trên bản đồ mà được dùng để nói về khu vực năm con đường xung quanh rạp công nhân . Đó là 5 đường: Bùi Viện (Bảo Hộ Thoại), Đề Thám (Dixmude), Đỗ Quang Đẩu, Trần Hưng Đạo (Gallieni), và Phạm Ngũ Lão (Colonel Grimmauld).
“Báo đài” thời xưa
Thời ấy, đường Phạm Ngũ Lão (tên cũ là Colonel Grimauld) – đoạn giữa Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu , chỉ dài hơn vài trăm mét mà là nơi các nhà in trong thành phố tụ họp lại. Cũng trên con đường này, đối diện chợ Thái Bình là tòa soạn của một số nhật báo và tuần báo. Các tạp chí Văn, Tuổi Ngọc, Màn Ảnh, Kịch Ảnh và những tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí… đa số đều sống “tầm gửi” theo các nhà in ở khu vực này.
Bởi thế mà từ sáng đến trưa, tại các quán cà phê tập trung các văn nhân, ký giả để tán chuyện, lấy tin và viết bài cho các tờ nhật báo ra buổi chiều. Đủ thứ chuyện nóng hổi từ “Con ma vú dài trong khám Chí Hòa”, “Điền Khắc Kim vượt ngục hiếp dâm vợ Mỹ trả thù dân tộc”, “Mấy tướng lĩnh bị bắn chết trong Chợ Lớn là do máy bay Mỹ bắn lầm hay là Mỹ muốn thanh toán họ?” đến “Công chúa Baxi Bokassa là thật hay giả?”, “Bà Thiệu chiếm đất nông dân tại Long Khánh”, v.v.
Những tin tức trong nước đến quốc tế hằng ngày nóng sốt chưa thấy xuất hiện trên báo đã nghe bàn tán từ các ký giả tại các tiệm nước trong khu Đề Thám – Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão.
Khu này lại có phòng trà ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn tên Anh Vũ. Vì vậy khu Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện, Đề Thám gần đó tập trung đầy các anh ký giả mặc áo bốn túi. Lúc đó người ta thường gặp ở quán cà phê Vinh Toàn các anh ký giả kịch trường, những người đi săn tin, bắn tin về kịch trường lúc nào cũng túc trực ở đây. Chẳng bao lâu nơi đây trở thành trung tâm tin tức, từ địa phương đến quốc tế, từ đó phát sinh tên Ngã tư Quốc Tế.
Điểm hẹn của đào, kép cải lương
Có phải bắt nguồn từ rạp Nguyễn Văn Hảo khiến cho ngã tư này có cái tên “tiền định” là Quốc Tế? Vì theo những cư dân đã già theo năm tháng ở khu vực này thì đào kép cải lương hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo thường ra đây cà phê trước giờ tập tuồng, sau khi vãn hát thì nhậu nhẹt. Dân mê cải lương ra đây nhìn mặt thiệt của đào kép không tốn tiền, giới làm ăn buôn bán, chạy áp phe ghé đây ngồi để lây cái sang. Nhiều tiệm ăn phục vụ cho giới trung lưu cũng như người lao động với các món ăn sáng đủ thể loại: bánh cuốn, bánh xèo, xôi vò, xôi rượu nếp, xôi bắp, xôi đậu đen, khoai mì, khoai lang, bánh mì thịt, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, phở, cơm tấm bì, sữa đậu nành, đậu hũ, bánh khúc… Bởi vậy, khu này đông đúc là lẽ tất nhiên.
Ban đêm coi hát cải lương, buổi sáng người mê cải lương đến khu này ăn cơm sườn để nhìn mặt nghệ sĩ trần trụi không son phấn.
Tại những quán cà phê hay quán ăn trong khu vực này, ký giả và dân hóng chuyện hậu trường luôn được nghe những tin sốt dẻo về nghệ sĩ như “Thành Được bị Thanh Nga cho de nên cạo đầu?”, “Bạch Tuyết và Ngọc Giàu bị lật xe trên đường ra Vũng Tàu trình diễn”…
Có đầy đủ thành phần từ ký giả đến nghệ sĩ trao đổi với nhau đủ chuyện tin tức từ nội địa đến quốc tế hằng ngày, nên các ký giả đã dùng cụm từ “ngã tư quốc tế” như một ký hiệu để chỉ một địa điểm hẹn nhau hằng ngày.
“Phố tây” do người dân sau này đặt ra. Bởi lẽ nơi đây có rất nhiều du khách Tây từ mọi nơi trên thế giới tập trung lại. Bỗng dưng lác đác một vài quán cà phê có kèm tour du lịch ngắn ngày trong thành phố xuất hiện ở phố Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão dành cho Tây nghèo, chỉ có cái ba-lô và một ít đôla đi du lịch bụi.
Theo thời gian, khu ngã tư quốc tế “local” ngày trước trở thành ngã tư quốc tế “thứ thiệt” khi khu vực này đầy khách Tây khắp thế giới dập dìu trong những khách sạn, quán ăn, quán cà phê từ sáng đến tối. Con phố này bỗng chốc trở nên đa văn hóa, đa quốc gia với rất nhiều du khách châu Á, châu u và cả châu Mỹ.
Có người nói rằng phố Tây bắt nguồn từ cơ duyên kinh doanh phòng trọ cho thuê của một cặp vợ chồng. Cũng có người nói nhờ xuất hiện trên cuốn sách du lịch Lonely Planet năm 1993, những du khách nước ngoài đến Sài Gòn đã chọn Bùi Viện làm điểm dừng chân trước khi toả đi miền Tây hoặc ra miền Trung.
Người sống ở Bùi Viện thường nói, cái mốc chuyển mình của Bùi Viện là sau Đổi Mới năm 1986. Đầu những năm 1990, khách du lịch bắt đầu xuất hiện ở khu phố này. Rồi đến lượt nhà hàng, khách sạn, những cửa tiệm mọc lên, tiếng nhạc, tiếng cười nói huyên náo đêm ngày. Ở Bùi Viện, ẩm thực không chỉ là món ăn, nó mang cả văn hoá của những người nước ngoài đến đây sinh sống.
Các du khách nước ngoài có nhiều nhu cầu nên dần dần khu này phát triển nhiều hoạt động khác nhau từ các quán ăn giản dị vỉa hè cho đến bar nhộn nhịp nhạc trống. Đi kèm với các dịch vụ ăn uống còn có nhà nghỉ, bar, khách sạn hay các công ty du lịch sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của khách từ trong nước hay ngoài nước. Tại đây, người ta không phân biệt giàu nghèo, màu da hay tôn giáo mà chỉ có những hoạt động vui chơi giải trí kéo dài tới tận sáng hôm sau.
Ngày 15 tháng 7 năm 2017, khu phố Tây ăn chơi nức tiếng của các bạn trẻ Sài Thành được khoác lên mình “bộ áo mới” trở thành phố đi bộ thứ 2 của Sài Gòn sau phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Được biết, đường Bùi Viện sẽ cấm xe một đoạn dài khoảng 500m, từ Đề Thám đến Đỗ Quang Đẩu trong thời gian từ 19 giờ tối – 2 giờ sáng hôm sau vào 2 ngày cuối tuần để phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí với các gian hàng ẩm thực, các trò chơi dân gian, các màn trình diễn đường phố,… Du khách đến với phố đi bộ sẽ được hưởng “four free” (4 miễn phí): nhà vệ sinh; wifi; cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách và “nụ cười miễn phí.”
Nếu được lựa chọn một đêm không ngủ ở Hà Nội, phần lớn mọi người sẽ chọn phố Tạ Hiện. Còn ở Sài Gòn thì sẽ nhắc đến những đêm tưng bừng tại phố Tây Bùi Viện – con phố sầm uất từ ngày đến đêm. Bùi Viện là một Sài Gòn “suốt đêm không ngủ” thu nhỏ, là khu phố đi bộ thu hút giới trẻ bởi không khí vui vẻ, rộn ràng, và còn là cả một “thiên đường ẩm thực” đa dạng với vô vàn các món ngon khiến bạn ăn quên lối về.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…