Hà Nội có hồ Gươm, Bắc Kạn có hồ Ba Bể, Đà Lạt có hồ Xuân Hương. Còn Sài Gòn? Nhắc Sài Gòn là nhớ ngay hồ Con Rùa – địa điểm với cái tên mộc mạc, ngồ ngộ, từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố.
Hồ Con Rùa là cái tên quen thuộc với người Sài Gòn. Người ta quen gọi hồ nước này là Con Rùa đến nỗi nhiều khi quên mất tên thật của nó là Công trường Quốc tế. Nằm ở vị trí đắc địa tiếp giáp giữa Quận Nhất và Quận Ba, đồng thời là chốt giao giữa 3 con đường: Võ Văn Tần, Trần Cao Vân, và Phạm Ngọc Thạch, Hồ Con Rùa tập trung rất nhiều hàng quán xung quanh, nhộn nhịp từ sáng đến tận khuya.
Cái tên Con Rùa gợi nên sự thân thương với người Sài Gòn và gây tò mò, thích thú cho khách phương xa. Thế nhưng lý do gì mà người ta gọi nơi đây là hồ Con Rùa, có phải vì thời xưa, từng có rùa sinh sống trong hồ nước này?
Năm 1970, tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy), sau được vua Minh Mạng đổi tên thành cửa Vọng Khuyết. Năm 1837, 4 năm sau binh biến Lê Văn Khôi, thành Bát Quái bị phá. Vua cho xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên thành Phụng (tên chính thức là thành Gia Định).
Lúc này cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài vòng thành, nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông.
Người Pháp chiếm thành Gia Định và cho san bằng thành vào năm 1859. Đến năm 1862, họ bắt đầu quy hoạch lại thành phố, dựa trên những con đường dọc ngang có sẵn trong thành Quy. Vị trí hồ Con Rùa nằm ở cuối đường 16, dẫn ra bến sông.
Năm 1878, người Pháp cho xây dựng một tháp nước tại vị trí hồ Con Rùa để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng.
Tháp nước này được người Pháp ca ngợi và in bưu thiếp khá nhiều: “Một tác phẩm tuyệt đẹp trên một nền móng rất cao và vững chãi với một cầu thang xoắn ốc gắn vô một cái lồng” (Louise Bourbonnaud – Les Indes et l’Extreme Orient, 1892).
Năm 1921, tháp nước bị chính người Pháp phá bỏ do không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu cung cấp nước. Đoạn từ đường Mayer (Võ Thị Sáu) đến tháp nước là Garcerie, còn từ tháp nước đến Nhà thờ Đức Bà là Blancubé. 2 đoạn đường này về sau trở thành 1, chính là Phạm Ngọc Thạch. Còn vị trí tháp nước thì trở thành giao lộ như ngày nay, cũng là vòng xoay đầu tiên của Sài Gòn, tên là Công trường Maréchal Joffre. Cắt giao lộ là đường Testard (Võ Văn Tần) và Larclauze (Trần Cao Vân).
Sau khi phá tháp nước, người Pháp cho xây một tượng đài 3 binh sĩ Pháp bằng đồng để tôn vinh những binh sĩ Pháp đã tử trận, đồng thời để đánh dấu việc người Pháp làm chủ Đông Dương. Lúc này, người dân địa phương gọi nơi đây là Công trường Ba Hình.
Các tượng đài sau này bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ bên dưới. Giao lộ lúc này được đổi tên thành Công Trường Chiến Sĩ.
Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, Công trường Chiến Sĩ là vòng xoay giao thông của hai con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) và Trần Quý Cáp. Tuy nhiên lúc này, đây chỉ là một cái hồ nhỏ nằm “lạnh lẽo” giữa một “khung trời đại học” lãng mạn với xung quanh là các trường đại học như Luật, Y, Kiến trúc… và “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”. Đến giữa thập niên 60, khu vực này được hồi sinh với thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.
Nhưng phải đến khoảng 1970-1974, sau những lần trùng tu, tôn tạo, nơi này mới trở nên sống động, trở thành kỷ niệm khó quên của bao thế hệ người trẻ Sài Gòn khi xa thành phố. 5 cột bê tông cao được dựng lên, phía trên là một “bông hoa xòe” với nhụy hoa ở giữa. Tháp chính có chiều cao 34 mét. Công trình mới này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đồng có đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước công nhận Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi xây dựng xong thì ban đầu khu giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến Sĩ Tự Do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế. Tuy nhiên người dân quanh vùng thì gọi là Hồ Con Rùa, do tượng rùa ở giữa hồ.
Sau năm 1975, các dòng chữ trên tấm bia bị đục bỏ. Vào khoảng năm 1975, con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ không rõ nguyên nhân, nhưng cái tên hồ Con Rùa thì vẫn được dùng như một thói quen, mặc dù rùa thật thì không có còn rùa đồng cũng không còn.
Do có kiến trúc khá kỳ lạ, Hồ Con Rùa được gắn với giai thoại trấn yểm long mạch của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Theo lời thuật của tác giả Huỳnh Bá Thành trong cuốn sách Vụ án Hồ Con Rùa (NXB Tuổi Trẻ 1982), có giai thoại truyền miệng kể là vào năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đã cho mời một thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại dinh Độc Lập.
Ông thầy phong thủy này khen dinh được xây trên long mạch. Con rồng này có đầu nằm ngay dinh Độc Lập (vì vậy Dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu Rồng) và đuôi rồng nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ. Tuy phát hưng vượng nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, cần phải cúng yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy, mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thiệu đã nghe theo và cho xây dựng một hồ nước có hình bát giác, phỏng theo bát quái trận đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa, và cho đặt một con rùa lớn đúc bằng đồng ngay chính giữa hồ. Cũng vì thế, nhiều người cho rằng kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm hoặc một cây đinh khổng lồ đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.
Lại có một thuyết khác, cho rằng Hồ Con Rùa được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho xây dựng theo lời khuyên của các vị chuyên gia về tử vi nhằm mục đích kích hoạt cung Quan Lộc của ông, giữ cho ngôi vị được bền vững.
Ngày nay, tất cả những giai thoại trên không thể được chứng minh nữa. Dù ban đầu được xây dựng với mục đích gì, thì không thể phủ nhận một điều rằng hồ Con Rùa là một nét rất riêng của Sài Gòn, là điểm hẹn quen thuộc của người dân thành phố, là nơi mà ai đi xa Sài Gòn cũng sẽ nhớ về.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…