Hãy giữ những ranh giới này trong tim, và bạn sẽ luôn được dẫn dắt tới hạnh phúc và tình yêu.
Ranh giới cảm xúc là những giới hạn mà bạn vạch ra cho hành vi và cách đối xử mà bạn sẽ (và không) chấp nhận từ những người xung quanh. Đôi khi, đây cũng là những ranh giới khó duy trì nhất trong một mối quan hệ tình cảm; vì cảm xúc lúc đó có thể dâng cao, mọi sự phán xét từ đấy mà dần lu mờ, và chúng ta dễ dàng bỏ qua những điều mà lẽ ra không nên ở người đấy.
Dưới đây, hãy cùng The Millennials Life chỉ ra những “cờ đỏ” mà ngay cả những người dễ tính nhất cũng khó lòng mà chấp nhận.
Chúng tôi tâm niệm rằng, một lời hứa chỉ nên được thốt ra khi người đó có ý định giữ lời; nhưng chính chúng tôi cũng hiểu rằng điều này khó có thể thực hiện đúng hoàn toàn 100% được. Hoàn cảnh có thể đổi thay, và đôi khi những điều ngoài tầm kiểm soát khiến chúng ta không thể thực hiện những điều mình đã nói sẽ làm.
Cuộc sống luôn có những bất ngờ, và không phải lời hứa nào bị phá vỡ cũng là sự phản bội hay thiếu trung thành.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy nửa kia thường xuyên và liên tục không hoàn thành những gì họ đã hứa với bạn, luôn tìm lý do tại sao họ không thể làm được, hay ít khi đặt mối quan tâm của bạn lên hàng đầu,.. Thì có lẽ đã đến lúc ta nên “xem xét lại cuộc tình” này rồi.
Nếu một người thực sự hối lỗi vì đã không giữ lời, bạn sẽ thấy rõ họ luôn cố gắng bù đắp cho bạn hoặc làm điều gì đó để bày tỏ sự hối hận đấy. Tuy nhiên, nếu điều đó trở thành một mô thức và không có giải pháp nào được đưa ra, thì đã đến lúc ta gạt cảm xúc sang một bên và hiểu rằng những người như thế sẽ tiếp tục lợi dụng sự tốt bụng của mình. Cách duy nhất để dừng lại là chấm dứt mối quan hệ này.
Câu cửa miệng mà bạn có thể từng nghe: “Ôi thôi nào! Anh chỉ đùa thôi mà, sao mà phải làm lớn chuyện lên vậy?”
Nhưng mà bạn nghĩ lại mà xem, có đúng là “trò đùa” không? Cái “trò đùa” khi họ châm chọc những điều bạn tự ti trước mặt bạn bè hoặc gia đình? Cái “trò đùa” khi họ chế nhạo về điều mà bạn đã tin tưởng chia sẻ với họ? Hay cái “trò đùa” khi họ thản nhiên bình luận về cơ thể bạn trong một chiếc váy bạn thích?
Có những người có cách thể hiện khiếu hài hước khác biệt, hoặc cũng có thể họ hoàn toàn không biết cách nói tốt người nào đó. Cũng có trường hợp người ta dùng sự hài hước để che đậy sự không thoải mái, hoặc nghĩ rằng sự hài hước đấy là cách thể hiện sự duyên dáng. Nhưng khi họ liên tục vượt quá ranh giới hoặc khiến bạn cảm thấy không thoải mái, đó là mới là điều đáng báo động.
Hoặc có thể, đơn giản, họ chỉ là một người muốn hạ thấp sự tự tin của bạn bằng những nhận xét châm chọc hoặc lời nói có tính công kích ngầm.
Dù là với lý do gì, cách cư xử này không bao giờ nên được chấp nhận. Vì thế, ta hãy lên tiếng và cho họ biết những lời của họ đã làm bạn cảm thấy tổn thương ra sao. Sau đó, hãy xem liệu họ có thay đổi hay không.
Nếu họ thay đổi, thì có lẽ người đấy thực sự không nhận ra tác động của lời nói lên bạn (mặc dù điều đó cũng không phải là lý do để bào chữa). Nhưng nếu họ không thay đổi, tức là họ cố tình làm tổn thương bạn dù biết bạn bị ảnh hưởng. Đó là lúc ta nên cân nhắc rời đi.
Bạn là người đã đặt niềm tin của mình vào họ; mong rằng họ sẽ giữ kín những suy nghĩ, cảm xúc, và những điểm yếu của bạn khỏi sự tổn thương.
Nhưng giờ đây, họ lại bắt đầu sử dụng chính những điều đó chống lại bạn. Họ “vô tình” đưa ra những lời bình phẩm về những điều mà bạn đã tin tưởng chia sẻ. Họ bắt đầu biến những nỗi sợ và tự ti của bạn thành vũ khí, rồi biện minh rằng đó chỉ là đang “đùa,” chỉ là đang “giỡn,” hoặc chỉ là một lời nói bâng quơ.
Trong mọi trường hợp, bạn không nên chấp nhận lời biện minh hời hợt này, vốn chỉ nhằm che đậy hành vi lạm dụng tinh thần. Thao túng cảm xúc. Tống tình về mặt tinh thần.
Họ nắm giữ một điều mà họ biết có thể làm bạn tổn thương, và họ sử dụng nó đúng mục đích đó. Không ai thực sự quan tâm đến bạn lại có thể hành xử như thế.
Lòng tin là một yếu tố nền tảng trong mọi mối quan hệ, không chỉ riêng giữa mối quan hệ tình cảm. Nhưng trong tình yêu, lòng tin còn sâu sắc hơn về mặt cảm xúc, tâm lý, thể xác, tâm linh, và tình dục. Bạn tin tưởng vào người đã cam kết sẽ trân trọng lòng tin đó mỗi ngày, và hi vọng sẽ duy trì trong suốt thời gian ở bên nhau.
Đây là một trong những lý do tại sao sự giao tiếp giữa các cặp đôi lại quan trọng đến vậy. Bởi, nó giúp bạn và người ấy cùng xác định rõ ràng những giới hạn mà cả 2 sẽ thống nhất., như: Điều gì được xem là phá vỡ lòng tin? Là hành động đi ra ngoài ranh giới của mối quan hệ?
Thoạt nhìn, những câu hỏi này có vẻ khá dễ dàng để trả lời; nhưng nêu nghĩ thật kỹ, ta sẽ thấy những tiểu tiết nhỏ nhặt dần dần trở thành mối lo lớn.
Lấy ví dụ như mạng xã hội chẳng hạn: 2 bạn đều có cuộc sống riêng trước khi gặp nhau, quen biết nhiều người khác giới, có thể là những người rất cuốn hút. Vậy ta có nên tiếp tục theo dõi những người này trên mạng? Ta có nên thích ảnh của họ? Liệu những bức ảnh khêu gợi có làm thay đổi câu trả lời không? Có nên phản hồi story của người đấy hay không, hoặc gửi tin nhắn? Nội dung của tin nhắn đó là gì?
Nếu cả 2 đều đồng tình với những câu hỏi trên thì không có gì để nói. Nhưng nếu không hoặc vô tình không nhận ra điều mình vừa làm, chẳng phải điều đấy cũng dẫn đến vô tình phản bội lòng tin của đối phương mà không hề hay biết hay sao?
Hoặc nếu người ấy biết rõ điều gì bạn xem là đúng hoặc sai, biết rõ điều bạn cho là phản bội lòng tin, biết rõ ranh giới của bạn là gì… nhưng vẫn cố tình vi phạm sự thống nhất giữa 2 người, thì đó là hành vi không thể chấp nhận và không thể biện minh là “sai lầm.”
Sẽ có một sự khác biệt lớn giữa việc “vượt qua mâu thuẫn” và cố gắng xóa sạch quá khứ.
Khi 2 người cùng bước tiếp khỏi những đổ vỡ, điều đó có nghĩa là họ cùng nhau chữa lành. Họ bàn luận về những thử thách đã vượt qua và cùng nhau trưởng thành, phát triển, và tiến về phía trước. Chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ, vì nếu không, nó sẽ làm vẩn đục tương lai của chúng ta.
Tuy nhiên, điều chúng ta cũng không thể làm là cố gắng giả vờ rằng quá khứ chưa từng xảy ra, cố gắng xóa bỏ nó, cố gắng làm giảm nhẹ nỗi đau, sự buồn phiền, hay cảm xúc của bạn về sự kiện đó. Khi điều đó xảy ra, nghĩa là người kia đang hoàn toàn phủ nhận cảm giác của bạn và từ chối chịu trách nhiệm cho hành động của họ.
Để bước tiếp một cách lành mạnh khỏi quá khứ, ta cần chịu trách nhiệm về hành động của mình, nỗ lực cải thiện và giành được sự tha thứ từ người kia. Nếu họ cố gắng chạy trốn, họ đơn giản là đang cố tránh né những gì họ đã làm và nghĩ rằng nếu họ giấu đi, bạn sẽ quên đi.
Nếu ai đó từ chối xin lỗi, từ chối thừa nhận sai lầm của mình, hay từ chối đối diện với bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của mình; thì bạn sẽ khó mà có thể học cách tin tưởng họ.
Người đấy sẽ dành toàn bộ thời gian để đổ lỗi cho bạn, và giả vờ như mình không làm gì sai. Bạn không thể vừa tránh né một vấn đề và giải quyết nó cùng lúc; bạn phải chọn 1 trong 2 — và việc né tránh không bao giờ mang lại sự tiến bộ, phát triển, hay sự tin tưởng.
Tính toán lỗi lầm. Tính toán sai sót. Tính toán những điều sai trái. Như người đấy có một “bảng điểm” cho mối quan hệ này vậy.
Những ai cứ tiếp tục đánh số thì chỉ là đang chờ cơ hội để “thắng” thôi. Nhưng một mối quan hệ tình cảm đâu phải là để thắng thua? Ta yêu nhau bởi vì ta quan tâm đến họ, ta có những mục tiêu và nỗ lực chung; từ đó mà cùng nhau giúp đỡ hướng tới kết quả tốt.
Nếu ai đó luôn nhắc lại những sai lầm mà bạn đã phạm phải trong quá khứ, hoặc luôn hành động từ góc độ “ăn miếng trả miếng,” thì điều họ thực sự muốn làm là tập trung vào ai đúng, ai sai trong một tình huống nhất định. Cái khoảnh khắc mà 2 bạn bắt đầu cạnh tranh với nhau, cố gắng vượt lên nhau, hoặc cố gắng chiếm ưu thế hơn đối phương… cũng là khoảnh khắc tất cả sẽ tan vỡ.
Chẳng phải ngoài việc khao khát một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu; bạn cũng đang từng ngày phát triển bản thân mình hay sao? Việc đặt ra tiêu chuẩn và ranh giới đồng nghĩa với việc đây là những yếu tố/tư duy/tính cách mà bạn muốn có không chỉ trong mối quan hệ tình cảm, mà còn cả cho bản thân mình nữa.
Vì vậy, bạn sẽ cần một người bạn đời cũng đầu tư vào bản thân mình như vào bạn và mối quan hệ này. Bạn không thể là người duy nhất tập trung vào lối sống lành mạnh, người duy nhất cải thiện bản thân, người duy nhất phát triển được. Nếu không, cả 2 người sẽ ngày càng xa cách nhau – bạn tiếp tục tiến lên trong khi họ mãi dậm chân tại chỗ.
Không phải lúc nào cũng là sự đối xử tiêu cực, phản bội, hoặc lạm dụng mới khiến 2 người chia xa. Đôi khi, đơn giản chỉ là sự không tương thích trong cuộc sống. Nếu 2 bạn không phù hợp, việc thừa nhận điều đó không có gì phải xấu hổ, và điều đó cũng không làm cho ai trong 2 người trở thành người xấu.
Càng nhận ra điều này sớm, bạn sẽ càng tránh được tổn thương.
Như chúng tôi đã nói ở trước, con người đôi lúc sẽ mắc sai lầm và đôi khi có thể xứng đáng có 1 cơ hội thứ hai. Nhưng hành vi lạm dụng lại là câu chuyện khác.
Bất kỳ khi nào người đó có hành vi có thể được xem là lạm dụng — dù là về tinh thần, tình cảm, thể chất, hay dưới bất kỳ hình thức nào khác… họ đã đánh mất đặc quyền có bạn trong cuộc sống của họ.
Đây là chuẩn mực tối thiểu mà bất kỳ người bạn đời nào cũng nên tuân thủ. Bởi, điều này thể hiện sự tử tế trong nhân cách; và nếu họ còn không thể đáp ứng tiêu chuẩn thấp nhất này, họ hoàn toàn không xứng đáng với trái tim, cơ thể, hay sự đầu tư cảm xúc của bạn.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…
"Đa Điểm" mang đến người xem cái nhìn độc đáo trong sự khảo nghiệm liên…