Tất nhiên giữa đàn ông và phụ nữ, mỗi cá nhân đều sẽ có cách vượt qua nỗi đau chia tay khác nhau; nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường hồi phục nhanh hơn sau khi kết thúc một mối quan hệ.
Có một điều mà bất kỳ ai từng trải qua một mối quan hệ không thành đều sẽ “gật gù với nhau”: Đó là chia tay là một điều khó khăn. Dù cho chính bạn là người chủ động kết thúc; hay dù cho bạn biết đó là điều tốt nhất nên làm cho cả đôi bên.
Việc kết thúc một mối quan hệ như thể ta xoá mờ đi một tương lai mà ta có thể đã từng hình dung bên người ấy, là cái kết cho một câu chuyện tình mà bạn đã từng để nó bén rễ sâu trong trái tim. Dù cho lý trí của bạn biết rằng mối quan hệ này không thể kéo dài; nhưng trong thâm tâm ta vẫn sẽ thấy nó là một thử thách lớn để vượt qua.
Một trong những điều tệ nhất (và cũng khó khăn nhất) khi vượt qua chia tay, là nó không có một con đường bằng phẳng duy nhất dẫn đến cái đích, cũng không có công thức nào hoàn hảo cho mỗi lần chia tay. Và tất nhiên, một trong những điều có thể khiến bạn bận lòng suốt những tuần đầu sau chia tay, là tự hỏi liệu người kia đã vượt qua chưa. Anh ấy đã tiếp tục cuộc sống của mình chưa? Liệu cô ấy có đau lòng giống bạn không? Ai sẽ là người đầu tiên có thể chân thành nói: “Mình đã vượt qua”?
Bạn có thể cho rằng đàn ông có xu hướng vượt qua nỗi đau sau khi chia tay, nhưng điều đó có thực sự đúng không? Hãy cùng The Millennials Life tìm hiểu dưới đây.
Sau khi “đường ai nấy đi”, trong lúc người phụ nữ mang cả thố kem lên giường để giải khuây, bật nhạc buồn và nằm cuộn tròn xem phim để tránh đi thực tại vừa trải qua; thì dường như đàn ông lại lạnh lùng chấp nhận sự kết thúc của mối quan hệ và nhanh chóng bắt đầu một mối tình mới, như thể chia tay chẳng ảnh hưởng gì tới họ, như thể cuộc tình trước đó chẳng quan trọng mấy. Vậy thế ai thực sự vượt qua nhanh hơn? Đàn ông hay phụ nữ?
Có khá nhiều dữ liệu mâu thuẫn về việc liệu đàn ông hay phụ nữ thường vượt qua một cuộc chia tay nhanh hơn, vì không có ai phản ứng giống ai.
Một khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Binghamton thực hiện, cho thấy đàn ông cho biết họ cảm thấy ít đau đớn về mặt cảm xúc và thể chất hơn sau khi chia tay so với phụ nữ. Nhưng, cũng như khảo sát này đã chỉ ra, điều đó không có nghĩa là họ vượt qua trước, mà chỉ đơn giản là trạng thái cảm xúc của họ ngay sau chia tay khác với giới nữ.
Trái ngược với những nhận định trước của chúng ta, những nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng, phụ nữ mới là những người hồi phục tinh thần sau chia tay trước, mặc dù có thể họ trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực hơn và thường duy trì tình trạng độc thân lâu hơn.
Nhưng tại sao điều này lại hợp lý? Chẳng phải xã hội luôn mặc định phụ nữ luôn là người đầu tư nhiều hơn vào mối quan hệ trước khi nó kết thúc sao? Hoặc nếu phụ nữ thường cẩn trọng hơn khi chọn bạn đời, chẳng phải sẽ hợp lý hơn khi họ cần nhiều thời gian hơn để vượt qua sự mất mát của một tình yêu và tiềm năng của tương lai với người đó sao?
Tất cả những đều trên đều đúng. Nhưng chính vì họ cảm nhận nỗi đau sâu sắc hơn ngay sau khi chia tay, mà quá trình chữa lành của họ lại toàn diện hơn; giúp họ vượt qua nỗi đau trước khi đối phương làm được.
Chắc hẳn ai ai (đặc biệt là các bạn nữ) cũng có thể hình dung ra cảnh tượng này: Một người phụ nữ vừa mới chia tay. Vì quá buồn rầu, cô đã gọi cho những người bạn thân nhất đến nhà để cùng xem phim, ăn mì cay và tâm sự với nhau để cô không cảm thấy cô đơn.
Những câu như “Thằng đấy là đồ bỏ đi!” hay “Đừng mà, bà xứng đáng một người tốt hơn nó“, sẽ được thốt ra ít nhất một lần; mấy đứa đứa nào cũng tay một cốc trà sữa và lắng nghe câu chuyện chia tay; thậm chí có thể họ cùng nhau hát những bài nhạc chia tay. Không lâu sau đó, cô ấy sẽ thử để tâm vào một thú vui khác để quên đi hình ảnh của anh ta theo gợi ý của chị mình (có thể là tập gym, vẽ vời, đọc sách chẳng hạn.)
Còn đối với người đàn ông thì sao? Có thể anh ta sẽ nhắc đến chuyện chia tay với bạn bè, nhưng không dễ để ta hình dung được cảnh giống như ở trên được. Điều này không phải là một phần trong quy trình chia tay thường thấy của đàn ông. Thay vào đó, họ có thể cố gắng tìm cách phân tâm khỏi nỗi đau, hoặc thậm chí phủ nhận hay lý giải cảm xúc của mình.
Phụ nữ khi trải qua nỗi đau thường tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài để chữa lành, trong khi đàn ông thường quay vào bên trong trong những tuần đầu sau chia tay. Đàn ông hướng nội, còn phụ nữ hướng ngoại. Phụ nữ trò chuyện với bạn thân và tìm đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Thông qua quá trình này, họ cho phép hệ thần kinh cảm xúc (hệ limbic) của mình điều chỉnh lại và tích hợp cảm xúc từ trải nghiệm, thay vì chỉ nhìn nhận một cách lý trí. Vậy nên, trong khi nhiều người đàn ông suy nghĩ về cuộc chia tay, phụ nữ lại có xu hướng cảm nhận về nó nhiều hơn.
Ta có thể hiểu như thế này: Người đàn ông đấy có thể không có nhiều điều để nói về cuộc tình tan vỡ của mình, nhưng người phụ nữ thì chắc chắn sẽ muốn bàn luận về nó.
Cô ấy sẽ sẽ cùng nghiền ngẫm những chi tiết của cuộc chia tay và những tuần trước đó không biết bao nhiêu lần với bạn bè, gọi điện cho mẹ để nghe thêm ý kiến của bà ấy, và cũng có thể dành cả tháng trời với một nhà trị liệu. Còn đối với những người không thích nói nhiều hoặc hướng nội, việc viết nhật ký cũng là một cách rất hữu ích để giải toả tâm trí.
Ngược lại, việc chia sẻ những khó khăn về sức khỏe tinh thần và cảm xúc, cũng như những suy nghĩ thầm kín; thường ít phổ biến hơn ở đàn ông, ngay cả với những người mà họ xem là thân nhất. Có lẽ bởi vì, đàn ông thường được dạy rằng họ phải kìm nén cảm xúc và mạnh mẽ hơn, trong khi phụ nữ được khuyến khích tự do bộc bạch về nỗi đau của mình.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Missouri với sự tham gia của hơn 2.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, các bé nam cho biết chúng không thấy cần thiết phải nói về cảm xúc của mình. Đàn ông có thể có xu hướng nghĩ rằng nói về vấn đề đấy chỉ khiến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn, và tham gia vào các hoạt động khác (thường là thể chất) sẽ giúp họ quên đi vấn đề đó đi.
Thế nhưng, mặc dù có vẻ như vô ích, việc diễn đạt (hoặc thậm chí viết ra) những cảm xúc có thể giúp chúng ta hồi phục sau chia tay nhanh chóng hơn là giả vờ rằng những cảm xúc đó không tồn tại.
Trong những tuần và tháng đầu tiên sau chia tay, đàn ông có xu hướng bắt đầu hẹn hò và tiến vào mối quan hệ mới. Vậy, tại sao họ lại làm như thế? Một lý giải ở đây có thể là để phân tâm khỏi nỗi đau, thay vì phải đối mặt với nó một cách trực diện. Cái “giai đoạn trăng mật” thường đi kèm với sự khởi đầu của một mối quan hệ mới sẽ giúp đẩy lùi những cảm xúc và ký ức khó chịu, khiến người ta chỉ tập trung vào những cảm xúc mới mình đang có mà thôi.
Ngược lại, phụ nữ có xu hướng đổ nhiều năng lượng vào việc chăm sóc bản thân sau chia tay. Họ có thể quyết định đến phòng tập gym, thay đổi kiểu tóc, hay chăm sóc da một cách nghiêm túc; từ đó, nhiều phụ nữ cảm thấy tốt hơn về chính mình mà không cần đến đàn ông.
Đàn ông có thể nhanh chóng vượt qua cú chia tay nếu ta chỉ nhìn bên ngoài, nhưng thực ra họ lại cần nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn sau biến cố đó. Không phải vì phụ nữ ít đầu tư hơn, mà vì những chiến lược mà họ sử dụng sau chia tay thường hữu ích và hiệu quả hơn về lâu dài, mặc dù có thể khó chịu hơn vào thời điểm đó.
Tất nhiên, mỗi người đàn ông và phụ nữ sẽ phản ứng với một cuộc chia tay theo cách khác nhau, và có nhiều người đàn ông có phản ứng lành mạnh hơn. Nhưng nhìn chung, việc phụ nữ dựa vào người thân cận để nói chuyện, sẵn sàng bóc tách một cách nghiêm túc nỗi đau của mình, và sẵn sàng chờ lâu hơn trước khi tiến vào các mối quan hệ mới; chính là công thức giúp họ thực sự vượt qua nỗi đau chia tay thành công.
Xem thêm những bài viết dưới đây:
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…
"Đa Điểm" mang đến người xem cái nhìn độc đáo trong sự khảo nghiệm liên…
Nối tiếp phần 1, cùng điểm qua những câu chuyện ma quỷ tâm linh được…