Among Us – Trò chơi dành cho những kẻ “ngây thơ vô số tội”

Dạo quanh mạng xã hội mấy ngày này, thứ game thủ hoặc người dùng mạng bình thường nhìn thấy nhiều nhất chính là Among Us. Quả nhiên tựa game này hiện đang khiến cộng đồng mạng phát cuồng lên khi người người, nhà nhà đều đang thức đêm để trải nghiệm trò chơi này. Nếu chỉ xét riêng trên Steam thì tựa game này đã lên tới 166.685 game thủ cùng chơi tại một thời điểm vào ngày 6/9.

Among Us là game gì?

Nói nôm na dễ hiểu, Among Us tương tự như một trò chơi “Ma sói” online và là game suy luận xã hội (social deduction). Người chơi sẽ chia ra thành một nhóm từ 4-10 người trên một con tàu bị hỏng ở ngoài không gian. Một nhóm là thành viên phi hành đoàn (Crewmate) có mục tiêu tìm ra và loại bỏ kẻ giả mạo cũng như hoàn thành các nhiệm vụ xung quanh bản đồ nhằm sửa chữa trạm vũ trụ. Nhóm còn lại là kẻ giả mạo (Impostor) phải giết các thành viên phi hành đoàn mà không bị phát hiện.

Among Us thu hút người chơi tại Việt Nam và thế giới bởi cách chơi đơn giản, dễ hiểu cùng phong cách đồ hoạ đơn giản, gần gũi khi các nhân vật vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu. Song phía sau những hình ảnh tưởng như dễ thương đó lại chứa đầy những kẻ hai mặt, sẵn sàng ra tay “đồ sát” bất cứ ai, dù là bạn bè thân thiết nhất để thực hiện được mục đích của mình. Hãy luôn cẩn thận khi loăng quăng trong trạm vũ trụ nhé, những người đồng đội ngây thơ của mình có khi đã sẵn sàng để mang “vô số tội” đấy.

Người chơi game không phải tốn phí để tải trên nền tảng mobile và chỉ tốn 70,000VNĐ để tải về PC trên Steam. Ngoài ra, một vòng chơi chỉ khoảng 10-15 phút, không quá mất thời gian, chơi nhiều vòng không chán.

Những con số khủng mà tựa game đã gặt hái được

Mặc dù không nhận được nhiều chú ý khi mới được phát hành vào 2018, đến nỗi nhà phát triển phải chia sẻ rằng: “Khi game mới ra đời, lượng người chơi ít đến độ người ta gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm thấy game.” Sau đó, Among Us đã đột ngột trở nên phổ biến vào năm 2020 sau khi nhiều streamer nổi tiếng trên Twitch và YouTube bắt đầu chơi trò chơi.

Thống kê cho thấy, Among Us đạt hơn 1 triệu người chơi ngày 3/9. Chỉ trong vòng 2 tuần sau đó, số lượng người chơi cùng lúc trên toàn thế giới đã đạt hơn 3,5 triệu. Riêng ở Việt Nam, tựa game suy luận xã hội này đã cán mốc 81,000 thành viên.

Theo trang phân tích Sensortower, số lượt tải Among Us vào tháng 8 năm nay đã tăng 661% so với tháng 7 – lên 18,4 triệu, gấp hơn 18.000 lần lượt tải xuống vào thời điểm ra mắt. Từ ngày 1/9 đến ngày 14/9, số lượt cài đặt mới đã tăng 127% lên gần 42 triệu và con số đó vẫn chưa dừng lại cho đến nay.

Về doanh thu đến từ việc mua hàng của người chơi, đến nay, Among Us đã thu về 3,2 triệu USD từ các giao dịch mua trong trò chơi. Mỹ vẫn là nước đứng đầu với việc người chơi chi 1,6 triệu USD, hay hơn 48% tổng doanh thu. Brazil đứng thứ hai với 335.000 USD và Hàn Quốc đứng thứ ba với 330.000 USD.

Among Us không phải trò chơi độc lập duy nhất thành công trong năm nay. Trước đó, Fall Guys đã bán được hơn 7 triệu bản trên Steam trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt vào tháng 8.

“Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”

Đình đám là vậy, nhưng không phải ai cũng biết InnerSloth là một công ty có trụ sở tại Washington với vỏn vẹn ba thành viên gồm một người lập trình, một họa sĩ và một người thiết kế. Forest Willard, là người lập trình và xử lý công việc kinh doanh của công ty.

Forest Willard từng nhận định “trò chơi ra mắt không thành công lắm”; nhà thiết kế Marcus Bromander cho rằng điều này là do đội ngũ phát triển “rất kém trong việc marketing”. Sau khi nhận được phản hồi từ phía người chơi, họ quyết định bổ sung chế độ trực tuyến, và đã phát hành trò chơi trên Steam vào cuối năm 2018. Người chơi trên các nền tảng khác nhau có thể chơi cùng nhau. Năm 2019, hai bản đồ mới được bổ sung.

Thời điểm ra mắt năm 2018, Among Us chưa tạo được cơn sốt lớn và chỉ có dưới 1.000 lượt tải về dù đã trở nên phổ biến ở một số nước như Hàn Quốc và Brazil. Phải đến mùa hè năm nay, khi phát hành tại Mỹ và được một streamer nổi tiếng trên Twitch với 2,8 triệu người đăng ký phát trực tiếp cảnh trải nghiệm với người hâm mộ, Among Us mới nổi tiếng. Tựa game này càng trở nên “hot” sau khi “ông hoàng YouTube” – Pew DiePie và một số nghệ sĩ ở Mỹ cũng trở thành thành viên của phi hành đoàn sặc sỡ. Tại Việt Nam, video các hot streamer như MixiGaming hay Cris Devil Gamer chơi Among Us đều đạt từ 1,5-2 triệu lượt xem.

Ma sói phiên bản mobile

Suy luận xã hội là thể loại game đòi hỏi tính suy luận và đấu tố của người chơi để tìm để tìm ra những vai trò bị ẩn giấu của nhau. Với hai phe kẻ xấu và dân làng, Ma Sói là tựa game kinh điển của thể loại này. Không khó để nhận ra rằng tựa game Among Us và trò chơi Ma sói có nhiều nét tương đồng. Điểm khác biệt có lẽ là bối cảnh ngoài không gian và nhiệm vụ mà hai phe phải thực hiện để giành chiến thắng.

Thể loại social deduction được yêu thích vì tạo ra được một “xã hội thu nhỏ” với một nhóm người chơi cố gắng tìm ra ai là kẻ phản bội trong nhóm. Game rèn luyện khả năng quan sát ngôn ngữ cơ thể và lời nói, đồng thời khuyến khích người chơi liên hệ cách hành xử ở ngoài đời với trong game.

Among Us thu hút người chơi bởi một lối chơi dễ hiểu, dễ tiếp cận; chủ đề Mafia” hài hước và có thể chơi đi chơi lại vô tận mà không chán; cùng một phong cách thiết kế đồ họa đơn giản, có phần tương đối dễ thương và ngộ nghĩnh. Game phù hợp để chơi cùng nhóm bạn lớn. Người chơi sẽ phải luôn căn não để quyết định tin ai, hoặc cực kỳ phấn khích khi tìm cách thoát khỏi vu cáo và lừa cả nhóm nghi ngờ những người vô tội.

Trước đây, trên thị trường cũng có những game cùng thể loại như Town of Salem (2014) và Werewolves Within (2016) của Ubisoft. Cả hai chỉ là phiên bản online với các quy định đơn giản từ boardgame Ma sói – đưa người chơi ngồi vòng tròn với nhau tương tự ngoài đời. Among Us bổ sung thêm các nhiệm vụ ngoài lề để người chơi có cớ mà cáo buộc nhau, giúp trải nghiệm game đa dạng hơn và tạo ra nhiều yếu tố hấp dẫn hơn.

Với dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, mọi người không thể tụ tập bạn bè để chơi Ma sói ngoài đời. Do đó, Among Us được xem là lựa chọn thay thế phù hợp.

Những dự định sắp tới của Among Us

Among Us thu phí 5 USD mỗi người trên cửa hàng trò chơi PC Steam hoặc Itch.io. Còn trên điện thoại di động, ứng dụng này miễn phí nhưng kèm quảng cáo. Người chơi có thể mua thêm các trang bị để tùy chỉnh cho nhân vật của mình.

Willard cho biết InnerSloth có kế hoạch bổ sung một số tính năng mới cho Among Us như thêm bạn bè hay chế độ mù màu. Theo anh, những điều trên khiến trò chơi giúp mọi người tận hưởng niềm vui dễ dàng hơn.

Nghi To

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

2 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

23 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago