Cine

Khám phá hậu trường thiết kế bối cảnh của The Grand Budapest Hotel cùng Annie Atkins

Đạo diễn Wes Anderson vốn nổi tiếng với việc lồng ghép tư duy thẩm mỹ đáng kinh ngạc của mình trong những bộ phim ông thực hiện. The Grand Budapest Hotel cũng không ngoại lệ, với những chi tiết dễ dàng gợi nhắc khán giả đến Anderson: mỗi khung hình được đầu tư chỉn chu kỹ lưỡng hệt như một bức họa; dàn nhân vật với tính cách riêng biệt, được phân chia chính-phụ rõ ràng; mạch phim đi theo kết cấu chương hồi quen thuộc; màu sắc và cảm giác phim đem đến cho khán giả cảm giác vừa thực vừa ảo như trong một giấc mơ. Và đặc biệt nhất, là phim tạo ra một thế giới giả tưởng hoàn toàn, nơi mọi thứ vận hành theo một cách khác thế giới chúng ta đang sống.

Annie Atkins: The Grand Budapest Hotel graphics

Nếu bạn đã xem (phim hay ảnh cũng tính nhé) The Grand Budapest Hotel – kiệt tác giả tưởng “màu hồng” lộng lẫy của Wes Anderson – hẳn bạn sẽ nhận ra rằng phải tốn rất nhiều công sức mới tạo ra được thế giới trong phim. Cùng gặp gỡ Annie Atkins – nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng từng phụ trách phần mỹ thuật của The Grand Budapest Hotel. Vai trò của cô liên quan đến việc lập kế hoạch và tạo dựng từng món đồ khán giả xem thấy trên phim, từ những thứ hiển nhiên có thể nhìn thấy như những tờ báo, bao bì sản phẩm,… cho đến những chi tiết vụn vặt, mặc dù không “lộ mặt” trong những cảnh phim nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến tổng thể bối cảnh, như là họa tiết trên thảm.

Annie Atkins trong studio của mình

Trong thời gian quay phim, Annie và cả team thiết kế “di dời” đến một vùng hẻo lánh của nước Đức, sát biên giới Ba Lan. Họ được bố trí ở trong một gác lửng, ngay phía trên đầu khu phim trường của diễn viên.

Annie cho biết, bước đầu của công việc thiết kế đồ họa phim là đọc kịch bản, sau đó đánh dấu bất cứ những chi tiết nào thuộc về trách nhiệm của họ. Thông thường, mỗi trang kịch bản sẽ có 1-2 chỗ đánh dấu như thế. Tuy nhiên, đối với The Grand Budapest Hotel, có nhiều lúc con số 1-2 ấy là để chỉ những chỗ không được đánh dấu, còn đâu tất cả đều được highlight lên cả. Sau đó, Atkins cần phải làm một bản phân tích, thống kê chi tiết tất cả những thứ cần thiết kế và sắp xếp chúng theo thứ tự. Đó là một công việc không hề đơn giản.

Khi làm phim, chúng tôi – những người thực hiện khâu thiết kế đồ họa – nằm tít phần cuối của chuỗi thức ăn. Chúng tôi bị phụ thuộc vào tình hình thực tế tại thời điểm của diễn viên và địa điểm. Sắp xếp thứ tự đạo cụ là một cơn ác mộng. Khán giả sẽ để ý đến tính liên tục của phim. Chỉ cần đạo cụ sai, người ta sẽ để ý. Thông thường với mỗi đạo cụ, chúng tôi sẽ làm 6 cái, đề phòng trường hợp hư hỏng hoặc mất. Nhưng khi làm việc với Anderson, bạn cần làm tận 30-40 cái, vì Anderson rất có khả năng sẽ quay đi quay lại một cảnh 30-40 lần.

Annie Atkins

Với những người thiết kế đồ họa, cảnh sex là những cảnh phim ít tốn công sức nhất, vì “lúc làm tình thì diễn viên sẽ không rút báo ra đọc hay mở bản đồ ra xem làm gì”. Nhưng với Wes Anderson, thì ngay cả cảnh nhà tù – một không gian đơn giản không yêu cầu quá nhiều bối cảnh – cũng phải tốn công chuẩn bị. Nếu bạn để ý, trên tấm giấy gói quà của Khách sạn Budapest có vẽ một tấm bản đồ, nhưng không phải muốn vẽ bản đồ nào cũng được. Nó phải là thứ được chính ngài M. Gustave ngợi khen về “trình độ thẩm mỹ kiệt xuất”.

Passport của công dân xứ Zubrowka

Có những đạo cụ mặc dù được nhắc đến trong kịch bản, nhưng lại chỉ được có vài giây “lên hình”. Đơn cử như con tem cực kỳ tinh xảo được thuê vẽ bởi một họa sĩ minh họa, mặc dù “cực kỳ tinh xảo”, nhưng hầu như không nhìn thấy trên phim. Thế thì cớ gì phải dành ra từng ấy thời gian và công sức để làm đồ họa?

Đôi khi chúng tôi thiết kế không phải cho khán giả xem, mà là cho đạo diễn và diễn viên. Phim trường không phải là không gian bạn nhìn thấy ở trên phim. Tất cả những gì có mặt ở đây là thật nhiều dây nhợ, đèn đuốc, và một đống người mặc áo khoác The North Face đứng la liệt với cốc cà phê trên tay. Vì thế, chúng tôi làm mọi thứ có thể để diễn viên có được những trải nghiệm chân thực nhất. Chúng tôi tạo dựng thế giới phim từ những thứ nhỏ nhất, thậm chí là từng con tem.

Annie Atkins

Atkins cũng tiết lộ một “bí mật” khá thú vị, đó là một số cảnh trong phim sẽ xuất hiện những cái tên (địa điểm, danh sách,…). Vì lý do pháp lý cũng như để tránh bị kiện tụng, tổ mỹ thuật sẽ dùng luôn tên của những thành viên ê-kip. Quán cà phê sang chảnh mà khán giả thấy có khả năng được đặt theo tên ông bác quay phim, còn danh sách tội phạm bị truy nã sẽ toàn là tên của những người chạy vặt hoặc nghệ sĩ trang điểm.

Những tờ báo xuất hiện trong The Grand Budapest Hotel như The Trans Alpine YodelThe Daily Fact hay The Continental Drift đều được Annie Atkins chăm chút tỉ mỉ. Cô viết từng bài báo để in lên mặt giấy, cho dù nội dung bài báo có thể không liên quan đến phim, có khi còn chẳng được xuất hiện trong cảnh nào. “Sự chân thật quyết định tất cả!” Atkins chia sẻ. Cô còn phải nghiên cứu kỹ càng các tài liệu của Hitler để có thể làm ra một tấm danh thiếp “đúng chất” phát xít cho một nhân vật trong phim.

The Grand Budapest Hotel có bối cảnh quá khứ, thế nên những đạo cụ xuất hiện trong phim mặc dù là đồ mới so với diễn biến câu chuyện, nhưng thực chất chúng lại là đồ cổ. Để khiến mọi thứ trông cũ kỹ, Annie Atkins đã thành công nghiên cứu ra cách biến đồ mới thành đồ cũ cho những thứ giấy tờ trong phim: dùng nước trà của hãng Barry’s, với công thức 3 gói trà = 10 năm tuổi.

Tuy nhiên, Atkins cũng thừa nhận rằng cho dù tỉ mỉ và thành thục thế nào thì cũng có lúc cô phạm phải những lỗi lầm khủng khiếp. Một trong những lỗi “nhớ đời” nhất của cô là đã viết sai chính tả chữ patisserie trên hộp bánh Mendl’s. Thay vì 1, thì cô đã viết 2 chữ t. Lý do đáng nhớ ở đây là đã có khoảng 3.000 hộp với lỗi sai như vậy được in ra để sử dụng suốt phim. Bạn sẽ không thấy được điều này trên phim, vì dàn kỹ xảo hậu kỳ đã ngồi xóa từng chữ t dư trên từng cái hộp đi rồi.

“Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho những câu chữ mình tạo ra, từ chính tả đến ngữ pháp. Làm gì có copywriter hay biên tập viên kế bên để soát lỗi giúp đâu. Cái gì xuất hiện trong phim cũng có lý do của nó cả. Chỉ trừ 2 chữ t trong patisserie.”

Chúng tôi không làm ra một thế giới hoàn hảo. Công việc của chúng tôi là tạo nên khí chất của thế giới đó.

Annie Atkins
Mi Nguyen

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

29 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

24 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago