Nổi bật

Một bài thơ “chửi mà không chửi” lại thu hút quá nhiều lời rủa xả

Đã gần một tuần sau buổi lễ trao giải Cuộc thi thơ giai đoạn 2019-2020 do Báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) tổ chức, thế nhưng dư luận vẫn còn tranh cãi nảy lửa về một bài thơ đoạt giải trong số các tác phẩm dự thi năm nay.

Bài thơ làm dậy sóng cộng đồng nói chung và những người yêu thơ nói riêng nằm trong chùm thơ 3 bài của tác giả Tòng Văn Hân – người đạt giải B, cũng là giải cao nhất của cuộc thi năm nay. Việc Ban tổ chức trao giải cho tác giả này đã gây ra những phản ứng trái chiều, vì nhiều ý kiến cho rằng sáng tác của tác giả này “hoàn toàn không xứng đáng là thơ”.

Phản ứng từ độc giả: “Ngô nghê” đến mức vụng về

Nguyên văn bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân:

Photo: Nguyễn Khánh

Sau khi giải thưởng được công bố, mạng xã hội đã xuất hiện những tranh luận gay gắt về bài thơ. Nhìn chung, có 3 luồng ý kiến về việc này.

Có những nhận xét cho rằng bài thơ có ý tưởng hay và độc đáo, chỉ tiếc cách diễn đạt của tác giả “chưa tới” nên không thể gọi là thơ: gần như văn nói, không vần điệu, không ý tứ mới lạ, cũng không ngôn từ đắt giá.

Nhà thơ Y Phương – tác giả bài thơ Nói với con được đưa vào SGK – cho biết, ông “không công nhận đó là thơ, vì nó sa vào tự nhiên chủ nghĩa. Mà tự nhiên chủ nghĩa chưa bao giờ là nghệ thuật. Nếu có sự việc ấy xảy ra thật sự thì dưới góc độ của nhà làm ngôn ngữ, phải diễn đạt khác. Còn đây cảm xúc và ngôn ngữ hết sức ngô nghê.”

Ý tưởng ‘phúc đức tại mẫu’ của bài thơ rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều phúc đức về sau. Tuy nhiên, lối viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô.

nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn

Lương Định – nhà thơ xứ Lạng – cùng một nhận xét: “… Cũng như hai bài thơ trong chùm thơ, ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ cũng được tứ. Nếu biết triển khai và câu thơ đẹp hơn thì có lẽ cũng được nhiều người ủng hộ đấy. Nhưng đáng tiếc, ngôn ngữ trong bài quá ngô nghê. Bây giờ làm gì có người dân tộc còn ngô nghê đến thế!”

Nhà thơ Y Phương

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phê phán luôn cả tư tưởng của bài thơ. Tác giả Y Phương cho biết, “… Không ai ủng hộ và cổ súy cho sự ăn cắp mà giàu có lên. Tôi phản đối điều này. Về hình thức, đó không phải bài thơ. Về nội dung thì phản cảm. […] Phải tự mình làm ăn, tự thân vận động chứ không phải nhờ ăn cắp mà đi lên.”

Nhà thơ Dương Thuấn – một nhà thơ dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở miền núi – cũng không ủng hộ cách nhìn của Mẹ tôi chửi kẻ trộm, “Ở miền núi chuyện ăn cắp gà, ăn cắp lợn không phổ biển. Viết thế này ngô nghê, phi văn hóa.” Ông cho biết không nên trao giải cho những tác phẩm vừa phi nghệ thuật vừa phi văn hóa như thế này.

Nhà thơ Dương Thuấn, người dân tộc Tày

Còn lại là những người không chê thơ, mà chỉ trích Ban tổ chức khi đã bình chọn và trao giải cao nhất cho những bài thơ này.

Có vẻ như người ta không chửi bài thơ chửi mà chửi người chấm thơ là chính…

Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông & thi đua khen thưởng – Bộ Y tế

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo khẳng định, tác phẩm không phải là thơ, báo Văn Nghệ đã làm một cuộc “vinh danh thơ dở”, và Mẹ tôi chửi kẻ trộm là thứ thơ “tân con cóc”, vớ vẩn, dễ dãi, dông dài.  

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, thì bài thơ này được chọn đăng báo đã là châm chước, còn trao giải cho nó là hơi xem thường độc giả và thi ca. “Động viên Tòng Văn Hân là cần thiết. Thế nhưng, không thể khích lệ theo kiểu ban phát giải thưởng một cách chủ quan, dễ dãi.” Anh nói thêm, cư dân mạng lấy Mẹ tôi chửi kẻ trộm để “chửi” giải thơ là hợp tình, hợp lý.

Ban Giám khảo: trao giải cho tính nhân văn, cao thượng

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Mẹ tôi chửi kẻ trộm có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được.

Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải đánh kẻ trộm, hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện… Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc.

Lý thường, khi chửi kẻ trộm, người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình.

nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng Ban Giám khảo chung cuộc của giải thơ

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN cho rằng, “Thơ Tòng Văn Hân không nhiều vần điệu êm ả, không hiện đại, […] Đọc kỹ, thì cái tứ thơ lại rất được. Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm, so sánh ẩn dụ thú vị… của người miền núi.”

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Tiến sĩ Mai Hoàng (Viện Văn học) nhận xét rằng, tác giả làm thơ cho chính mình và cộng đồng của mình. “Tôi tin nhiều người trong số họ đồng cảm ngay với sáng tác của anh. […] Dè bỉu thơ anh Hân khác nào dè bỉu món thịt trâu gác bếp chỉ vì không ăn được món đó. Cá nhân tôi rất thích bài ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’. Nó thiện lành mà không cần rao giảng đạo đức, câu kết dí dỏm duyên dáng và đáng yêu.”

Nhà báo Phạm Thanh Hà, tổng biên tập tạp chí Phụ Nữ Mới đưa ra ý kiến, “Tôi chỉ thích nhân cái dịp này đả đảo thơ ca dịu dàng giả dối, bịa ra đủ tâm trạng mang tính kịch và ngôn ngữ lòe loẹt, cơ bản giống nhau. […] Nhẽ đâu ban giám khảo lại chọn một bài như thế mà trao giải.”

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Tác giả: Không coi là thơ cũng chẳng sao

Về phía tác giả, vốn là người chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian dân tộc Thái, công việc của anh chủ yếu là ghi chép, sưu tầm những nét văn hóa độc đáo còn lưu truyền trong cộng đồng dân tộc mình để gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Anh Tòng Văn Hân cũng tự nhận mình không phải người làm thơ giỏi, không có ý muốn so tài cao thấp với các nhà thơ chuyên nghiệp. Việc mỗi năm anh làm một vài bài thơ là do ngẫu hứng hoặc muốn cô đọng một câu chuyện để người đọc, người nghe dễ hiểu. Hầu hết các bài thơ của anh đều làm bằng tiếng Thái trước để có thể phổ nhạc thành bài hát sau đó mới dịch ra tiếng Việt.

Tác giả Tòng Văn Hân

Chuyện gửi thơ đi thi cũng là một việc tình cờ, “Tôi vô tình biết đến cuộc thi khi đọc báo Văn Nghệ. Trong quy chế cuộc thi, họ khuyến khích phong cách sáng tác mới lạ. Tôi nhận thấy những bài thơ của tôi có những chi tiết mới lạ hơn các bài thơ khác nên mạnh dạn gửi đi thi.”

Khi viết Mẹ tôi chửi kẻ trộm, tác giả cũng chỉ muốn kể lại một nét văn hóa trong cộng đồng dân tộc Thái. Còn việc người ta bảo đó không phải là thơ cũng chẳng sao.

“… Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh…”

Về những ý kiến cho rằng Mẹ tôi chửi kẻ trộm không phải là thơ vì không vần điệu, câu từ không bóng bẩy, đặc sắc, có lẽ chúng ta đã quên mất, thơ có hai loại: thơ có vần và thơ tự do. Thơ tự do tuy gần với văn xuôi hơn nhưng vẫn là thơ, cần có nhịp điệu.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Tùng – tác giả của hai tập sách Thơ đến từ đâu và Thơ cần thiết cho ai – cho biết: “Bài thơ được giải là một loại thơ tự do nhưng không quá xa vần điệu. Thơ vần điệu không phải không có lý do mà sống lâu đến thế, trong cái vỏ ngôn ngữ ấy là một tâm thế kỳ lạ của người Việt: cũ kỹ, không chịu thay đổi, trong khi vẫn hô hào đổi mới.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng

Có nhiều người hiện nay vẫn không thích thơ tự do không vần điệu; họ đã quá quen với thơ lục bát, thơ bảy chữ, ca dao, tục ngữ. Nhưng hãy tin, cái mới bao giờ cũng vất vả, về sau sẽ chinh phục đám đông.”

Trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ, nhà thơ Inrasara – tân chủ tịch hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam – nói ông không lạ khi xảy ra làn sóng phản đối giải thưởng thơ trên báo Văn Nghệ cho bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt tích cực thì sự việc vừa qua cũng mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng. Nó nói lên sự trông đợi của độc giả thơ là khá lớn. Không thỏa mãn, họ thất vọng và phản ứng. Có khi thất vọng và phản ứng sai.

Nhà văn, nhà thơ Inrasara

Theo nhà thơ Inrasara, thời đại thay đổi, thơ phải thay đổi, qua đó thói quen thưởng thức thơ cũng phải thay đổi. Có nhiều nhóm nhà thơ khác nhau, có người làm vần để phục vụ đại chúng, có người sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, cũng có người luôn trên đường phiêu lưu, thay đổi và làm mới.

Mỗi loại thơ, mỗi nhóm nhà thơ tồn tại có lý do chính đáng. Tùy thế đứng và ý hướng viết, cả ba đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mỹ học của cộng đồng đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Biết xử sự công bằng ba nhóm trên, ta sẽ có cái nhìn khác hẳn về thơ và nhà thơ. Chỉ khi đó, sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ triệt để.

Tổng hợp tin, bài từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Việt, VTC News

Xem thêm:
Từ Á sang Âu, từ Thái sang Anh – Tại sao chúng ta thích “hóng” các câu chuyện Hoàng gia?
Ca sĩ Thái Trinh: “Sàm sỡ bằng lời nói cũng vô đạo đức không kém gì hành động”

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago