Lifestyle

#Ngườilớnđilàm: Bạn thuộc tuýp người nào khi hóng drama công sở?

Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm là chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.

Hóng drama công sở trở thành gia vị khó lòng thiếu được trong cuộc sống của người đi làm. Nếu bạn là fan của dòng phim cung đấu với hàng loạt tình tiết gay cấn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cuộc sống công sở cũng thị phi chẳng khác gì chốn thâm cung phiên bản hiện đại. Tại chỗ làm, sẽ có những trùm cuối hệt như các hoàng hậu, quý phi thoắt ẩn thoắt hiện thích ném đá giấu tay, cũng có những nhân tố như phi tần nằm không cũng trúng đạn, và cũng không thiếu những người khi chiến tranh thế giới đã qua, hoà bình được thiết lập cũng không hề biết văn phòng có những chuyện thị phi nào. Hóng chuyện, mà đặc biệt là hóng drama công sở thường không phải điều được mọi người khuyến khích, biết thì đôi lúc thừa mà không cập nhật được gì lại thấy thiếu. Thế nhưng dù là gì, các câu chuyện vẫn là thứ kết nối con người với nhau, vấn đề đặt ra ở đây chỉ đơn giản là, bạn sẽ chọn vai trò gì mỗi khi cung đấu văn phòng diễn ra. 

Xem thêm: Drama có gì mà nhiều người hóng thế nhỉ?

Điểm mặt 5 kiểu hóng drama công sở trứ danh

1. Kiểu “mắt thấy tai nghe”, đầu mối thông tin để cả hội cùng hít hà.

Có thể nói những người hóng hớt thuộc nhóm này ở một đẳng cấp khác. Họ có thể là thành viên lâu năm của công ty, có vòng quan hệ rộng khắp nên chuyện gì cũng nắm rõ trong lòng bàn tay, hoặc thuộc tuýp người hết sức tinh ý, sở hữu khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy kết hợp tinh thần chia sẻ đầy nhiệt huyết. Vậy nên trong tay “hội biết tuốt” thời gian có thể thiếu chứ những câu chuyện để chia sẻ thì luôn dồi dào.

Những tin tức mà hội này nghe ngóng được thường rất đầy đủ như thể “mắt thấy tai nghe” tường tận, cập nhật chi tiết theo các mốc thời gian, nhân vật cụ thể, rõ ràng. Có lẽ nhờ sự tường tận đó mà đây cũng là nhóm có khả năng kể chuyện đỉnh cao với cách dẫn dắt chuyên nghiệp có mở đầu, có diễn biến, có cao trào và hạ màn đầy đủ.

2. “Sao sao có gì hay, kể nghe với!”

Đây là kiểu hóng drama gây ức chế nhất của hội buôn chuyện: rất ham hóng nhưng người lúc nào cũng như trên mây, hóng hôm nay, ngày mai quên sạch. Kiểu hóng này sẽ gây khó chịu cho người khác vì người kể liên tục phải cập nhật lại những tình tiết cũ rích cũng như khiến người nghe khác không thể nắm được diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, đây được xem là một thành phần không thể thiếu của hội hóng nhờ khả năng khuấy động và làm dậy sóng trở lại các tình tiết có thể bị bỏ lỡ.

3. Kiểu “đầu bếp”: mắm muối để chị thêm

Ảnh: Internet

Cũng giống như trong các bộ phim cung đấu nổi tiếng, hội hóng thị phi cũng có những thành phần thêm mắm dặm muối cho câu chuyện để lèo lái dư luận theo hướng có lợi cho mình hoặc bôi xấu người khác. Những người này không đơn thuần là hóng biến cho vui, họ hóng biến và chèn thêm bình phẩm để “ngư ông đắc lợi”.

4. Giả vờ không quan tâm nhưng chuyện gì cũng biết

Đây được xem là một trong những phong cách hóng thị phi đỉnh cao khi bên ngoài vẫn giữ được vẻ bình tâm của một người an tĩnh xa lánh thị phi: tai nhét airpods bàng quan nhưng thực tế nhạc đã tắt từ lúc drama khởi xướng. Để rồi đến cuối cùng, khi cuộc buôn đã tàn thì họ cũng nắm được rất nhiều chi tiết quan trọng của drama mà chẳng cần lên tiếng hay dính dáng gì đến hội buôn dưa.

5. Khi drama đã vãn hồi thì “ủa ghê vậy, hồi nào vậy”

Nếu kiểu hóng hớt thứ 2 gây ức chế với nhiều người thì đây là kiểu hóng hớt khiến người ta cạn lời, bão tới thì không thấy tăm hơi, bão tan thì chạy khắp nơi hóng hớt. Hội này tập hợp những con người tối cổ, người ta hít drama thì những con người này thường hít khói drama là phần nhiều vì tất nhiên sẽ chẳng ai còn hứng thú để kể tường tận lại một câu chuyện đã cũ mèm. Vậy nên thị phi mà những người thuộc hội này hóng được chỉ là những mảnh ghép chắp vá, rời rạc.

Nên hóng thị phi thế nào để drama không vận vào người?

Với dân công sở mà nói, việc gặp gỡ nhau 1 tuần 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng thì chuyện người rồi cũng hóa thành chuyện mình. Vậy nên nói thì dễ chứ dửng dưng trước mọi sự việc trên văn phòng thật sự rất khó. Nếu ví việc cập nhật drama như gia vị của cuộc sống thì chúng ta sẽ cần phải  nêm nếm sao cho vừa ăn, hóng drama cũng phải thật khéo để drama không vận vào người.

Ảnh: Internet

1. Biết nhiều không bằng biết đủ

Đối với những chuyện không liên quan trực tiếp đến mình thì đây là nguyên tắc hàng đầu nếu có ý định hóng hớt. Dù thế nào đi nữa thì chúng ta là những kẻ ngoài cuộc, tò mò quá nhiều sẽ hóa thành săm soi tiểu tiết đời tư của người khác.

2. Nghe thôi đừng bình luận

Chúng ta thường có xu hướng nghe chuyện của người khác và chèn thêm những lời bình phẩm, điều này có thể mang đến những xích mích trong mối quan hệ đồng nghiệp cũng như biến văn phòng thành một môi trường làm việc độc hại. Mục đích của hóng drama nơi công sở suy cho cùng cũng chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của bản thân.

Bí kíp “nghe thôi đừng bình luận chính – hóng biến có điểm dừng” trong truyền thuyết là điều không phải ai cũng làm được. Biết giới hạn sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những lần “lỡ lời”, “họa từ miệng mà ra” – Thứ thường được coi là nguồn cơn mở ra một chuỗi những thị phi khác. 

3. Đừng để drama hóa ra công việc

Những xì xầm bàn tán trên bàn ăn chỉ nên ở lại ngoài giờ làm, là một người chuyên nghiệp chúng ta cần phải giữ tâm lý “tiền bạc phân minh, thị phi rành rọt”. Công việc không nên bị ảnh hưởng, trì trệ hay giảm sút chỉ vì những định kiến nảy sinh trong quá trình hóng hớt. 

4. Giữ mình trung lập giữa bão drama

Một trong những lí do dễ thấy nhất cho sự chia bè kéo cánh ở công sở xuất phát từ những buổi tụ tập hóng drama của “hội buôn sỉ thị phi”. Người ta dễ dàng phán xét đúng sai rồi từ đó sinh ra thành kiến với một hay một nhóm người, dẫn đến chia phe phái. 

Theo dõi drama thực sự là quá trình khó nhằn khi phải sử dụng rất nhiều kĩ năng để thu thập thông tin, khai thác thông tin và truyền tải thông tin, bên cạnh đó phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản khi hóng để drama không vận vào người. Hóng drama giống như chuyện uống rượu vậy, thi thoảng một chút thì vui, ngày nào cũng hóng thì siêu nhức đầu.

Đừng bỏ lỡ:
#NgườiLớnĐiLàm: Drama công sở – làm thế nào để “xanh lá” tránh xa?
#NgườiLớnĐiLàm: Bắt nạt công sở dưới góc nhìn tâm lý học
#Nghĩ x #NgườiLớnĐiLàm: 6 nhân vật của vở kịch ‘Bắt Nạt Nơi Công Sở’

VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin

hadangkhoi

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago