Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, bi quan là thái độ cho rằng mọi chuyện sẽ không ổn và rằng con người (nói chung) sẽ khó lòng đạt được mơ ước và mục tiêu. Người bi quan là những người tin tưởng rằng rồi đây những chuyện không hay sẽ xảy ra không chỉ với họ mà còn với người khác. Họ có thái độ nghi ngờ, không tin tưởng vào những thứ tích cực và tốt đẹp.
Đây không phải một đặc trưng tính cách mà nhiều người muốn có hoặc cảm thấy tự hào nếu đã sở hữu. Nhắc đến bi quan, người ta hay nghĩ đến lối sống tiêu cực, thái độ ơ hờ “sao cũng được”, và những rối loạn tâm lý như trầm cảm. Tuy nhiên, bi quan không hẳn đã xấu.
Ở “liều lượng” vừa phải, suy nghĩ tiêu cực không xấu, thậm chí còn có ích. Chúng ta vẫn thường bảo nhau phải lạc quan, phải tin tưởng vào điều tích cực, rằng ngày mai trời lại sáng, rằng phải biết cách làm nước chanh (ngon) phòng một ngày bỗng vấp phải quả chanh giữa đường. Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rõ rằng, không phải lúc nào mình cũng có thể cười, có thể vui vẻ, có thể lạc quan. Tích cực miễn cưỡng nguy hại chẳng kém bi quan.
Thực tế, cái gì quá thì không tốt. Lạc quan và bi quan cũng không ngoại lệ. Với người bi quan quá mức, chỉ việc tồn tại trên đời đã là một nỗi khổ cùng cực. Ngược lại, người lạc quan cực điểm là những người “chân không chạm đất” – họ tách rời bản thân hoàn toàn với cuộc sống thực.
May mắn là hầu hết chúng ta đều đang nằm đâu đó giữa hai thái cực đối lập của bi quan thuần túy và lạc quan thuần túy, trong đó khuynh hướng lạc quan–bi quan có thể không cố định trong từng tình huống cụ thể, hoặc nó có thể trở thành một đặc trưng tính cách bất di bất dịch.
Ai cũng có những lúc cao hứng và những lúc “tuột mood”. Nhưng nhìn chung, hầu hết đều cảm thấy lạc quan hơn về một (hoặc một số) khía cạnh cuộc sống, trong khi sẽ bi quan hơn về những mặt khác. Tâm trạng và cách chúng ta nhìn nhận một sự việc cụ thể chịu tác động tương đối của hoàn cảnh sống, thời điểm, cũng như trải nghiệm cá nhân.
Người có góc nhìn bi quan thường không nhận được nhiều hỗ trợ xã hội, có sức bật tinh thần (resilience) và khả năng chống chịu căng thẳng kém, có tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm và lo âu cao hơn. Về nguyên nhân, có nhiều lý do giải thích vì sao một vài người lại có xu hướng tiêu cực hơn người khác, bao gồm:
– Di truyền (genes),
– Đặc điểm và đời sống gia đình,
– Trải nghiệm quá khứ,
– Các yếu tố môi trường và xã hội.
Đây không phải một bài trắc nghiệm, nhưng bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu phổ biến dưới đây để đưa ra phán đoán về quan điểm và các đặc trưng tính cách của mình. Người có xu hướng bi quan thường xuất hiện nhiều suy nghĩ dạng này ở một mức độ nhất định và trong nhiều tình huống khác nhau:
– Ngạc nhiên nếu mọi thứ hóa ra lại tốt đẹp,
– Không theo đuổi mong muốn hay ước mơ vì cho rằng mình sẽ thất bại,
– Luôn để ý đến những phần dễ hỏng hóc, đổ bể, xui xẻo, … tóm lại là tất cả mọi thứ không hay có nguy cơ xảy ra trong một tình huống nào đó,
– Cho rằng phần rủi ro lúc nào cũng lớn hơn phần lợi ích,
– Xuất hiện Hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome) và đánh giá thấp năng lực bản thân,
– Có xu hướng tập trung vào lỗi lầm, sai sót và những mặt yếu thay vì mặt mạnh của bản thân,
– Thấy phiền với những người lúc nào cũng lạc quan vui vẻ tươi tắn,
– Độc thoại tiêu cực (negative self-talk),
– Cho rằng tất cả những thứ tốt đẹp rồi sẽ kết thúc,
– Cho rằng cứ sống với tình trạng hiện tại thì dễ hơn là thay đổi.
Khác biệt then chốt giữa người lạc quan và bi quan nằm ở phong cách phiên giải vấn đề – tức cách họ nhìn nhận và lý giải những chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình. Người lạc quan sẽ tiếp nhận và phóng đại những gì tích cực đồng thời giảm nhẹ những thứ tiêu cực của tình huống; trong khi người bi quan sẽ làm điều ngược lại.
Xu hướng giảm nhẹ tiêu cực là một trong những đặc trưng tính cách giúp người lạc quan trở thành những người dám nghĩ dám làm và vẫn cố gắng không ngừng sau thất bại. Nhưng nét tính cách này cũng là thứ khiến họ có cảm giác sai lệch về sự an toàn, dẫn đến không thể nhận thức đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn để lên phương án đối phó phù hợp. Vì quá tin tưởng vào viễn cảnh thành công, nhiều người không tránh khỏi “ngỡ ngàng ngơ ngác bật ngửa” nếu chuyện diễn ra không như mong đợi – hệt như cách người bi quan bất ngờ khi mọi thứ đi đúng hướng.
Ảnh hưởng của phong cách phiên giải vấn đề này lên người lạc quan và bi quan là khác nhau. Nếu giảm nhẹ tiêu cực, phóng đại tích cực có thể giúp kéo người lạc quan vượt qua những giai đoạn khó khăn thì nó lại góp phần đẩy người bi quan thêm trượt sâu vào vô vọng. Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hạn chế bi quan thì quan trọng hơn là tăng cường lạc quan. Nói cách khác, cách “chữa trị” tốt nhất cho những người có xu hướng bi quan nói riêng và những người không quá thiên về cực nào nói chung chính là giảm bớt những tác động tiêu cực của sự bi quan, chứ không phải huấn luyện bản thân trở nên tích cực hơn bằng mọi cách.
Lối sống bi quan gây ra nhiều tác hại, có thể kể đến:
Ảnh hưởng không tốt đến tinh thần
Trong đó, phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn vì tỉ lệ trầm ngâm, tư lự – 2 yếu tố cấu thành các suy nghĩ bi quan – cũng như xu hướng chiêm nghiệm bản thân ở họ cao hơn.
Góp phần làm xuất hiện trầm cảm và lo âu
Một số triệu chứng chính của rối loạn lo âu là lo lắng quá mức, trầm ngâm, lúc nào cũng nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất. Các dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm thì bao gồm: suy giảm tâm trạng, suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, và lòng tự tôn thấp. Đây đều là những thứ có thể bắt gặp ở người bi quan.
Tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất
Bi quan có liên quan mật thiết đến nhiều nguy cơ khác nhau về sức khỏe như bệnh tim mạch và tỉ lệ tử vong nói chung.
Ảnh hưởng đến khả năng chống chịu, ứng phó
Người bi quan có tỉ lệ bị căng thẳng cao, đồng thời khả năng chống chịu kém. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Tây Ban Nha và Bỉ năm 2016 cho biết, những người lớn tuổi với lối sống bi quan có tỉ lệ stress cao, dễ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống, có xu hướng nhìn lại quá khứ với thái độ hằn học, và mức độ thỏa mãn với cuộc sống giảm.
Nhìn chung, người bi quan thường mang cảm giác cô lập, đơn độc, xung đột, căng thẳng. Sức khỏe tinh thần và thể chất của họ nhìn chung kém hơn người lạc quan. Ngoài ra, suy nghĩ bi quan còn bẻ lệch nhận thức của chúng ta, khiến những tình huống trở nên tồi tệ hơn thực tế.
Mặc dù các yếu tố góp phần vào tính bi quan hầu hết đều mang tính tiêu cực, nhưng bi quan cũng có mặt tốt. Trong thực tế, bi quan ở một “liều lượng” lành mạnh có thể mang đến một số ích lợi. Cụ thể, người bi quan thường có sự chuẩn bị tốt hơn cho những thời điểm khó khăn và có thể tránh được những rủi ro mà những người lạc quan có thể bỏ qua.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bi quan thường nhìn trước được những trở ngại một cách dễ dàng hơn vì họ luôn “tính” rằng mọi chuyện sẽ diễn biến tệ đi. Điều này có nghĩa là họ có khả năng cao sẽ lên kế hoạch để đối phó với những khó khăn đó. Một nghiên cứu xuất bản năm 2013 trên Tập San Nghiên Cứu về Tính cách đã phát hiện thấy những người hay suy nghĩ tiêu cực sẽ có khả năng xây dựng cho bản thân những “mạng lưới” bảo hộ an toàn hơn, chuẩn bị tốt hơn (cả thực hành và tâm lý) khi mọi chuyện diễn biến tệ.
Một số lượng đáng kể nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng người lạc quan có xu hướng khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công hơn (về tài chính, xã hội, và nhiều khía cạnh khác) và tận hưởng những mối quan hệ bền chắc và hạnh phúc hơn. Nhưng trời nắng không phải lúc nào cũng là trời đẹp.
Hạn chế của tính lạc quan là tỷ lệ làm liều cao hơn liên quan đến sức khỏe và an toàn cho cá nhân, như không thắt đai an toàn hoặc không tiêm vaccine, hoặc trong lĩnh vực chính, như đầu tư vào một phi vụ kinh doanh nhiều rủi ro.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Tâm Lý học và Lão hóa năm 2013 đã phát hiện ra một mối tương quan giữa việc đánh giá thấp mức độ hài lòng cuộc sống tương lai với kết quả sức khỏe tích cực và tuổi thọ ở người lớn tuổi. Nói cách khác, nghiên cứu này thấy rằng việc nghĩ cuộc sống ngày một tệ đi có liên quan đến một số lợi ích về sức khỏe.
Thậm chí khi cân nhắc những hạn chế có thể tồn tại thì lợi ích của lạc quan vẫn vô cùng lớn.
– Suy nghĩ tích cực có liên quan đến sự hài lòng về mối quan hệ của các cặp đang hẹn hò.
– Lạc quan càng cao thì khả năng tìm kiếm các hỗ trợ xã hội những lúc bị căng thẳng và khó khăn cao hơn cũng như mức độ các xung đột với người khác trở nên thấp hơn.
– Mức lạc quan cao trong các cặp vợ chồng cũng có mối liên hệ với sức khỏe tốt hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức lạc quan ở một người bạn đời đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe cả cả hai người.
– Lạc quan cũng có liên đới với những dạng tính cách ấm áp, cởi mở hơn, và bi quan cũng có mối quan hệ mật thiết với những dạng tương tác thù địch và dễ quy phục người khác.
– Nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa lạc quan và tuổi thọ cao.
– Lạc quan cũng có liên đới với mức độ hài lòng cao hơn với cuộc sống, kỹ năng đối phó, hỗ trợ xã hội và sức bật tinh thần tốt hơn.
Người bi quan có thể ít bị ngạc nhiên khi khủng hoảng xuất hiện nhưng người lạc quan cũng không chìm đắm trong trạng thái tiêu cực quá lâu vì ho cũng có xu hướng tập trung vào tìm ra giải pháp thay vì trầm tư mãi về những thứ không như mong muốn.
Vậy làm sao ta có thể lạc quan mà vẫn không bỏ lỡ cơ hội giữ cho bản thân mình có được sự chuẩn bị tốt cho những khủng hoảng sắp đến? Đây là một số bước bạn có thể thực hiện:
Gợi ý này giúp bạn tận hưởng nhiều lợi ích của thái độ lạc quan mà không để bản thân rơi vào trạng thái thiếu chuẩn bị và dễ bị thương tổn. Để đạt được lợi ích do thái độ lạc quan mang lại, hãy nghĩ về những điều đãng lẽ có thể tệ hơn và cố tìm ra những kế hoạch dự phòng và chuẩn bị ứng phó với những điều không trong kế hoạch. Sau đó, tập trung vào những điều tích cực trong khi vẫn giữ những kế hoạch dự phòng trong đầu.
Hãy tận hưởng và nhớ đến những cái bạn có và hướng tới vun đắp lòng biết ơn. Dành thời gian để gom lại những thế mạnh và nguồn lực của bản thân. Căng thẳng xuất hiện khi chúng ta cảm thấy nhu cầu của một hoàn cảnh vượt quá nguồn lực ta có để xử trí chúng. Giữ những nguồn lực trong tâm trí có thể giúp làm giảm căng thẳng và giúp bạn cảm thấy mình được tiếp sức mạnh trong suốt cuộc đời. Lối suy nghĩ này thực sự có thể có ích khi bạn đối mặt với khủng hoảng.
Luyện tập thiền chánh niệm cũng là một chiến lược hữu ích. Chánh niệm hay chú tâm là một kỹ thuật tập trung vào nơi chốn và khoảnh khắc hiện tại thay vì lo lắng về quá khứ và tương lai.
Một điều mà nghiên cứu về tâm lý học tích cực đã chỉ ra cho chúng ta đó là hầu hết mọi thất bại nhỏ sẽ không khiến con người ta cảm thấy không vui miễn là nó nằm trong dự đoán. Sau một vài tuần hay có thể một vài tháng, người nào trải qua một cú khủng hoảng lớn nói chung sẽ quay trở lại với mức hạnh phúc (hoặc không hạnh phúc) mức bình thường.
Người lạc quan nói chung thường hay cảm thấy vui, và người bi quan lại ít vui hơn. Nếu bạn là người bi quan, bạn luôn có thể học cách trở thành một người lạc quan. Đôi khi, chịu đựng một cơn khủng hoảng sẽ mang lại cho bạn đúng thứ động lực mà bạn cần để làm điều đó.
“Tối ưu hóa mọi thứ” có thể là một lời sáo rỗng, nhưng cách tiếp cận này có thể là chìa khóa đưa đến sức khỏe tốt, tuổi thọ cao và một cuộc sống vui vẻ. Trong thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoại trừ những người quá nghèo, người có nhiều tiền nói chung không hạnh phúc hơn những người có ít tiền.
Thực ra, chính những người có bạn bè thân thiết và cảm quan mạnh mẽ về cộng đồng, những người cảm thấy biết ơn và những người cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống mới là những người hạnh phúc nhất. Kết luận cuối cùng ở đây là, nói chung, hướng tới lạc quan là lý tưởng nhất – những vẫn nê “thả” vào một chút bi quan.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…