Nổi bật

#LocalZine: Giữa tuần kể chuyện bánh Trung thu xưa và nay

#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt

Tết Trung thu – hay còn gọi là Tết trông trăng, Tết Thiếu nhi – là cái tết lớn thứ tư trong năm (sau Tết Nguyên Đán, Tết Hàn thực, và Tết Đoan Ngọ), là nét văn hóa cổ truyền đáng được gìn giữ. Cũng như Tết Nguyên Đán không thể thiếu bánh chưng – bánh giầy, nhắc Tết Trung thu tức là nhắc đến bánh nướng – bánh dẻo. Mỗi gia đình dù giàu nghèo, cứ đến Trung thu đều cố gắng lo đủ cặp bánh cúng tổ tiên và trời đất.

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khiếu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt chai bỏ giỏ…

Photo: Sieu Tran

BÁNH TRUNG THU TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc bánh Trung thu. Một trong số đó là ý kiến cho rằng bánh Trung thu bắt đầu xuất hiện từ thời Đường. Các nhà thơ nổi tiếng thời đại này như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Cửu Linh thường lấy cảm hứng sáng tác từ trăng, với những bài thơ vịnh nguyệt (thơ tả ánh trăng) nổi tiếng. Trăng trở thành biểu tượng của vẻ đẹp, của sự lãng mạn trong thi ca Trung Quốc. Không chỉ triều đình mà dân gian đều có tục cúng trăng với trái cây và bánh ngọt.

Một truyền thuyết khác lại cho rằng bánh Trung thu có nguồn gốc từ cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyên của nhân dân Trung Quốc vào giữa thế kỷ 14. Chu Nguyên Chương – một trong những thủ lĩnh của phong trào – đã cho làm những chiếc bánh hình tròn, bên trong mỗi chiếc bánh đều có một tờ giấy định ước thời gian khởi nghĩa là vào ngày 15 tháng 8 (rằm tháng Tám Âm lịch). “Truyền đơn bánh ngọt” trở thành một phương tiện liên lạc an toàn và hiệu quả của mọi người, tin tức về cuộc khởi nghĩa theo đó truyền đi khắp nơi. Nổi dậy thành công, Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, trở thành Minh Thái Tổ.

Và từ đó về sau người dân Trung Quốc lấy ngày 15 tháng 8 cũng như những chiếc bánh tròn để kỷ niệm sự kiện ấy.

“Thu xưa dưới ánh trăng vàng
Tưng bừng trống ếch, rộn ràng tiếng ca
Không cờ, không tiệc, không hoa
Dăm ba chiếc bánh làm quà: Trung thu”

Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp. (Nói về “Tết Trung thu” – sách Việt Nam Phong tục – Phan Kế Bính)

Trung thu Việt Nam cũng cỗ bày, cũng bánh mặt trăng như ai – Mâm cỗ Trung thu ngày xưa

Bánh Trung thu ngày xưa chỉ đơn giản là mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân ngọt hoặc thập cẩm, được gói trong miếng giấy kính màu, chờ đến Trung thu xẻ ra chia cả nhà cùng thưởng thức.

Bánh nướng

Bánh nướng thường được làm thành hình vuông hoặc tròn. Vỏ bánh làm từ bột mì nhồi cùng rượu, bên ngoài phết một lớp lòng đỏ trứng mỏng để khi nướng xong vỏ có màu vàng nâu.

Nhân bên trong có thể là nhân ngọt (được làm từ đậu xanh, khoai môn, hạt sen,… sên nhuyễn) hoặc nhân thập cẩm, bao lấy lòng đỏ trứng muối ở giữa.

Nhiều người không thích bánh nướng thập cẩm vì “ăn vào chẳng phân biệt được thứ gì”. Thế nhưng chính những hạt dưa, mứt bí, lạp xưởng, lá chanh được kết hợp vô cùng khéo léo và hài hòa đó mới là cái tạo nên hương vị đặc trưng của bánh nướng. Hơn nữa, bánh nướng thập cẩm còn là lời nhắn gửi vô cùng ý nhị của người xưa, rằng cuộc sống không phải chỉ tuyền một vị, mà có một ít cái này, một chút cái kia, cũng như chiếc bánh nướng trong ngọt có mặn, trong béo có bùi.

Bánh dẻo

Ảnh: evivatour

Bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng. Vỏ bánh được làm từ bột nếp nhồi nước đường, đượm chút mùi thơm dịu dàng của hương hoa bưởi. Nhân bánh dẻo thường là các loại nhân ngọt.

Vỏ bánh dẻo ngoài màu trắng truyền thống thì còn được khoác thêm nhiều chiếc áo màu sắc hơn, nhưng sắc màu nào cũng dìu dịu, nhẹ nhàng trong trẻo, cùng với hình dáng tròn trịa, vị ngọt thanh không gắt, bánh dẻo mang biểu tượng của sự đoàn viên, đồng thời thể hiện tình cảm ngọt ngào của các thành viên trong gia đình với nhau.

“Bây giờ kẹo bánh thì dư
Niềm vui con trẻ hình như hao mòn”

Ngày trước, bánh Trung thu không màu sắc sặc sỡ, không gói bọc cầu kỳ. Mỗi chiếc bánh làm ra không quá to, chỉ vừa đủ “ăn lấy miếng”. Các thương hiệu chuyên bán bánh cũng hiếm vì hầu như mỗi nhà đến dịp Tết Trung thu đều tự tay nhồi bột, nướng bánh.

Một cửa tiệm những ngày gần Trung thu

Trẻ con ngày trước mong đợi đến Trung thu để được rước đèn, phá cỗ, được chia miếng bánh ngọt ngào, được ngước mắt trông trăng tìm chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Được thành lập từ trước 1954, Đông Hưng Viên là một trong những thương hiệu bánh Trung thu lâu đời được người Sài Gòn ưa chuộng

Ngày xưa ít thức quà, lại không có nhiều dịp ăn thường, nên bánh Trung thu là một cái gì đó quý và đặc biệt lắm. Trẻ con háo hức cả năm chờ Trung thu đến để được… cắn miếng bánh. Ngày nay đồ ngon không thiếu cũng không cần đợi đến ngày đặc biệt nào mới được ăn. Bánh Trung thu cũng không ngoại lệ.

Thời đại 4.0 (sắp lên 5.0) ai còn “hơi sức đâu” đi chợ chọn từng nắm hạt dưa, lựa từng vốc mứt bí rồi về nhào nhào nặn nặn cho ra hình chiếc bánh mặt trăng. Không còn đơn thuần là bánh dẻo nhân đậu xanh hay bánh nướng hình đàn lợn thời “các cụ”, công nghệ dây chuyền, kỹ thuật sản xuất hiện đại, cùng những công thức mới lạ đã cho ra đời những chiếc bánh Trung thu nhiều hương vị khác nhau, với hàng chục thương hiệu lớn nhỏ bày bán bánh khắp các đường phố từ 1–2 tháng trước Trung thu.

Ra đời vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, với bề dày lịch sử hơn 70 năm, Givral là một trong những thương hiệu bánh danh tiếng của Sài Gòn. Bánh Trung thu Givral đặc biệt được người tiêu dùng ưa chuộng vì vừa mang nét tao nhã, tinh tế của ẩm thực Pháp nhưng cũng vừa được căn chỉnh phù hợp với khẩu vị người Việt.
Ảnh: bánh Trung thu cranberry (nam việt quốc), bánh phô mai, bánh chocolate
Một thương hiệu khác “quen mặt” với người dân Sài Gòn từ 1948, đó là bánh Trung thu Brodard. Tuy là thương hiệu đến từ Pháp nhưng những nguyên liệu được Brodard lựa chọn đều rất thuần Việt, đảm bảo hoàn toàn tự nhiên, tinh khiết, không sử dụng đường hóa học hay chất phụ gia, an toàn cho sức khỏe của khách hàng.
Bánh Trung thu ngàn lớp – đứa con lai giữa nhân bánh trung thu Á Đông và vỏ bánh pastry phương Tây
Nếu không hứng thú gia nhập trận chiến không hồi kết giữa team vỏ bánh và team nhân bánh, The Millennials Life giới thiệu cho bạn những lựa chọn khác tao nhã hơn, ví dụ như bánh Trung thu rau câu
Ảnh: bánh Trung thu rau câu thanh long đỏ nhân phô mai
… hoặc bánh Trung thu kem lạnh, một sự kết hợp tuyệt vời khi bạn không có thời gian vừa ăn bánh Trung thu vừa ăn kem
Ảnh: bánh Trung thu kem lạnh Baskin Robbins
Nếu bạn là người yêu màn đêm thích sự bí ẩn không ngại phiêu lưu, đừng chần chừ nữa mà hãy chọn cho mình một chiếc bánh tỏi đen với lớp vỏ mềm mại làm từ tỏi đen xay nhuyễn, bên trong là phần nhân ngọt hoặc mặn kết hợp cùng (lại là) những tép tỏi đen. Trông “sai trái” thế thôi nhưng tỏi đen là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc các bệnh như tăng cholesterol, tim mạch, tiểu đường.

Ngoài ra, do bánh Trung thu ngày nay không đơn giản chỉ để ăn nữa, mà đã trở thành một “công cụ ngoại giao”, nên hình thức hộp bánh được đầu tư nhiều hơn xưa. Ngoài những thương hiệu truyền thống như Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan, còn không ít các thương hiệu cao cấp khác phù hợp với mục đích biếu tặng, trong đó có thể kể đến:

BST bánh Trung thu 2020 của khách sạn Metropole Hanoi là lời tri ân gửi đến những chuyên viên y tế dũng cảm và kiên cường trong cơn đại dịch.
Vọng Nguyệt Đoàn Viên – BST lấy cảm hứng từ đêm trăng rằm của khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72
Thiết kế hộp bánh của The Reverie Saigon lấy cảm hứng từ vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy của chim Khổng tước – loài chim biểu tượng cho sự may mắn, bình an và thịnh vượng.
BST bánh Trung thu của khách sạn Sheraton Saigon lấy cảm hứng từ vẻ đẹp kiêu sa của những nụ hoa chớm nở trên nền trời mùa thu hồng phấn ngọt ngào như kẹo bông.

KẾT

Từ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đơn giản ngày nào, đến hôm nay bánh Trung thu Việt Nam đã trải qua một quãng đường dài với nhiều thay đổi, thổi vào đời sống ẩm thực người Việt một luồng gió mới phong phú và đa dạng hơn. Có người sẽ quyết tâm “mãi một tình yêu” với bánh truyền thống, có người lại đợi thử những mùi bánh mới mỗi năm. Nhưng dù thế nào đi nữa, những chiếc bánh mặt trăng tròn vành vạnh vẫn sẽ là một phần không thể thiếu của Tết Trung thu. 

(*) bài có sử dụng ý thơ của tác giả Mai Danh Hiểu

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago