Cine

Bắt nạt, tẩy chay và những điều có thể bạn chưa biết

“Bắt nạt”, “tẩy chay” là một từ khoá nổi bật trong những ngày qua. Không phải chỉ vì nó là nội dung nhạy cảm liên quan đến người nổi tiếng mà nó còn nhắc chúng ta về một vấn đề nhức nhối, chưa có giải pháp và vẫn tồn tại ngang nhiên từ lâu. Với con số 246 triệu trẻ em vị thành niên trên thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường (theo số liệu của UNESCO 2017), chúng ta nhận ra còn rất nhiều điều phải nói về vấn đề này.

I. LỊCH SỬ THUẬT NGỮ TẨY CHAY.
Trong tiếng Anh, “tẩy chay” được biết đến với từ “Boycott”, được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19 trong thời kỳ chiến tranh đất đai của Anh. Khi đó những người dân tá điền Ireland vì bất bình với số tiền thuê đất quá cao cùng nỗi lo về vụ mùa thất bát đã thành lập nên một tổ chức gọi là Liên đoàn Đất đai. Nhóm người này đã kéo đến nhà một điền chủ và yêu cầu ông giảm giá thuê đất. Không những không hoà giải, người địa chủ này còn gọi cảnh sát đến và đuổi những người tá điền đi. Liên đoàn Đất đai sau đó đã phản ứng theo một cách rất đặc biệt và trở thành ví dụ điển hình cho việc tẩy chay ngay này. Cư dân địa phương từ chối bán hàng, ngừng thu hoạch vụ mùa và thậm chí không thèm nói chuyện với ông ta. Họ la ó và cười nhạo mỗi khi người đàn ông này xuất hiện. Ông ta bị suy sụp tinh thần, buộc phải nhờ vợ và con gái thu hoạch mùa màng trong sự giám sát của cảnh sát và sau đó bỏ chạy khỏi vùng đất. Người đàn ông đó là Charles Cunning Boycott.

Việc tẩy chay này bắt đầu từ tháng 9, một tháng sau câu chuyện được báo chí ở nước Anh và Mỹ đề cập. Kể từ đó, cái tên “Boycott” của ông chủ đồn điền được dùng chung như một thuật ngữ nói về tẩy chay.

Ra đời vào năm 1880, nhưng những cuộc tẩy chay mới quay lại từ năm 1930 và được dùng trong những vấn đề lớn như nhân quyền (người da đen thuộc địa tẩy chay hàng hoá do nô lệ sản xuất,), thương mại, chính trị (người Do Thái tẩy chay hàng hoá Đức Quốc Xã ở Lithuania).

Ngày nay, các cuộc tẩy chay còn xuất hiện theo nhiều hình thức khác như bạo lực học đường hoặc bạo lực công sở. Ở dưới những dạng thức này, việc tẩy chay không nhằm mục đích nói lên sự bất bình hay đòi hỏi những thay đổi, mà mục tiêu chính là để cô lập nạn nhân, khiến người bị tẩy chay cảm thấy đau khổ, bị tách biệt khỏi cộng đồng và dễ dàng chịu tổn thương.


II. HIỂU VỀ BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG.
1. Khái  niệm
Lằn ranh giữa việc trêu đùa, không hoà hợp và bắt nạt thường khá mơ hồ. Những hành động được coi là “bắt nạt có chủ đích” thường có những dấu hiệu sau: Có sự ác ý trong lời nói, mất cân bằng về quyền lợi, và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong đó, một bên cảm thấy hả hê còn một bên khác cảm thấy căng thẳng và bị tổn thương.

2. Các dạng bắt nạt thường thấy
2.1 Bắt nạt trực tiếp và bắt nạt gián tiếp
Bắt nạt trực tiếp là hành vi gây tổn hại trực tiếp tới nạn nhân như ném đồ đạc, chửi bới, gây sức ép ngay lập tức. Trong khi đó bắt nạt gián tiếp là hình thức tác động, gây tổn thương từ xa như tung những tin đồn ác ý, tụ tập thành từng nhóm nói xấu người trong cùng cộng đồng.

2.2 Bắt nạt trên mạng
Là các dạng thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc bất cứ hình thức trực tuyến nào. Đó có thể là những bình luận gây tổn thương, những bài viết phê phán, hoặc những tin nhắn miệt thị, chửi bới v.v…

2.3 Bắt nạt thể chất
Là việc sử dụng bạo lực, liên quan đến việc tiếp xúc thân thể với nạn nhân. Thường những dạng bắt nạt này sẽ gây tổn hại về thể chất cho người khác như ném đồ đạc, đẩy ngã, đánh đập người bị hại.

2.4 Bạo hành cảm xúc
Bắt nạt cảm xúc gồm nhiều cách khác nhau để gây tổn thương tâm lý cho người khác. Bao gồm những hành động ác ý khiến nạn nhân có suy nghĩ tiêu cực hoặc có những sang chấn về tâm lý.

2.5 Bạo lực tình dục
Đây là dạng bắt nạt liên quan đến giới tính,  va chạm thể xác hoặc xâm phạm tình dục. Ví dụ như ép buộc ai đó thực hiện các hành vi va chạm thân mật, đưa ra nhận xét xúc phạm lên quan đến tình dục hoặc có những động chạm thể chất mà không có sự đồng ý.

2.6 Bạo lực bằng ngôn từ
Đây là một dạng bắt nạt phổ biến nhất, khi những kẻ bắt nạt sử dụng ngôn ngữ như một hình thức khiến người khác cảm thấy đau khổ. Ví dụ sử dụng những câu nói tục tĩu, nhận xét tiêu cực về ngoại hình một người, chửi bới và mạt sát đối phương.

III. NHỮNG CON SỐ ĐÁNG LƯU Ý VỀ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

“CỨ 5 HỌC SINH THÌ SẼ CÓ MỘT NGƯỜI LÀ NẠN NHÂN CỦA CÁC HÌNH THỨC BẮT NẠT KHÁC NHAU TRONG ĐÓ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG DIỄN RA NỔI CỘM NHẤT Ở TUỔI 13-15”


Học sinh từ 12-18 tuổi đã trải qua nhiều hình thức bắt nạt khác nhau (theo https://www.stopbullying.gov/, bao gồm:

  • Trở thành chủ đề của tin đồn hoặc các câu chuyện không có thật (13,4%)
  • Bị chế giễu, bị gọi tên hoặc bị xúc phạm (13,0%)
  • Bị xô đẩy, vấp ngã hoặc nhổ nước bọt (5,3%)
  • Bị cô lập, phớt lờ  (5,2%)
  • Bị đe dọa gây hại (3,9%)
  • Bị ép buộc làm theo sự kiểm soát của người khác(1,9%)
  • Bị huỷ hoại tài sản có chủ đích (1,4%)


Tại Việt Nam
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến hết quý I năm 2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng và 15.757 người là nạn nhân.

Trong đó, phần lớn vụ việc là đánh nhau gây thương tích, chiếm 64,01%, uy hiếp tinh thần chiếm 4,92%, xâm hại tình dục chiếm 1,37% và các hình thức khác chiếm 26,9%. Đáng lưu ý, hơn 53% các vụ việc xảy ra trong trường học.

Xét về địa bàn, 51,8% vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra tại khu vực nông thôn; hơn 30% xảy ra ở khu vực thành thị và gần 15% xảy ra ở khu vực miền núi, trung du.

Tình trạng cán bộ, nhà giáo phạm tội, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp tuy cá biệt nhưng vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành Giáo dục. Trong tổng số 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường giai đoạn 2011-2018, có 251 đối tượng là nhà giáo (chiếm 0,77%) và 163 cán bộ quản lý (chiếm 0,5%).

IV. CHÂN DUNG CỦA NHỮNG NGƯỜI SỬ DỤNG BẠO LỰC VÀ TẨY CHAY HỌC ĐƯỜNG.
Nhiều người cho rằng, những người đi bắt nạt người khác thường có xu hướng kém tự tin vào bản thân, thiếu kỹ năng giao tiếp hoặc lớn lên với những tổn thương nhất định về tâm lý. Do đó họ phải hạ thấp một người để bản thân mình cảm thấy tốt hơn.

Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho rằng, đôi lúc những kẻ bắt nạt thực chất là những người có hình ảnh khá tốt trong xã hội, được thầy cô, bạn bè và gia đình yêu mến. Những người bắt nạt có thể đứng ở vị trí cao hơn (học giỏi hơn, gia cảnh giàu có hơn, có tài năng hoặc nhận được nhiều ưu ái.) Do đó họ có thể có xu hướng bắt nạt người khác nhằm đẩy nạn nhân xuống và duy trì vị trí xã hội của mình.

Đối với con gái, các hành động bắt nạt thường ở dưới hình thức gián tiếp. Có thể là bạo lực về mặt ngôn ngữ hoặc bạo hành tâm lý thông qua việc tụ tập nói xấu, phát tán các tin đồn không có căn cứ, gây tổn thương trên mạng bằng những bình luận tiêu cực hoặc sử dụng những tin nhắn, ngôn từ chửi bới miệt thị.

Trong khi đó, con trai thường có xu hướng bắt nạt trực tiếp, sử dụng bạo lực hoặc xâm phạm tình dục nhiều hơn.

Những nạn nhân được lựa chọn là đối tượng bị bắt nạt thường sẽ là những người yếu thế trong lớp có những khuyết điểm hoặc khác biệt về: ngoại hình, tính cách, chủng tộc, giới tính hoặc xu hướng tình dục. Trong khi đó, những kẻ bắt nạt thường có nhiều thế mạnh và đặc quyền hơn.

Một ví dụ cụ thể là hình ảnh Ong Chúa của Regina George trong “Mean Girl”. Chúng ta có thể dễ dàng thấy những mảnh ghép thường có của những người cố gắng tẩy chay, cô lập người khác và một đám đông luôn góp phần giúp họ duy trì quyền lực của mình.

Những kẻ bắt nạt thường là những người có cái tôi rất lớn. Họ đề cao bản thân mình một cách thái quá, dễ dàng giận dữ, luôn có xu hướng thao túng nhưng lại nhận được sự cổ vũ của những người xung quanh. Để có đủ khả năng gây sức ép cho người khác, những kẻ đi bắt nạt thường phải có 3 yếu tố: Khả năng gây ảnh hưởng, sự hợp tác của đám đông và sức mạnh đàn áp người khác.

4.1: Khả năng gây ảnh hưởng
Khi nhận xét về Regina, các nhân vật trong phim thường nói rằng họ ghét cô nhưng đồng thời lại muốn cô yêu quý mình. Điều này đến từ khả năng gây ảnh hưởng đến đám đông của nàng ong chúa. Cô nàng có một ngoại hình xinh đẹp, luôn luôn toả sáng dù đứng ở bất cứ đâu. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng ở Regina có một sức hút kỳ lạ. Sự giàu có và quyền lực của gia đình cũng khiến hình ảnh của cô nàng trong mắt mọi người càng trở nên long lanh hơn. Để củng cố sức ảnh hưởng của mình trong mắt đám đông, cô sẵn sàng hẹn hò với chàng trai “con nhà người ta” kiểu mẫu trong đời sống: Đẹp trai, học giỏi, chơi thể thao xuất sắc dù không thật sự thích anh ta. Điều này giúp mọi người cảm thấy nếu một chàng trai tuyệt vời như vậy hẹn hò, hẳn bạn gái của anh ta sẽ là một người vô cùng hoàn hảo.

4.2: Sự hợp tác của đám đông.
Để nâng cao vị thế và hình ảnh của mình trong trường học, những người được chọn làm bạn với Regina cũng phải có sức ảnh hưởng tương tự. Trong đó có Karen là một cô nàng cũng vô cùng xinh đẹp hoặc Gretchen, một cô nàng giàu có bậc nhất trong trường. Sự kết nối này không chỉ khiến hình ảnh của cô nàng hoàn thiện hơn mà còn kéo theo sự chú ý, ủng hộ của những học sinh khác trong trường. Từ đó sẽ có rất nhiều người muốn trở thành một phần của nhóm bạn hoặc ủng hộ cô, ngược lại, trước phần đông sự đồng tình, những người cảm thấy bất bình cũng sẽ không dám lên tiếng.

Trong thực tế, chúng ta có một câu nói: Để có thể chơi thân với nhau, người ta phải cùng ghét một đứa. Đây cũng chính là cách để những kẻ bắt nạt trong cả phim ảnh lẫn ngoài đời duy trì sự kết nối của mình. Việc lôi kéo người khác cùng tham gia vào phong trào bắt nạt không chỉ khiến nạn nhân cảm thấy sợ hãi trước sức ép của đám đông mà còn khiến những người xung quanh trở thành một lớp bảo vệ khi có vấn đề xảy ra. “Partner in crime” hay còn gọi là “đồng phạm” trong tiếng Việt giúp cho hoạt động bắt nạt có thể duy trì lâu dài với nguồn nhân lực lớn. Trong trường hợp bị lên án, tội lỗi sẽ được dàn đều cho cả đám đông hoặc đổ lỗi cho người bị tổn thương bằng cách cáo buộc lại rằng kẻ từng bị bắt nạt phải có vấn đề thì mới nhiều người ghét đến vậy. Mặt khác, những người từng hùa theo cũng sẽ không thể có những phản ứng đối lập ngay để đứng về phía nạn nhân.


4.3 Khả năng đàn áp
Khả năng lớn nhất của kẻ bắt nạt chính là dùng sức ảnh hưởng của mình và sự ủng hộ của đám đông để gây sợ hãi, hoang mang cho nạn nhân. Sức mạnh này không chỉ đến từ khả năng lôi kéo, sức thuyết phục mà còn bởi họ đang phản ánh nhu cầu của những người xung quanh. Khi trở thành một phần của đám đông, người ta thấy mình mạnh mẽ hơn, được ủng hộ và đứng cao hơn người khác. Ngược lại, điều này khiến nạn nhân trở nên tuyệt vọng chính là ở việc mất niềm tin vào chính mình. Những người bị tổn thương sẽ bắt đầu hoài nghi bản thân bằng những câu hỏi: “Liệu đó có phải lỗi của mình?” “Liệu có phải mình không tốt?” và tạo nên tâm lý mâu thuẫn, vừa muốn chống cự vừa cảm thấy “mình đáng bị đối xử như thế.”  Sức mạnh của kẻ bắt nạt chính là khiến nạn nhân không còn niềm tin để chống trả và từ đó hình thành cảm giác bất lực, cam chịu.


Kết
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy trong tiếng Anh, từ bắt nạt “Bully” gần giống với “Bull” có nghĩa là con bò húc. Đặc điểm chung của loài này là tính hung hãn, hiếu chiến, dễ dàng bị khiêu khích và sẵn sàng tấn công theo bản năng khi bị kích động. Do đó, trước khi có những hành vi có thể làm tổn thương người khác, mỗi người chúng ta đều nên ngừng lại để suy nghĩ và kiểm soát thái độ của bản thân, nhất là khi coi sự tổn thương của người khác là niềm vui cho chính mình.

Nguồn ảnh:
The Shadow & Star – Kathrin Honesta




Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago