Cine

#Nghĩ: Những người biến mất ở thế giới không có quyền được lãng quên

Trái đất dường như là hành tinh của sự mâu thuẫn. Con người không có quyền được lãng quên ở một không gian ảo – chỗ mà vốn không ai thật sự nhớ về mình nhưng lại được quyền biến mất ở thế giới thật, nơi có sự tồn tại của những người thân yêu nhất.

Thế giới nơi có quyền được lãng quên


I. PHÉP MÀU CỦA MỘT BỘ NHỚ VĨNH CỬU


Bỗng một ngày chúng ta nhận ra, khả năng đọc các bài báo dài, những cuốn sách dày đã giảm hẳn. Chỉ một thời gian ngắn là mắt chúng đã mỏi, cơ thể nhắc mình hãy chuyển ngay sang nội dung hoặc hoạt động khác. Facebook đã huấn luyện con người thành công trong việc chỉ đọc những tin vắn. Đó cũng là lúc chúng ta nhận ra bản thân không còn nhớ số điện thoại của những người xung quanh nữa. Nếu trước đây ai đó luôn tự hào vì có thể thuộc làu số của 10-20 người gần nhất thì giờ điều đấy bỗng trở thành không cần thiết. Có đến hàng chục cách để liên hê với một người, từ skype, Viber, cho tới Instagram… Ở một khía cạch khác, trí nhớ của chúng ta cũng kém đi. Một vài người có thể lập tức quên những gì mình vừa xem, những bài báo phân tích kinh tế mà mình mới dùng 10 phút trước để nghiền ngẫm. Nhưng cũng không quan trọng, giờ đây kiến thức là thứ quá dễ để tìm lại. Thay vì phải lục bộ nhớ lộn xộn của mình, chỉ một vài giây trên Google là chúng có thể tìm được lại tất cả những kiến thức đã đọc. Internet là một công cụ tuyệt vời khi trên thế giới ảo này, không điều gì có thể bị lãng quên.

Thế giới nơi có quyền được lãng quên

Tuy nhiên, liệu sự lưu giữ vĩnh viễn này sẽ là một phép màu của công nghệ hay là “lời nguyền” với rất nhiều người?

Ở Mỹ, một cô gái hành nghề mại dâm từng bị cáo buộc giết người. Năm 1918, sau khi được tuyên bố trắng án, cô đã bỏ lại quá khứ không mấy tự hào kia lại đằng sau và bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới: lành mạnh hơn, tươi sáng hơn. Năm 1919, cô kết hôn với người đàn ông của đời mình và trở thành một người mẹ mẫu mực, một người vợ đảm đang. Họ là một gia đình kiểu mẫu được mọi người xung quanh yêu quý và tôn trọng. Cô có một chỗ đứng trong xã hội và bắt đầu có những mối quan hệ cộng đồng riêng của mình – những người không biết tới quá khứ của cô. Năm 1925, dù không có sự đồng ý hay nhận biết của cô, bộ phim The Red Kimono cùng những hình ảnh trong dự án này vẫn được triển lãm khắp California, Arizona, và rất nhiều tiểu bang khác. Theo đó nhà sản xuất đã quảng bá rằng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật về cuộc đời của một cô gái mại dâm, và cái tên được nhắc đến chính là tên thật của cô.

The Red Kimono đã lập tức bị kiện và xử thua cuộc. Nội dung của vụ kiện xoay quanh việc dù chưa có sự cho phép, nhà sản xuất vẫn ngang nhiên công khai các thông tin liên quan đến quá khứ của cô gái kia. Điều này khiến cho cuộc sống của nạn nhân bị xáo trộn. Sau khi biết vụ việc này, một vài người đã quay ra khinh bỉ, rồi chế giễu người phụ nữ. Khiến cô cảm thấy bị coi thường, xa lánh và tổn thương tâm lý bởi một câu chuyện từ lâu đã không còn liên quan đến mình.

Toà án khi đó đã lập luận rằng: “bất cứ ai có lối sống chuẩn mực đều có quyền được hưởng hạnh phúc, trong đó bao gồm sự tự do không phải chịu những đòn tấn công vô cớ lên thanh danh, địa vị hay thể diện của mình,” rồi sau đó đưa phán quyết theo hướng có lợi cho nguyên đơn với mức bồi thường năm mươi nghìn USD.

Nếu ở ngoài cuộc sống, những vụ việc liên quan đến xâm phạm thông tin cá nhân có thể xử lý theo nhiều cách thì tại thế giới phẳng, mọi thứ có vẻ không dễ dàng như thế. Những người nổi tiếng, được công chúng biết đến có lẽ hiểu rõ điều này nhất. Khi một câu chuyện đình đám xuất hiện trên mạng, một thời gian sau mọi người có thể sẽ quên, nhưng Google, Facebook… thì không.

Thế giới nơi có quyền được lãng quên

Mạng xã hội là thứ đi theo trends, mà xu hướng thì luôn quay vòng. Bất cứ khi nào có một vụ lùm xùm nổ ra, thì những lỗi lầm gần giống sẽ được người ta đào bới lại. Một nữ ca sĩ từng là nạn nhân của việc phát tán một video nhạy cảm. Hơn chục năm sau, bất kể bao nhiêu cố gắng làm lại sự nghiệp, ra mắt vô số sản phẩm ấn tượng, người ta vẫn không quên sẽ nhắc lại những sự cố ngày trước cô.

Thế nhưng Internet không phải thế giới dành riêng cho người nổi tiếng. Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông giờ đã trở thành con virut có thể phát tán vấn đề cá nhân của mọi người đi khắp nơi. Một clip đánh ghen, một lời bình luận lúc bản thân thiếu kiểm soát, một hình ảnh không đẹp bị người khác lén lút ghi lại… tất cả những điều vốn có thể được trao cơ hội “sửa chữa” nay lại trở thành bản cáo trạng có thể theo dấu người ta cả đời. Công chúng sẽ luôn có những vấn đề mới để quan tâm, nhưng lỗi lầm không được lãng quên sẽ là chiếc còng sắt xiềng xích một người vĩnh viễn.


II. QUYỀN ĐƯỢC LÃNG QUÊN.

Thế giới nơi có quyền được lãng quên

Về cơ bản, “quyền được lãng quên” là quyền tự do quyết định cuộc sống mà không bị lên án bởi hậu quả để lại từ hành động của người đó trong quá khứ. Do đó, nếu muốn thực hiện quyền lợi này, người dùng có thể gỡ bỏ khỏi Internet những thông tin, hình ảnh, video có liên quan tới mình, khiến người khác không thể tìm được chúng thông qua các trang web tìm kiếm như Google.

Quyền được lãng quên khác với quyền bảo mật thông tin cá nhân. Đối tượng của quyền bảo mật là thông tin là những dữ liệu riêng tư không được phép tiết lộ. Trong khi đó, đối tượng của quyền được lãng quên lại là những sự kiện mà mà công chúng đã từng biết đến, nhưng hiện tại người chủ thông tin không muốn bất cứ bên thứ 3 nào được phép tiếp cận.

Đây được coi là một trong những quyền cơ bản của con người, bắt nguồn từ khái niệm trong hệ thống tư pháp hình sự của Pháp với cái tên droit à l’oubli. Nôi dung xoay quanh việc người phạm tội khi đã chấp hành hết mọi án phạt, có thể đề nghị các bên thi hành không công khai tiền án tiền sự của họ, nhằm đảm bảo quá trình tái hòa nhập xã hội diễn ra dễ dàng hơn.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho phong trào đấu tranh, giành lấy quyền được lãng quên bắt đầu từ một người đàn ông Tây Ban Nha có tên là Mario Costeja. Năm 1990, vì những rắc rối tài chính, người đàn ông này đã phải bán nhà để trả nợ. Dù câu chuyện đã xảy ra tận 20 năm trước thế nhưng đến tận bây giờ, bất cứ khi nào gõ cụm từ “Mario Costeja” lên Google, những vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân của ông lại lập tức hiện ra. Điều này khiến Mario không khỏi thắc mắc: “liệu tôi có đáng bị mất cả uy tín cả đời bởi một khoản nợ không còn nhưng vẫn tồn tại mãi mãi trên internet?”

Cũng chính từ sự bức xúc này mà ông Costeja đã trở thành một trong những người tiên phong trong việc ủng hộ “quyền được lãng quên” và thậm chí còn đưa trường hợp của mình ra làm ví dụ tại Tòa án tối cao của Liên minh châu Âu ở Luxembourg. Một điều may mắn cho Costeja là ông không đơn thương độc mã trong cuộc hành trình đi đòi quyền lợi cho mình. Max Schrems – một cử nhân luật 25 tuổi người Áo – cũng đã gửi đơn kiện Facebook lên Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ai-len (đơn vị điều hành các hoạt động của Facebook tại Châu Âu) với cáo buộc rằng mạng xã hội này vẫn lưu trữ 1.200 trang dữ liệu cá nhân của anh mà phần lớn trong số đó đã được xóa đi từ lâu

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do nhóm bảo vệ quyền riêng tư Big Brother Watch (Anh) thực hiện đã chỉ ra rằng 68% người Anh quan tâm đến quyền riêng tư trên mạng còn 22% tỏ ra đặc biệt quan tâm đến điều này.

Số người lên tiếng đòi hỏi về “quyền được lãng quên” trên mạng ở Pháp cũng tăng lên đột biến. Mỗi ngày, cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia nước này nhận được không ít yêu cầu xóa những thông tin cá nhân lỗi thời hay những bức ảnh không đúng sự thật trên các blog hay trang web. Cụ thể, trong số 6000 đơn thư khiếu nại mà cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu Pháp nhận được trong năm 2012 có tới 1000 khiếu nại liên quan đến “quyền được lãng quên” trên mạng. Như vậy là chỉ trong một năm, số yêu cầu được xóa bỏ thông tin sai lệch đã tăng lên tới 42%. (vtc.vn)

Tuy nhiên đáng tiếc là đặc quyền cơ bản này chỉ được áp dụng tại Liên minh châu Âu và một vài quốc gia đơn lẻ khác. Tháng 9/2019 vừa qua, toá án Tư Pháp Liên minh châu Âu đã bác bỏ nỗ lực của Paris nhằm áp dụng quyền được lãng quên của EU cho người dùng mạng khắp thế giới.

Nhiều người cho rằng, quyền được lãng quên có thể ảnh hưởng đến các quyền lợi cơ bản khác như quyền tự do ngôn luận và cho phép người ta che giấu đi những điều không hay về mình. Nếu một bác sĩ từng tắc trách dẫn đến chết người hay một chính trị gia từng nhận hối lộ, cộng đồng cần phải được biết những thông tin đó để đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất. Hoặc đơn giản như trường hợp gần đây, nếu áp dụng luật lãng quên rất có thể nạn nhân sẽ không biết được tên tội phạm ấu dâm Jo Doo Soon sắp được mãn hạn tù và nhà của thủ phạm sẽ chỉ cách gia đình nạn nhân chưa đầy 1km. Điều này ngăn cản việc chuẩn bị các biện pháp tâm lý và sự an toàn cho cô bé. Chưa kể đến việc quyền được lãng quên cũng sẽ cản trở việc rút ra những kinh nghiệm từ các sai lầm trong quá khứ, hoặc ảnh hưởng đến việc tạo ra các bài học răn đe với kẻ xấu.

Điều nay gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong người dùng mạng. Chúng ta vừa muốn có những bản lề, bài học đối chiếu cho bản thân và những kẻ xấu, vừa muốn có một sự giải thoát nhân văn cho những người luôn dằn vặt với quá khứ.

Máy móc thì không có sự bao dung, vị tha, nhưng nhân loại thì luôn có cảm xúc.

III. Sự biến mất trong thế giới thực và những mặt trái.

Ở Hàn Quốc, không ít nhà kinh doanh đã biết tận dụng những vấn đề liên quan đến quyền này để kiếm tiền. Có rất nhiều công ty được thành lập tại đây với mục đích giúp khách hàng tìm kiếm, xóa bỏ “dấu vết” trong quá khứ của họ trên internet. Tuy nhiên tại Nhật Bản mọi thứ không dừng ở đó. Các công ty thậm chí còn giúp con người ta biến mất ngay trong chính thế giới thật. Những người với nhu cầu trở nên vô hình như vậy thường được gọi là “jouhatsu,” Nghĩa đen có nghĩa là sự bay hơi, nhằm nói về những người cố tình biến mất – và liên tiếp che giấu tung tích của họ trong suốt thời gian dài.

Họ là những người cảm thấy áp lực với cuộc sống hiện tại, bế tắc trong hôn nhân, bạo lực gia đình hoặc nợ nần chồng chất. Vì nhiều lý do, giải pháp họ hướng đến đều là việc nhờ cậy các công ty trợ giúp cho quá trình “bốc hơi” của mình. Những doanh nghiệp này còn được biết tới với cái tên “dịch vụ chuyển nhà vào ban đêm,” giúp khách hàng rời đi trong âm thầm và cung cấp cho họ những chỗ ở mới trong bí mật.

Tại đất nước mặt trời mọc quyền riêng tư được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Cảnh sát sẽ không được điều tra thông tin của người biến mất qua CCTV, nhật ký rút tiền ở ATM nếu không có các lý do khác như phạm tội hoặc tai nạn. Do đó việc một người lặng lẽ bỏ đi hay một công ty xuất hiện để trợ giúp cho hoạt động đó hoàn toàn không phải là một hành vi phạm pháp.

Thế giới nơi có quyền được lãng quên

Những người điều hành dịch vụ không bao giờ đưa ra phán xét hoặc nhận định xem liệu tình trạng của khách hàng có tệ đến mức phải bốc hơi hay không. Thế nhưng người thân các jouhatsu sẽ phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đi kèm với sự hoang mang, lo lắng cùng cực. Một người phụ nữ đã phải sống trong tuyệt vọng khi cậu con trai của mình đột nhiên biến mất. Bà lái xe khắp nơi, đến mọi địa điểm con trai mình đã đi qua rồi chờ đợi vô định trong xe. Nhưng kết quả cho mỗi đêm tìm kiếm chỉ là một cảm giác thẫn thờ thờ và thất vọng.

Nếu quyền được lãng quên trên mạng Internet là một điều có thể thấu hiểu và chấp nhận thì chuyện biến mất trong thế giới thật lại là một hành động vô cùng ích kỷ. Tại Mỹ, những người tự nguyện bốc hơi được gọi riêng bằng một cụm từ: “Maliciously Missing” – được hiểu là biến mất ác ý.

Đa phần những cuộc biến mất này đều mang ý nghĩa giải thoát cho người “bốc hơi” nhưng lại để lại nỗi đau tột cùng cho người ở lại. Chúng ta có quyền được giải thoát, được cảm thấy thanh thản, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc coi sự thương tổn, gánh nặng của người thân là vật hy sinh cho sự nhẹ nhõm đấy.

Khác với quyền lãng quên trên Internet khi máy móc có thể vận hành bằng những thao tác kích và xoá nhanh gọn, ký ức con người là một bộ nhớ phức tạp, gắn liền với mọi vấn đề trong cuộc sống và tác động trực tiếp đến hành động, suy nghĩ của chúng ta.


KẾT

Thế giới nơi có quyền được lãng quên

Dù quyền lãng quên có được thi hành trên Internet hay không, chúng ta vẫn nên tham khảo ý kiến của Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900). Ông cho rằng “Nếu không biết cách quên, ta sẽ không biết được niềm hạnh phúc, không có tâm trạng vui vẻ, sự kỳ vọng, lòng tự hào và cũng không biết hiện tại là gì.” Đồng ý với quan điểm đó,  P. Kayser – tác giả quyển Bảo vệ đời tư cũng nói “Lãng quên là một giá trị cơ bản, tồn tại trong bản chất của nhân loại. Phủ nhận hay từ chối quyền được lãng quên chính là đang nuôi dưỡng một con người bằng sự hối hận, tương lai chỉ quẩn quanh trong chính quá khứ của họ, và như thế đã dựng lên một bức tường không có lối thoát cho cá nhân đó”.

Còn đối với những người người tự nguyện biến mất, chúng ta hiểu rằng bỏ chạy không phải là một quyết định mà ai đó đưa ra một cách lý trí. Một số người nghĩ rằng đó là lựa chọn duy nhất và điều đó sẽ tốt hơn cho cả gia đình nếu họ không còn ở bên cạnh. Ngày bé, mỗi khi sợ hãi chúng ta đều tìm cách trốn vào tủ và mong chờ một ai đó sẽ tới giúp mình. Một người chạy trốn dù có xuất phát từ sự khủng hoảng hay ích kỷ, họ cũng là những người cần giúp đỡ. Nhất là khi nguyện vọng lớn nhất của gia đình là mong người thân của mình quay về.

Có thể bạn quan tâm:
Hãy để đàn ông cũng được rơi lệ
Mọi cuộc chia tay đều vì những điều tốt nhất
Bắt nạt, tẩy chay và những điều có thể bạn chưa biết

Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago