Cine

“Bố già” và những điều giá như

Bố già bản điện ảnh có một câu chuyện không hề liên quan tới phiên bản web-drama. Trấn Thành vẫn vào vai một người cha khó tính và rất bao đồng nhưng câu chuyện được chắt lọc và nêm nếm thêm nhiều gia vị tình làng nghĩa xóm, tình gia đình và tất nhiên, tình cha con.

Tính đến cuối ngày 9/3, tức sau gần bốn ngày chiếu sớm, nhà sản xuất của phim đã chính thức thông báo Bố già đạt doanh thu 100 tỷ đồng, lập kỉ lục là phim Việt chạm mốc doanh thu này nhanh nhất mọi thời.

Không thể phủ nhận những gì mà Bố già đã mang lại. Tuy vậy, giá như bộ phim…

… có ít đi những câu chuyện bị bỏ dở

Bố già được thể hiện hết sức đơn giản, chỉ xoay quanh những thứ cần xoay: câu chuyện giữa anh chị em trong nhà, giữa cha và con, tình làng nghĩa xóm,… – những mối quan hệ thường ngày tưởng chẳng có gì để nghĩ. Tuy nhiên, đây thực ra lại nguồn khai thác không bao giờ lỗi thời của điện ảnh.

Một điểm cộng nữa của Bố già chính là ở yếu tố thuần Việt của kịch bản. Hơi thở cuộc sống ở một xóm nghèo Sài Gòn nước ngập quanh năm hiện ratrong phim rất đỗi quen thuộc và bình dị.

Cái hay của phim là cách mà những nhân vật gửi đi những thông điệp ý nghĩa. Không quá nặng nề, giáo điều, những câu chuyện của Bố già truyền đạt đến người xem nhẹ nhàng, tự nhiên thông qua những màn ứng biến hài hước. Một bộ phim khiến người xem phải ngẫm nghĩ về giá trị của tình thân gia đình.

Ngay khi bộ phim đang diễn ra, đâu đó dưới hàng ghế khán giả hẳn sẽ có ai đó đang tự hỏi về lần cuối cùng chụp ảnh cùng cha mẹ là khi nào, cũng sẽ có ai đó tự nhắc nhớ mình phải biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương cha mẹ nhiều hơn bởi “chúng ta có nhiều thời gian, bố mẹ thì không.”

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những điểm chưa hoàn hảo trong Bố già. Lucas Luân Nguyễn – một cây bút về điện ảnh kiêm giảng viên thỉnh giảng môn phê bình điện ảnh tại Trường đại học Kinh tế tài chính TP.HCM, nói với báo Tuổi Trẻ: “Bố già dù thành công vẫn chưa phải là một bộ phim xuất sắc.”

Theo đó, anh chia sẻ, khi bóc tách từng lớp lang của câu chuyện, phim vẫn có nhiều điểm yếu cần cải thiện. Đối với những khán giả lâu năm của điện ảnh Việt Nam và thế giới như Lucas, Bố già vẫn chưa “đủ đô” để mang lại cảm giác đúng chất điện ảnh. Câu chuyện của phim dường như vẫn chưa đủ sức nặng khi phần kịch bản không đặt ra được vấn đề và giải quyết nó một cách toàn diện.

Bộ phim rất giống nhân vật ông Ba Sang – đôi khi làm mình khó chịu nhưng cuối cùng thì vẫn xuất phát từ cái tâm, cái tình và mang lại những cảm xúc tích cực cho người xem. Vì thế, tôi thấy phim chưa xuất sắc nhưng vẫn xứng đáng với tình yêu của khán giả.

Lucas Luân Nguyễn

Có thể nói, khung sườn kịch bản của Bố già cực kì đơn giản. Phim mở đầu mà không có bất cứ hành trình, mục tiêu hay rắc rối của nhân vật nào. Khoảng 1/3 đầu phim tựa như những lát cắt cuộc sống – vừa giới thiệu nhân vật, và một phần là để định hình không khí phim. Thế nên với những khán giả điện ảnh hơi khó tính, đoạn đầu của Bố già sẽ gây ra sự hoang mang vì sẽ giống phim dài tập hơn.

Một số tình tiết đắt giá – như việc lựa chọn nghề nghiệp của Quắn (Tuấn Trần) bị họ hàng coi thường – vốn là một vấn đề nhức nhối với giới trẻ, cách đối xử tệ bạc của các thành viên trong gia đình với Ba Sang (Trấn Thành) khi ông sa cơ, người mẹ ruột tráo trở của bé Bù Tọt (Ngân Chi)… được nhắc đến nhưng bị bỏ lửng, không rõ kết cục.

… giá như ê-kíp đừng xây dựng nhân vật Ba Sang quá nhu nhược

Không chỉ là những lát cắt bi hài về gia đình, chòm xóm hay tình phụ tử, Bố già còn chứng tỏ sức nặng về tầm nhìn khi khai thác rất tốt các nhân vật trong phim.

Là người tham gia rất nhiều khâu trong phim từ sản xuất, kịch bản, diễn viên, đạo diễn, nhạc phim… nhưng Trấn Thành không dành mọi “spotlight” cho riêng mình trong Bố già. Các diễn viên trong phim – dù là vai diễn lớn nhỏ gì, thì cũng có những khoảnh khắc tỏa sáng và nhân vật của họ đều có những giá trị của riêng.

Trong đó, nhân vật chính Ba Sang của Trấn Thành là người hứng chịu mọi bi kịch với mục đích đẩy cảm xúc của người xem lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, để tạo ra được “đòn bảy” cảm xúc đó thì ê-kíp đã biến nhân vật này trở thành một người đàn ông hiền lành đến mức nhu nhược. Giúp đỡ chòm xóm, nhường nhịn chị em, thương con cái là lẽ đương nhiên, nhưng Ba Sang lại không biết nói lên cái đúng, và đôi lúc bảo vệ gia đình đến mức quên mình.

Trong những đoạn cãi nhau thì ông luôn là người hòa giải, can ngăn, và luôn mồm “hoan hỉ” cười hì hì cho qua với mọi lỗi lầm của người khác. Khán giả dễ dàng thấy được nhân vật này không chịu nhìn nhận đúng sai, cũng chẳng biết ai thương mình, ai tốt với mình thật sự hay ai đáng được mình bảo vệ.

Không chỉ ở cách ứng xử với hàng xóm, lãng giềng, tính cách cao cả của ông một lần nữa được thể hiện rõ nét trong những mâu thuẫn chính với chính cậu con trai Quắn: hai cha con vì quá thương nhau mà tranh giành để được hi sinh cho người còn lại. Đến nỗi cậu con trai Quắn phải nổi cáu, liên tục trách móc,“Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?”

Sự nhu nhược, lối sống vì người khác và luôn hi sinh bản thân mình của Ba Sang đã khiến nhân vật này bỗng trở thành một tạo hình thiếu thực tế trên màn ảnh.

… giá như các nhân vật không phải “chạy đua” với lời thoại

Ít nhiều đóng vai trò tạo nên thành công của phim, phần thoại của Bố già được chính Trấn Thành viết ra từ chính những mâu thuẫn đời thường nhất trong mỗi gia đình cũng như góc nhìn đa dạng của mình.

Tuy nhiên, chính phần hay nhất của phim cũng là “hố đen” của phim khi phần thoại mang đậm tính truyền hình, kể lể và quá dài dòng. Những màn cãi nhau chí chóe giữa nhân vật – dù có sự phối hợp nhịp nhàng của các diễn viên, nhưng cứ “bên này một câu – bên kia một câu” liên tục suốt cả phim gây cảm giác dồn dập cho người xem. Khán giả chưa kịp lắng lại thì đã bị “kéo đi” mà đôi khi bỏ qua những khoảng lặng để người xem được ngấm, được nghĩ.

Thêm vào đó, dù diễn xuất của các nhân vật thật sự rất tốt, nhưng những cuộc cãi vã trở nên thiếu tự nhiên khi từng lời từng chữ đều đã được lên ý tưởng và phác thảo kỹ càng trong kịch bản.

Tuy có nhiều câu thoại trong Bố già rất “đời” nhưng việc thoại nhiều quá lại khiến cho diễn viên ít đất để thể hiện kỹ thuật diễn xuất hơn. Nếu như thoại ít lại một chút, dành phần cho diễn xuất ánh mắt, biểu cảm nhiều hơn thì có lẽ những phân đoạn cao trào chiếm tình cảm khán giả đã “ép phê” hơn rất nhiều.

Ngôn ngữ hình ảnh dù có vẻ đã được chú ý nhưng vẫn chưa đủ để khiến Bố già phiên bản điện ảnh thoát được chất web-drama hay truyền hình.

… giá như ai cũng cảm nhận được mâu thuẫn giữa hai cha con Ba Sang và Quắn

Có lẽ, những mâu thuẫn của cha con Ba Sang và Quắn là tình tiết chính dẫn đến thành công của phim.

Bố già khai thác rất tốt những chi tiết nhỏ nhặt về tình phụ tử – từ việc cha thức sớm chuẩn bị bữa sáng cho con để rồi nhận được phản ứng “mặt nặng mặt nhẹ” chê dở, hay khi thấy quần áo, giày dép của con dây chút bẩn là sẽ lập tức đem ra giặt rửa…


Tiếp theo đó là hàng loạt những mâu thuẫn do sự bất đồng quan điểm truyền thống – hiện đại giữa người lớn và thế hệ trẻ; những hiểu lầm nhưng do ngại nói lời xin lỗi, ngại lên tiếng mà liên tục lời ra tiếng vào với nhau; hay sự thờ ờ, vô tâm của người con dành cho cha – đến mức nhận ra mình vẫn chưa bao giờ chụp ảnh chung với ông ấy…

Các chi tiết đó đều là những điều rất vụn vặt trong cuộc sống nhưng lại được đưa lên màn ảnh một cách nghệ thuật nhờ vào khả năng truyền đạt khéo léo của ê-kíp.

Nhiều khán giả xem phim đã nói, không cần biết phim hay hoặc dở về nghệ thuật điện ảnh, chỉ cần biết Bố già đã chạm đến trái tim người xem, xem xong Bố già khiến mọi người rất nhớ bố mình. Đây là một bộ phim được xây dựng từ trái tim để có thể chạm được tới trái tim khán giả. Cụ thể hơn là của Trấn Thành – khi anh đã kể ra câu chuyện đến từ chính mình, từ tình cảm của mình với cha, và từ tâm sự của bạn bè xung quanh.

Bởi thế nên các tình tiết của hai cha con thật sự rất quen thuộc với nhiều bạn trẻ – nhưng không phải tất cả. Đây có lẽ là chi tiết quan trọng nhất nhưng lại khiến nhiều người khen Bố già hay, một số lại chê nhạt.

Đối với những người thường xuyên có mâu thuẫn với gia đình hay sống xa nhà thì câu chuyện của Bố già rất dễ chạm đến trái tim bởi sự đồng cảm, bởi đâu đó họ sẽ thấy mình trong nhân vật Quắn và nhìn Ba Sang mà nhớ về ba mình. Nhưng còn những ai khắng khít với phụ huynh thì có lẽ sẽ không trải qua những lần nhìn lại đó, cũng chẳng thấy thấy hiểu cho nhân vật nên cảm xúc khi xem phim ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Tham khảo: Báo Thanh Niên, Hóng Hớt Showbiz

Xem thêm:
Tết năm nay, Bố Già trở lại “hài hơn, đời hơn, tình hơn”
Bố Già “đấu” Gái Già: Cùng già và cùng khỏe
Bạn đã book lịch cho 12 phim Việt ra mắt tháng 4 này chưa?


Nghi To

Recent Posts

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

17 phút ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

2 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

4 ngày ago