Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả, đặc biệt khi nó chính là “miếng cơm, manh áo” của nhiều người. Thế thì làm sao để ta lấy lại động lực “thức dậy sớm” để đi làm?
Cuộc sống của một con người ngày nay giống như một màn tung hứng không ngừng nghỉ vậy. Giữa công việc, gia đình, các mối quan hệ và hàng ti tỉ chuyện vặt khác, không có gì quá ngạc nhiên khi sự kiệt sức (hay trong tiếng Anh nghĩa là “Burnout”) đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều người.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực, hoặc chỉ đơn giản là làm việc một cách máy móc, bạn không phải là người duy nhất đâu. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình có đang làm việc chỉ ở mức tối thiểu – xách ba lô đi, làm xong việc, xách ba lô về không (ngày nay còn được gọi với thuật ngữ “quiet quitting“)? Những dấu hiệu trên có thể rất đáng lo ngại đấy!
Burnout, hay kiệt sức, là một trạng thái kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cảm xúc do căng thẳng kéo dài hoặc áp lực liên tục; thường liên quan đến công việc. Nó không chỉ đơn giản là cảm giác mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, mà là một trạng thái kiệt sức đến mức không còn đủ năng lượng hoặc động lực để thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày. Burnout có thể xuất hiện khi bạn cảm thấy quá tải, mất kiểm soát trong công việc, hoặc khi công việc thiếu đi sự công nhận và ý nghĩa.
Thuật ngữ “burnout” lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1970 bởi nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger. Ông đã dùng thuật ngữ này để mô tả hiện tượng các nhân viên làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những người làm trong bệnh viện hoặc tổ chức phi lợi nhuận, bị kiệt sức vì công việc đòi hỏi cao và căng thẳng kéo dài.
Trong bài viết mang tính tiên phong vào năm 1974, Freudenberger đã miêu tả burnout như là một trạng thái suy giảm năng lượng, mất đi động lực và xuất hiện cảm giác bất mãn do công việc quá mức, thường dẫn đến hiệu suất làm việc kém và cảm giác vô vọng.
Ban đầu, burnout chủ yếu được hiểu trong bối cảnh các ngành nghề liên quan đến chăm sóc và hỗ trợ con người, nơi áp lực tâm lý cao dễ khiến người lao động bị kiệt quệ. Tuy nhiên, theo thời gian, khái niệm này đã được mở rộng ra để áp dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau và cả cuộc sống cá nhân, khi con người phải đối mặt với căng thẳng kéo dài, không được quản lý tốt hoặc thiếu sự hỗ trợ.
Vậy, làm thế nào để bạn nhận biết mình đang bị burnout dần xâm lấn? Dưới đây là 4 dấu hiệu đó, cũng như một vài gợi ý từ chúng tôi để bảo vệ sức khỏe tinh thần cho bạn.
Burnout có thể khiến cho tương lai trở nên mờ nhạt một cách rất tinh vi.
Sự căng thẳng từ công việc sẽ làm che lấp “tầm nhìn” của bạn, khiến bạn khó tập trung vào mục tiêu lớn hơn mà mình đề ra. Có thể bạn đang tự nói với mình rằng: “Mình sẽ thật sự tập trung hơn vào sự nghiệp sau khi được thăng chức,” hoặc “Mình sẽ quay trở lại quỹ đạo sau khi dự án này được hoàn thành.” Nhưng trì hoãn các mục tiêu dài hạn đến khi mọi thứ “ổn định” có thể khiến những tham vọng của bạn trở thành mục tiêu di động thay vì cột mốc vững chắc.
Để thoát khỏi vòng lặp này, bạn hãy nghĩ đến việc duy trì sự kết nối với các động lực của bạn trong sự nghiệp (ngay cả khi áp lực đang cao). Hãy bắt đầu bằng cách thực hiện những hành động nhỏ và có chủ đích hướng tới mục tiêu dài hạn.
Dù đó là đảm nhận các dự án phù hợp với sở thích của mình, xây dựng kỹ năng sẽ mở ra cơ hội khác trong tương lai, hay nói rõ với cấp trên về những điều mà bạn muốn làm sẽ tạo tác động lớn đến công việc; những nỗ lực kiên định này sẽ giúp bạn tiếp tục tiến lên.
Một trong những dấu hiệu cảnh báo lớn nhất của sự kiệt sức, chính là mất hứng thú với công việc mà từng mang lại niềm vui. Những nhiệm vụ mà trước đây bạn thấy thú vị và thỏa mãn giờ đây bắt đầu trở nên giống như những việc vặt tẻ nhạt. Có thể trước đây bạn từng cảm thấy phấn khích khi đưa ra ý tưởng mới hay soạn thảo các bài thuyết trình hấp dẫn, nhưng giờ đây tất cả đều cảm thấy mệt mỏi.
Năng lượng mà bạn từng mang đến đã lụi tàn. Từ đó rất dễ để rơi vào tình trạng quiet quitting như đã đề cập ở trên, dần dần sẽ dẫn đến cảm giác mất kết nối và thất vọng sâu sắc hơn. Vậy ta nên làm gì đây?
Hãy bắt đầu bằng cách tìm lại lý do vì sao mình lại chọn công việc này. Ta nên bắt đầu suy ngẫm về những khoảnh khắc mà mình cảm thấy gắn bó và tràn đầy cảm hứng nhất trong công việc. Hỏi bản thân, “Khi nào mình cảm thấy sáng tạo hay tràn đầy năng lượng nhất với những gì mình đang làm?”
Hãy nghĩ lại những trải nghiệm đó và ghi lại điều gì đã khiến chúng trở nên đáng giá. Sau đó, tìm cách để mang lại sự hứng khởi đó vào thói quen hằng ngày của bạn, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất. Đôi khi, điều đó chỉ đơn giản là cho phép bản thân tập trung vào những gì thực sự làm mình hào hứng.
Khi burnout ập đến, việc tìm kiếm những cách để cảm thấy kiểm soát hoặc dễ chịu là phản ứng tự nhiên. Điều này thường thể hiện qua những thay đổi nhỏ và lặp đi lặp lại trong không gian làm việc.
Sắp xếp lại bàn làm việc/tài liệu hoặc thậm chí thay đổi đồ trang trí hàng tuần có thể mang lại cảm giác phấn khởi lúc đầu. Nhưng nếu điều này trở thành thói quen, thì có lẽ bạn nên tự hỏi chính mình rồi đấy.
Có phải là: “Mình thay đổi không gian làm việc để trở nên năng suất hơn, hay mình đang né tránh việc đối mặt với những gì không ổn trong tình huống hiện tại?” Một sự điều chỉnh nhỏ đôi khi có thể hữu ích, nhưng nếu điều đó trở nên liên tục, có thể nó là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng hoặc bất mãn đang âm ỉ bên dưới.
Thay vì tìm kiếm sự thoải mái qua việc thay đổi liên tục, hãy tạo ra sự ổn định trong môi trường của mình. Thiết lập các thói quen hằng ngày mà bạn có thể theo được trong khoảng thời gian dài. Nó có thể bao gồm như: Thiết lập ranh giới rõ ràng cho giờ làm việc, dành thời gian để nạp lại năng lượng, hoặc giao tiếp cởi mở về khối lượng công việc của mình với cấp trên chẳng hạn.
Sự kiệt sức có thể khiến mọi thứ xung quanh ta trở nên quá tải, nhưng bằng cách xây dựng nền tảng ổn định, bạn có thể bắt đầu lấy lại sự rõ ràng và định hướng cho bản thân.
Burnout không chỉ rút cạn năng lượng tinh thần, mà đôi khi (hoặc nhiều khi) nó còn ảnh hưởng đến chính cơ thể bạn.
Căng thẳng liên tục có thể làm ta bị rối loạn giấc ngủ, thói quen ăn uống và sức khỏe tổng thể. Việc cảm thấy hoàn toàn kiệt sức vào cuối ngày làm việc, chỉ muốn thả mình ra và không làm gì khác, là điều rất phổ biến ở những người bị burnout; đó là còn chưa kể đến những tác động mà sự kiệt sức này có thể xảy đến não bộ chúng ta.
Tiếp tục thúc ép bản thân khi cơ thể đang “cầu xin” được nghỉ ngơi chỉ làm sâu thêm vòng lặp kiệt sức đó. Nếu cơ thể bạn đang gửi tín hiệu, tốt nhất là chúng ta hãy lắng nghe nó. Hãy dành thời gian để thực sự thư giãn (không kiểm tra điện thoại nhé!), ăn những bữa ăn giàu dinh dưỡng và ưu tiên giấc ngủ để giúp cơ thể bạn phục hồi.
Việc bỏ qua các triệu chứng liên quan đến thể chất sẽ không khiến chúng biến mất đâu. Hãy cho phép bản thân mình có thời gian chữa lành và nghỉ ngơi; và nhớ rằng: Chăm sóc cơ thể cũng chính là chăm sóc cho sự nghiệp của bạn đấy!
Để đối phó với burnout, bạn cần thực hiện 2 điều: Một, nếu là liên quan đến thể chất, hãy thực sự dành đủ thời gian cần thiết để hồi phục hoàn toàn. Và hai, nếu là liên quan đến tinh thần, hãy tìm cách để kết nối lại với những gì thúc đẩy bạn và ưu tiên lại những điều thực sự quan trọng.
Công việc chỉ là một phần trong đời sống của ta thôi, nó không phải là tất cả đâu! Bằng cách thực hiện những bước đi nhỏ như trên để đối mặt với các dấu hiệu kiệt sức, bạn không chỉ đang cải thiện tình thế hiện tại, mà bạn còn đang giành lại quyền kiểm soát chính mình.
Hãy lắng nghe cơ thể bạn đang cần gì, thực hiện những thay đổi phù hợp và bạn sẽ thấy năng lượng và sự tập trung trở lại nhanh chóng. Ta sẽ vượt qua được cả thôi!
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…
Cũng giống như những bộ phận khác, "cậu nhỏ" của chúng ta cũng cần được…
Câu nói: "Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở." quả là không sai. Nhưng…