Vừa qua, mọi người xôn xao với sự kiện ca sĩ Thái Trinh lên tiếng về việc mình bị một nhân viên trường quay quấy rối bằng lời nói trong lúc đang ghi hình cho một chương trình gameshow.
Trưa ngày 22/3, Thái Trinh đăng một status trên Facebook về sự việc này. Cụ thể, trong lúc ghi hình cho gameshow, một nhân viên quay phim đã có thái độ không đúng mực với cô. “Thoạt đầu anh này bình phẩm đánh giá ngoại hình của Trinh, dùng lời lẽ đùa cợt với đồng nghiệp áo xanh bên cạnh. Thôi thì đoạn này Trinh không chấp. Mình không đẹp hay có lỡ sứt sẹo thì mình chịu.”
Trong vòng tiếp theo của gameshow là bấm chuông nhanh, khi Thái Trinh thử thao tác với chuông, người này tiếp tục buông lời bình phẩm thô tục với đồng nghiệp về nữ ca sĩ. Lần này là một câu “đùa” ví von liên quan đến tình dục.
Thái Trinh cho biết, cô được trợ lý thuật lại cho nghe về những hành động và lời nói khiếm nhã trên khi chương trình đã kết thúc, vì không muốn cảm xúc của cô bị ảnh hưởng khi đang ghi hình. Sau khi biết sự việc, Thái Trinh đã lập tức phản ánh sự việc với người có trách nhiệm. Tuy nhiên, người này có vẻ cũng ngại và khó xử, bảo Thái Trinh cứ về và sẽ liên lạc lại với cô.
Nghe được điều anh này nói mình thật sự cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Không chỉ trên mạng xã hội, mà cả ở ngoài đời, người ta thích tự cho mình quyền năng dùng ngôn từ thô bỉ dung tục để đùa cợt, tình dục hóa câu chữ để thóa mạ người khác. Sàm sỡ bằng lời nói cũng vô đạo đức không kém gì hành động.
chia sẻ của ca sĩ Thái Trinh
Ngoài tường thuật lại sự việc đã xảy ra, Thái Trinh không ngại “gửi lời” đến chính nhân vật đã buông lời khiếm nhã với mình. Đồng thời, cô còn nhắn nhủ đến các nghệ sĩ nữ từng gặp trường hợp tương tự khi đi quay, khuyên mọi người đừng ngại ngần mà hãy lên tiếng bảo vệ bản thân khi bị đối xử thiếu tôn trọng và bị chọc ghẹo khiếm nhã thế này.
Sau khi status được đăng, rất nhiều người lên tiếng bênh vực, an ủi, và ủng hộ Thái Trinh lên tiếng. Tuy nhiên, cô cũng nhận lại không ít những nghi ngờ và công kích của mọi người, ở tất cả mọi giới tính. Thay vì lên án nạn quấy rối tình dục, nhiều người lại chĩa mũi dùi vào nạn nhân trong chuyện này là Thái Trinh.
Được biết, ở thời điểm hiện tại, đơn vị sản xuất đã gửi lời xin lỗi đến Thái Trinh. Cô tâm sự cũng lường trước những phản ứng trái chiều khi quyết định lên tiếng. Cô không quan tâm nếu người khác có cho rằng cô đang “làm lố” vì Thái Trinh tin rằng việc mình làm không chỉ đúng mà còn cần thiết.
Riêng trong vấn đề này Trinh không cần các bạn biết Trinh là con nào, làm được gì, có nổi tiếng không. Trinh chỉ cần các bạn nhớ là có một đứa con gái sẵn sàng lên tiếng về vấn nạn chung còn bỏ quên đâu đó trong góc tối xã hội.
ca sĩ Thái Trinh
hay “Anh này đẹp trai nhìn muốn ‘rụng trứng’ ghê.” chỉ là hai trong số hàng nghìn, hàng vạn cách quấy rối tình dục ẩn nấp khéo léo dưới cái mác đùa-tí-làm-gì-căng mà nhiều người vô tư sử dụng hằng ngày, không cần quan tâm mình đang ở đâu hay người trước mặt là ai. Có thể đối với người nói, nó chỉ là trò đùa mua vui đem lại tiếng cười vô hại. Nhưng liệu họ có còn vui khi bản thân mình bị đem ra bỡn cợt, bị những lời bình phẩm khiếm nhã “hô biến” thành cái sextoy kích dục miễn phí cho người khác?
Theo Tiến sĩ, tác giả Nguyễn Phương Mai, thì looker-room banter(*) không chỉ thể hiện sự phân biệt giới tính của một người mà còn nói lên mong muốn trở thành một phần tử của nhóm / cộng đồng bằng cách khơi màu và hưởng ứng những câu chuyện đậm mùi phân biệt giới tính.
(*) looker-room banter hay ‘những cuộc trò chuyện nơi phòng thay đồ’ là một từ để chỉ những câu đùa phân biệt giới, bắt nguồn từ việc phòng thay đồ / để đồ (looker-room) là nơi một đội / nhóm họp lại với nhau và họ thường phiếm chuyện những chủ đề nhạy cảm ở đây.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có đến 80% nạn nhân không hiểu rõ thế nào là quấy rối tình dục. Họ cho rằng chỉ khi sờ soạng, phát sinh quan hệ mới được xem là quấy rối, còn bị tấn công bằng lời nói, ngôn từ, hình ảnh khiêu dâm thì chưa phải.
Thực tế, quấy rối tình dục không giới hạn trong nhưng hành vi đụng chạm như định kiến của nhiều người. Theo điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn điều kiện lao động và quan hệ lao động, do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020, có hiệu lực từ ngày 01/02/2021, quấy rối tình dục được định nghĩa gồm nhiều hình thức, trong đó có quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.
… Không chỉ trên mạng xã hội, mà cả ở ngoài đời, người ta thích tự cho mình quyền năng dùng ngôn từ thô bỉ dung tục để đùa cợt, tình dục hóa câu chữ để thóa mạ người khác…
ca sĩ Thái Trinh
Với giới nghệ sĩ, đáng tiếc đây không phải lần đầu trường hợp này xảy ra. Một số trường hợp do người hâm mộ, như S.T Sơn Thạch, Quang Hà… từng bị khán giả đụng chạm chỗ nhạy cảm khi đi diễn, các sao nữ như Văn Mai Hương, Đông Nhi hay Bảo Thy bị fan cuồng lao lên sân khấu ôm hôn.
Trước Thái Trinh cũng có những nghệ sĩ khác từng lên tiếng vạch trần nạn quấy rối. Năm 2018, vũ công Phạm Lịch tố nam ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, hay nói đúng hơn là “tấn công tình dục” cô. Tiếp sau đó, vũ công Nga My và một cô gái trẻ giấu tên cũng tố cáo Phạm Anh Khoa tương tự.
Nam ca sĩ Dương Ngọc Đàm, ca sĩ Hoàng Tôn từng tố cáo Minh béo quấy rối tình dục mình và bạn đồng nghiệp. Các nữ nghệ sĩ khác như Pha Lê, Ngọc Lan, Khánh Hiền, Võ Hạ Trâm… cũng từng lên tiếng khẳng định mình là nạn nhân, hoặc từng chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị quấy rối, gạ tình lấy vai diễn.
Không ít kẻ quấy rối là những nghệ sĩ có tiếng, là người thầy, người hướng dẫn cho nghệ sĩ đàn em. Thực trạng quấy rối, gạ tình trong showbiz Việt cũng là một mảng tối đã được nhiều nghệ sĩ chia sẻ.
Quấy rối không phải chuyện riêng của làng giải trí Việt mà nó hiện diện hầu như ở khắp nơi. Trong cuộc sống thường ngày còn nhiều hơn nữa. Nạn nhân của nạn quấy rối đôi khi phải chấp nhận im lặng, bởi nếu lên tiếng là đồng nghĩa với việc “chấp nhận” ý kiến trái chiều, là một lần nữa bị quấy nhiễu thay vì được lắng nghe và bảo vệ.
Đã đến lúc (và hi vọng chưa quá muộn) để nghiêm túc nhìn nhận rằng vì sao vẫn còn rất nhiều người xem những câu đùa liên quan đến tình dục (sex jokes), thậm chí cưỡng hiếp (rape jokes) là chuyện bình thường, nguy hiểm hơn là một lời khen tặng? Nếu đã giáo dục mọi người cách phòng tránh và tự vệ khi bị tấn công, thì cũng đừng nên quên giáo dục vì sao chúng ta không nên tấn công người khác ngay từ đầu.
Xem thêm:
Một người bán hàng, cả cộng đồng mạng vui
Từ Á sang Âu, từ Thái sang Anh – Tại sao chúng ta thích “hóng” các câu chuyện Hoàng gia?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…