Foods & Drinks

Các loại rượu truyền thống nổi tiếng tại Việt Nam

Những loại rượu truyền thống của Việt Nam vẫn giữ được vị thế của mình qua năm tháng. Đó không chỉ là nhờ hương vị đặc trưng mà còn bởi giá trị văn hóa, lịch sử mà chúng mang lại.

Việt Nam, với bề dày văn hóa và sự đa dạng về địa lý, là quê hương của những loại rượu truyền thống độc đáo. Từ những vùng cao nguyên lạnh giá đến những vùng đồng bằng trù phú, mỗi vùng đất đều mang đến một hương vị rượu đặc trưng. Mỗi giọt rượu không chỉ là thức uống mà còn là câu chuyện về lịch sử, về con người và về văn hóa của một vùng đất. 

Rượu không chỉ là thức uống, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực và đời sống tinh thần của người Việt. Với lịch sử tồn tại lâu đời, mỗi loại rượu truyền thống đều mang trong mình một câu chuyện riêng, một giá trị và nét đặc trưng của từng vùng miền.

Hãy cùng khám phá hành trình khám phá hương vị Việt Nam qua những giọt rượu thơm nồng, từ Bắc vào Nam.

Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là một nét văn hóa, đặc sản của người đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên vùng núi thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Là nét đặc trưng của người Lạng Sơn dành cho cho thực khách gần xa, khi có dịp ghé thăm Xứ Lạng.

Với phương thức chưng cất rượu thủ công cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết từ những con suối chảy trên những ngọn núi cao hàng ngàn mét. Địa hình rừng núi đã chung tay tạo nên hương vị cho loại “tiên tửu” này với loại men lá rừng đặc biệt được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm.

Chất rượu trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, khi thưởng rượu cảm giác êm đềm và mát mà nó mang lại như dòng suối trong chảy róc rách trong khoang miệng. Hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng từ thảo dược quý. Rượu Mẫu Sơn là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn, được xem như “quốc tửu” của vùng đất này.

Rượu ngô men lá Na Hang (Tuyên Quang)

Rượu ngô men lá Na Hang, một đặc sản của vùng đất Tuyên Quang, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc nơi đây. Được chưng cất từ hạt ngô non, kết hợp với men lá tự nhiên được chọn lọc từ những loại cây rừng quý hiếm, rượu mang hương vị đậm đà và thơm ngát, khác biệt hoàn toàn so với các loại rượu ngô khác.

Ngô (bắp) dùng để nấu phải chọn hạt đều, tròn, sau đó đem bung rồi ủ với men lá. Đây là loại men làm từ 20 loại cây thuốc (thảo dược), như cán cuông, khúc khắc, ớt rừng, tẳng tó, lép nặm, nhân trần, khau thương, đứa poóng, cam thảo, lá quế… Trong đó, cây đứa poóng tạo nên hương thơm đặc trưng cho rượu ngô Na Hang.

Men lá Na Hang không chỉ là bí quyết gia truyền, mà còn là biểu tượng của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa núi rừng hùng vĩ và bàn tay khéo léo của những người nông dân chất phác. Chính nhờ sự kết hợp này, rượu ngô men lá Na Hang không chỉ có độ trong suốt, mượt mà mà còn có hương thơm tự nhiên, vị ngọt hậu kéo dài, và chút cay nồng đặc trưng.

Thưởng thức rượu ngô men lá Na Hang không chỉ là trải nghiệm hương vị, mà còn là hành trình khám phá nét văn hóa độc đáo của Tuyên Quang, vùng đất giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc.

Rượu làng Vân (Bắc Giang)

Loại “mỹ tửu” là lễ vật để dâng lên vua chúa và được thường xuyên sử dụng trong các buổi yến tiệc cung đình. Rượu làng Vân được sắc phong là Vân hương mỹ tửu, là 4 mỹ tự do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào Chính Hòa thứ 24.

Rượu làng Vân là danh tửu của xứ Kinh Bắc. Là sự kết hợp tinh túy từ gặp nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên những cánh đồng làng của tỉnh Bắc Giang cùng với men rượu bí truyền của làng Vân. Cộng thêm men rượu được chế tạo bằng 35 vị thuốc bắc quý hiếm truyền từ lâu đời đến nay. 

Với nghệ thuật ngâm ủ, chưng cất tỉ mỉ, rượu nấu thủ công truyền thống với bí quyết độc đáo. Được kết hợp thêm với công nghệ hiện đại, được xử lý trên dây chuyền tinh lọc, loại bỏ các tạp chất độc hại. Cho ra một chất rượu uống êm dịu, đậm vị, mùi thơm, khi uống xong vẫn đọng lại được dư vị đặc biệt trong miệng.

Rượu Kim Sơn (Ninh Bình)

Rượu Kim Sơn, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Ninh Bình, đã trở thành biểu tượng của sự tinh túy và truyền thống văn hóa nơi đây. Xuất phát từ huyện miền biển Kim Sơn, loại rượu này được chưng cất theo phương pháp thủ công độc đáo, kết hợp giữa bí quyết gia truyền và nguyên liệu đặc sản tại riêng địa phương.

Rượu Kim Sơn được làm từ loại gạo nếp đặc biệt tại vùng chiêm trũng Kim Sơn, được biết đến với cái nên nếp cái hoa vàng, một loại gạo nổi tiếng với hương thơm ngào ngạt và vị ngọt đậm. Sau khi được nấu chín, gạo sẽ được ủ cùng với men rượu đặc biệt, được làm từ 36 vị thuốc Bắc quý giá, tạo nên hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. 

Quá trình ủ men và chưng cất rượu diễn ra tỉ mỉ trong những chiếc chum sành, giúp rượu đạt độ tinh khiết, trong suốt và hương vị hoàn hảo. Rượu Kim Sơn có màu trắng trong, hương thơm nhẹ nhàng, vị ngọt thanh, và hậu vị êm dịu. Điều đặc biệt ở rượu Kim Sơn là độ cồn cao nhưng lại không gây cảm giác sốc hay gắt cổ, mà mang đến cảm giác ấm áp, sảng khoái. 

Thưởng thức rượu Kim Sơn không chỉ là cảm nhận vị ngon của rượu, mà còn là trải nghiệm về nét đẹp văn hóa và tinh thần cần cù của người dân vùng đất cố đô. Mỗi giọt rượu như một biểu tượng của sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa truyền thống và hiện đại, góp phần làm nên danh tiếng và niềm tự hào của Ninh Bình.

Rượu Táo Mèo (Yên Bái)

Rượu Táo Mèo, còn gọi là rượu Sơn Tra theo từ ngữ của Đông y, là một đặc sản nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc, nơi thiên nhiên hùng vĩ hòa huyện cùng văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Mông. Được chiết xuất từ quả táo mèo – loại quả dại mọc hoang trên những triền núi cao của Yên Bái, rượu mang trong mình hương vị rất riêng mà không đâu sánh được. 

Những quả táo mèo thơm ngon, sau khi được hái về, sẽ được chọn lọc kỹ càng. Sẽ được mang đi rửa sạch, phơi khô hoặc ngâm tươi với rượu gạo nếp ngon. Quá trình ủ rượu được diễn ra trong thời gian dài, giúp các tinh chất có trong quả táo mèo thẩm thấu và hòa huyện vào cùng rượu. 

Tạo nên một thức uống có màu vàng nhạt đẹp mắt, hương thơm nồng nàn và vị chua ngọt đan xen với chút chát nhẹ. Chính sự kết hợp độc đáo này đã làm nên thương hiệu rượu Táo Mèo, thu hút không chỉ người dân bản địa mà còn cả du khách từ khắp nơi. Cả Tây Bắc hòa huyện vào trong từng giọt rượu, mỗi giọt rượu chứa đựng hương vị của thiên nhiên, sự hồn hậu và niềm tự hào về văn hóa truyền thống của vùng đất Yên Bái.

Rượu Táo Mèo không chỉ là một thức uống, mà còn được coi là một vị thuốc quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, giảm mỡ máu, và giúp thư giãn tinh thần. Thưởng thức rượu Táo Mèo Yên Bái là thưởng thức cả tinh hoa của núi rừng Tây Bắc, là cảm nhận sự khéo léo và tình yêu quê hương của người dân nơi đây. Táo Mèo còn được các du khách nước ngoài biết với tên gọi độc đáo là “Apple-MeoMeo“.

Rượu Bàu Đá (Bình Định)

Rượu Bàu Đá hay còn gọi là rượu Bầu Đá, là một loại rượu truyền thống đặc sản trứ danh của vùng đất võ Bình Định. Là niềm tự hào của người dân nơi đây, nổi tiếng toàn quốc với hương vị mạnh mẽ và độc đáo. Xuất xứ từ xóm Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, loại rượu đã được chưng cất theo phương pháp thủ công truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Theo tương truyền, chính bàu nước trong vùng, nơi hội tụ của những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh làm nên danh tiếng, cái mùi thơm, cả sự cay nồng đậm đà khó tả của rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá được làm từ gạo lứt hoặc gạo nếp, kết hợp với nguồn nước trong vắt từ những mạch ngầm tự nhiên quanh làng, đặc biệt là từ lòng Bàu Đá – nơi được coi là “trái tim” của rượu.

Quy trình chưng cất diễn ra hoàn toàn thủ công, với những dụng cụ dân dã như chiếc nồi đồng và bếp củi truyền thống, tạo nên một loại rượu với độ tinh khiết cao, không có tạp chất và mùi khó chịu. Rượu Bàu Đá nổi tiếng với màu trong suốt, hương thơm nồng nàn, và vị cay nồng mạnh mẽ. 

Đặc biệt, rượu Bàu Đá có nồng độ cồn khá cao, lên đến 50-60 độ, nhưng nó lại mang lại cảm giác êm dịu khi uống, mang đến cảm giác ấm áp và sảng khoái, không gây cảm giác đau đầu. Mỗi giọt rượu Bàu Đá là kết tinh của sự tinh tế, khéo léo và tâm huyết của những người làm rượu, là biểu tượng của sức mạnh và lòng tự hào của vùng đất võ.

Rượu cần Ê Đê Ban Mê (Đắk Lắk)

Rượu cần, loại rượu biểu tượng văn hóa truyền thống của người Ê Đê, một dân tộc có lịch sử lâu đời và văn hóa phong phú.Thứ đồ uống quý thường được dùng trong các lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách. Được chế biến từ gạo nếp, khoai mì, hoặc các loại ngũ cốc khác, rượu cần Ê Đê Ban Mê trải qua quá trình ủ men đặc biệt trong các hũ/ché/chóe/ghè được làm từ đất sét hoặc gốm, và được chôn dưới lòng đất trong thời gian dài.

Men rượu làm từ các loại lá rừng, vỏ cây và rễ cây tự nhiên, tạo nên hương vị đặc trưng, hòa quyện với hương thơm tự nhiên của núi rừng Tây Nguyên. Sau thời gian ủ, rượu có hương vị dịu ngọt, vị chua nhẹ và một chút nồng ấm đặc trưng, được thưởng thức qua những chiếc cần tre nhỏ, hút trực tiếp từ ché rượu.

Rượu cần Ê Đê Ban Mê không chỉ là một thức uống mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng. Trong các buổi lễ, hình ảnh người dân Ê Đê quây quần bên ché rượu cần, cùng nhau uống rượu và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Đây cũng là cách người Ê Đê thể hiện lòng hiếu khách, mời rượu cần là mời cả tấm lòng, thể hiện sự tôn trọng và quý mến đối với khách quý.

Rượu đế Gò Đen (Long An)

Rượu đế Gò Đen loại danh tửu nổi tiếng của vùng miền Tây Nam Bộ, đã từ lâu trở thành biểu tượng với hương vị đậm đà và tinh túy. Xuất phát từ vùng đất trù phú Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nơi có khí hậu ôn hòa và thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng. Rượu đế Gò Đen được chế biến từ những nguyên liệu tinh khiết đi kèm với quy trình sản xuất thủ công truyền thống, mang đến cho thực khách một trải nghiệm hương vị khó quên.r

Nguyên liệu chính để làm nên chất rượu đặc biệt của loại rượu đế Gò Đen đó là gạo nếp – loại gạo nổi tiếng với hạt to, mẩy, trắng đục đều, được chọn lọc kỹ càng. Nếp nấu vừa nở, không nhão sẽ được lên men tự nhiên trong thời gian dài, sử dụng loại men gia truyền đặc biệt. Loại men sử dụng thường là men lấy từ Cần Giuộc, Mỹ Tho hoặc men Xiêm.

Loại rượu này có nồng độ cồn rất cao, có thể lên đến 50 độ. Quá trình chưng cất diễn ra tỉ mỉ, từng giọt rượu được chắt lọc, giúp rượu giữ được hương vị thuần khiết và đậm đà nhất. Rượu đế Gò Đen có màu trong suốt, hương thơm nồng nàn, vị cay nồng mạnh mẽ nhưng lại rất êm dịu, để lại hậu vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi.

Rượu Phú Lễ (Bến Tre)

Rượu Phú Lễ là một loại rượu nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. Cùng với rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh), rượu Gò Đen (Long An) tạo nên Tam vị danh tửu miền Tây nổi tiếng của Việt Nam. Rượu Phú Lễ với chất rượu nồng đậm, thơm ngon và nặng “đô”. Một nét đẹp tinh hoa văn hóa của vùng đất xứ dừa.

Rượu Phú Lễ được nấu với nhiều loại nguyên liệu đặc biệt là loại nếp mùa dài ngày ngon nhất, không chà trắng, chọn loại càng dẻo thì rượu sau khi nấu càng ngon. Còn hồ men để nấu rượu Phú Lễ là một trong những bí quyết truyền thống của người dân Phú Lễ. 

Khoảng thời gian gần đây, các vị cao niên đã nghiên cứu và cho thêm vào hồ men 2 loại thuốc Nam là riềng và ớt nhằm tăng thêm hương vị riêng cho rượu Phú Lễ. 38 vị thuốc này được tán nhuyễn thành bột, trộn với bột gạo lứt rồi nhồi chung với cám, vo thành viên tạo nên hồ men.

Chính rượu Phú Lễ được nấu từ những nguyên vật liệu đặc trưng của địa phương đã làm cho những giọt rượu càng thơm ngon mang hương vị đặc biệt của vùng đất và con người phương Nam. Rượu Phú Lễ là niềm tự hào của vùng đất Bến Tre, là sản vật quý của cha ông ngàn xưa truyền lại.Thưởng thức rượu Phú Lễ là thưởng thức sự tinh tế và tài hoa của những người làm rượu nơi đây, là cảm nhận hương vị của đất trời và tình người xứ dừa.

Rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh)

Tam đại danh tửu miền Tây không thể không kể đến rượu Xuân Thạnh. Một đặc sản trứ danh, niềm tự hào của vùng đất Trà Vinh. Với lịch sử hàng trăm năm, rượu Xuân Thạnh không chỉ là thức uống mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh đời sống và tinh thần của con người miền Tây Nam Bộ.

Với nồng độ khá cao vào khoảng 60 độ, hương vị nồng nàn, hấp dẫn và đặc biệt sẽ không gây khó chịu cho người lỡ vui quá chén. Rượu Xuân Thạnh được một số gia đinh trong địa phương nắm giữ bí quyết chưng cất và được sản xuất rất cầu kỳ, từ gạo nếp mùa truyền thống cùng với 14 loại men viên và 48 dòng nấm mốc gia truyền có hoạt tính đường hóa cao.

Rượu Xuân Thạnh không chỉ là sản phẩm của lao động cần cù mà còn là niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân Trà Vinh. Thưởng thức rượu Xuân Thạnh là cảm nhận sự kết tinh của đất trời, tình yêu và tâm huyết của những người làm rượu nơi đây. Một di sản văn hóa đặc sắc và một nét đẹp truyền thống trong làng nghề nấu rượu của vùng đất Trà Vinh.

Trinh Kevin

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

21 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

22 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago