Lifestyle

#HọNóiLà: Cậu bé Thỏ và TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm: Chúng ta nên mở lòng và yêu thương nhiều hơn

Một ngày đẹp trời, The Millennials Life đến thăm studio của Cậu bé Thỏ. Đó là căn phòng nhỏ trong một khu cư xá giữa lòng Sài Gòn. Mở cửa bước vào là một mùi nước sơn đặc trưng, tiếng nhạc sôi động với âm lượng vừa đủ nghe. Bày trí trong phòng khá đơn giản, họa cụ được để khắp phòng, nội thất lấm lem màu sơn, những bức tranh còn đang vẽ dở, những tác phẩm nghệ thuật bỗng chốc trở thành vật trang trí cho căn phòng. Mọi thứ đều phảng phất tính nghệ sĩ sẵn có của người chủ.

The Millennials có một cuộc trò chuyện với anh, tuy không dài nhưng đủ để hiểu thêm về triết lí sống cũng như tư duy nghệ thuật của Cậu bé Thỏ. Anh cũng đã vén màn những câu chuyện đằng sau triển lãm TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm (TTGTK) – một dự án gần đây nhất của anh gây được nhiều ấn tượng sâu đậm cho người yêu nghệ thuật.

Một buổi trò chuyện hứa hẹn sẽ khiến mọi người sẽ dừng lại những tham vọng mình đang cố theo đuổi hằng ngày, một buổi trò chuyện giúp mọi người học cách yêu bản thân nhiều hơn. Cả The Millennials Life và Cậu bé Thỏ đều tin rằng trong một năm nhiều sóng gió như 2020, việc sống chậm lại, yêu thương bản thân, nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng và tích cực hơn là điều vô cùng cần thiết.

PHẦN 1: VỀ CẬU BÉ THỎ

Làm thế nào để giới thiệu về Cậu bé Thỏ?

Thật ra vấn đề này cũng khiến anh trăn trở trong một thời gian dài. Anh không biết nên xưng mình thế nào cho đúng. Nhưng sau một thời gian dài đắn đo, anh lại không muốn quan tâm đến vấn đề đó nữa, và đã dành thời gian để hiểu bản thân nhiều hơn là để tìm kiếm một danh xưng cho mình.

Đôi lúc anh chỉ nghĩ anh là một người tò mò và thích đặt vấn đề vào tranh. Nhưng có lúc anh cũng thấy anh giống nghệ sĩ vì anh đã giải quyết được một câu chuyện nào đó – ít nhất là của mình, bằng tác phẩm nghệ thuật. Đôi lúc anh cũng nghĩ, mình là gì cũng được. Nó cũng không quan trọng lắm đâu.

Trong xã hội chủ nghĩa vật chất lên ngôi, mọi người sống chết để có cho mình một cái danh xưng. Thay vì gọi anh bằng một danh xưng nào đó, anh lại muốn mọi người nhớ đến những tác phẩm của anh.

Ảnh: NVCC

Làm thế nào để anh có thể cân bằng được đam mê và những điều kiện trong cuộc sống?

Đây cũng là vấn đề anh nghĩ rất nhiều bạn gặp phải, bản thân anh cũng từng trải qua nên anh hiểu. Nhưng để giải quyết được câu chuyện này, anh nghĩ đơn giản là phụ thuộc vào bản thân mình thôi.

Anh vẫn lựa chọn 50% là làm quảng cáo kiếm tiền, 50% thời gian còn lại của anh là để thực hiện những dự án cá nhân. Nói thế không có nghĩa là việc làm cho khách hàng vô nghĩa. Khi làm quảng cáo, anh có thêm nhiều chất liệu từ cuộc sống để anh thực hành nghệ thuật.

Để ý trong tranh có những chi tiết lặp lại nhiều lần – như hình ảnh con mắt và logo của các thương hiệu. Anh có thể chia sẻ một chút về ý nghĩa về những bức tranh / tác phẩm nghệ thuật của mình?

Anh rất sẵn lòng để chia sẻ về ý tưởng ban đầu cũng như những lí do để anh bắt đầu những tác phẩm của mình. Còn về ý nghĩa mỗi bức tranh thì sẽ hơi khó, vì đó là những cảm xúc rất cá nhân của anh – bao gồm cả cách anh tương tác và đối diện với những gì xảy ra xung quanh anh.

Anh hoàn toàn không muốn người xem tranh hiểu và tin vào những dụng ý anh đặt vào tranh. Đơn giản vì anh tin là mỗi chúng ta là những cá thể riêng biệt – với tính cách, vốn sống, và lăng kính cuộc đời khác nhau. Anh cũng tự thấy là mình có qui tắc riêng của bản thân –chẳng hạn như không muốn nói quá nhiều về những gì đã làm.

Đối với anh mà nói thì mỗi bức tranh đều là sự phản ánh về vấn đề mà anh gặp ngay tại thời điểm đó, cũng như cách anh xử lí những câu chuyện hàng ngày. Vì thế, ý nghĩa bức tranh mà mọi người luôn muốn anh giải thích sẽ mang tính cá nhân rất cao, và đó đều là những điều anh muốn giữ cho riêng mình bằng những chi tiết ẩn dụ anh đặt vào tranh.

Một vấn đề chủ đạo trong những tác phẩm nghệ thuật của Cậu bé Thỏ là gì?

Vấn đề chung anh muốn đề cập đến là về con người. Con người là một chủ đề rất rộng nên anh có rất nhiều câu chuyện để khai thác.

Anh có chia sẻ quan điểm của mình đó là mỗi người chúng ta đều là những cá thể rất khác nhau. Nhưng anh cũng tin rằng con người sẽ luôn luôn có những điểm tương đồng, dù rất ít thôi nhưng chắc chắn đâu đó chúng ta sẽ luôn tìm được sự đồng điệu. Và chủ đề con người anh mang vào tranh cũng ít nhiều gì sẽ chạm đến mỗi đối tượng.

Và anh đặt vào không phải vì anh cho mọi người hiểu được câu chuyện của cá nhân anh, mà anh muốn người xem cảm nhận rồi liên tưởng đến chính vấn đề mà mọi người đang gặp phải.

Có thể cùng một bức tranh anh và em sẽ nghĩ khác nhau. Nhưng em đem cái cách em nghĩ để đối thoại với anh thì có thể tụi mình sẽ tìm được một điểm tương đồng, hoặc sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề hay hơn.

Nhiều người đến xem tranh hay bất kì các tác phẩm nghệ thuật nào mang tính ẩn dụ cao đều rời đi với câu nói “Không hiểu gì hết.” Anh nghĩ như thế nào về điều này?

Em có tin vào lời của mọi người nói không? Cũng tùy lúc và tùy người đúng không.

Có thể “Không hiểu gì hết” ở đây một phần là họ thật sự không cảm nhận được tính nghệ thuật hay những ý nghĩ tác giả muốn truyền tải. Nhưng cũng có thế vì họ nhận thấy một vấn đề gì đó nhưng lại chỉ muốn giữ cho riêng mình.

Thật ra anh cũng nhận được câu nói này rất nhiều. Nhưng anh tự đặt quy tắc riêng cho bản thân là mình không có nhiệm vụ cho mọi người hiểu chính xác tranh anh vẽ là gì hay tác phẩm đó có ý nghĩa thế nào.

Mỗi người đều có cuộc sống rất cá nhân. Cái cách anh làm nghệ thuật cũng vậy. Làm nghệ thuật không chỉ để làm rõ 1+1=2. Một buổi triển lãm, đối với anh cũng chỉ là cách để chia sẻ cho người xem thấy giữa tác giả và họ đôi khi cũng có những vấn đề chung như thế, và cách mỗi người cảm “vấn đề” cũng sẽ khác nhau.

Thế thì mình cứ tôn trọng sự khác biệt của nhau đi. Nó sẽ làm đa dạng và phong phú hơn cách chúng ta nhìn nhận vấn đề, về tư duy, về cảm quan trong cuộc sống.

Ảnh: NVCC

Anh từng nói “Love, love yourself and love more.” Điều đó quan trọng như thế nào đối với anh?

Anh có một niềm tin rất lớn: thứ duy nhất trong cuộc đời này có thể tồn tại mãi mãi và làm thay đổi được mọi điều chính là tình yêu.

Anh vẫn luôn tự nhủ bản thân hãy yêu chính mình nhiều hơn và quan tâm đến những người xung quanh một chút. Nhất là khi trong xã hội ngày nay, khi mọi thứ càng ngày càng phát triển thì cảm xúc của con người lại mất đi rất nhiều.

Xã hội chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chủ nghĩa tiêu dùng – đây cũng là điều anh ẩn ý trong những logo của các thương hiệu mà em có nhắc đến ở đầu cuộc nói chuyện đó. Khi mà những sản phẩm hiện đại càng ngày càng lên cao thì đồng nghĩa với việc cảm xúc sẽ mất đi nhiều hơn.

PHẦN 2: VỀ TRIỂN LÃM: TUỒNG – TẤM GƯƠNG TÂM KHẢM

Ảnh: Nguyễn Hoàng Minh

Triển lãm này là dự án solo thứ hai của Cậu bé Thỏ. TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm (TTGTK) là không gian nghệ thuật dành cho tất cả mọi người. Ngay cả khi bạn “không hiểu gì về nghệ thuật” thì phần nào vẫn sẽ cảm nhận được sự kết nối giữa con người và xã hội mà tác giả muốn truyền đạt.

Điều gì khiến Cậu bé Thỏ quyết định đặt tên triển lãm là TTGTK?

Nó xoay về một vấn đề là anh rất thường hay gặp khi anh ở nước ngoài. Việc mình là người châu Á và mình ở nước ngoài thì mình sẽ dễ bị nhầm lẫn là người châu Á khác – Trung Quốc, Nhật Bản chẳng hạn.

Có thể mới đầu sẽ hơi phiền phức. Nhưng về lâu về dài thì nó lại đặt cho anh một câu hỏi: Nếu bên ngoài mình không thể có một identity (đặc điểm nhận dạng) riêng của người Việt, thì bên trong của mình, lúc làm nghệ thuật, mình tìm hiểu cá tính riêng của mình như thế nào để không bị lầm tưởng với các nghệ sĩ châu Á khác.

Đó là suy nghĩ khởi điểm ban đầu. Sau đó anh nghiên cứu rất nhiều về lịch sử, văn hóa, con người Việt thì phát hiện tuồng là một nét rất hay của Việt Nam. Một trong những ý tưởng chủ đạo khiến anh chọn tuồng là chủ đề chính là vì đây được xem là nghệ thuật trình diễn đầu tiên của xứ An Nam.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Minh

The Millennials Life có tìm hiểu thì thấy anh theo đuổi trường phái Maximalist Surrealism. Anh có thể giải thích nhiều hơn về thể loại nghệ thuật này?

Lúc làm những tác phẩm trong dự án TTGTK thì anh cũng cho vào đó sự pha trộn với dòng tranh dân gian và tranh Đông Hồ – vì anh cảm nhận những thể loại tranh này đều có ẩn ý sâu xa và đều là biểu tượng của vùng miền.

Khi anh phối tất cả mọi thứ lại với nhau, nó tạo ra một trường phái gọi là Maximalist Surrealism (chủ nghĩa tối đa). Từ đó anh trộn lẫn mọi thứ lại để hình tượng hóa những vấn đề anh thường gặp.

Có thể những vấn đề mọi người gặp thường ngày sẽ rất đơn giản thôi. Nhưng những câu chuyện đến với cuộc đời anh, có nhiều thứ đan xen lại với nhau nhưng lại rất hòa hợp. Có lẽ vì thế trong tranh của anh em sẽ thấy nhiều thứ một lúc và đó là cách mà anh chọn để truyền tải vào tranh vẽ.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Minh

TTGTK đã được thực hiện như thế nào? Đây có phải là một dự án độc lập lớn nhất của Cậu bé Thỏ từ trước đến giờ hay không?

Khi thực hiện TTGTK, anh may mắn gặp được những người đồng hành giúp anh thực hiện ý tưởng của mình. Trừ ý tưởng và graphic là do anh tự làm, thì TTGTK là sự góp thành của rất nhiều người. Chẳng hạn như việc chuyển thể thành những chất liệu khác, anh có mentor, assistant, và cả một team giúp anh để làm ra những tác phẩm trong dự án này.

TTGTK có thể nói là một dự án “lớn” nhất của anh từ trước đến giờ. Lớn ở đây vì đó như là một cột mốc để anh thay đổi và trở thành anh của bây giờ. Dự án đã khiến anh có những suy nghĩ khác với những gì anh nhìn nhận trước đó. Đối với anh thì độ lớn của một dự án không nằm ở qui mô hay kích thước của tranh vẽ. Có thể tranh của anh em thấy nó lớn như vậy đó, nhưng chắc gì ý nghĩa của nó bao hàm lớn bằng những bức tranh nhỏ hơn của các nghệ sĩ khác.

PHẦN 3: HỒI KẾT

Từ đầu cuộc nói chuyện đến giờ, anh vẫn luôn nhắc về những vấn đề anh gặp phải trong quá khứ. Anh có bao giờ nghĩ vì sao cuộc sống của mình lại gặp quá nhiều “trục trặc” như thế không?

Cho đến thời điểm bây giờ, anh vẫn tin là chuyện gì cũng có chuyện giải quyết của nó – chỉ là mình có đủ bình tĩnh, có đủ kiên nhẫn và ý chí để ngồi xuống, từ từ giải quyết vấn đề đó hay không thôi.

Rõ ràng có một điều mà mọi người luôn không chấp nhận trong cuộc sống đó là khi gặp vấn đề, chúng ta sẽ không ngừng than thở. Nhưng nếu cuộc sống không có vấn đề thì sẽ rất buồn tẻ.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Minh

Để khép lại cuộc trò chuyện hôm nay, anh có một lời nhắn nào cho Cậu bé Thỏ ở quá khứ hay tương lai không?

Sẽ không có một lời nhắn gì cả. Anh muốn mọi thứ trôi theo dòng một cách thật tự nhiên.

Xem thêm:
#HọNóiLà: Nhà văn Elvis Nguyễn – “Bởi thanh xuân sẽ vô nghĩa nếu như ta chỉ tồn tại với hư vô”
#HọNóiLà: Hiếu-ck RAY cùng những câu chuyện về tính nam độc hại
#HọNóiLà: Vănguard – Tập zine đầu tiên trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam

Nghi To

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

20 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

22 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago