Lifestyle

Chán ghét bản thân – Dấu hiệu và nguyên nhân (P1)

Chúng ta đã được nghe rất nhiều về lợi ích của việc yêu lấy chính mình – “Nếu không yêu bản thân, bạn cũng không thể cảm nhận hay biết cách yêu thương ai khác.” hay “Hành trình học yêu bản thân sẽ mở ra cho mỗi người một cái nhìn mới về cuộc sống.”

Biết là vậy, nhưng rất nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn để mở lòng chấp nhận và đối xử tử tế hơn với chính mình. Dù có đạt bao nhiêu thành tích hay được bao nhiêu người công nhận, họ vẫn thấy không hài lòng, không thỏa mãn, thấy bản thân không đủ tốt, không xứng đáng với tất cả những gì tốt đẹp mà họ đã, đang, và sẽ nhận lãnh trong cuộc sống này.

Tôi-không-xứng là một trong những cản trở lớn nhất trên hành trình một người học cách chấp nhận con người thật của họ. Nói cách khác, chúng ta chưa thể yêu thương chính mình, vì chúng ta còn đang bận chán ghét bản thân.

Tự ghét bỏ mình bao gồm nhiều biểu hiện và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nhìn chung, hành vi này này chẳng khác việc tự uống thuốc độc là bao. Bằng việc tự sỉ vả, chỉ trích đến mức cực đoan, bạn chẳng những phá bỏ giá trị và năng lực bản thân thực sở hữu, mà còn góp phần hủy hoại sức khỏe tinh thần của chính mình.

Những dấu hiệu của chán ghét bản thân

Chán ghét chính mình có thể biểu hiện rất rõ thông qua những thói quen hằng ngày khác nhau chứ không riêng gì những cuộc độc thoại tiêu cực (negative self-talk).

“Được ăn cả, ngã về không” (All-or-nothing)
Tư duy “Được ăn cả, ngã về không” (all–or–nothing) khiến bạn nhìn nhận mọi thứ theo hướng tuyệt đối – hoặc đúng hoặc sai, hoặc tốt hoặc xấu. Thế giới trong mắt bạn chỉ có hai màu đen trắng, tuyệt nhiên không có chỗ cho “vùng xám” hay bất cứ màu sắc nào khác chen chân. Nếu chẳng may phạm lỗi, bạn dễ dàng xem đó là một thất bại hoàn toàn hoặc cho rằng nguyên nhân vì mình yếu kém.

Tập trung vào mặt tiêu cực
Cho dù hôm nay nắng có đẹp trời có xanh, tất cả những gì bạn quan tâm đến chỉ là cảm giác bực bội khi mắc mưa hôm qua, đồng thời đinh ninh thời tiết đẹp hiện tại sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào.

Lý giải bằng cảm xúc
Bạn tin tưởng vào cảm xúc của mình và lý giải mọi thứ dựa trên những cảm xúc đó – nếu bạn thấy “Sao mình lại yếu kém như thế?”, thì hẳn nhiên bạn phải yếu kém thật sự, vì bạn cho rằng cảm xúc của mình phản ánh trung thực sự thật.

Lòng tự tôn thấp
Lòng tự tôn thấp khiến bạn cảm thấy mình không được đánh giá cao (bao gồm cả phần tự đánh giá), thấy mình luôn thua sút người khác về một hoặc một vài mặt nhất định trong cuộc sống.

Tìm kiếm sự chấp thuận bên ngoài
Bạn tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác và dùng nó để định hình, xác nhận giá trị bản thân. Do đó, cách nhìn của bạn về bản thân sẽ thay đổi dựa theo những suy nghĩ và ý kiến này.

Ảnh: Jiayue Li

Không chấp nhận lời khen
Nếu người khác nói điều gì tốt đẹp về mình, bạn lập tức cho rằng người ta chỉ đang lịch sự hoặc chỉ nói thế cho bạn vui. Lời khen làm bạn thấy “khó ở”, và bạn có xu hướng phủ nhận thay vì ân cần đón nhận chúng.

Cảm giác lạc lõng
Bạn thấy mình luôn là người thừa trong mọi hội nhóm cho dù điều đó có phải là sự thật hay không. Bạn cảm giác như thể mọi người chẳng ai thích mình, từ đó sẽ thấy vô cùng khó hiểu khi ai đó nói rằng họ thích chơi với bạn hoặc muốn dành thời gian cho bạn.

Cho rằng người khác tấn công cá nhân
Bạn cho rằng những nhận xét, đánh giá, hay chỉ trích của người khác đều nhằm mục đích tấn công cá nhân. Chúng ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận về mình và thường ám ảnh bạn rất lâu sau đó.

Ghen tỵ
Bạn thường xuyên có cảm giác ganh ghét, đố kỵ và sẽ tìm cách hạ bệ người khác để cảm thấy tốt hơn về bản thân mình

Sợ hãi những kết nối tích cực
Bạn bè và những đối tác lãng mạn tiềm năng sẽ bị bạn đẩy dạt ra xa, đặc biệt khi bạn “ngửi” được rằng mối quan hệ sắp sửa tiến lên giai đoạn thân thiết / thân mật. Nguyên nhân vì bạn tin rằng tất cả các mối quan hệ rồi sẽ chẳng đi về đâu do mình không đủ tốt, không đủ giỏi, không biết cách yêu thương, … và tốt nhất là nên cô độc như thế đến hết đời.

Thương xót bản thân
Bạn không biết cách yêu thương mình, bù lại rất giỏi thương hại bản thân vì cho rằng mình đã phải chịu rất nhiều những điều tồi tệ và mọi người lúc nào cũng chống lại mình.

Không dám mơ lớn
Bạn không có ước mơ hay khát vọng gì cao xa. Với bạn, tiếp tục cuộc sống như trước giờ đã tốt rồi. Nguyên nhân không phải vì bạn cảm thấy hiện tại mình đã có đủ, mà vì bạn sợ thất bại và sợ không tìm thấy giá trị của bản thân bất kể những thành tựu đạt được.

Khắt khe với bản thân
Bạn khó tha thứ cho chính mình nếu mắc lỗi. Buông bỏ là chuyện khó khăn vì bạn có nhiều hối tiếc về quá khứ, về những gì mình chưa hoặc không thể là được.

Hoài nghi cuộc sống
Bạn hoài nghi và căm ghét thế giới mình đang sống, cho dù nó đó có thật sự khắc nghiệt với bạn hay không. Bạn không thấy có lý do gì để cảm thấy tích cực về cuộc sống này – những người ”luôn vui tươi” là những người hoặc quá ngây thơ hoặc chỉ đang cố gắng chối bỏ hiện thực.

Vì sao một người lại chán ghét bản thân?

Không phải tất cả những người chán ghét bản thân đều có những lý do giống nhau. Đôi khi đó là những trải nghiệm đơn lẻ, đôi khi nó là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến một người có cảm giác chán ghét chính mình.

Phê bình nội tâm một cách tiêu cực

“Giọng nói” nội tâm này sẽ luôn so sánh bạn với người xung quanh, nói rằng bạn không tốt như người khác nhận xét, khiến bạn cảm thấy mình đang mạo danh ai đó. Một số ví dụ có thể kể đến:

Lâu dài, bạn sẽ càng tin tưởng “nhà phê bình” này, tự chối bỏ giá trị bản thân và phóng chiếu nỗi bất an của mình lên những người xung quanh. Bạn bắt đầu nghi ngờ, phủ nhận, từ chối tình yêu thương và sự tử tế chân thành mà người khác trao cho mình.

Trải nghiệm tuổi thơ

Những người có phụ huynh độc hại (thường xuyên chỉ trích con cái, không giỏi quản trị cảm xúc cá nhân, …) là những người có tuổi thơ không êm đềm vì họ dễ bị lạm dụng, bị bỏ rơi, hoặc bị cha mẹ kiểm soát quá mức.

Khi trưởng thành, họ trở thành những người lớn chán ghét bản thân khi từ bé đã quen với việc bị la mắng, phán xét, hay bị so sánh với người khác.

Những mối quan hệ tồi tệ

Đôi khi những “giọng nói” chỉ trích không xuất hiện từ thời thơ ấu. Thay vào đó, chúng hình thành dưới vỏ bọc những mối quan hệ của người lớn, chẳng hạn như một người bạn, người yêu, đồng nghiệp, hay cấp trên lúc nào cũng hạ thấp bạn vô cớ, khiến bạn cảm thấy bản thân mình dở tệ, yếu ớt, không xứng đáng với những thứ tốt đẹp.

Bị bắt nạt

Những kẻ bắt nạt có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời – từ trường học, công sở, cho đến chính ngôi nhà của bạn. Khi bị bắt nạt, thông thường nạn nhân sẽ lựa chọn im lặng hoặc chống trả. Nhưng dù thế nào đi nữa thì bắt nạt luôn để lại những “vết sẹo” khó phai lên cách một người nhìn nhận bản thân mình.

Những trải nghiệm sang chấn

Bất kỳ sự kiện đau thương nào trong cuộc sống (tai nạn, bị tấn công, mất người thân, …) đều đem lại cảm giác hụt hẫng, hoang mang, và mất mát. Chúng có thể khiến bạn thắc mắc rằng “Vì sao lại là tôi?”, từ đó hình thành nên cảm giác hối hận, xấu hổ, cảm thấy mình có trách nhiệm ở một chừng mực nhất định cho dù bạn hoàn toàn không có lỗi.

Cái nhìn tiêu cực về bản thân

Lòng tự tôn thấp, cảm quan cá nhân không tốt, hay đánh giá tiêu cực về bản thân đều là những nguyên nhân khiến một người ghét bỏ chính mình. Nếu cho rằng mình là người xấu, thì ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất – chẳng hạn như một lần kể chuyện cười mà không ai hưởng ứng – cũng có thể trở thành bằng chứng vững chắc phản ánh mặt tối của bạn, củng cố niềm tin rằng “Vì tôi như thế nên chẳng ai thích tôi cả.”

Ảnh: Lo Cole

Sức khỏe tinh thần bất ổn

Cảm giác chán ghét bản thân có khả năng là kết quả của những bất ổn về mặt tinh thần. Ví dụ, trầm cảm có thể gây ra cảm giác tuyệt vọng, xấu hổ, tội lỗi, khiến bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, không tốt.

Những rối loạn tinh thần này càng kéo dài, bạn sẽ càng bị thuyết phục rằng mình thật sự như những gì mình cảm thấy, từ đó khiến bạn tự cô lập và xa cách hơn với mọi người.


Đón xem phần tiếp theo để biết thêm về những tác hại cũng như cách để có thể vượt qua sự chán ghét bản thân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Vạn con đường đều dẫn đến thành Rome – Vạn phương pháp để giúp bạn phát triển bản thân
Retail Therapy – Vỗ về bản thân hay thói xấu cần tránh?
7 thử thách “siêu nhỏ” giúp bạn yêu thương bản thân “siêu nhiều”

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago