Explore

#Nghĩ: chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) tạo ra những tranh cãi

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Trong vài tuần trở lại đây, một cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề chiếm dụng văn hóa đã  nổ ra với nhiều ý kiến trái chiều. Những nhân vật trung tâm của câu chuyện này, là một TikToker mới nổi tên là Chiều Phan (@thaaibinh), và nam rapper Wxrdie. Những màn công kích từ cả 2 phía đã dấy lên những suy nghĩ: đâu là giới hạn của việc thể hiện bản thân qua thời trang và cốt cách của một cá nhân.

Mọi chuyện bắt đầu từ bài đăng trên nền tảng Threads được nữ TikToker Chiều Phan chia sẻ khi lên tiếng chỉ trích một số bộ phận giới trẻ thay đổi cách ăn mặc, cử chỉ của mình với mong muốn “làm người da đen“, trong khi đang sinh sống trong một xã hội và đất nước khác xa với văn hoá đó.

Mặc dù không hề trực tiếp nhắc đến tên của nam rapper 24 tuổi, nhưng Wxrdie đã thẳng thừng phản đối đáp lại và cho rằng Chiều Phan không nên quan tâm quá mức đến câu chuyện riêng của người khác. Ngay lập tức, một làn sóng tranh cãi đã nổ ra giữa những hâm mộ/theo dõi, khi họ bảo vệ các quan điểm này.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận giữa Chiều Phan và Wxrdie chỉ là một trong những lần mà vấn đề chiếm dụng văn hóa được nhắc đến. Bởi vì nếu nhìn rộng ra, hiện tượng này không phải là một điều mới, mà đã xuất hiện ở nhiều nơi; đặc biệt ở những quốc gia đa văn hoá. Tuy nhiên điều này còn khá mới đối với Việt Nam, cho nên việc thảo luận về vấn đề này vẫn còn là một điều khá mới mẻ.

Một ví dụ điển hình khác là vào năm 2019, nữ ca sĩ nhạc đồng quê Kacey Musgraves đã diện chiếc áo dài màu vàng nhưng không mặc quần trong, và đã mặc trang phục này biểu diễn tại Dallas trước sự chứng kiến của nhiều người (đa phần đều có thể chưa biết đến cách mặc đúng đắn của người Việt Nam). Vì vậy, việc chúng ta hiểu rõ và phân biệt được đâu là giới hạn của hành vi chiếm dụng văn hóa là một điều cần thiết. 

Vậy liệu ta có thể có cách làm nào để vừa trân trọng và cảm kích một nền văn hoá, mà không làm mất đi bản sắc vốn có của xã hội mà chúng ta đang sống được không?

Cụm từ chiếm dụng văn hoá (cultural appropriation) thường được nhắc đến trong văn hoá hip hop

Về định nghĩa của chiếm dụng văn hoá (cultural appropriation)

Để lên tiếng đính chính và giải thích lại vấn đề từ góc nhìn của mình, ngay sau đó, Chiều Phan đã đăng tải một video trên Youtube với tựa đề “chiếm dụng văn hoá thì sao vậy?”. Trong đó, nữ TikToker đã giải thích về thuật ngữ này như sau:

Chiếm dụng văn hóa là hành động sử dụng những yếu tố từ một nền văn hóa không thuộc về chủ thể, và biến tấu/thay đổi chúng theo xu hướng không phù hợp hoặc thiếu hiểu biết, cũng như thiếu bối cảnh về nền văn hóa đó. Từ đó vô thức hoặc hữu thức, hướng tới phục vụ cho chủ thể.

Theo đó, chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) bắt đầu được sử dụng vào những năm 1970, nhằm hướng góc nhìn phê phán đến chủ nghĩa thực dân. Thông thường, bối cảnh thuật ngữ này xuất hiện và thường diễn ra ở các nhóm chủng tộc ưu thế. Họ sử dụng văn hóa của những nhóm yếu thế hoặc ít tiếng nói hơn, nhằm một mục đích kiếm lợi ích như tiền bạc, vật chất hay chỉ đơn giản là để thỏa mãn những thú vui tinh thần.

Trong bài báo khoa học của James O. Young cho Hiệp hội Thẩm mỹ Hoa Kỳ, ông chia chiếm dụng văn hóa thành 3 nhóm chính: chiếm dụng chủ thể, chiếm dụng nội dung, và chiếm dụng đối tượng.

Theo lời của ông: “Chiếm dụng chủ thể xảy ra khi một người ngoài thể hiện các tính cách hoặc khía cạnh của một nền văn hóa khác. Chiếm dụng nội dung xảy ra, một nghệ sĩ sử dụng sản phẩm văn hóa của một nền văn hóa khác để tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình. Và chiếm dụng đối tượng xảy ra khi sở hữu một vật thể hữu hình được chuyển từ các thành viên của nền văn hóa đã tạo ra nó sang quyền sở hữu của người ngoài.”

Ta cũng cần phải lưu ý rằng, không phải tất cả các hình thức chiếm dụng đều nghiêm trọng như nhau. Vẫn có sự trao đổi nghệ thuật giữa một người ngoài và một người bản địa trong nền văn hóa đó với sự tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau; chẳng hạn như một du khách đến thăm một quốc gia mới và mua một tác phẩm nghệ thuật để mang về nhà, thì sự trao đổi này sẽ được cho là tích cực (mặc dù nếu theo định nghĩa của James O. Young ở trên, thì nó vẫn thuộc phạm vi chiếm dụng đối tượng).

Những ảnh hưởng xấu của chiếm dụng văn hoá lên các cộng đồng yếu thế

Từ “chiếm dụng” tự nó không mang hàm ý tiêu cực. Tuy nhiên, hành động chiếm dụng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi có sự mất cân bằng về đặc quyền và thiếu đại diện từ những con người có liên quan đến nguồn văn hoá đó. Khi đó, một lịch sử sẽ không dễ dàng bị chôn vùi hay xem nhẹ; mà phong tục của họ sẽ còn bị thương mại hóa nhờ vào việc những văn hoá này trông… “lạ mắt” và độc đáo với nhiều người.

Cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra trong đời sống hằng ngày mà được coi là chiếm dụng văn hoá. Trở lại với chủ đề về văn hoá hip hop được TikToker Chiều Phan ngụ ý ở trên, thì thật ra đây không phải là chuyện gì hiếm lạ. Một ví dụ về ranh giới lu mờ giữa sự chiếm dụng và việc phổ biến âm nhạc có thể thấy qua các nhóm nhạc K-pop. Nhờ vào đó âm nhạc của người Hàn đối với văn hóa phương Tây đã được thương mại hóa mạnh mẽ, khi tận dụng mong muốn của giới trẻ trong việc bắt kịp xu hướng của nhiều nền văn hoá.

Tuy nhiên, việc các nhóm K-pop thay đổi kiểu tóc và thời trang để giống với kiểu tóc điển hình của người da đen, như: tóc tết bím/cornrow/afro/dreadlock, mặc quần áo rộng thùng thình, đeo dây chuyền vàng, mặt nạ trượt tuyết, và khăn bandana… đôi khi vẫn được xem như là một vài ví dụ về chiếm dụng đối tượng. Thế nhưng, mục đích của họ không phải là thể hiện văn hóa người da đen, mà là để tiếp nhận những gì đang thịnh hành trong xã hội phương Tây.

Một ví dụ phổ biến khác hiện nay là sự ám ảnh với văn hóa pop Nhật Bản. Thuật ngữ phổ biến để chỉ những người chiếm dụng văn hóa Nhật Bản, thường từ anime hoặc manga, là “Weeaboo”. Weeaboo là người bị ám ảnh với văn hóa Nhật Bản đến mức coi nó vượt trội hơn nền văn hóa của chính họ. Ngoài việc cố gắng phủ nhận văn hóa của mình, họ sẽ chiếm dụng văn hóa Nhật Bản bằng cách sử dụng các từ tiếng Nhật trong lời nói hàng ngày (thường cũng không đúng ngữ cảnh), và mọi thông tin mà họ có về văn hóa Nhật Bản thường đến từ manga và anime.

Cũng tương tự như thế, “Koreaboo” là phiên bản khác của Weeaboo nhưng dành cho văn hóa Hàn Quốc thay vì Nhật Bản. Thay vì lấy thông tin từ manga và anime, một Koreaboo sẽ thu thập thông tin về văn hóa Hàn Quốc từ K-drama và K-pop. Giống như Weeaboo, họ chỉ biết vài từ tiếng Hàn và thường sử dụng sai.

Nói chung, việc chiếm dụng văn hóa có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với các cộng đồng bị thiệt thòi. Nó có thể làm kéo dài các định kiến, làm mất đi ý nghĩa văn hóa, và góp phần vào việc thương mại hóa các yếu tố văn hóa mà không mang lại sự công nhận hoặc bồi thường công bằng cho nền văn hóa gốc. Điều này cũng có thể dẫn đến việc gạt bỏ hoặc khiến những người thuộc nền văn hóa bị chiếm dụng im lặng, tiếng nói và quan điểm của họ thường bị phớt lờ hoặc che khuất.

Hành xử như một Weeaboo hoặc Koreaboo đôi khi có có thể làm xúc phạm đến người Nhật Bản và Hàn Quốc nếu mọi thứ được thể quá lố hoặc không đúng mực. Bởi vì trong cả 2 trường hợp, đôi khi nhiều người chỉ ngưỡng mộ một số phần hư cấu, không chính xác đến từ các sản phẩm trong anime hoặc K-drama. Điều này tương tự với những cá nhân đang xem văn hoá hip hop như một “bộ trang phục” không phù hợp với bối cảnh hoặc hành xử theo cách mà họ nghĩ là “chất đường phố”.

Vậy chúng ta cần phải thay đổi về cách nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trân trọng văn hóa (cultural appreciation) nghĩa là mong muốn một cách chân thành về việc học hỏi, lắng nghe, và hiểu về một nền văn hóa. Điều này đòi hỏi ta phải dành thời gian để tìm hiểu về các yếu tố mà văn hóa đó được tôn vinh, và thể hiện sự tôn trọng đối với nguồn gốc của chúng. Trân trọng văn hóa hướng đến việc tránh sự xuyên tạc hoặc kéo dài các định kiến gây hại, và luôn tôn trọng nguyện vọng và quan điểm của những người thuộc nền văn hóa đó.

Trân trọng văn hóa thúc đẩy sự hiểu biết, khuyến khích tính bao dung, và giúp tạo ra một xã hội đa dạng và hài hòa hơn. Nếu ai đó thực sự trân trọng một nền văn hóa, họ sẽ quan tâm đến những con người trong đó đủ để đứng lên bảo vệ họ, hoặc ít nhất là cảm thấy phẫn nộ trước những bất công mà họ phải đối mặt và cố gắng giúp cải thiện cuộc sống của họ.

Bằng cách trân trọng các nền văn hóa khác nhau, chúng ta thừa nhận giá trị và đóng góp của các cộng đồng đa dạng. Trân trọng văn hóa cũng mang lại cơ hội cho sự phát triển cá nhân, vì nó mở rộng quan điểm của chúng ta và làm phong phú thêm hiểu biết về văn hóa của chính mình.

Những ví dụ về cách thức để mọi người thể hiện lòng trân trọng đến văn hoá nước bạn

Để thể hiện sự trân trọng văn hóa, ta phải tiếp cận các nền văn hóa với sự nhạy cảm và khiêm tốn. Dưới đây là một số cách để thể hiện sự trân trọng văn hóa:

  • Tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau và lịch sử của chúng. Điều này có thể bao gồm ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục truyền thống (và thời điểm nên mặc chúng). Trong ngôn ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc, một số từ ngữ chỉ thích hợp cho phụ nữ sử dụng, và một số khác chỉ thích hợp cho nam giới.
  • Tham gia vào các cuộc trò chuyện ý nghĩa với những người từ các nền văn hóa khác nhau.
  • Hỗ trợ và quảng bá các nghệ sĩ và nhà sáng tạo từ các nền tảng đa dạng. Việc nghe nhạc J-Pop và K-Pop và mua các sản phẩm của họ. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ trở thành một Weeaboo hay Koreaboo, trừ khi cũng tham gia vào những hành vi có vấn đề được liệt kê ở trên.
  • Tham dự các sự kiện, lễ hội, và triển lãm văn hóa để học hỏi và trải nghiệm các truyền thống khác nhau.
  • Hãy chú ý đến các biểu tượng và hiện vật văn hóa, tôn trọng ý nghĩa và ngữ cảnh của chúng. Có thể người Nhật sẽ vui mừng khi người nước ngoài muốn mặc kimono và yukata khi đến thăm đất nước của họ, nhưng họ vẫn có quy tắc về kimono cần phải tuân thủ.
  • Tránh chiếm dụng các yếu tố văn hóa mà không có sự cho phép, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thời trang, nghệ thuật, và ngôn ngữ. Một số món đồ chỉ thích hợp cho những dịp cụ thể, vì vậy tốt nhất là nên tìm hiểu món đồ nào phù hợp cho dịp nào.

Ngoài ra, để tránh chiếm dụng văn hóa, mỗi người trong chúng ta phải suy ngẫm về hành động và ý định của mình. Trước khi thực hiện bất cứ điều gì, hãy tự nhủ với bản thân mình rằng:

  • Yếu tố văn hóa này có thuộc về nền văn hóa của mình không?
  • Mình có được mời hoặc cho phép tham gia và chia sẻ yếu tố văn hóa này không?
  • Mình có hiểu đúng về ý nghĩa văn hóa và lịch sử của những gì mình đang tiếp cận không?
  • Việc sử dụng hoặc tiếp nhận yếu tố văn hóa này có kéo dài các định kiến hoặc sự xuyên tạc của người dân từ văn hoá đó không?
  • Mình có tôn trọng nguyện vọng và quan điểm của những người thuộc nền văn hóa mà mình đang trân trọng không?

Sự khác biệt giữa chiếm dụng văn hóa và trân trọng sẽ nằm ở ý định, hành động và kết quả. Một khía cạnh quan trọng trong việc đối phó với chiếm dụng văn hóa là giáo dục người khác. Bằng cách nâng cao nhận thức và tham gia vào các cuộc thảo luận về chiếm dụng văn hóa, chúng ta có thể thúc đẩy sự nhạy cảm và hiểu biết về vấn đề này. 

Hơn nữa, việc thúc đẩy sự hiểu biết về như thế nào là trân trọng văn hóa là rất quan trọng trong việc tạo ra một xã hội bao dung và tôn trọng hơn. Bằng cách nhận ra sự khác biệt giữa chiếm dụng và trân trọng, hiểu rõ giữa 2 khái niệm này, và giáo dục bản thân cùng người khác; chúng ta có thể xây dựng một thế giới hài hòa và nhạy cảm hơn về văn hóa của mọi người.

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

9 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago