Lifestyle

Chọn đổi YEP lấy phong bì tiền mặt, bỏ tâm lý chờ thưởng Tết để quyết định mình buồn hay vui

Cứ sát Tết là chủ đề lương thưởng hay YEP rôm rả hết cả lên!

Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán 2024, câu chuyện được quan tâm nhiều nhất lúc này chính là những buổi tiệc cuối năm và đặc biệt là lương tháng 13, thưởng Tết của hội làm công ăn lương. 

Tuy nhiên, “ăn theo thuở ở theo thời”, với tình hình chung năm nay, nhiều người đi làm cho biết họ không thất vọng hay bất ngờ khi đến giờ này vẫn thấy công ty, ban lãnh đạo chưa có thông báo gì. 

Họ cũng xác định tâm lý không còn trông mong quá nhiều vào một khoản tiền rủng rỉnh sẽ nhận được vào cuối năm, thay vào đó là giữ tinh thần tích cực, không so sánh tạo áp lực và trên hết là vui Tết có gu mà vẫn tiết kiệm.

Huỷ YEP thay bằng phong bì: Công ty bớt lỗ mà nhận tiền thì cũng vui

Cận Tết thì bao giờ cũng thế, hễ cứ bàn tán về thưởng Tết và YEP thì đâu đâu cũng thấy sôi nổi. Có hội tích cực đi YEP vì được dịp lên đồ lồng lộn quẩy cùng đồng nghiệp “hợp cạ”, xả hết áp lực cuối năm. Nhưng cũng có người “hướng nội” không hợp với những tiệc tùng phải giao tiếp thể hiện EQ kiểu này. 

Giang Lê (SN 2000, Hà Nội), hiện đang làm chuyên viên tư vấn của một công ty du lịch – một ngành nghề quanh năm có tiệc tùng giao tiếp. Cuối năm thường là dịp các công ty du lịch cùng nhau tổ chức YEP, nhằm giao lưu kết nối những người trong ngành và tạo mối quan hệ làm ăn. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn, câu chuyện YEP đã có thay đổi: Từ tổ chức checkin, ăn uống và giao lưu, công ty của Giang Lê đã chuyển YEP thành một buổi ăn uống nho nhỏ, cùng với đó là quà tặng từ sếp để bù đắp phúc lợi cho nhân viên.

Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà sếp lại làm vậy, chia sẻ về điều này, Giang Lê cho biết: 

“Thường thì như năm ngoái, công ty mình vẫn có YEP. Nhưng riêng năm nay, có 2 lý do chính khiến sếp mình quyết định như vậy.

Một là năm 2023, công ty đã phải sa thải 1 số nhân viên vì tình hình kinh doanh không mấy khả quan, có phòng ban chỉ còn thưa thớt vài người nên mọi người cũng chẳng còn hào hứng. 

Hai là, vào buổi họp quyết định có tổ chức YEP hay không, sếp cũng có đưa 2 phương án để mọi người chọn: Hoặc là tổ chức nhỏ, hoặc là thay thế bằng phong bì để mọi người mua sắm Tết. Thêm nữa, sếp mình cũng có nói qua về tình hình kinh doanh năm này lãi ít mà lỗ nhiều, khoản chi YEP cũng không nhỏ nên mọi người có thể cân nhắc.”, Giang chia sẻ.

Và phần lớn số đông, nhân viên chọn thay thế YEP bằng phong bì. Giang Lê cũng ủng hộ, “thôi thì nhận tiền vẫn thấy vui hơn”.

Còn đối với Lan Anh (SN 1999, Cần Thơ) hiện đang làm marketing cho công ty thương mại điện tử đã từng trải qua bữa tiệc YEP bận đến không có thời gian để vui. Chỉ bởi vì Lan Anh cùng team là người chịu trách nhiệm tổ chức tiệc cuối năm, tất bật từ A-Z và mất cả tháng trời để lên kế hoạch. 

“Năm nay công ty mình thông báo 2 tháng thưởng Tết. Là năm đầu tiên mình được nhận trọn vẹn 2 tháng lương nên cũng thấy vui. Tuy vậy, năm nay công ty mình không tổ chức YEP nữa, thay vào đó sếp sẽ lì xì phong bao 1 triệu cho các nhân viên. Cộng dồn các khoản thưởng cuối năm thì cũng không cảm thấy thiệt thòi gì.

Ảnh minh họa

Nếu như năm ngoái, vì làm trong bộ phận marketing nên YEP cũng vào tay mình. Vừa chạy KIP vừa phải lên concept tổ chức YEP đúng là dí quá dí. Phải lên kế hoạch trước cả tháng, gần tới ngày tổ chức thì sếp yêu cầu thay đổi chủ đề làm lại. Như cá nhân mình sẽ đảm đương các công việc như tính toán chi phí, xin hoá đơn, xin ảnh, viết bài,… Gần như bận không có thời gian để vui vẻ. 

Vậy nên năm nay khi nghe tin YEP được cắt giảm, mình cảm thấy lượng công việc cần phải xử lý cuối năm không khiến mình áp lực như năm ngoái nữa. Thay vì tham gia YEP, thì năm nay vừa được nhận lì xì, vừa bớt căng thẳng với đống deadline cuối năm.” Lan Anh chia sẻ thêm.

Nếu bỏ được tâm lý so bì tiền thưởng Tết, mọi việc sẽ nhẹ nhàng tích cực hơn

Không chỉ bàn bạc về tiệc cuối năm, câu chuyện lương tháng 13 hay thưởng Tết vốn luôn là chủ đề khiến hội đi làm công ăn lương “đau đáu”. Nếu như trước đây, nhiều người sẽ rôm rả bàn tán, háo hức đợi thưởng Tết từ những ngày đầu tháng 12. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dù chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng tâm trạng của dân văn phòng nói chung đề khá “ỉu”, không còn mong chờ thông báo thưởng. 

Chia sẻ về tâm lý này, Đức Minh (29 tuổi, Hà Nội) đang làm trong lĩnh vực kiến trúc cho hay: “Dựa vào tình hình kinh tế chung cũng như công việc làm ăn của công ty thì mình và đồng nghiệp cũng ngầm hiểu năm nay có thể sẽ không được ăn Tết to. Bởi năm ngoái thời điểm này, chúng mình đều rất bận rộn với deadline còn hiện tại khối lượng việc cũng ít hơn nên ai nấy đều xác định được tâm lý không có thưởng Tết hoặc thưởng Tết thấp”

Cũng theo Đức Minh, mọi năm công ty sẽ có các hạng mục thưởng như lương tháng 13, thưởng Tết kèm thêm một giỏ quà tặng. Có năm cao nhất, Đức Minh vừa được nhận lương tháng 13, vừa nhận thêm một khoản thưởng Tết cũng xấp xỉ gần 1 tháng lương. Song với tình hình năm nay, Đức Minh cho rằng được nhận đủ lương tháng 13 cũng đã là niềm vui rồi, thưởng Tết chỉ cần giỏ quà tặng cũng được. 

Ảnh minh họa

“Thực ra mình thấy giờ nhiều nơi cũng đã gộp lương tháng 13 và thưởng Tết vào làm một. Hơn nữa, mọi người cũng đều hiểu thưởng Tết là không bắt buộc và tuỳ thuộc vào doanh thu của công ty, nên nếu có thì sẽ vui hơn. Còn ai thông cảm được cho công ty thì sẽ tiếp tục làm việc, không thì qua Tết nộp đơn xin nghỉ, đi làm là mối quan hệ win-win mà”, Đức Minh nói thêm. 

Cùng quan điểm với Đức Minh, Khánh Linh (26 tuổi, Hà Nội) cho hay đây là năm thứ 3 làm việc tại một công ty về du lịch nhưng lần đầu tiên thấy các sếp thông báo về thưởng Tết muộn như năm nay. Tuy nhiên, Khánh Linh cho biết với đặc thù nghề nghiệp, mỗi tháng các nhân viên trong công ty đều có thể nhận được những mức thưởng năng suất nên không còn ai quá quan trọng chuyện thưởng Tết cuối năm. 

Bên cạnh đó, Khánh Linh cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, có việc làm, lương không bị cắt giảm đã là một điều may mắn nên dù có nhận thông báo 0 đồng thưởng Tết, cô vẫn cảm thấy ổn. “Mình nghĩ năm nay công ty sẽ có thay đổi trong thưởng Tết, có thể không phải là tiền mặt mà là giỏ quà hoặc voucher nào đó. Thực ra mình thấy cũng không sao, không ảnh hưởng gì tới chi tiêu sắm Tết của mình. Vì trước Tết vài tháng, mình cũng đã tiết kiệm và để riêng ra những khoản cần thiết như biếu bố mẹ, vé tàu xe,…”, Khánh Linh chia sẻ. 

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Khánh Linh bày tỏ quan điểm nên giảm bớt áp lực thưởng Tết, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới. 

“Mình biết với nhiều ngành nghề khác, thưởng Tết đôi khi là một khoản quyết định Tết của họ vui hay buồn. Người ta vẫn hay nói 100 đồng lương không bằng 1 đồng thưởng Tết, vì dù sao thưởng cũng là cách ghi nhận công sức trong 1 năm làm việc. Tuy nhiên, mình nghĩ không nên áp lực quá bằng việc hỏi thưởng Tết bao nhiêu và so với người này, người kia. Nếu mình bỏ được tâm lý đó thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng, tích cực hơn”, Khánh Linh nói. 

Lynn

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

16 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago