Lifestyle

#Nghĩ: Chúng ta biết gì về những lời nói dối?

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Nói dối là một trong những hành vi phổ biến nhất của con người. Theo một số khảo sát, có đến 96% người thừa nhận đã nói dối ít nhất là vài lần. Tuy nhiên, điều thú vị là hầu hết chúng ta đều trở nên… ít thành thật hơn mỗi khi nhắc đến chủ đề này, với câu khẳng định quen thuộc “Tôi là người không bao giờ nói dối!”

Nhưng dù giả hay thật, thì thực tế là phần lớn con người đều đã từng nói dối. Chúng ta đưa ra những câu chuyện sai sự thật, từ việc cỏn con như ngày bé đổ tội cho chó mèo làm vỡ đồ đến việc lớn hơn như nói dối về kỹ năng và bằng cấp khi đi xin việc; từ những lời nói dối nhằm bảo vệ cảm xúc ai đó (“Em mặc cái này đẹp lắm, trông không mập đâu mà.”) đến những lời nói dối với mục đích xấu xa như để lừa đảo hoặc để che giấu tội ác.

Chúng ta có thật sự nhận biết được những lời nói dối?

Nói dối thường được gắn liền với những đặc điểm tính cách tiêu cực và mục đích không tốt. Cha mẹ không khuyến khích con cái nói dối, và cũng chẳng ai muốn người khác nhớ đến mình như một kẻ dối trá lừa lọc. Nhưng mặc dù hết lòng “anti”, nhưng chúng ta đồng thời cũng muốn tin rằng mình rất giỏi trong việc phát hiện ra ai đó đang nói dối. Điều này về cơ bản là một mâu thuẫn. Bằng cách nào để một người có thể nhìn ra những dấu hiệu hay hiểu được tâm tư của một kẻ nói dối, nếu chính bản thân họ chưa từng có trải nghiệm tương tự trước đây?

Thực tế, con người rất dở trong việc phát hiện lời nói dối. Những dấu hiệu cổ điển và phổ biến kiểu như: người nói dối có biểu hiện bồn chồn, nói năng quanh co, họ tránh nhìn trực diện và sẽ đảo mắt liên tục, … đã được chứng minh chỉ là dạng “kinh nghiệm dân gian” mà thôi. Không phải ai nói dối cũng sẽ như thế, và không phải ai như thế cũng là đang nói dối.

Trong nghiên cứu Accuracy of Deception Judgements, hai tác giả Charles F. Bond Jr. (ĐH Cơ đốc giáo Texas) và Bella M. DePaulo (ĐH California, Santa Barbara) cho biết, trong bối cảnh thí nghiệm (điều kiện phòng lab), khả năng phát hiện nói dối thành công chỉ là 54%, với phân nửa trong số đó là “ăn may” đoán đại nhưng đúng.

Còn trong bối cảnh bình thường, lời nói dối càng khó nhận biết hơn. Ngay cả những người được đào tạo bài bản để phát hiện nói dối cũng không thành công mọi lúc. Các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ thực chất chỉ giúp theo dõi và ghi nhận những thay đổi trong phản ứng sinh lý của một người khi họ đang trả lời một số câu hỏi, chứ không trực tiếp đưa ra kết luận rằng người đó có đang nói dối hay không.

Ảnh: The Hope Line

Vai trò của ngôn ngữ cơ thể

Những “bí quyết truyền miệng” phát hiện nói dối tập trung chủ yếu vào những khác biệt về biểu hiện thể chất – đảo mắt, tai đỏ, bồn chồn, tránh nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện, … Mặc dù những khác biệt trong hành vi giữa người thật thà và người dối trá có tồn tại, nhưng để phân biệt, đo lường, hay thậm chí xem chúng như dấu hiệu để nhận biết nói dối thì lại là vấn đề khác. Ngoài ra, chính những dấu hiệu được cho rằng có liên quan nhất thực chất lại là những chỉ báo không đáng tin cậy nhất.

Howard Ehrlichman – một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về chuyển động mắt kể từ thập niên 70s của thế kỷ trước – đã chứng minh rằng chuyển động mắt không hề liên quan đến việc nói dối. Việc ai đó đảo mắt hoặc nhìn sang những hướng khác nhau khi nói chuyện chỉ nói lên rằng họ đang suy nghĩ, chính xác hơn là họ đang tái tiếp cận những ký ức thuộc về trí nhớ dài hạn của mình.

Vậy đâu là những chỉ báo nói dối đáng tin cậy hơn? Các nhà nghiên cứu ĐH California, Los Angeles đã tiến hành phân tích gộp 60 nghiên cứu về chủ đề lừa dối để làm cơ sở dữ liệu khuyến nghị và tập huấn cho các cơ quan hành pháp. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san Tâm lý học Pháp chứng Hoa kỳ (American Journal of Forensic Psychiatry). Theo đó, một số chỉ báo đáng tin cậy bao gồm:

– Tỏ ra mập mờ, mơ hồ, câu chuyện không có nhiều chi tiết hoặc cố tình bỏ qua những chi tiết quan trọng,
– Lặp lại câu hỏi trước khi trả lời,
– Ngập ngừng, nói ngắt quãng, cảm giác có vẻ thiếu chắc chắn,
– Không đưa ra được hoặc cần khá nhiều thời gian để đưa ra những chi tiết cụ thể hơn về câu chuyện khi bị truy vấn,
– Thái độ dửng dưng hoặc cố tình không biểu cảm,
– Thực hiện một số động tác chỉnh trang (grooming) như nghịch tóc, chỉnh sửa quần áo, hoặc ấn ngón tay lên môi.

Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu Edward Geiselman – tiến sĩ, giáo sư chuyên ngành tâm lý học, người đồng sáng tạo phương pháp phỏng vấn nhận thức (cognitive interview) trong điều tra hình sự – cũng lưu ý về tầm quan trọng của huấn luyện chuyên nghiệp, “Dù không qua đào tạo bài bản, nhiều người vẫn nghĩ rằng mình có thể phát hiện nói dối. Nhưng những thứ họ cho là mình ‘nhận ra’ hoàn toàn không liên quan gì đến năng lực thật của họ. Thực tế, những khóa huấn luyện chóng vánh, thiếu chuyên nghiệp sẽ càng khiến chúng ta rơi vào phân tích quá đà, dẫn đến kết quả còn tệ hơn so với việc cứ tin vào trực giác của mình.”

Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đồng tình với nhận định trên. Dựa dẫm vào cái gọi là dấu hiệu khi ai đó đang nói dối có thể làm thui chột khả năng nhận biết của bạn. Vì vậy, đừng quá tin tưởng vào dấu hiệu cũng như vội vàng nhận định xem ai đó có đang nói thật hay không.

Hãy thử yêu cầu họ kể câu chuyện theo chiều ngược lại

Phát hiện nói dối thường được thực hiện một cách thụ động, thông qua việc quan sát biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể của đối phương. Tuy nhiên, như đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu thì đây không phải là cách tối ưu – những chỉ báo này có thể gây nhầm lẫn, hoặc đối phương đơn giản là người “nói dối không chớp mắt”. Thay vào đó, chúng ta nên tìm kiếm những phương thức tiếp cận chủ động hơn, chẳng hạn như yêu cầu họ kể câu chuyện theo chiều ngược lại.

Nhìn chung, nói dối là một việc tốn sức. Nó không chỉ đòi hỏi bộ máy nhận thức hoạt động vất vả hơn, mà còn khiến người nói dối tổn hao nhiều năng lực tâm trí hơn cho những việc như điều chỉnh hành vi bản thân và đánh giá phản hồi của người khác – đã “tốn công” nói dối thì cần phải đảm bảo nói thế nào để người khác còn tin nữa chứ!

Lúc này, nếu bạn gây sức ép lên tâm trí họ, khả năng họ sơ hở sẽ cao hơn. Nguyên do vì khi tải nhận thức(*) gia tăng, những chỉ báo nói dối (cả ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) cũng trở nên rõ ràng. Vì thế, bất cứ hành động làm gia tăng tải nhận thức nào, ví dụ như yêu cầu thuật lại câu chuyện theo trình tự ngược lại, cũng sẽ khiến họ dễ “lộ tẩy” hơn nhiều.

(*)tải nhận thức: hiểu đơn giản là khối lượng thông tin não bộ cần xử lý trong thời gian ngắn để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể

Trong một nghiên cứu xuất bản trên tờ Law and Human Behavior (2008), thí nghiệm thứ nhất gồm 80 nghi phạm giả định được phân công nói thật hoặc nói dối về một sự kiện dàn dựng. Một số kể xuôi, số còn lại kể ngược. Kết quả, những người được yêu cầu thuật lại câu chuyện theo trình tự ngược để lộ nhiều chỉ báo nói dối hơn.

Ở thí nghiệm thứ hai, 55 cảnh sát được yêu cầu xác định xem ai nói dối ai nói thật sau khi xem lại những đoạn phỏng vấn từ thí nghiệm đầu. Kết quả, họ nhận biết người nói dối dễ dàng hơn trong những cuộc phỏng vấn theo trình tự ngược.

Tóm lại, phương thức tiếp cận chủ động này yêu cầu sự kết hợp giữa đọc dấu hiệu và gây sức ép lên tâm trí. Nó đặc biệt có hiệu quả trong các bối cảnh điều tra, phỏng vấn, truy xét. Vậy còn bối cảnh hằng ngày thì sao? Chúng ta sẽ làm gì với những lời nói dối trong cuộc sống?

Tin tưởng vào bản năng

Theo kết quả của một nghiên cứu năm 2014, linh cảm tức thời của bạn có thể chính xác hơn bất cứ gợi ý rõ ràng nào bạn thu nhặt được để phát hiện lời nói dối. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho 72 tham dự viên xem những đoạn video các buổi phỏng vấn với những nghi phạm giả định. Một số nghi phạm đã ăn cắp tờ $100 từ một kệ sách còn những người khác thì không, tuy nhiên tất cả nghi phạm đều sẽ phải nói rằng mình không phải là người ăn cắp.

Tương tự như các nghiên cứu trước, tham dự viên không đoán được ra người nói dối, số lần đoán chính xác kẻ gian dối chỉ là 43% và số lần tìm ra người nói thật chỉ là 48%.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng sử dụng thời gian phản ứng bằng hành vi trong bài kiểm tra để đánh giá phản ứng tự động và vô thức của tham dự viên với các nghi phạm. Cái họ phát hiện ra là các đối tượng tham gia nghiên cứu có khả năng vô thức liên kết các từ khóa như “Không thật” và “dối trá” với các nghi phạm thực sự đang nói dối. Họ cũng có khả năng liên đới ngầm những từ như “thật” và “Chân thành” với những người nói thật.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy con người ta vốn đã hình dung vô thức bằng trực giác về việc một ai đó có đang nói dối hay không. Vậy nếu linh cảm là cái chính xác hơn thì tại sao ta lại không thể cải thiện linh cảm phát hiện nói dối của mình?

Nhà nghiên cứu Leanne ten Brink cho rằng các phản ứng lúc tỉnh thức (trong trạng thái tỉnh táo) của chúng ta có thể ảnh hưởng lên các liên tưởng tự động. Thay vì dựa theo bản năng, ta tập trung vào những hành vi rập khuôn mà ta thường nghĩ là có liên quan đến nói dối như bồn chồn và thiếu giao tiếp bằng ánh mắt. Việc quá nhấn mạnh vào những hành vi không mấy đáng tin khiến ta mất đi cơ hội nhìn ra sự thật và sự lừa dối.

Kết

Đâu là cách tốt nhất để phát hiện một kẻ nói dối? Trong thực té, không có một dấu hiệu chung, chắc chắn nào cho thấy một ai đó đang nói dối. Tất cả những dấu hiệu, hành vi và các chỉ số mà các nhà nghiên cứu liên kết với lới nói dối đơn giản chỉ là những gợi ý giúp ích một phần nào đó cho bạn mà thôi.

Vậy nên lần tới khi bạn cố thăm dò dự thành thật trong câu chuyện của một người thì hãy ngưng nhìn vào những “dấu hiệu chỉ điểm” sáo rỗng và hãy học cách khoanh vùng những hành vi ngầm có thể có liên đới với lời nói dối. Nếu cần hãy chọn những phương thức chủ động hơn bằng cách tạo áp lực và khiến cho việc nói dối của người kia hao tốn nhiều năng lượng tâm trí hơn, như yêu cầu họ kể lại câu chuyện theo trình tự ngược lại.

Sau cùng, và có lẽ quan trọng nhất là bạn phải tin vào bản năng của mình. Bạn có thể có năng lực trực giác cực nhạy để nhận ra sự chân thật và sự dối trá, bạn chỉ cần học cách lưu tâm đến những linh cảm này.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago