Lifestyle

Những chương trình hẹn hò thực tế cho chúng ta biết điều gì về tình yêu?

Những chương trình hẹn hò thực tế (reality dating TV shows) đã và đang vô cùng phổ biến với mọi người. Mặc dù xem giải trí (đôi lúc cảm động) ra phết, nhưng thật buồn khi không thể phủ nhận rằng hầu hết những mối quan hệ tình cảm lãng mạn xuất phát từ đó đều không có kết quả lâu dài. Thậm chí, một số chương trình còn bị khán giả phản đối vì nội dung độc hại, ngầm cổ vũ phân biệt giới, hạ thấp giá trị phụ nữ,… 

Tuy nhiên, mặt tốt của những chương trình hẹn hò thực tế kiểu này, là chúng cũng “dạy” cho chúng ta kha khá điều không nên làm nếu muốn có cho mình một mối quan hệ lành mạnh và bền vững.

1. Đừng từ bỏ mọi thứ vì ai đó

Thông thường, người tham gia những show hẹn hò thực tế sẽ dành một quãng thời gian nhất định cho chương trình. Như với The Bachelor, họ sẽ có 6 tuần bị “cô lập”. Mặc dù ý tưởng take a break (và dành trọn quãng thời gian này để tập trung nâng cao khía cạnh tình cảm lãng mạn của cuộc đời) nghe khá hay ho và hấp dẫn, nhưng thực tế là ít ai trong chúng ta có thể làm như vậy.

Mà cho dù bạn có tình cờ gặp gỡ nửa kia của mình trong khi đang đi nghỉ dưỡng, đi tham gia chương trình thực tế, đi tình nguyện, đi lấy đồ order trước cửa nhà,… thì mối quan hệ của cả hai không thể nào tồn tại mãi mãi trong bối cảnh đó.

Photo: Bulma illustrates

 

Chúng ta – những người sống ngoài đời thật chứ không tham gia show hẹn hò – còn công việc, cuộc sống xã hội, nghĩa vụ gia đình, và thời gian cho riêng mình. Ai cũng có lý do để bận rộn và có thứ để họ quan tâm tới. Vì vậy, yêu cầu ai đó hoặc bị yêu cầu phải từ bỏ mọi thứ để hẹn hò với một người mới hay để theo đuổi mối quan hệ mới là chuyện phi thực tế. 

Vậy nhưng điều này lại xảy ra khá thường xuyên. Không do ai yêu cầu mà chúng ta “tự động” làm vậy, đặc biệt trong giai đoạn đầu của các mối quan hệ. Ta tình nguyện dâng hiến hết cả thời gian, năng lượng, cảm xúc của mình, dễ dàng bỏ qua những nhu cầu và khía cạnh khác trong cuộc sống.

Một mối quan hệ lành mạnh, trước tiên cần là một mối quan hệ có sự cân bằng. Chúng ta hay nói về tầm quan trọng của work-life balance, thì love-life balance cũng cần được chú tâm không kém.

2. Đừng “đuổi cùng giết tận” hoặc tranh đua vì một ai đó

Có nhiều dạng show hẹn hò thực tế. Có show sẽ ghép đôi thí sinh từ đầu, có show lại để người tham gia “chiến đấu” với nhau, và “phần thưởng” sẽ là anh chàng / cô nàng ngôi sao của chúng ta. Xem drama thì vui đấy, nhưng liệu bạn có biết toàn bộ những đấu đá tranh chấp đó đều đã được lên kịch bản cẩn thận và hẳn hoi, nhằm đảm bảo mức độ kịch tính cho chương trình?

Giá trị bản thân mỗi người biểu hiện qua nhiều việc khác nhau. Và đáng lẽ ra ta không cần phải nhọc công tìm cách chứng minh nó cho bất kỳ ai, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Tình yêu không phải một cuộc đua, và nếu bạn là người giỏi nhất cũng chưa chắc bạn đã giành chiến thắng. The Bachelor / Bachelorette đã “bình thường hóa” sự ganh đua này. Họ gọi đây là “một phần của cuộc hành trình”. Mối quan hệ tình cảm khi này được đem ra cân nhắc, đo đếm, tính toán cẩn thận.

Ngoài đời thì không thế. Đấu trí không phải và không nên là việc thường xuyên xảy ra trong mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Nó mang lại cảm giác lo lắng, bất an, không tin tưởng và không chắc chắn cho người trong cuộc. Tỉ lệ “thành công” của các cặp đôi sau khi tham gia The Bachelor / Bachelorette chỉ là 11-30%. Lý do không khó đoán. Làm thế nào một mối quan hệ tình cảm có thể lâu bền khi nó là kết quả của một “cuộc đua” và chỉ là nỗ lực một phía của người muốn giành chiến thắng?

3. Đừng vội nghĩ rằng bạn đang yêu

Vì thực tế, trí óc bạn có thể chỉ đang bị lu mờ bởi dục vọng và sự thân mật tự tạo dựng. Trong các show hẹn hò thực tế, chúng ta thường hay được xem cảnh một hoặc cả hai người nói về mối quan hệ cũng như cách họ đã phải lòng người kia. Những cảnh này sẽ xuất hiện sau khi hai người đó đã xác nhận là họ “đang yêu nhau”.

Họ không nói dối. Có thể họ yêu nhau thật, và cũng có khả năng họ đang lầm tưởng. Các show hẹn hò thực tế thường sắp đặt nhiều tình huống và bối cảnh để khơi gợi tương tác và tăng cảm giác gần gũi của đôi bên. Các hành động thân mật như nắm tay, ôm, hôn, quan hệ tình dục,… đều kích thích cơ thể chúng ta giải phóng oxytocin – hay còn gọi là hormone tình yêu. Nó khiến chúng ta cảm thấy gắn bó và kết nối với người kia. Vì thế, có thể mặc dù bạn nghĩ rằng bạn đang yêu, nhưng sự thật là oxytocin đang lừa bạn đấy.

Ngoài những tiếp xúc cơ thể thường xuyên và mãnh liệt, những show hẹn hò thực tế còn tạo điều kiện để phát triển sự gần gũi về mặt cảm xúc và tinh thần.

Trong các cuộc hẹn (nhưng thường là từ buổi gặp mặt đầu tiên), một trong hai người sẽ bộc bạch về những thông tin vô cùng riêng tư, ví dụ như một trở ngại nào đó trong cuộc sống cá nhân, bất hạnh tuổi thơ, gia đình không êm ấm, mối quan hệ thất bại trong quá khứ, hay những bất ổn tâm lý mà mình đang đối mặt. Việc này giúp tăng cảm giác gần gũi và thân mật cho cả hai người, cho dù lời chia sẻ đó có được hồi đáp như mong muốn hay không.

Việc chúng ta chia sẻ về những điều rất riêng tư hoặc bộc lộ khía cạnh yếu đuối, dễ bị tổn thương cho đối phương là việc bình thường. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi cả hai đã ở bên nhau đủ lâu, người này thấy người kia đủ tin tưởng và an toàn để chia sẻ.

Mọi mối quan hệ bền vững và lành mạnh đều cần thời gian để phát triển. Yêu đương cũng thế. Đừng vội tuyên bố với người kia rằng bạn yêu họ và sau đó ra sức chứng minh rằng điều bạn nói là đúng, vì rất có thể từ đầu nó đã sai mất rồi. Hãy bình tĩnh, từ tốn, xét lại chính cảm giác của bản thân mình trước đã.

4. Vui thôi đừng vui quá

Ngoài việc được thiết kế để đẩy nhanh tốc độ phát triển của sự thân mật, các show hẹn hò thực tế còn rất biết cách để đưa mức adrenaline của cả thí sinh và người xem lên mức cao nhất. Những tình huống mà thí sinh tham gia, những cuộc hò hẹn của các cặp đôi đều được ưu tiên sự kịch tính, mới lạ, hấp dẫn. 

“Nụ hôn của tình yêu đích thực có vị ngọt như đường”, nhưng trong đời thực, bạn có chắc chắn 100 nụ hôn đều ngọt như nhau? (Mà nếu vậy thật thì cũng chán chết). Mối quan hệ đời thực vẫn có thể thú vị và vui vẻ, nhưng không phải lúc nào nó cũng như thế. Chúng ta vẫn còn cuộc sống, vẫn cãi vã, vẫn bất đồng quan điểm, vẫn có những lựa chọn khó khăn, những cuộc nói chuyện nghiêm túc về tương lai nếu muốn bên nhau lâu dài.

Mọi thứ không phải lúc nào cũng sẽ vui vẻ và thú vị, nhưng không sao, vì đó mới là điều lành mạnh và bình thường.

Photo: Teo Mkalavishvili

Xem thêm:
Trước lạ sau yêu với 36 câu hỏi giúp ta gần nhau hơn
Vén màn bí mật “tình yêu sét đánh”
Những cái yêu thương 0 đồng ở khắp Việt Nam
Ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì?

Mi Nguyen

Recent Posts

Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương đưa người xem vào “Cõi An Thường” qua các bức hoạ sơn mài

Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…

9 giờ ago

Xem chỉ tay: Từ góc nhìn khoa học và cách bói đúng

Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…

1 ngày ago

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

2 ngày ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

4 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

5 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

5 ngày ago