Lifestyle

#HọNóiLà: Chuyện nhập ngũ – “Tôi xin lỗi đồng chí dép”

Lại một mùa nghĩa vụ quân sự nữa đang đến. Theo quy định, công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi và những người được tạm miễn do học Đại học, Cao đẳng cho đến 27 tuổi sẽ bắt đầu khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Các công tác chuẩn bị và lên đường cho việc đi quân sự sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 2, 3 năm sau.

Có thể bạn chưa biết, nhưng chuyến “công tác xa nhà” này sẽ đem đến cho người tham dự những mức hỗ trợ cơ bản sau:

  • “Gói hỗ trợ công tác phí” trong khoảng 75 triệu bao gồm: phụ cấp hàng tháng, tiền ăn uống, bảo hiểm y tế, trang phục và hỗ trợ nhà ở
  • Được cấp BHYT (Bảo hiểm y tế), khám chữa miễn phí cho bản thân, bố mẹ, vợ và con (nếu có) trong vòng hai năm
  • Được tham dự các lớp rèn luyện thể chất, kỹ năng mềm như: bắn súng, ném lựu đạn cùng bộ võ học toàn diện bao gồm: 8 thế tấn, 16 động tác võ thể dục… và các kiến thức nông nghiệp thiết thực.
  • Rèn luyện khả năng nghệ thuật thông qua các lớp năng khiếu: Hát, trình diễn nghệ thuật, đọc thơ, đàn guitar, thổi sáo…
  • Trải nghiệm các bãi tập gym, bể bơi ngoài trời quanh năm
  • Tham gia vô số các lễ hội trong quân ngũ như kỷ niệm ngày thành lập quân đoàn, ngày thành lập sư đoàn, ngày thành lập trung đoàn và các cuộc thi văn nghệ, kể chuyện cũng như tiệc mừng sinh .
  • Cùng hành trang mang về là vô số câu chuyện cực kỳ vui nhộn, trải nghiệm thú vị về cuộc sống trong quân ngũ.

Mặc dù hoạt động này diễn ra đều đặn hàng năm, nhưng cứ mỗi lần giấy báo nghĩa vụ quân sự được gửi đi, mọi người đều trở nên xôn xao về con đường “đi công tác xa nhà” sắp tới. Theo thông tin từ showbiz thì năm 2020, chương trình nhập ngũ của giới giải trí mang tên Sao Nhập Ngũ sẽ có sự tham dự của: Hoa hậu Kỳ Duyên, diễn viên Diệu Nhi, Nam Thư, Khánh Vân (Mắt Biếc), ca sĩ Dương Hoàng Yến, YouTuber Hậu Hoàng… Còn trong đời thật, các bước triển khai cho sự kiện này vẫn đang được tiến hành.

Trước đó, hãy cùng The Millennials trò chuyện với một cậu bạn đã từng làm animation (đồ hoạ hoạt hình) cho một công ty truyền thông, sau đó trải nghiệm một bước ngoặt lớn nhất cuộc đời là lên đường trở thành một quân nhân chân chính nhé!

Trong thời gian tại ngũ, chàng trai tên là Nguyễn Phú Thịnh – sinh năm 1995 đã ôm về cho mình những thành tích kha khá bao gồm:

+ Giải nhì giải bóng đá toàn Lữ đoàn Công Binh 299
+ Giải nhất cuộc thi kể chuyện Bác Hồ thường niên Lữ đoàn Công binh 299
+ Giải nhất cuộc thi văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm Sư đoàn Quân Tiên Phong

Nếu dùng một bộ phim để giới thiệu bản thân mình, đó sẽ là bộ phim nào?

Mình nghĩ mãi không nhớ phim nào phù hợp với hoàn cảnh của mình, nhưng chắc chắn phim ấy sẽ có chủ đề liên quan đến Unbroken. Bởi vì trong quá trình đi bộ đội, mình phải trải qua ti tỉ cái khó khăn, nhưng mà bản thân vẫn cố gắng vượt qua được mọi thứ mà chưa bao giờ ngừng cười cả.

Thịnh có nghĩ giấy gọi nhập ngũ như một nút “Pause/Dừng” của cuộc đời mình không? Khi xuất ngũ, cuộc sống của bạn có trở lại như trước?

Chắc là có. Trước khi nhập ngũ, mình đang làm animation cho một agency truyền thông, nên về cơ bản khối lượng công việc rất nhiều, cả ngày hầu như chỉ làm việc và chạy deadline nên nhịp sống của mình trước đây khá là vội.

Còn khi đi Nghĩa vụ quân sự (NVQS), cuộc sống của mình diễn ra chậm hơn rất nhiều, mọi thứ đều cố định theo lịch trình, không có điện thoại để giết thời gian rỗi như trước nữa nên mình cũng có những khoảng lặng để tập trung suy nghĩ hơn. Nói chung là đi NVQS, cuộc sống bình thường của mình bị “tạm dừng” đúng nghĩa, và mình phải tạm sống một cuộc sống hoàn toàn khác trước đó.

Khi xuất ngũ, mình đã nghĩ rằng mình sẽ trở về với công việc và cuộc sống cũ, nhưng thực ra nó không như mình nghĩ. Suy nghĩ của mình có bị tiêu cực hóa đi một chút. Mình kém tự tin đi rất nhiều. Bạn bè cùng trang lứa với mình thời điểm đó đều đang phát triển sự nghiệp rất tốt, còn mình thì như quay trở lại từ đầu nên đôi lúc cảm thấy thua kém hơn so với các bạn. Thậm chí, sau hai tháng đầu mới về nhà, mình có đi hẹn hò với một cô gái. Nhưng vì bạn ấy “xịn xò” quá, mà mình chưa có thu nhập lại nên khá tự ti. Lúc nào mình cũng nghĩ bản thân là kèo dưới nên đã tự rút lun.

Chắc trong thời gian nhập ngũ, bạn chỉ có thể tiếp xúc được với toàn con trai thôi, nên mỗi khi nhìn thấy các bạn nữ thì bạn thấy thế nào?

Thực ra thì mình cũng là trai thành phố, và xung quanh bạn bè là con gái ai cũng rất xinh nên cái tiêu chuẩn “ngắm gái” của mình cũng gọi là cao hơn bình thường một chút.

Chia sẻ thật, hồi 2-3 tháng đầu thì nhìn các chị em ở tỉnh giản dị quá, không được như con gái thành phố nên cũng không quen mấy. Anh em cùng đơn vị cứ hú hét loạn hết cả lên, còn mình thì cũng không quan tâm nhiều. Nhưng khoảng ba tháng sau đổ lại, không còn nhìn thấy con gái nữa nên cái gọi là tiêu chuẩn đã mất sạch. Mình nhận ra tất cả các bạn gái đều là tuyệt tác của tạo hoá hết.

Hình phạt hài hước nhất mà bạn đã từng trải qua trong quá trình nhập ngũ?

“Tôi xin lỗi đồng chí dép.”

Ở quân đội, về cơ bản là mọi thứ phải được xếp ngay ngắn và vuông góc, dép cũng thế. Mỗi sáng thức dậy, ai cũng phải để dép ngay ngắn ở ngăn đựng dưới giường, cạnh dép phải thẳng hàng song song với cạnh giường.

Thế là một hôm, do sáng đến lượt mình phải chuẩn bị vật chất huấn luyện, thế là vội vội vàng vàng gấp chăn (gấp chăn lâu lắm đấy, để vuông vắn phải mất tầm 15-20p cơ), rồi cho vội đôi dép lên giá mà không chỉnh thẳng thớm. Đến trưa, khi đi trực ban và đọc trên “bảng vàng nội vụ xấu” (danh sách những người gấp chăn xấu, đệm không phủi phẳng và dép bừa bãi) thì dĩ nhiên là tên mình được xướng lên đầu.

Và rồi mình, cũng như những đồng chí gấp chăn xấu khác, bị phạt giữa trưa 12 giờ ra sân đang nắng to vỡ đầu để nói: “Tôi xin đồng chí dép vì đã để đồng chí không ngay ngắn.” Còn bọn gấp chăn xấu cũng phải ôm chăn xin lỗi tương tự. Xin lỗi suốt 10 phút, tưởng chừng thế là xong, thì trưa vào ngủ lại bị bắt ôm dép như ôm em bé cả buổi.

Chả phải nói về sau dép lúc nào cũng được xếp thuộc dạng đẹp nhất trung đội.

Làm thế nào để có cuộc sống “dễ thở” hơn khi đang đi làm nghĩa vụ quân sự?

Đầu tiên, dễ thở hơn ở đây nghĩa là sẽ ít phải đi lao động nặng và lao động nhiều. Thế nên dễ thở nhất là được làm “cò.” Cò ở đây nghĩa là làm “trợ lý riêng” cho các sĩ quan cấp trên.

Về cơ bản người này sẽ lo làm hết các việc vặt cho sĩ quan như giặt quần áo, dọn giường, ghi chép sổ sách, và tất tần tật các việc lặt vặt. Cò cho sĩ quan càng cao thì càng sướng. Làm cò thì anh em khác đi lao động tay chân, làm ruộng các thứ, còn mình thì có thể làm những thứ nhẹ nhàng hơn. Để được làm cò thì đầu tiên là phải được việc, biết làm nhiều thứ. Tiếp theo là phải nhanh nhẹn và chủ động, đề xuất khả năng của mình với cấp trên.

Nếu không thích vị trí “trợ lý” cho lắm, thì còn nhiều cách. Ai biết nhiều về máy tính, đặc biệt là biết nhiều về Word và Excel thì cuộc sống cũng “dễ thở” hơn rất nhiều. Các sĩ quan có rất nhiều giáo án cần được soạn trên máy tính, thế nên vớ được một thằng biết dùng máy tính ở trong đội thì như vớ được vàng luôn.

Mình thì được cái cũng khá giỏi mấy cái tin học, văn phòng, và máy tính nói chung nên sau khi tìm được “nhân tài,” các sĩ quan từ cấp dưới đến cấp trên đều nhờ mình gõ văn bản và gõ sổ sách, thế là mình may mắn được ngồi quạt mát và dùng máy tính.

Ngoài ra còn hai điều mà mình cảm thấy sẽ giúp cuộc sống này “dễ thở” hơn, đó là biết múa hát và đá bóng giỏi. Mình thì vừa biết múa hát, vừa đá bóng khá, nên buổi chiều giờ tăng gia, anh em đi làm, còn mình thì được ở nhà tập hát hoặc tập bóng.

Tóm lại là, biết làm nhiều thứ biết sử dụng máy tính văn phòng, biết múa hát, đàn ca sáo nhị, biết đá bóng hay, thì cuộc sống quân sự sẽ “dễ thở” hơn nhiều.

Điều gì phạm quy bạn đã làm mà bạn suýt bị bắt?

Ở bộ đội cấm dùng điện thoại di động. Có một lần vào ban đêm, mình đã lén trùm chăn để dùng. Tự nhiên nghe thấy tiếng cửa mở, thế là theo phản xạ, mình nhanh chóng để điện thoại xuống dưới đệm. Hôm đó, trung đội trưởng vào phòng kiểm tra xem có đứa nào dùng điện thoại không. Hai đứa cùng phòng mình bị bắt tại trận, còn mình thì giả vờ ngủ nên may mắn thoát nạn. Nếu bị bắt được thì sẽ đập luôn điện thoại đó.

Đã có điều gì “như phim” mà bạn đã thực hiện trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa?

Từng trèo tường trốn doanh trại để về dự đám cưới bạn thân. Mình có cô bạn thân chơi với nhau 11 năm, hai đứa cũng biết nhau từ hồi mẫu giáo rồi. Nhưng lúc đám cưới cô bạn đó, mình không thể xin về dự được. Ngày quan trọng nhất của đời nó, mang danh là bạn thân nên sao mà bỏ lỡ được.

Buổi tối khi mọi người ngủ thì mình đã trèo tường ra khỏi doanh trại và sau đó bắt taxi về. Chả phải nói cũng biết được rằng nó thấy mình dự đám cưới mà cảm thấy rất bất ngờ và vui. Dự đám cưới của nó xong, thì ngày hôm sau quay về đơn vị, cả một tháng đó mình bị phạt sấp mặt. Hình phạt nói chung là cũng vừa hôi thối vừa mệt mỏi, nhưng hoàn toàn xứng đáng, bảo mình làm lại thì mình vẫn làm.

Cảm ơn bạn vì phần chia sẻ rất thú vị vừa rồi. Giờ chúng mình đến với những câu hỏi nghiêm túc hơn một tí nhé.

“Những người lính có tình yêu nước lớn hơn người thường.” Câu nói này Thịnh nghĩ có đúng không?

Có thể là đúng với nhiều người khác, còn mình thì không thấy thế cho lắm.

Mình vốn cũng là một người khá bàng quan về chính trị. Quãng thời gian đi quân sự giúp mình hiểu rằng hoá ra chính phủ có quan tâm đến người dân hơn mọi người nghĩ. Tuy nhiên điều thay đổi lớn nhất chính là việc mình biết trân quý gia đình, nâng niu thời gian ở với mẹ và bạn bè hơn. Nói chung yêu nước hơn hay không thì chưa rõ, nhưng yêu những người xung quanh hơn thì có, và sẵn sàng hy sinh cho những người mình yêu thương thì là chắc chắn.

Khi ở trong quân ngũ, bạn có bao giờ nhớ đến những giây phút “tự do” ngoài kia? Điều gì làm bạn nhớ nhất trong thời gian đó?

Có chứ! Xảy ra ngay trong tháng đầu tiên khi mới bắt đầu nhập ngũ luôn.

Doanh trại quân đội của mình, bốn bề là núi, xung quanh là ruộng. Cộng thêm đơn vị của mình cách xa đường chính, nên gần như chả biết ngoài doanh trại đang có cái gì xảy ra cả. Sân chính doanh trại gần cổng ra vào, nên mỗi lần ra tập trung ở đó, mình toàn rướn người nhìn ra cổng, nhìn thấy các xe tải, xe ô tô đi qua lại mà nhớ lại cái cảm giác tự do. Trong lòng cứ tự hỏi rằng “Nếu giờ này đang ở nhà thì mình sẽ làm gì nhỉ?”

Bạn nghĩ nhập ngũ có nên là một sự lựa chọn hay không? Hay đó nên là một nghĩa vụ cần thiết mỗi người dân bắt buộc phải thực hiện?

MÌnh nghĩ việc nhập ngũ nên là một sự lựa chọn hơn là một sự bắt buộc, hoặc bắt buộc nhưng thay đổi tiêu chí đánh giá xét tuyển nhập ngũ. Theo luật, công dân học Đại học/Cao đẳng khi ra trường sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoặc bị gọi cho đến năm 27 tuổi.

Cá nhân mình cảm thấy rằng, cái thời điểm 22-27 tuổi là giai đoạn để phát triển sự nghiệp. Vì thế mà khi công việc của bạn đang ổn định, bỗng dưng phải đi hai năm quân sự, những kiến thức, kỹ năng chắc chắn sẽ bị mất đi rất nhiều, cũng như mất đi các cơ hội công việc.

Vậy nên theo ý kiến cá nhân của mình, Nhà Nước có thể sửa đổi tiêu chí tuyển quân linh động hơn. Chẳng hạn như Hàn Quốc được lựa chọn thời gian thực hiện nghĩa vụ, hoặc như quân đội Mỹ cho phép người dân lựa chọn quyền thực hiện NVQS hay không, và nếu đăng ký sẽ được hưởng những đãi ngộ phúc lợi xã hội tốt hơn.

Bạn nghĩ sao về nhận định sau?

Quân ngũ rõ ràng có sức mạnh của riêng nó để thuần hóa những “chú ngựa hoang.” Đáng nói, kỷ luật không phải là tất cả, đó là còn là sự cảm hóa để mỗi chiến sĩ cảm nhận được sự thay đổi, trưởng thành từ bên trong, để chính họ tự nhận thức được trách nhiệm và cả tình yêu thương cứ thế lớn dần lên.

Đầu tiên, khi mà bước chân vào doanh trại quân đội, điều bạn sẽ cảm nhận được rõ nhất đó là tình yêu thương của bạn với gia đình. Mình đi bộ đội ở tuổi 24, nghĩa là bản thân mình cũng đang ở độ tuổi đủ trưởng thành rồi, lúc đó đang đi làm kiếm tiền và cũng chả mấy khi ở nhà. Không phải là tuổi “trẻ trâu” 18-19 nữa.

Mà khi nhập ngũ, mình hiểu được giá trị gia đình, đặc biệt là cảm thấy thương mẹ như thế nào. Thời gian càng trôi đi thì tình yêu thương ngày càng lớn lên. Mình cũng là một người hay nói chuyện với mẹ, nhưng trong quá trình đi bộ đội, mình tâm sự với mẹ nhiều hơn. Cả tuần chỉ mong ngóng tối thứ Sáu để có thể ra căng tin gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ. Căng tin tính phí một nghìn đồng mỗi phút, mà lần nào nói chuyện xong mình cũng phải mất đến hơn mấy chục nghìn tiền điện thoại.

Và để nói đến sự thay đổi, trưởng thành từ bên trong, các bạn sẽ cảm nhận điều đó rõ nhất của các chiến sĩ ở những ngày cuối sắp xuất quân. Hồi đấy mình có ngồi ăn uống liên hoan chia tay với mấy anh em. Trước đấy, có thể họ là những người khá lông bông, suốt ngày ăn chơi và bố mẹ chu cấp tiền. Nhưng khi đi bộ đội chuẩn bị về, họ nhận thức được rằng họ sẽ là lao động chính, nuôi dưỡng bố mẹ. Thế là lúc tâm sự, họ đã nói về việc mình sẽ làm gì sau khi xuất ngũ để kiếm tiền nuôi gia đình. Hầu hết những người xuất ngũ với mình khóa đó đều trên dưới 20 tuổi thôi, mà họ có suy nghĩ như vậy là tốt hơn rất nhiều so với nhiều trai thành phố như mình ở tuổi 20 rồi.

Bài phỏng vấn cũng đã khá dài nên The Millennials xin được hỏi bạn một câu cuối cùng thôi nhé

Một mùa nhập ngũ nữa sắp tới, nếu được chia sẻ với các tân binh chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ của mình, bạn sẽ nói gì?

Nhập ngũ là một điều không hề dễ dàng gì, bạn sẽ mất nhiều thứ nhưng bù lại bạn cũng sẽ học hỏi rất nhiều điều mới. Bạn sẽ chững chạc và trưởng thành hơn rất nhiều và bạn sẽ gần như biết làm tất cả mọi thứ mà một người đàn ông cần biết để có thể là trụ cột trong gia đình. Đi bộ đội sẽ giúp bạn trân trọng những thứ mà bạn đang có ở cuộc sống hiện tại, đặc biệt là bạn sẽ trân trọng gia đình mình nhiều hơn. Mặc dù sẽ có những thời điểm khó khăn, nhưng các bạn biết đấy “Khổ trước, sướng sau.” Đã trải qua xong những cái khó khăn ở bộ đội rồi, thì khi ra ngoài xã hội, mỗi khi gặp khó khăn, các bạn sẽ có thể thích ứng nhanh hơn và giải quyết được mọi thứ tốt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn thành công hơn sau này.

À, chuẩn bị nhập ngũ, nhớ mang quạt theo nhé, nó sẽ giúp bạn có cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều trong những tháng đầu tiên đấy.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago