Trần Quỳnh Trân (? – 1308), được sinh ra trong hoàng tộc họ Trần (con gái vua Trần Thánh Tông) và cũng là chị ruột của vua Trần Nhân Tông. Trần Quỳnh Trân không chỉ nổi tiếng bởi sắc đẹp và tài năng, do được sắc phong là Thiên Thụy công chúa nên sử chép về bà đều chép là Thiên Thụy. Bà còn là con trưởng của Vua nên cũng thường được gọi là Thái Trưởng công chúa Thiên Thụy. Ngày nay hàng nghìn chữ kể lại về cuộc đời bà vẫn còn được lưu giữ trên bia đá dựng ở đền Mõ.
Tương truyền rằng Thiên Thụy công chúa được biết đến là một trong những công chúa xinh đẹp và thông minh bậc nhất thời bấy giờ. Nàng sở hữu vẻ đẹp kiều diễm, tài năng văn chương và âm nhạc. Nàng được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ không chỉ vì nhan sắc mà còn bởi tâm hồn và trí tuệ vượt trội.
Bấy giờ cũng có một viên tướng kiêu dũng trí tuệ nổi danh trong triều là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Năm 1257, khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, viên tướng trẻ Trần Khánh Dư cùng với các tướng lĩnh khác, đã ghi dấu ấn trong lịch sử bằng những chiến công hiển hách.
“Sau khi đánh người Man ở núi, đại thắng, Trần Khánh Dư lại được phong Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ nếu không phải là hoàng tử thì không được phong, vì ông là con nuôi vua nên mới được. Ông được vua yêu, từ tước hầu mấy lần được phong lên Thượng vị hầu áo tía, rồi cất lên làm phán thủ“, sách Lịch triều hiến chương loại chí chép.
Là con nuôi của vua nên Trần Khánh Dư thường được tự do ra vào cung cấm. Đây cũng tạo nên cơ duyên để Nhân Huệ vương và Thiên Thụy công chúa gặp mặt nhau. Công chúa với sự cảm mến trước sự kiêu hùng, tài trí, cùng vẻ ung dung tự tại của vị tướng trẻ này. Còn vẻ đẹp và phong thái của công chúa Trần Quỳnh Trân cũng nhanh chóng thu hút ánh nhìn từ vị tướng. Cả hai đem lòng ngưỡng mộ, rồi không biết từ lúc nào đôi trai tài gái sắc đó đã bắt đầu yêu nhau say đắm.
Song thật oái ăm, hạnh phúc của Thiên Thụy công chúa và vị tướng trẻ không kéo dài được lâu. Khi vua Trần Thánh Tông phát hiện ra mối tình này, ông quyết định can thiệp để bảo vệ danh dự của hoàng gia và đảm bảo tương lai khác cho con gái của mình. Bên cạnh đó, Hưng Vũ vương Nghiễn, tức Trần Quốc Nghiễn (con trai của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) cũng say mê công chúa Thiên Thụy.
Trước danh tiếng và quyền lực trụ cột của Hưng Đạo Vương, cùng việc hỏi cưới công chúa Quỳnh Trân cho con trai mình nên vua Trần Thánh Tông đành phải hứa gả. Sau thời gian lần lữa không đồng ý, trước áp lực gia đình và xã hội, không thể cưỡng lệnh cha, công chúa buộc phải chia tay người tình, chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu trong nỗi đau khổ tột cùng.
Nhưng vì không dứt được tình cũ, sau đó Trần Khánh Dư và Thiên Thụy công chúa vẫn lén lút gặp nhau. Hạnh phúc của cả hai không kéo dài được lâu thì mối quan hệ của họ bị phát giác. Sự kiện tày trời này nhanh chóng bị lan tỏa khắp triều đình, cha con Hưng Đạo vương rất tức giận. Chuyện vỡ lở, Trần Khánh Dư bị phạt vì tội thông dâm, theo luật bấy giờ phải bị xử tội chết, tịch thu hết tài sản.
Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông đã lên nối ngôi cha, vừa sợ phật ý Hưng Đạo vương, nhưng lại vừa thương chị gái mình, cũng như tiếc người tài là Trần Khánh Dư (cũng là Thiên Tử nghĩa nam). Nhưng chuyện tình lén lút của công chúa đã gây ra xáo động lớn trong triều nên cuối cùng nhà vua đành ban lệnh dùng cực hình, phạt Khánh Dư 100 trượng, đánh tại Hồ Tây. Tuy nhiên sau đó vua đã ngầm dặn những người thi hành lệnh không được phép đánh chết Khánh Dư.
Sau khi hình phạt được ban xuống thì chiếu thư cũng thông cáo đoạt hết quan tước, tịch thu hết tài sản của Phiêu Kỵ đại tướng quân và buộc ông phải lui về Chí Linh là thái ấp của phụ thân, làm nghề bán than kiếm sống. Còn với Thiên Thụy công chúa thì bị cha con Hưng Đạo vương trả về sống tại cung riêng, việc hứa hôn lúc trước cũng bị huỷ bỏ.
Vài năm sau đó, quân Nguyên lăm le xâm lược nước ta lần thứ 2. Tháng 10 năm 1282, khi nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc, vua Trần Nhân Tông bắt gặp lại được Khánh Dư đang chèo thuyền lớn chở đầy than củi lướt qua. Trong tình thế đang cần tướng tài chống giặc, ông sai người chèo thuyền đuổi theo. Đến cửa Đại Than, khi biết chắc đó là Nhân Huệ vương, vua mừng rỡ sai người triệu Khánh Dư đến, rồi cho theo xa giá về lại triều và phong ngay làm Phó đô tướng quân quản lãnh một cánh quân mạnh chuẩn bị chặn giặc.
Về lại Thăng Long, Nhân Huệ vương lại có cơ hội gặp Quỳnh Trân công chúa. Tình cũ vẫn chưa nguôi, họ lại quấn quýt không rời, đến nỗi chính sử phải chép lại rằng: “Rút cuộc Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ”. Sau đó, do để giữ thể diện cho hoàng gia, vua Nhân Tông buộc lòng phải lệnh cho chị gái xuất gia. Không còn cách nào khác, đầu năm 1284, công chúa Quỳnh Trân giã từ lầu son gác tía, đến với mảnh đất ven sông Văn Úc hoang sơ chọn một gò đất cao lập am tu hành. Chuyện tình của cả hai cũng chia cắt vì xa cách.
Sau khi xuất gia, Trần Quỳnh Trân sống một cuộc sống giản dị và thanh tịnh trong chùa. Tại đây, bà lập điền trang trồng cấy lương thực, mở chợ, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành nên trang Nghi Dương( nay là xã Ngũ Phúc, H.Kiến Thụy, Hải Phòng). Cái am nhỏ dần được bà dựng thành chùa, đêm ngày gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Dần dần người dân quanh vùng quen với tiếng mõ nên từ đó đã gọi ngôi chùa với cái tên mộc mạc là chùa Mõ.
Trong thời gian tu hành, bà còn cứu cấp chẩn bần, đem kiến thức của mình giáo hóa nhân dân, khuyến khích dân khai hoang, phát triển nông trang, lập thêm làng. Những năm thiên tai mất màu, bà xin mua miễn thuế cho năm xã trong vùng.
Cuối năm 1284, quân Nguyên do Trấn nam vương Thoát Hoan chỉ huy tiến sang xâm lược nước ta. Năm 1285, tướng giặc là Ô Mã Nhi tiến đánh phá vỡ được phòng tuyến. Trước thế giặc hung hãn, triều đình đã họp bàn và đưa ra quyết định chọn một công chúa có nhan sắc dâng cho địch để cầu thân. Quỳnh Trân, được triều đình lựa chọn, nhưng trước sự phản đối kiên quyết của bà, nhà vua đành để bà quay về lại am cũ (và chọn An Tư công chúa thay thế). Từ đó, Thiên Thụy một lòng quy Phật, mối tình với Khánh Dư được bà mãi mãi chôn sâu trong lòng.
Theo sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, năm 1308, bà ốm nặng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông bấy giờ là Trúc Lâm đại sĩ, đang tu trên núi Yên Tử hạ sơn đến thăm chị gái. Trước lúc ra về, ngài ngậm ngùi cầm tay bà nói: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, âm phủ có hỏi thì bảo rằng, xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”.
Ngày mồng 3 tháng 11 năm đó bà chúa Mõ mất. Song cùng ngày hôm đó Thượng hoàng Nhân Tông cũng băng hà. Trần Nhân Tông là em ruột, lại là người chứng kiến cũng như xử lý toàn bộ chuyện tình ngang trái của công chúa Quỳnh Trân nên đã rất hiểu và vô cùng thương người chị gái đa đoan của mình. Cuộc viếng thăm của ông trước khi bà ra đi có lẽ là lời tạ lỗi của đức vua với người chị gái đáng thương.
Xem thêm:
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…