Lifestyle

Vì sao bạn vẫn cô đơn ngay cả những khi bạn không một mình?

Bạn đang tham dự một buổi họp mặt vô cùng lý tưởng — xung quanh toàn người thú vị, đồ ăn ngon, chủ đề trò chuyện hay ho. Nhưng giữa những hào hứng, sôi nổi, ồn ào ấy, bạn vẫn thấy mình dường như đang ở đâu đó một mình, cách xa tất cả những thứ tuyệt vời trước mặt hàng cây số. 

Cô đơn chỉ cảm giác, trong khi một mình là trạng thái. Nếu bạn thấy cô đơn, có thể bạn đang cảm thấy mất kết nối về cảm xúc và tinh thần với thế giới, dù cho xung quanh bạn không hề thiếu người để trò chuyện hoặc vui đùa”.  

Tại Hoa Kỳ, cô đơn đã trở thành một dạng “xu hướng” kể từ 2018. Khảo sát do công ty bảo hiểm sức khỏe Cigna thực hiện vào tháng 1/2020 cho biết, cứ 5 người ở Mỹ thì có 3 người thường xuyên cảm thấy cô đơn, đặc biệt là những người “không có những mối quan hệ thân thiết để khiến họ cảm thấy an toàn hay được yêu thương”. Cảm giác cô đơn cũng gia tăng đáng kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Theo báo cáo công bố tháng 2/2021 của dự án Making Caring Common (Harvard Graduate School of Education), có 36% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy cô đơn mọi lúc.

Một số người hoàn toàn ổn khi có nhiều bạn bè, một số khác sẽ muốn có ít bạn thôi, cũng như không thiếu người thích dành nhiều thời gian ở một mình. Tuy nhiên, không cần biết bạn là ai, đôi khi sẽ có lúc bạn cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập ngay cả khi có rất nhiều người bên cạnh. Biết được những nguyên nhân dẫn đến việc này sẽ giúp bạn hòa hợp tốt hơn với những người xung quanh và cả với chính mình.

Bạn khao khát cảm giác thân mật, gần gũi

Bạn cô đơn, bởi vì bạn khao khát một sự kết nối. Kisa Asatryn — chuyên gia tư vấn về mối quan hệ — chia sẻ, “Nếu mối quan hệ của bạn với một ai đó đang thiếu những yếu tố gần gũi và kết nối, nó sẽ khiến bạn cảm thấy bị cô lập hơn cả lúc bạn chỉ có một mình.”  Mong muốn được trở nên tương đồng hơn, thân mật hơn, gắn bó hơn,… với ai đó là thứ giúp chúng ta kết nối với người khác, giảm đi nỗi cô đơn của mình.

Nói cách khác, bạn dễ thấy cô đơn hơn nếu những mối quan hệ tình bạn hoặc tình cảm lãng mạn hiện tại đang không đáp ứng được một số nhu cầu về tinh thần / cảm xúc của bạn. 

Bạn có thể thử khởi tạo và nuôi dưỡng sự gần gũi đó bằng cách sắp xếp nhiều thời gian để bên cạnh nhau hơn, và trong những lúc đó thì đừng để bị xao nhãng bởi thứ khác. Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng có thể đối phương đang không mong muốn cùng một thứ với bạn — không phải ai cũng sẵn sàng mọi lúc để phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với mọi người.

Bạn là người hướng nội

Người hướng nội hay bị cho là những kẻ độc hành — thích một mình và có xu hướng tách bản thân khỏi thế giới. Thực tế thì khác. Người hướng nội vẫn có thể giao tiếp, tương tác, thậm chí sôi nổi, nhiệt tình trong giao thiệp xã hội. Tuy nhiên những thứ đó dễ làm họ kiệt sức, và họ cần được bù đắp năng lượng bằng những khoảng thời gian một mình.

Nếu bạn là một người hướng nội, cũng không có gì lạ nếu thỉnh thoảng bạn thấy mình “cô đơn giữa đám đông”. Đó là dấu hiệu bạn đang cần “sạc pin”, là cách cơ thể bạn đang bảo vệ chính mình, tránh để năng lượng tinh thần và cảm xúc của bạn tuột quá thấp.

Bạn cần chất lượng, không phải số lượng

Nếu lý giải cô đơn theo kiểu thiếu bạn bè, thì về lý thuyết, bạn muốn có bao nhiêu bạn bè cũng được. Việc quen biết và kết bạn chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến thế trong bối cảnh ngày nay. Nhưng nếu bạn không đầu tư để duy trì và phát triển những mối quan hệ này, thì cảm giác cô đơn của bạn vẫn sẽ không được gỡ bỏ. 

Để có thể thực sự cảm thấy kết nối với ai đó, cách tốt nhất là dành cho họ con người thật của bạn. Và bạn không thể trao con người thật của mình cho hàng chục người theo cách giống nhau được. Làm gì có ai đủ năng lượng và thời gian đâu. Vì vậy, đừng đi tìm thật nhiều bạn bè, mà hãy có cho mình những người bạn thật sự.

Bạn có cảm giác đề phòng với những người xung quanh

Có thể do họ — những người bên cạnh bạn — đang không sẵn lòng để kết nối về cảm xúc hay để phát triển mối quan hệ với bạn lên một mức độ gần gũi hơn. Cũng có thể do bạn đang dựng lên một hàng rào ngăn cách mình với mọi người, vì vậy họ không nhìn thấy rằng bạn cũng khao khát một sự kết nối.

Có nhiều lý do để một người trở nên đề phòng những người xung quanh hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng trung thực và chân thành là chìa khóa cho mọi mối quan hệ lành mạnh. Việc gì cũng có hai mặt, trở nên thân thiết hơn với người khác cũng thế. Nó cho chúng ta cơ hội để kết nối, đồng thời tăng nguy cơ bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu đây là vấn đề hiện tại của bạn, thì bạn cần tìm cách để giải quyết những bất an và lo lắng của mình, để có thể thật sự tự tin và sẵn sàng để mở lòng với người khác.

Bạn đang dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội

Liên tục kiểm tra và sử dụng điện thoại mà không vì mục đích gì cụ thể có thể là dấu hiệu cho thấy bạn là người có xu hướng thoát ly thực tại để ‘chạy’ sang một không gian khác. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, một người càng cô đơn thì họ sử dụng mạng xã hội càng nhiều, và hệ quả là họ sẽ càng tự cô lập mình khỏi thế giới thực nhiều hơn, dẫn đến tình trạng cô đơn hơn.

Mạng xã hội cho chúng ta cảm giác rằng mình đang “ở cùng rất nhiều người khác”. Nhưng vì ta không thể tương tác mặt đối mặt, cũng như không được chủ động trải nghiệm cuộc sống của những người đó cùng với họ, nên mạng xã hội càng làm trầm trọng thêm cảm giác bị cô lập cảm xúc khi đang ở trong một nhóm người — ngay cả khi sự hiện diện của họ chỉ là ảo.

Làm gì để tương tác khi thấy cô đơn?

Đôi khi tâm trí chúng ta có thể “chạy lạc” một chút về quá khứ hoặc tương lai, nhưng trạng thái có mặt ở hiện tại là quan trọng và cần thiết để biểu hiện sự tôn trọng mà bạn dành cho đối phương, đặc biệt là trong những trường hợp giao tiếp, tương tác xã hội.

Có những cuộc nói chuyện mà ta có thể dễ dàng rút lui nếu thấy không ổn, nhưng cũng có nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải tiếp tục ở lại đó cho dù có đang thấy khó chịu đến đâu. Những lúc này, bạn có thể áp dụng một vài “bí quyết” như: duy trì giao tiếp bằng mắt hoặc gật đầu để biểu thị rằng bạn đang lắng nghe, đặt câu hỏi mở / câu hỏi liên quan đến nội dung đối phương vừa trình bày để cuộc trò chuyện có thể tiếp tục, …

Việc tập trung vào những tương tác thế này vừa để đối phương có được cảm giác tôn trọng, vừa cho bạn cơ hội thực hành để tạo ra kết nối — “liều thuốc giải” bạn đang trên đường đi tìm. 

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago