Explore

#Localzine: Có gì bên trong Dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp?

#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt

Nằm trong khuôn viên vườn với diện tích lớn nhất TP.HCM (khoảng 1,5 hecta), dinh thự của Tổng lãnh sự quán Pháp tại số 6 Lê Duẩn, Q1 không những mang kiến trúc Đông Dương tiêu biểu của thế kỷ 19, mà đây còn là nơi chứa đựng nhiều hiện vật văn hóa và lịch sử quý giá.

Đây là nơi làm việc của Tổng lãnh sự quán Pháp, đồng thời dùng để tổ chức các sự kiện ngoại giao. Ngày thường, dinh thự không mở cửa cho “thường dân” như tụi mình vào… chơi đâu. Hằng năm, chỉ có một lần nơi đây mở cửa cho phép quan khách vào chiêm ngưỡng, đó là vào Ngày hội di sản châu Âu khoảng tháng 9 hằng năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cơ hội hiếm hoi đó cũng bị hủy mất. Thế nhưng, nhờ một sự may mắn hết sức tình cờ mà The Millennials đã có cơ hội đặt chân vào thăm quan khuôn viên dinh thự này, dưới sự hướng dẫn của anh Trung – nhân viên phòng Báo chí Truyền thông và Hộ tịch của Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM.

The Millennials mời mọi người cùng dạo qua những bức ảnh để khám phá những điều thú vị bên trong tòa nhà 150 tuổi này nhé!

Tòa dinh thự này được xây dựng từ năm 1872 bởi các kỹ sư Hải quân Pháp, cùng thời điểm với những kiến trúc chính của Sài Gòn thời bấy giờ như Dinh Norodom – nay là Dinh Độc Lập (1868 – 1873), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863), Nhà thờ Đức Bà (1863 – 1865), và Bưu điện Thành phố (1886 – 1891). Trải bao thăng trầm lịch sử và một số lần trùng tu chính thức, thế nhưng tòa nhà gần 150 tuổi đến nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ trang trọng uy quyền.

Tòa nhà ban đầu là nơi ở và làm việc của các vị Thuyền trưởng Hải quân, sau là của các vị Tổng tư lệnh các lực lượng xứ Nam Kỳ. Đến nay, đây là nơi sống và làm việc của Tổng lãnh sự Pháp tại Việt Nam.

Người hiện đang giữ chức vụ này là ông Vincent Floreani. Ông là người mang ngày Di sản châu Âu về Việt Nam. Đây vốn là ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp, được bắt đầu vào năm 1984 dưới tên Ngày hội mở cửa cho những di sản lịch sử. Theo đó, Ngày di sản sẽ mở cửa cho khách tham quan những tòa nhà mà ngày thường được dùng cho mục đích khác (hành chính, ngoại giao, kinh tế…).

Bình thường, ông sẽ là người hướng dẫn cho du khách thăm quan tòa nhà. Hôm The Millennials đi thì rất tiếc không gặp được ông.
Từ ngoài đi vào, phía trái là nhà khách (trước đây là Tòa án binh), dùng làm chỗ ở cho các khách đến thăm Tổng lãnh sự quán hoặc những vị khách từ Pháp sang

Toàn bộ khuôn viên dinh thự, gồm tòa nhà và khu vườn, có tổng diện tích khoảng 1,5 hecta. Bao bọc dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp là khuôn viên vườn rộng lớn với sự đa dạng về hệ động thực vật. Theo lời anh Trung, có nhiều cây tuổi thọ còn lâu hơn cả dinh thự này.

Không khí bên trong tòa nhà mát mẻ, khác hẳn với cái oi bức của tiết trời Sài Gòn bên ngoài. Vòng quanh tòa là nhà là hành lang dài và rộng cùng 64 cửa sổ mở ra ngoài. Dinh thự được xây dựng để đón nắng và đón gió tự nhiên, mát vào mùa hè mà ấm vào mùa đông, là cách để đảm bảo nhiệt độ trong nhà luôn được điều hòa dù được đặt ở một xứ sở nhiệt đới quanh năm nóng ẩm.

Công trình này thuộc hàng di sản quốc gia của Pháp, thế nên mỗi lần trùng tu là một lần công phu. Kiến trúc sư được mời từ Pháp sang, mỗi chi tiết chỉnh sửa đều được ghi chép và lưu trữ cẩn thận.

Có nhiều phần của tòa nhà mặc dù đã xuống cấp nhưng do chưa tìm được nghệ nhân có tay nghề để tiến hành trùng tu, nên vẫn để nguyên trạng. Điển hình như dãy ngói bằng gốm này.

Ban đầu, tòa nhà được xây dựng theo kiểu của Nhà thờ Đức bà. Phần rào chắn bên ngoài cũng chưa phải là tường bao như hiện tại mà chỉ là rào sắt. Phần rào này tồn tại đến tận năm 1978, sau đó được thay thế. Từ năm 1954 đến 1975, tòa nhà Tổng Lãnh sự được bổ sung mái vòm ở phía cửa, nhưng sau lại bỏ đi. Từ đó đến năm 2000 không có đợt trùng tu lớn nào nữa.

Đến 2003, khu Hành chính được xây dựng thêm với mục đích giải quyết các vấn đề giấy tờ, thủ tục liên quan đến Pháp.

Bàn dùng cho mục đích giải trí của người sống trong tòa nhà, trên lưng của 4 chiếc ghế có khắc gỗ 4 biểu tượng cơ, rô, chuồng, bích là một điểm thú vị cũng như bộ bàn ghế này được đặt đối xứng ở hai góc trái phải của gian trước tòa nhà.
Dãy hành lang pha trộn kiến trúc châu Âu và Đông Á tại Dinh thự Pháp.

Các hiện vật hiện trưng bày trong dinh thự đa phần đến đến từ Dinh Độc Lập. Phần còn lại được chuyển về từ Văn phòng Lãnh sự ở Đà Nẵng (hiện đã đóng). Ngoài ra, một phần không nhỏ những cổ vật này thuộc bộ sưu tập riêng của nhiều cá nhân tình nguyện gửi tặng cho Tổng lãnh sự.

Không gian đón khách này được sử dụng làm nơi tổ chức hôn lễ cho những cặp đôi người Pháp sống tại Việt Nam. Không gian của căn phòng nếu không có đồ nội thất sẽ phục vụ được khoảng 100 người trong một bữa tiệc đứng.
Bức tượng Marianne, biểu tượng của Cộng hòa Pháp từ sau cuộc cách mạng Pháp. Đây là sự nhân cách hóa về tự do và lý trí, và là chân dung của nữ thần tự do Pháp Quốc.
Bức tranh nổi tiếng “Vườn Xuân” được tạo thành từ 9 bức tranh sắp xếp lại, những bức tranh này là của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 -1993). Nghệ thuật sơn mài là nét nổi bật của hội họa Việt Nam thời kỳ trước, tại dinh thự có cất giữ và trưng bày nhiều tác phẩm quý của những danh họa người Việt.
Chiếc tủ này có niên đại từ thời nhà Nguyễn. Phía trên tủ năm nay có thêm một thứ rất-2020: cồn sát khuẩn.

Khung của tòa nhà được làm bằng thép và kim loại, gạch được nhập từ Pháp. Như đa phần các công trình được xây dựng vào thế kỷ 19, dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp không sử dụng bê tông để kết dính mà dùng cát trộn với mật mía.

Một trong những vật đặc biệt trong dinh thự phải kể đến là chiếc cầu thang xoắn ốc độc nhất vô nhị không thể tìm thấy ở nơi nào khác tại Sài Gòn. Cầu thang được lấy vật liệu từ một chiếc tàu chiến Pháp, khi cần có thể tháo rời và di chuyển.
Mặt sau của dinh thự đầy cây xanh. Để duy trì khu vườn, người làm việc ở đây phải đều đặn mỗi ngày cắt cỏ, dọn rác cũng như tìm kiếm côn trùng, rắn rết để xử lý. Nơi đây được dùng để tổ chức tiệc ngoài trời và đón khách với số lượng lớn.
Giữa khu vườn này là 2 bức tượng Phật được một phụ nữ người Pháp có địa vị tặng cho Tổng lãnh sự quán từ những năm 1960. Sau khi quay về Pháp, người phụ nữ này không muốn hai bức tượng bị mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đồng thời muốn Tổng lãnh sự quán cam kết giữ gìn chúng. Hằng năm vào mỗi dịp lễ tết, người Việt làm việc tại đây đều dâng hoa, dâng hương dưới bức tượng.
Cánh cửa này được gọi vui là “đường biên giới” giữa Pháp và Mỹ. Bước qua cánh cửa này là Tổng Lãnh sự quán Mỹ. Theo lời anh Trung, hằng năm nhân viên hai bên vẫn tổ chức những buổi tiệc barbecue để giao lưu văn hóa.
Tấm bia tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Nội dung trên bia được thể hiện bằng Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.
Cuối khu vườn trong dinh thự là ba tấm bia mộ. Một tấm khắc hình vầng trăng tượng trưng cho đạo Hồi, tấm thứ hai mang hình chữ thập của đạo Thiên Chúa giáo, và tấm thứ ba mang ngôi sao David của đạo Do Thái. Không phân biệt quốc tịch hay tôn giáo, tất cả những người từng tham chiến đều được tưởng niệm.

Hình ảnh: The Millennials

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

12 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago