Lifestyle

Có những ngày chỉ thở thôi cũng mệt, tại sao?

Có những ngày chỉ thở thôi cũng thấy mệt mỏi, bất chấp việc bạn đã dùng mọi biện pháp để tăng cường sức khoẻ như tập thể dục, uống nước sinh tố, ăn nhiều rau xanh. Niềm vui bỗng giống như một bóng ma, ai cũng nhắc, ai cũng gặp, duy chỉ có bạn là lục tìm khắp nơi mà không thấy.

Vấn đề chính là: Đôi lúc để cảm thấy yêu đời hơn, việc ta cần làm không đơn thuần dừng ở chuyện cố gom góp thật nhiều điều tích cực mà nằm ở việc giảm bớt những năng lượng tiêu cực. Hãy ví nguồn năng lượng của ta như một chiếc cốc có lỗ ở đáy. Có hai cách để đảm bảo trong đó luôn có đủ nước: hoặc là liên tục đổ thêm nước, hoặc tìm cách để khiến cái lỗ nhỏ đi. 

Theo bác sĩ tâm thần Tyson Lippe, “Việc tìm được cách để sạc năng lượng của bản thân cũng tương tự việc đổ nước đầy cốc và nghĩ ra cách khiến lỗ nhỏ đi vậy. Hai việc này đều quan trọng như nhau, nhưng chúng ta thường phớt lờ những thứ có thể làm ta cạn kiệt năng lượng như…”

Xem các chương trình truyền hình, bộ phim nhiều cảm xúc

Một trong những lý do khiến cho việc ngồi xem liên tục những bộ phim truyền hình, những tác phẩm mang đến nhiều cảm xúc có thể khiến ta kiệt quệ về tinh thần chính là bởi bạn đã vô tình đặt bản thân quá sâu vào hoàn cảnh trong kịch bản.

Theo bác sĩ Leela R.Magavi, việc xem nhiều phim ảnh có thể khiến người ta đồng cảm với nhân vật, qua đó nảy sinh những cảm xúc mà bản thân chưa bao giờ trải qua. Tuy nhiên nếu chìm đắm trong đó quá lâu và liên tục, cá nhân đấy có thể rơi vào trạng thái hưng phấn hoặc trầm cảm quá mức. Điều này áp dụng cho cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, vì chúng kích hoạt các con đường tương tự trong não, cuối cùng dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần, khó tập trung và mức năng lượng kém.

Cách khắc phục: Hãy chú ý đến những loại hình giải trí bạn đang “tiêu thụ”, ghi nhớ cảm xúc của bạn trong suốt quá trình quan sát chúng. Qua đó, bạn sẽ nhận ra những chủ đề đặc biệt kích thích cảm xúc mà mình nên hạn chế theo dõi là gì. Một phương pháp khác có thể áp dụng chính là việc đặt giới hạn thời gian trong ngày, trong tuần khi theo dõi các bộ phim drama, kết hợp với việc theo dõi các chương trình mang chủ đề trung hòa. Ngoài ra, bạn có thể hạn chế theo dõi chúng vào những ngày nghỉ và dành thời gian cho các hoạt động khác để sạc năng lượng. 

Chờ đợi quá lâu giữa các bữa ăn

Ảnh: Rosalind Chang | Unsplash

Cơ thể hấp thụ năng lượng từ thực phẩm chúng ta ăn vào hàng ngày. Chuyên gia dinh dưỡng Caroline Lacey chia sẻ rằng, “Mỗi chất dinh dưỡng đa lượng như: protein, tinh bột và chất béo – đều cung cấp năng lượng, nhưng tinh bột là nguồn nhiên liệu chính và ưa thích của cơ thể.”

Một số bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như não, chỉ có thể sử dụng carbs (ở dạng glucose) để làm năng lượng. Lacey cho biết: “Cơ thể có thể tích trữ một lượng carbs trong gan để sử dụng sau này, và chúng đóng vai trò như một nguồn dự trữ năng lượng cho cơ thể khi lượng đường trong máu xuống thấp, chẳng hạn như giữa các bữa ăn. Nhưng nguồn năng lượng này chỉ được lưu trữ một cách giới hạn và sau cùng cũng cạn kiệt.” Nguồn cung cấp năng lượng dự phòng này chỉ kéo dài sau bữa ăn khoảng ba đến sáu giờ. Do đó, nếu không tiếp tục nạp thực phẩm, cơ thể sẽ sinh ra các cơ chế sinh học và tâm lý kích hoạt mong muốn ăn uốn. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn mạnh mẽ đối với carbs đã qua chế biến, vốn là những thực phẩm có hàm lượng có chỉ số GI (glycemic index, đường huyết) cao.

Tác giả của cuốn sách “This Is Your Brain on FoodUma Naidoo nói rằng, “Khi chúng ta ăn càng nhiều carbs, đặc biệt là những loại carbs đơn giản, thì hàm lượng insulin sẽ tăng. Sau khi ăn, mức insulin của chúng ta đạt đỉnh, lượng đường trong máu sẽ giảm khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.”

Cách khắc phục: Lời khuyên cho vấn đề này là nên ăn kể từ 5 tiếng sau bữa ăn gần nhất. Nhưng điều này có thể mang tính cá nhân, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Một số người cần ăn thường xuyên hơn, và thời gian họ cần ăn có thể chỉ cách bữa ăn trước đấy từ ba đến bốn tiếng. Cách tốt nhất để chú ý đến lịch trình ăn uống của bạn là luôn đem theo đồ ăn nhẹ bên mình, dù là trong túi đi làm, túi tập gym, trong xe hay ngăn kéo tủ. Lý tưởng nhất sẽ là những món ăn không cần phải làm lạnh và không quá nặng bụng, giúp bạn kiềm chế được ham muốn ăn uống.

Làm việc trên một chiếc bàn lộn xộn

Ảnh: Ferenc Horvath | Unsplash

Làm việc trong một môi trường lộn xộn có thể làm giảm khả năng tập trung, bởi lẽ bạn phải tốn kha khá thời gian để tìm giấy tờ, công cụ làm việc của mình. Theo đó, các nhiệm vụ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành, đòi hỏi ta phải tập trung tinh thần và năng lượng hơn nữa..

Cách khắc phục: Duy trì một môi trường quy củ, sạch sẽ và ngăn nắp sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiết kiệm năng lượng mỗi ngày. Chỉ cần dành 10-15 phút mỗi ngày để dọn dẹp, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giúp bản thân tạo ra những thói quen tích cực, kỷ luật. 

Lập kế hoạch quá xa

Ảnh: Javier Allegue Barros | Unsplash

Lập kế hoạch là điều vô cùng hữu ích. Tuy nhiên nó không thể phát huy toàn bộ tác dụng nếu những hoạt động dự kiến của bạn cách quá xa so với hiện tại. Lên kế hoạch giúp chúng ta phân bổ thời gian cho công việc hợp lý, tránh khả năng quên việc hoặc làm trùng việc với nhau. Tuy nhiên khi mốc thời gian đó kéo dài, ta sẽ cảm thấy khó khăn trong việc sắp xếp các hoạt động, cũng như lo âu về những vấn đề diễn ra trong tương lai nhiều hơn việc tập trung cho hiện tại.

Cách khắc phục: Hãy chỉ lên lịch cho những công việc bắt buộc (deadline, các cuộc họp tại chỗ làm hay những cuộc hẹn hò, các hoạt động liên quan đến gia đình), và dành quỹ thời gian còn lại cho những việc mà không đòi hỏi chúng ta phải quá gò bó bản thân. Điều quan trọng là mỗi người phải luôn có thời gian cho sở thích của mình để qua đó thoải mái nghỉ ngơi và thư giãn. Ngoài ra, đặt giới hạn cho khoảng thời gian cần lên kế hoạch trước cũng sẽ giúp bạn xử lý mọi việc linh hoạt và dễ dàng hơn.

Mở quá nhiều tab trên trình duyệt

Ảnh: Sigmund | Unsplash

Bằng việc mở 15- 25 tab trên một trình duyệt, bạn đang không chỉ làm cạn kiệt pin của máy tính mà còn khiến não bộ hoạt động quá mức. 

Theo Rana Mafee, trưởng nhóm thần kinh học tại Viện Case Integrative Health ở Chicago: “Việc chuyển từ tab này qua tab nọ có thể khiến bạn lầm tưởng rằng bản thân đang làm được rất nhiều việc. Nhưng trên thực tế, bạn đang loay hoay với quá trình tìm kiếm để rồi qua đó tinh thần càng trở nên mệt mỏi.”

Cách khắc phục: Thay vì dần làm cạn kiệt năng lượng bởi số lượng tab nhiều đến choáng ngợp, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: “Trước mắt tôi cần hoàn thành những việc gì?”, “Những chiếc tab này đang phục vụ cho mục đích nào của tôi?” Nếu không cần thiết, bạn có thể tắt nó đi, hoặc đánh dấu để có thể mở lại vào bất cứ thời điểm nào. 

Trả lời điện thoại ngay lập tức

Ảnh: Elena Koycheva | Unsplash

Không phải cuộc điện thoại cũng dễ chịu. Hẳn ai cũng có những lần nhấc máy nghe xong chỉ muốn chôn cái di động thật sâu xuống đất. Có thể bạn không biết rằng mỗi khi nghe điện thoại, hệ thần kinh của chúng ta sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để tập trung hết mức vào những cuộc nói chuyện không có biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể. Trên hết, sau khi cuộc gọi kết thúc, chúng ta có thể mất hơn 20 phút để có thể hoàn toàn tập trung trở lại

Cách khắc phục: Trước khi nhấn nút nghe, hãy suy nghĩ trong vài giây để đảm bảo rằng bạn đủ năng lượng để lắng nghe và trả lời. Mafee đưa ra một mẹo cho những cuộc gọi là “tạo ra thói quen để đồng nghiệp và người thân gửi trước một tin nhắn, trong đấy hỏi rằng liệu bạn có sẵn sàng gọi điện không. Khi đấy bạn sẽ hạn chế được cảm giác mình luôn luôn phải trong tình trạng sẵn sàng dù đang bận bù đầu. Đối với những cuộc gọi mà chưa thể trả lời ngay, bạn hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để hồi đáp. “

Ngồi sai tư thế

Ảnh: Jared Rice

Naueen Safdar, giám đốc y tế tại EHE Health cho biết: “Ngồi sai tư thế có thể làm cạn kiệt năng lượng thông qua việc gây áp lực nhiều hơn lên các cơ, khớp và dây chằng. Cơ thể cũng sẽ phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bù đắp cho những áp lực đó, từ đấy khiến chúng ta thấy uể oải dù chằng làm gì.”

Cách khắc phục: Nếu thấy khó khăn trong việc ngồi đúng tư thế, bạn có thể cân nhắc việc mua các dụng cụ hỗ trợ như miếng đệm văn phòng, những chiếc ghế giúp ta dễ dàng ngả lưng hoặc đặt một chiếc nẹp chỉnh sửa tư thế. Ngoài ra, việc đứng lên vận động thường xuyên hay tập thể dục, thực hành các bài tập giúp điều chỉnh tư thế cũng sẽ giúp khắc phục vấn đề này. 

Thở nông

Ảnh: Jennifer Fugo

Mặc dù thở được coi là một hoạt động vô thức, nhưng chúng ta có xu hướng thở không đúng cách khi đang suy nghĩ về quá nhiều việc. Việc thở nông sẽ làm giảm lượng oxy mà cơ thể cần cho việc tối ưu các hoạt động của nội tạng và tế bào. Thêm vào đó, nó cũng có thể kích thích các đường dẫn trong não, làm trầm trọng thêm chứng lo lắng và gây mệt mỏi. 

Cách khắc phục: Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bản thân đang căng thẳng, hãy nhận biết rằng đấy là một gợi ý để ta hít thở sâu. Hãy hít vào từ phần mũi vào trong 4 giây; khi thở ra, hãy duy trì nhịp thở trong 3 giây, đồng thời siết chặt cơ bụng để nó hướng vào trong. Điều này sẽ giúp bạn thấy thoải mái và thư giãn hơn. 

Để dồn lại quá nhiều đầu việc nhỏ

Ảnh: Kelly Sikkema | Unsplash

Nhắn tin lại cho ai đó; thay bóng đèn; đặt lịch khám sức khỏe cho thú cưng của bạn….là những việc đơn giản. Tuy nhiên, nếu để dồn lại quá nhiều, những vấn đề tủn mủn này có thể đè nặng lên sức khỏe tinh thần của bạn.

Lippe chia sẻ, “Tích tụ quá nhiều công việc đáng lẽ ra có thể xử lý được ngay, có thể khiến chúng ta cảm thấy quá tải và ngột ngạt. Những suy nghĩ như “Tôi nên làm việc này, việc kia” lặp lại liên tục nhưng không được giải quyết sẽ khiến bạn bối rối và lo lắng.”

Cách khắc phục: Nếu việc nào có thể hoàn thành trong 5 phút thì ta nên lập tức thực hiện chúng. Trong trường hợp bạn có những vấn đề khác cần lưu tâm hơn, hãy ghi lại và đảm bảo mình sẽ giải quyết triệt để vào cuối ngày. Ngoài ra, việc dành từ 30 đến 60 phút mỗi tuần để hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ cũng giúp bạn giảm thiểu những áp lực không cần thiết. Lippe cho rằng “nếu duy trì thói quen này, nỗi lo sẽ biến thành một vòng lặp phản hồi tích cực nhờ sự nâng cao trong thành tích và năng suất. Qua đó, những trải nghiệm khiến bạn thấy mệt mỏi có thể trở nên tích cực, tươi sáng hơn.”

Không tắt đèn vào ban đêm

Ảnh: Julian Hochgesan | Unsplash

Tiếp xúc với đèn sáng vào ban đêm khiến bộ não nghĩ rằng có lẽ chúng ta vẫn đang hoạt động ở ban ngày. Theo Lippe, “Điều này sẽ ức chế việc giải phóng melatonin của não, một loại hormone thúc đẩy việc chìm vào giấc ngủ. Từ đấy gây rối loạn giờ giấc sinh hoạt, chất lượng giấc ngủ kém và khiến một người mệt mỏi.”

Cách khắc phục: Một khi mặt trời lặn, hãy tận dụng cơ hội này để điều chỉnh nếp sống, sinh hoạt của bạn bằng việc tắt đèn hoặc bật ở mức nhỏ nhất. Bạn cũng có thể đầu tư vào những loại bóng đèn thông minh, thứ có thể tự động giảm sáng vào một thời điểm nhất định cho căn nhà của mình. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng đỏ, chứ không phải ánh sáng xanh sẽ làm giảm các tác động tiêu cực đến chu kỳ ngủ – thức của chúng ta. Do vậy, ta nên để cấu hình thiết bị tự động chuyển sang chế độ ban đêm, sử dụng những tông màu ấm và có tác động tương tự như ánh sáng đỏ. 

Áp dụng quá máy móc lời khuyên của người khác

Ảnh: Jen Theodore | Unsplash

Lắng nghe những góp ý có thể giúp ta có thêm nhiều lựa chọn, thế nhưng nếu không cá nhân hóa các đề xuất đó, bạn sẽ có nguy cơ không đạt được mục tiêu của mình. Lippe cho hay, “Điều này gây lãng phí thời gian và có thể gây ra những cảm xúc tiêu hao năng lượng như thất vọng và oán giận.”

Cách khắc phục: Mỗi khi nhận lời khuyên từ một ai đó, bạn cần phải nghiêm túc đánh giá lại nó, xem xét mức độ và khả năng áp dụng góp ý này đối với hoàn cảnh cụ thể của mình .

Ví dụ, lời khuyên rằng không nên làm việc trên giường có thể không phù hợp với ai đang mắc các căn bệnh liên quan đến đau, nhức mãn tính hoặc lo lắng nghiêm trọng – những người cần làm việc trên giường. Việc lắng nghe và ép bản thân thực hiện theo lời khuyên như vậy có thể khiến bạn càng mệt mỏi hơn,

Theo Lippe, “Nếu bạn muốn có kết quả tương tự như người khác, hãy luôn nhớ rằng quy trình để thực hiện nó không nhất thiết phải giống hệt nhau. Trước khi thực hiện bất kỳ hướng dẫn nào, hãy xác định điểm xuất phát và mục tiêu của bạn. Việc thường xuyên đánh giá kết quả giữa quá trình cũng là điều quan trọng. Ngoài ra, lưu lại kết quả trên giấy, ghi chú cũng sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ dựa vào trí nhớ.”

Theo Huff Post

Có thể bạn quan tâm:
Làm gì khi rảnh rỗi để cuộc đời “nở hoa” thay vì “gây hoạ”?
Nhà thông minh – khi các “bảo bối” trong truyện Doraemon kết nối cuộc sống

Van Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

23 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago