Lifestyle

#HọNóiLà: Có những người thầy chưa từng đứng trên bục giảng

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.

Năm nào cũng thế, cứ gần đến 20/11 là khắp nơi đâu đâu cũng bắt gặp những hình ảnh, những thông điệp, những sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh những người đưa đò. Trong thế giới với tốc độ phát triển như hiện tại, mặc dù vị trí và quan niệm về người thầy cũng như đạo thầy trò đã thay đổi ít nhiều so với trước đây, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn mãi còn đó.

Nếu ngày xưa, trò khép nép ngoan ngoãn, không dám cãi lại thầy cô nửa lời, thì nay khoảng cách thầy-trò đã không còn xa như vậy. Hai bên hoàn toàn có thể lắng nghe nhau, thậm chí học hỏi lẫn nhau những điều mình chưa rõ. Học sinh đến trường không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn học từ thầy cô nhiều bài học quý giá khác trong cuộc sống để trở nên những con người hoàn thiện hơn, tử tế hơn của chính mình ngày còn cắp sách đến trường, như chia sẻ của Diễm Hương, cô học trò Quốc Học Huế ngày nào, cùng Thanh Trí, cậu bạn hiện tại cũng đang dạy tiếng Anh như thầy giáo mình năm xưa.


Thầy tên Đức, là giáo viên tiếng Anh của mình năm 12. Ấn tượng đầu tiên của mình là thầy nhìn rất hiền và phúc hậu, lúc nào cũng nhỏ nhẹ với mọi người. Thầy giảng bài tận tâm nữa, trong lớp ai cũng thích, cũng tự giác học hết.

Hồi đó mình với một số đứa khác hay giơ tay lên bảng làm bài. Mà bài tập nhiều lúc có những đáp án gây tranh cãi, hoặc những đáp án làm tụi học trò phàn nàn “Ủa vậy là sao thầy?” Lúc nào hỏi, thầy cũng giải thích cặn kẽ. Giảng xong, thầy luôn luôn hỏi lại xem bọn mình đã hiểu chưa, bọn mình có đồng ý cách giải thích đó không. Thầy “tập” cho mình thói quen nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đồng thời là thói quen lắng nghe ý kiến người khác như vậy đấy.

Một điều khác nữa mình thích ở thầy, đó là thầy không ngại nhận sai. Khi học, có mấy lúc tụi mình phát hiện ra đáp án nào đó chưa đúng. Nói lại với thầy, thầy sẵn sàng ngồi lại thảo luận cùng bọn mình xem nó sai thật không, sai ở đâu, sau đó sửa lại câu trả lời. Thầy không nổi giận, cũng không hằn học gì bọn mình khi bọn mình làm vậy cả.

Mình quan niệm, người thầy có sức tác động không kém cha mẹ. Tính cách của giáo viên và tâm thế của họ trong công việc là một phần trong di sản mà họ để lại cho mỗi lứa học trò của mình. Nhờ thầy mà mình nhận thức được rằng giáo viên không phải ai cũng hoàn hảo. Ai cũng có thể có những lúc sai. Nói gì giáo viên, tụi mình cũng vậy. Vấn đề là mình có thừa nhận nó không, có tinh thần cầu thị để sửa sai không, hay là thấy tự ái hoặc thái độ ngược lại với người đã giúp chỉ ra cái sai của mình.

Thanh Trí


Những lứa học sinh thuộc các lớp chuyên “tầng trên” Quốc Học chắc không ai không biết thầy. Mỗi khóa thầy dạy sẽ phải có một học sinh chuyển trường vì điểm toán dưới trung bình. Cứ như thế, thầy trở thành ông giáo khó tính, đáng sợ, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của rất nhiều tâm hồn… ngây thơ non nớt.

Năm 11, tên thầy “hiên ngang” xuất hiện giữa bảng phân công giáo viên lớp 11 Văn, ô màu đỏ, môn toán. Với một đứa học toán cà lơ phất phơ như mình thì nhiêu đó cũng đủ khiến mình hồn bay phách lạc, rụng rời tay chân thực sự đó mọi người.

Tiết toán đầu tiên của năm học, cả bọn con gái lớp Văn chen chúc xúm lại 2 đầu cửa để được xem thầy. Có đứa chạy tuốt tới đầu cầu thang để rồi thất thanh te cò thông báo “Thầy lên tụi bây ơii!”. Kí ức của mình về thầy trong lần gặp đầu tiên đó là “thầy giáo tóc bạc trắng vô cùng dễ thương và nhìn chẳng đáng sợ một chút nào”.

Lớp mình toàn nữ, thích năn nỉ tỉ tê trăm thứ chuyện.
– Thầy ơi cho đề dễ xí thầy ơi.
– Thầy ơi câu ni cho thêm điểm cộng đi thầy.
– Thầy ơi câu ni không ai làm được thôi cho 2 điểm thầy hí.
– Thầy ơi câu nớ ai cũng làm được tăng lên 8 điểm đi thầy.
– Thầy ơi cho tụi cháu xin 1 tiết để bàn trại đi thầy.
– Thầy ơi trại dựng ở cây lỡ cây gãy răng thầy, học nhanh mình bàn tiếp đi thầy.
Và 1 tỉ câu í éo nhức tai mỗi giờ toán. Tất nhiên là chả có nguyện vọng nào được thực hiện cả. Thế mà bọn mình vẫn yêu mến thầy. Chả hiểu.

Bài học lớn nhất thầy dạy mình không phải là cách giải đạo hàm, chỉnh hợp, tổ hợp, lượng giác. “Chúng ta mở lòng đón nhận thế giới bằng chính trải nghiệm của mình chứ không phải từ định kiến của người khác” mới thực sự là bài học sâu sắc mình được học từ thầy.

Sau này, trong tất cả các mối quan hệ, với tư cách là con người với con người, mình luôn chào đón họ bước vào cuộc đời bằng tâm trạng của đứa trẻ mừng bạn đến chơi. Dù có nghe những lời không hay, những lời cảnh cáo của một ai khác về người đó, bản thân mình vẫn luôn nhủ rằng “Chẳng phải người thầy vốn là nỗi ám ảnh của người khác lại trở thành vệt sáng lấp lánh nhất trong thời học sinh của mình đó sao? Không mở lòng thì làm sao biết được.”

Diễm Hương


Ngày xưa, nhắc đến thầy giáo, cô giáo, người ta hình dung ra ngay những người làm công việc dạy học, ngày ngày lên lớp cùng sách vở, phấn bút. Nhưng nay, chữ “thầy” đã được hiểu rộng hơn – bất cứ ai có gì đó để chúng ta học hỏi, khiến chúng ta quý mến, kính trọng, biết ơn, góp phần hình thành nên con người ta hiện tại, thì với chúng ta, họ là một người thầy.

Đó có thể là một người sếp đã tận tình nâng đỡ chúng ta trong những ngày đầu bỡ ngỡ với công việc; đó cũng có thể là những người anh lớn đã không tiếc công bảo ban chỉ dạy, để lứa đàn em được vững vàng trở thành “anh lớn” của những thế hệ tiếp nối; đó cũng có thể là những người bạn cùng khóc, cùng cười, cùng trưởng thành, để lại trong chúng ta nhiều bài học sâu sắc, cho dù họ có chủ ý làm vậy hay không, cho dù họ đã rời đi hay vẫn còn ở lại.

Và tất cả những người thầy chưa một lần bước lên bục giảng đó, mặc cho không theo nghề dạy học nhưng họ vẫn vô cùng xứng đáng để được tri ân trong ngày Nhà giáo Việt Nam.


Lần đầu gặp Len là hồi mình học lớp 11, trong một buổi tọa đàm sách. Ấn tượng về Len lúc đấy chủ yếu qua lời kể của các bạn khác: là một người chị vô cùng ngầu lòi, dăm bữa nửa tháng hết leo Fansipan lại tung tẩy ở Ấn Độ hoặc bất cứ đâu Len muốn đến.

3 năm sau, có cơ hội sống chung với Len, mình mới biết rằng để trở thành con người mạnh mẽ vô tư và tràn đầy năng lượng như hiện tại, Len đã có quá trình trưởng thành đầy mặc cảm và tổn thương.

Len dạy mình về lòng bao dung bằng cách bao dung với rất nhiều lỗi lầm của mình.
Dạy mình thả trôi đi cơn giận bằng cách kiên nhẫn với giận dữ của mình.
Dạy mình yêu thương bằng cách yêu thương mình.
Dạy mình tử tế bằng cách đối xử với mình rất đỗi dịu dàng.

Thật ra Len chẳng có chủ đích dạy dỗ mình một điều gì cả, chỉ là trong quá trình trưởng thành cạnh Len, mình bỗng trở thành đứa nhỏ có nhiều điều cần được bảo ban. Và may mắn thay, Len hóa thân vừa vặn thành cô giáo của mình. Rất cảm ơn Len vì đã hiện diện trong đời mình, để lan tỏa năng lượng tích cực và để “dũa” giúp mình cái nết cộc cằn, nóng nảy chẳng mấy đáng yêu hồi trước.


Người thầy mình nhắc đến ở đây là sếp cũ kiêm mentor của mình. Sếp nhỏ hơn má mình 1 tuổi, nên là đẻ được mình luôn đó! Trước khi đi phỏng vấn, mình đã đi stalk thử sếp, phát hiện người gì mà cool quá trời quá đất – đi trên 40 nước, từng là champion ice hockey (nhà vô địch khúc côn cầu trên băng) trước khi bị thương và không chơi được nữa. Đặc biệt, trên LinkedIn sếp có ghi là rất yêu thích việc nurture talents (nuôi dưỡng nhân tài).

Mình không biết ở Việt Nam sao, chứ ở Mỹ để tìm được người sếp như sếp mình không phải dễ. Lúc phỏng vấn xong, về nhà không bao lâu thì nhận được cuộc gọi báo đậu rồi. Sau này, làm gần 2 năm, sếp mới kể lúc phỏng vấn mình thì kiểu “It just feels right, you know.”, nên sếp không phỏng vấn thêm ai khác nữa.

Trong suốt 2 năm được làm việc cùng sếp, mình đã học được rất nhiều thứ, từ những điều liên quan đến chuyên ngành cho tới những chuyện đời thường. Sếp luôn cho nhân viên đưa ra ý tưởng và thỏa sức sáng tạo. Sếp tạo điều kiện cho mình đi công tác nhiều nơi, đặc biệt là đi Thái để mình được về Việt Nam thăm gia đình. Cũng nhờ vậy mà mình được gặp gia đình ngay trước COVID, không thì chắc phải 4-5 năm không gặp đó.

Ngày đi làm cuối cùng, mình phải ở lại copy files nốt nên hơi lâu. Lúc đó sếp ở lại để chờ mình về cùng, dù phải ở lại quá giờ làm. À quên nữa, team marketing tụi mình có một ngày tên là Mental Health Day – ai mệt mỏi, muốn nghỉ thì có thể nghỉ, khỏi cần lý do giải thích gì. Mỗi quarter đều có những buổi team building để mọi người thoải mái chia sẻ những bực tức trong công việc, an toàn lắm, what happens there stays there. Tất cả đều là do sếp tự cho chứ không phải chính sách chung từ công ty.

Đối với mình, sếp không chỉ là một người sếp, một người mentor, mà còn là người mình vô cùng kính nể. Mình hay đùa là “I want to be like Jen when I grow up.” Giờ dù không còn làm việc cùng nhau nữa nhưng sếp vẫn luôn giúp đỡ mỗi khi mình gặp phải khó khăn trở ngại trong công việc.

Và mình vẫn luôn muốn nhắn nhủ điều này, “I hope the stars align for us to work together again because I’ve still got soooo much to learn from you.”

Phụng Mai


Hồi ấy sinh viên, lần đầu đi làm thêm nên run lắm. Mình xin làm part-time tại một quán nước ép detox mới mở. Gặp chị quản lý tên Dung, hổng hiểu sao mới gặp mà mình cảm nhận được nguồn năng lượng tươi mới và tích cực tỏa ra từ chị dữ dội luôn. Đứng bên cạnh tự nhiên thấy người tràn ngập năng lượng theo.

Lần đầu đi làm còn bỡ ngỡ, ngại ngùng, lo sợ này kia. Mình chưa quen công việc lắm nên làm còn chậm, đụng gì đổ nấy, quên trước quên sau.

Mỗi lần mình mắc lỗi gì chị Dung không la mắng hay trách móc câu nào hết trơn. Chị chỉ bảo tận tình, còn gửi tặng mấy câu “Em làm được, chị tin em.”, “Coi bạn làm tốt chưa này, cảm ơn em vì đã nỗ lực hết sức mình nha.”

Đấy, cứ vậy mình làm với chị gần 2 năm. Mình học hỏi được nhiều thứ từ chị, học nhiều nhất vẫn là cách nhìn đời bằng con mắt tích cực, mọi khó khăn đều có thể giải quyết khi mình suy nghĩ tích cực và luôn luôn vui vẻ. Có câu này chị rất hay nói với mình “Thế giới tồn tại lực hấp dẫn, khi em sống tích cực thì em sẽ luôn hút cho mình những điều tích cực.”

Chị Dung là hình mẫu lý tưởng của mình. Dù giờ ít được gặp nhưng mỗi lúc nhắn tin nói chuyện với chị, mình vẫn còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Nhờ gặp chị ấy mà giờ con người mình tràn ngập năng lượng mỗi ngày, cũng không còn u sầu dè dặt như xưa nữa.

Ngọc Nhung


Gọi là “người thầy” thì không đúng nhưng tên bạn “thối” (thanh niên trong bức ảnh) đã dạy cho mình kha khá điều mà bản thân không bao giờ nghĩ tới. Ví dụ mình thường cố tự làm mọi việc một mình, không nhờ vả ai, nhưng ông bạn chí cốt này đã nói:

Có đồ thì phải dùng, đừng lãng phí những nguồn lực sẵn có.

Nghe nhiều tự nhiên thấy đúng. Từ đó nếu có vấn đề gì, mình cũng thoải mái trong việc tâm sự hoặc nhờ tới sự trợ giúp của gia đình, bố mẹ hơn.

Lu – 27 tuổi
một người lao động hăng say trong lĩnh vực làm đẹp và đánh bóng các website


Mình thực ra không có mấy thiện cảm với giáo viên vì suốt 12 năm ngồi ghế nhà trường, mình toàn gặp những giáo viên rất là ba chấm. Người thì nhất quyết kéo điểm Văn của mình xuống 6.4 để liệt môn, người thì khuyên mẹ mình cho mình nghỉ học lớp chuyên đi vì mình không đi học thêm nhà cô và rồi ‘được tặng’ cho bài chuyên mà cô đã dạy trước ở nhà.

Thế nhưng đến lớn mình chợt nhận ra, thực ra mình có thiện cảm với giáo viên đó chứ, chỉ là những người thầy mình yêu thương xuất hiện với những hình dáng hơi khác một chút.

Hình dáng số 1 là anh sếp nhìn ngon. “Ngon” đơn giản vì anh luôn mặc áo ôm khoe có bụng múi bánh tét và càm ràm về tụi mình bằng đôi môi thịt bò, thứ mà bạn mình nói vui là ‘xắt vội cũng đủ hai bát’. Anh dạy cho mình biết khi làm việc thì cần làm bằng cả con tim, bằng tình cảm và trách nhiệm với những cộng sự của mình, bằng sự chịu khó – có nắng mưa có vất vả thế nào vẫn phải có trách nhiệm với từng bước một, dù là nhỏ. Để rồi mỗi lần làm hoài mà vẫn không như ý thì anh chửi thề (tự chửi mình á) còn mình ngồi kế bên cười như được mùa.

Hình dáng số 2 là một người anh dù chức danh team lead nhưng giống má mình hơn. Làm việc với anh mình học được sự tinh tế, đẹp đẽ và trau chuốt trong mỗi sản phẩm đưa đến tay người khác. Mình học anh cách tự tin vào bản thân để đứng lên… xéo sắc với tất cả những chỉ trích vô lý, đồng thời luôn sẵn sàng tiếp thu và học hỏi với những cái hay, cái lạ.

Hình dáng số 3 lại là một người anh-sếp khác nữa, dù không trực tiếp dạy bảo mình nhưng anh lại giúp phân tích để mình nhìn thấy cái nên và cái không. Anh như tấm gương phản chiếu vậy, nhìn thấy chặng đường anh đi, mình nhìn thấy hình dáng của người mà sau này mình muốn trở thành.

Các anh-thầy giúp mình lớn lên, thoát vai một đứa con nít, rồi đến lượt mình trở nên một “người thầy” cho những em nhỏ hơn. Có thể mình (và các em mình hướng dẫn) không đạt được những thành tựu đao to búa lớn, bằng cấp này kia để khoe ra, nhưng bọn mình đã trở thành những người tốt, luôn cống hiến và làm việc bằng sự chỉn chu nhất có thể. Với mình, các anh như chiếc lò sưởi vậy á, cháy rực, ấm áp và lấp lánh.

Duy Ái


Mình là người rất ngại nói lời yêu thương. Không, chính xác hơn là mình lười – lười thể hiện cảm xúc, lười xây đắp mối quan hệ, lười để những người xung quanh biết được rằng nếu họ cần, thì họ luôn có thể tìm đến mình.

Mình lười, vì mình cho rằng những người yêu thương, quan tâm mình hẳn biết rằng mình cũng vì họ như thế, rằng mình cũng yêu thương, quan tâm họ như thế. Cần gì nói ra nữa, đúng không?

Mãi cho đến cái mùa hè 2 năm trước đây. Khi đó, ai cũng bận rộn với những câu chuyện riêng, và tụi mình, đặc biệt là mình, lấy “những câu chuyện riêng” làm cái cớ hợp lý để quên mất một người bạn.

Trước đó một chút, cuối năm 2018, bạn đột ngột trở về Việt Nam, bỏ dở việc du học vì lý do sức khỏe. Vài tháng sau đó, thấy bạn có vẻ vẫn ổn, vẫn nói nói cười cười, mình cho rằng mọi chuyện vậy là đã qua. Mình quay lại nhịp sống thường nhật, vẫn lười.

Lần cuối cùng mình còn gặp bạn, mình không hề biết đó là lần cuối cùng. Lúc ấy, bạn có ý đợi mình xong việc. Có lẽ bạn muốn chào mình một câu, cũng có thể là muốn trò chuyện vài phút. Nhưng mình còn việc riêng, mình rối trí, không còn tâm trạng. Vậy là lần cuối cùng đó cũng qua mau theo tiếng bước chân bạn rời khỏi cái ghế nhỏ để dưới cầu thang và tiếng bước chân mình đi về hướng ngược lại.

Mình lười, thế nên mình cũng nhanh chóng quên mất ý nghĩ “Thôi để về nhà nhắn tin sau.” khi ấy.

Mình chưa bao giờ thật sự hiểu hay xem trọng hai chữ giá như cho đến khi cả cơ thể có lúc tưởng chừng gãy vụn dưới sức nặng của nó. Không biết bạn định nói điều gì với mình. Không biết liệu mọi thứ có khác đi nếu cuộc nói chuyện đó diễn ra hay không. Không biết bạn có giận, có trách không. Không biết bạn nghĩ gì vào buổi sáng mùa hè cuối cùng trong đời. Mình không biết rất nhiều, rất nhiều.

Sau những ngày bàng hoàng, tụi mình – những người còn lại – nói chuyện với nhau nhiều hẳn. Nói về bạn, về nhau, về những người khác nữa. Chúng mình cố gắng làm cái việc lẽ ra nên làm từ lâu. Rồi những lần trò chuyện như thế cũng thưa dần, có người nhanh hơn, có người chậm hơn, nhưng bọn mình đều trở lại để tiếp tục những thứ đang tạm ngừng.

Nhưng mình biết mỗi người tụi mình đều sẽ nhớ đến lời hứa lắng nghe của người khác cũng như lời hứa lắng nghe của chính bản thân mình, để không ngại ngần tìm một bờ vai mỗi lúc cần than thở, để luôn sẵn sàng làm bờ vai cho ai đó tựa vào. Cảm ơn, và tạm biệt nhé, “một cô gái lạc quan”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Lời gửi đến cha
Du Bút – “Liều” nhất, chậm nhất, và trẻ nhất!
Mỵ Đình – Những con gấu bông ‘xấu lạ’ và câu hỏi “Cái con này cũng bán được hả?”
Food stylist Lê Ngọc Hưng – Food Stylist có phải là công việc “chiêu trò”?

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

18 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago