Bộ phim Đoạn Trường Vinh Hoa vừa ra mắt khán giả tại TPHCM vào ngày 1 và 2/11 vừa qua. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là những suất công chiếu cuối cùng của phim ở TPHCM. Khán giả Hà Nội sẽ còn cơ hội gặp gỡ và giao lưu với ekip Đoạn Trường Vinh Hoa một lần nữa trong suất chiếu ngày 6/11 tại BHD Star the Garden trước khi được phát sóng trên chương trình VTV Đặc biệt.
Thông tin về buổi công chiếu thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả. Chưa đến giờ chiếu nhưng sảnh chờ đã chật đầy người.
Hết 50 phút phim, đèn bật sáng. Đâu đó trong khán phòng là những đôi mắt đỏ hoe chưa kịp khô nước mắt. Khán giả khóc vì một bộ phim đẹp, cũng khóc vì nỗi đoạn trường của những phận người trong gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây.
Người dẫn chuyện của phim là cô Phương Ánh – bà bầu gánh cải lương tuồng cổ cùng tên. Khán giả được cùng đoàn hát rong ruổi từ đình thần này sang đình thần khác để biểu diễn nhân mỗi dịp lễ Kỳ Yên, được tận mắt chứng kiến những ông hoàng bà chúa thét ra lửa trên sân khấu trở lại làm người người bình thường sau bức màn nhung. Ngay cả chị Hai Phương Anh – con gái cô Ánh – cô đào tăng cường từ Sài Gòn chuyên hát vai đào chánh trong các lớp tuồng của đoàn cũng xuất hiện trong phim với một hình ảnh không thể đời thường hơn.
Phim được quay theo dạng tài liệu trực tiếp bởi đạo diễn Lê Mỹ Cường và đồng tác giả Thanh Nguyễn trong suốt 18 tháng (9 tháng quay, 9 tháng hậu kỳ) với hơn 100 giờ quay.
Lê Mỹ Cường trưởng thành từ giải thưởng Búp Sen Vàng – giải thưởng thường niên do Trung tâm TPD tổ chức. Đây là dấu mốc ý nghĩa với anh, là cánh cửa giúp anh tiếp cận, tìm tòi và khám phá cách kể những câu chuyện chung quanh mình thông qua phim tài liệu. Anh lựa chọn những đề tài mình quan tâm và tiếp tục con đường chinh phục dòng phim này với những bộ phim như Nhọc nhằn than (2010, về cuộc đời của những người làm than dưới chân cầu Vĩnh Tuy), Ốc đảo gió (2011, về cuộc sống những bệnh nhân phong tại Trại phong Quả Cảm – Bắc Ninh), Khúc tình phố (2013, về những người hát rong bán kẹo kéo), Nhà đối diện (2015, về đề tài cuộc sống người đồng tính), Tôi đẹp! Bạn cũng thế (2016, về show thời trang đầu tiên tại Việt Nam dành cho người khuyết tật), và mới đây nhất là Đoạn Trường Vinh Hoa.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Cơ duyên đến với phim này xuất phát từ một bức ảnh tôi tình cờ nhìn thấy. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi sự đối lập của nó. Hình ảnh một nghệ sĩ trang điểm kỹ càng nhưng bên dưới lại mặc một chiếc áo gió cũ sờn (cô Phương Ánh). Là một người trẻ miền Bắc, chưa am hiểu về nghệ thuật cải lương tuồng cổ nên tôi thật sự muốn tìm hiểu đằng sau tấm màn nhung ấy là gì. Ý định đó nung nấu quyết tâm để tôi từ Hà Nội vào miền Tây bắt tay làm bộ phim. Thật sự, ê kíp đi cùng tôi không biết mỗi ngày mình sẽ quay gì, cũng như chẳng rõ khi nào phim mới quay xong… Thế là họ về, tôi vẫn ở lại để tự quay và chờ đợi những diễn biến, bắt được khoảnh khắc mà mình không thể nào biết trước. Sau này, vì cần có một người đồng hành để người quay, người thu tiếng, nên tôi rủ rê Thanh Nguyễn từ Bắc vào làm cùng.”
Anh cho biết thêm, khó khăn đầu tiên gặp phải khi lựa chọn đề tài này để khai thác lại đến từ chính VTV – đơn vị anh đang công tác hiện tại. Các bộ phim thuộc dự án VTV Đặc biệt đa phần đều đi theo những chủ đề vĩ mô và có tầm ảnh hưởng lớn, trong khi nội dung lần này anh lựa chọn chỉ là những con người bình thường. Anh đã thuyết phục Hội đồng dự án VTV Đặc biệt, rằng những nhân vật này có thể không đại diện cho một điều gì lớn lao, nhưng họ vẫn đang tồn tại, làm một mảnh ghép nhỏ của bức tranh cuộc sống muôn màu.
Ngày vừa xuống gặp đoàn, Lê Mỹ Cường kể về kỷ niệm “thấy chú nghệ sĩ kia mà giờ không nhớ tên gì” với khuôn mặt được tô vẽ kỹ lưỡng chuẩn bị lên diễn, nhưng phía dưới lại mặc cái áo thun rộng in chữ New York, còn rách rất to ở vai và nách. Hình ảnh đó làm anh nhớ lại cảm giác lần đầu thấy bức ảnh cô Ánh và khiến anh càng vững tâm hơn trong hành trình kể lại câu chuyện của những mảnh ghép đối lập này.
Thanh Nguyễn – quay phim và đồng tác giả – chia sẻ rằng điều thu hút anh không phải là hào quang của người nghệ sĩ, mà là “những thứ nhỏ nhỏ xung quanh”. Cũng như Lê Mỹ Cường, anh muốn tìm hiểu xem sau bức màn nhung, người nghệ sĩ thật sự là ai.
Đội quay hai người cứ thế nhặt nhạnh từng khoảnh khắc giản dị, đơn sơ nhưng đầy cảm xúc. Xót xa như lúc chị Hai vội vàng quay mặt vào trong uống đỡ ngụm nước trong khoảng nghỉ giữa hai câu hát. Vui nhộn như lúc mọi người trong cánh gà nháo nhác tìm cành mai giả để kịp đưa ra ngoài cho cô đào “lặt”. Hay ấm lòng như cảnh những đứa con đứa cháu của cô chú trong đoàn, đứng sau bức màn và ngô nghê diễn lại chính những đoạn mà cha mẹ, ông bà chúng diễn trên sân khấu. Phía sau những điệu nhạc, câu ca là bữa cơm đạm bạc, là lúc tranh thủ chợp mắt không cần tẩy trang, là khuôn mặt điểm phấn tô son mọi người chỉ nhau cách vẽ, là buổi tập tuồng mệt thì có mệt nhưng đầy ắp tiếng cười, và còn là những ốm đau bệnh tật sau một đời rong ruổi xướng ca.
Đoạn Trường Vinh Hoa là một bộ phim tài liệu, tuy nhiên phim vẫn mang một… cú twist đầy bất ngờ, cả với khán giả xem phim lẫn những người thực hiện. Đoạn trường ý chỉ nỗi đau đớn thống khổ xé ruột xé gan – đây là từ ghép Hán Việt, với đoạn nghĩa là đứt (断), còn trường nghĩa là ruột (腸). Biết trước phim sẽ không vui, nhưng ai có ngờ đâu câu chuyện lại buồn đến thế.
Cả đạo diễn lẫn đồng tác giả đều đồng ý rằng, nửa sau bộ phim chứa đầy những cảnh quay bối rối, đòi hỏi cả hai phải vừa đồng cảm mà vừa “vô tình” với nhân vật nhằm đem đến cho khán giả một câu chuyện đủ đầy nhất. Khi được hỏi khó khăn lớn nhất đã gặp phải trong quá trình làm phim là gì, câu trả lời của Thanh Nguyễn đã nói lên sự giằng xé từ bên trong. Anh kể về lần quay gần nhất, khi đoàn chuẩn bị diễn trong một buổi chầu ở đình. Buổi sáng hôm ấy, vừa mở mắt dậy, anh đã thấy cô Ánh – trên người đã mặc sẵn đồ diễn cho lớp Bạch Yến Nhi cứu Chúa – đang ngồi khóc với đạo diễn Lê Mỹ Cường. Không kịp lôi máy quay ra, theo bản năng anh đưa liền điện thoại lên, và rồi giật mình chợt nghĩ, “Mình đang làm cái quái gì đây?”.
Một mặt, họ không muốn xem những con người này chỉ là chủ thể phóng sự, mà muốn thật sự trở thành chính nhân vật trước máy quay, được vui cùng niềm vui và khóc cùng nỗi buồn của nhân vật. Mặt khác, với tư cách người làm phim, hơn nữa còn là người được nhân vật “trao quyền” để bước vào cuộc sống của mình, thì cả hai lại càng có nghĩa vụ truyền tải những chi tiết thật nhất, để khán giả cũng có cơ hội cảm được khúc đoạn trường của đời người nghệ sĩ.
Tham gia phần giao lưu của buổi công chiếu còn có gia đình cô Phương Ánh, trong đó có cậu bé Chiêu Huy, cháu ngoại cô và cũng là thế hệ thứ 5 trong nhà theo nghề hát. Từ ngày còn được ẵm ngửa trên tay, em đã cùng mẹ và ngoại đi diễn khắp nơi, nên cũng được tính là “đi theo đoàn”. Lớp 1, em chính thức lên sân khấu với vai “ở trong nhắc gì ở ngoài hát cái nấy”. Rồi dần dần, được mẹ và ngoại dạy hát, em mê lúc nào không hay.
Năm ngoái, Huy đăng ký vào ngôi trường mơ ước từ nhỏ của mình là Đại học Sân khấu Điện ảnh, với mong muốn được đào tạo chuyên nghiệp để theo nghề. Tuy nhiên do biến cố gia đình mà con đường học hành của em trắc trở. Quyết không từ bỏ đam mê, Huy hiện đang xin làm những công việc khác, phụ tài chính với ba, đồng thời chờ cơ hội nộp đơn lần nữa vào trường. Hỏi em có sợ mình sẽ lạc lõng với ước mơ đi hát cải lương tuồng cổ hay không, Huy cười rồi trả lời một câu “thiệt thà” hết mức như chính cái gốc miền Tây sông nước của em vậy, “Lúc đăng ký thi là em có dò tên coi có ai thi chung với mình. Thấy cũng nhiều bạn thi lắm chị. Còn chuyện bỏ thì chắc hông có đâu. Em tiếp xúc với nó nhiều quá, bỏ hổng được.”
Nói như đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, “sân khấu cải lương giờ đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, nhưng nghệ thuật cải lương thì vẫn sống”. Sân khấu cải lương “chết” vì không bán vé được, nhưng người nghe cải lương thì còn rất nhiều. Cải lương là một nét văn hóa dân gian, được phát triển và gìn giữ bởi chính những con người “không biết cải lương là gì”. Đó là những người nông dân, những người lao động, những người ngày ngày bật đài nghe cải lương, buồn buồn thì xuống vọng cổ mấy câu thiệt “mùi”. Hay như chính những anh em trong đoàn cô Ánh cũng là những người như thế. Người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, lúc không lên sân khấu diễn thì cũng làm đủ nghề, từ chạy xe ôm, bán kẹo kéo, hát đám cưới đám ma để kiếm sống. Họ đến với cải lương bởi đó là thứ đã ăn sâu vào máu thịt, chứ không cần nghiên cứu những thứ cao xa như là “lịch sử hình thành” hay “quá trình phát triển” của chính những lớp tuồng, những vở diễn họ đem lại cho khán giả.
Buổi công chiếu vừa qua, có khán giả đã hỏi đạo diễn rằng liệu sẽ có Đoạn Trường Vinh Hoa phần 2 hay không, không rõ lý do gì mà anh đã không đưa ra câu trả lời. Với The Millennials Life, đoàn phim có làm phần tiếp theo hay không không quan trọng. Không có đoàn phim, câu chuyện của những người nghệ sĩ sẽ tiếp tục diễn ra theo cách nó đã, và đang diễn ra. Cùng với đó là sự tiếp nối trong việc giữ gìn bộ môn nghệ thuật đậm chất văn hóa dân gian này bởi lớp trẻ như Chiêu Huy, và những người còn nặng tình với lời ca tiếng hát.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…