Cổng thành bắt đầu được chú trọng từ thời Lý – Trần, đi cùng với sự hình thành các quần thể làng, xã, đền đài, chùa chiền…. Các cổng thành không chỉ là những điểm mốc phân chia ranh giới mà còn thể hiện bản sắc của từng nơi. Nó giúp cho việc kiểm soát việc ra vào của dân cư, đồng thời còn là chiến luỹ bảo vệ mọi người mỗi khi có binh biến.
Có hàng ngàn cổng thành được xây dựng và biết đến theo tiến trình lịch sử tuy nhiên theo dòng chảy của thời gian dần biến mất một phần do chiến tranh phá huỷ, thiên tai và cả nhịp sống con người hiện tại. Một số cổng thành hiện tại đang được đưa vào danh sách di tích cấp quốc gia, di sản văn hóa du lịch nhưng một số còn lại vẫn chịu sự bào mòn của thời gian mà không được quan tâm cho dù đây là những di sản văn hóa đặc sắc, không chỉ là biểu tượng của sự phát triển thịnh vượng mà còn là những chứng nhân lịch sử.
Mỗi cổng thành đều mang những bản sắc riêng tùy thuộc vào lịch sử thời điểm xây dựng, cũng như những truyền thống văn hoá ở mỗi nơi. Dưới đây là một số cổng thành nổi tiếng, độc đáo được nhiều người biết đến trên khắp cả nước.
1. Cửa Bắc – Kinh thành Thăng Long
Cửa Bắc là một trong năm cổng thành của Hoàng Thành Hà Nội dưới thời triều Nguyễn. Đây là một phần của di tích Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 dưới thời nhà Lý, cửa này còn giữ nguyên nét cổ kính và trang nghiêm. Đây là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và là biểu tượng của sự kiên cường, bền bỉ của dân tộc.
Ở cửa Bắc này vẫn còn lưu giữ hai vết tích lịch sử do pháo thuyền Pháp bắn đại bác từ sông Hồng vào những năm 1882. Ngày nay, ở trên cổng thành là nơi thờ phụng hai vị tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương. Hiện nay, di tích Cửa Bắc nằm ở trên đường Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
2. Cửa Đoan Môn – Kinh thành Thăng Long
Kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh vòng ngoài, tiếp đến là Hoàng Thành và trong cùng là Cấm Thành cũng là nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia. Đoan Môn là cổng thành chính dẫn vào Cấm Thành.
Cửa Đoan Môn còn được gọi với cái tên cổng thành Ngũ Môn Lầu. Cổng giữ vị trí quan trọng cho các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng Thành. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kinh Thiên thẳng trục với Cột Cờ Hà Nội. Kiến trúc của cổng thành Đoan Môn được xây dựng với câu trúc hình chữ U, từ Đông sang Tây, có 5 vòm cổng, vòm cổng chính giữa dành cho vua đi.
Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
3. Cửa Nam – Kinh thành Cổ Loa
Kinh thành Cổ Loa là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương (khoảng thế kỷ thứ 3 TCN). Cổng thành và thành cổ được xây dựng trên một khu đất cao, có hệ thống hào nước bao quanh, tạo nên một cấu trúc phòng thủ vững chắc.
Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện nay thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại. Cửa Nam, hay còn gọi là Cổng thành Trấn Nam Môn, là một trong những cổng thành chính của Kinh thành Cổ Loa, Hà Nội.
Gần 15.000m tường thành Cổ Loa được sử dụng triệt để xây dựng, lợi dụng vào địa thế tự nhiên thuận lợi, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoắn ốc nên được gọi là Loa thành. Tương truyền rằng thành có chín vòng hình xoắn ốc nên người xưa thường gọi đây là thành Ốc. Hiện nay, tòa thành cổ này thuộc địa phận của huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội.
4. Ngọ Môn – Kinh thành Huế
Ngọ Môn là cổng thành chính phía nam của Kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1833 dưới triều Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình và là biểu tượng của quyền lực và uy nghi. Kiến trúc độc đáo với mái ngói lưu ly và các họa tiết trang trí tinh xảo làm nổi bật vẻ đẹp của cổng thành này.
Cổng thành Ngọ Môn được hiểu với ý nghĩa là “Cổng Tý Ngọ” – hướng về phía nam. Theo quan niệm, hướng nam gắng liền với “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thiên tử phải quay về hướng Nam để cai trị thiên hạ). Ngọ Môn cũng là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Cửa Ngọ Môn là nơi dành riêng cho vua đi lại hoặc chỉ dùng khi tiếp đón các sứ thần. Cổng Ngọ Môn Huế hiện đang mở cửa cho du khách đến tham quan tọa lạc tại phường Phú Hậu, thành phố Huế.
5. Cổng Đông Ba – Kinh thành Huế
Cổng Đông Ba – Chánh Đông Môn nằm ở phía Đông Kinh thành Huế, nay là cuối đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế. Phần cửa vòm được xây dựng từ năm 1809, dưới thời vua Gia Long, tới thời Minh Mạng vọng lầu được xây dựng năm 1824. Với kiến trúc bề thế và vững chãi, cổng thành Đông Ba là một trong những công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.
Nơi đã cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Năm 1885, nơi đã hứng chịu trận oanh tạc ác liệt của quân Pháp. Trong chiến sự năm 1968, bom đạn đã đánh sập phần vọng lầu làm hư hại nặng nề cửa chính Đông Ba. Nơi đây vẫn là địa điểm du lịch lịch sử đáng để trải nghiệm khi đến với xứ Huế mộng mơ.
6. Cổng Nam – Thành Nhà Hồ
Cửa Nam – Cửa Tiền là một trong những cổng thành chính của Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 15, cổng thành này có kiến trúc độc đáo với các khối đá lớn xếp chồng lên nhau một cách chính xác. Các cổng đều được xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, các phiến đá được sử dụng xây dựng đặc biệt lớn.
Cổng Nam là cổng chính, có 3 cửa ra vào.Hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10-20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới và Cửa Nam là minh chứng cho sự tài tình của kiến trúc cổ Việt Nam. Đây là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo. Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hiện nằm tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Một địa điểm lịch sử văn hóa đáng để trải nghiệm khi có dịp ghé thăm.
7. Cửa Tây – Thành cổ Quảng Trị
Cửa Tây, còn gọi là cửa Hữu của thành cổ Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triều Phong, Quảng Trị), là một trong những cổng thành nổi tiếng với kiến trúc kiên cố và lịch sử hào hùng. Thành có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu Xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt Thành
Đây là lỵ sở của triều đình được xây dựng vào thời Nguyễn, thành cổ Quảng Trị cũng là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt trong chiến tranh Việt Nam. Cửa Tây là nơi ghi dấu những trận đánh và là biểu tượng của lòng yêu nước.
Đặc biệt, trong chiến tranh Việt Nam, nơi đây còn được mệnh danh là “Cối xay thịt” đã chứng kiến và hứng chịu cuộc tổng tấn công và nổi dậy 1972. Vùng đất này đã được thế giới biết đến khi gắn liền với trận chiến 81 ngày đêm đúng rực lửa, đầy hào hùng của dân tộc. Thành cổ chịu nhiều tổn thất nhưng cũng là biểu tượng của sự kiên cường và tinh thần bất khuất của nhân dân Quảng Trị nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
8. Cửa Nam – Thành cổ Vinh
Thành cổ Nghệ An, còn gọi là Thành cổ Vinh, được xây dựng vào thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn. Thành cổ ban đầu được được đắp bằng đất, cho đến năm 1831, được vua Minh Mạng cho xây dựng lại bằng đá ong theo kiểu Vauban. Sau đó, thành được tu bổ nhiều lần qua các đời vua.
Cửa Nam hay Cửa Tiền là cổng thành chính hướng về phía Nam. Đây là cổng chính của thành cổ và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử. Cũng là nơi để vua ngự giá và các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cổng thành này mang nét kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn với các họa tiết trang trí và cấu trúc kiên cố.
Tiếc thay, trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hủy của chiến tranh. Di tích thành cổ hầu như đã bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại 3 cổng thành và một số đoạn hào bao quanh. Hiện nay, có nhiều dự án nhằm quy hoạch khôi phục và cải tạo lại di tích lịch sử này.
9. Cửa Tây – Thành cổ Sơn Tây
Cửa Tây hay Cửa Hữu của thành cổ Sơn Tây, Hà Nội, là một công trình kiến trúc bề thế và vững chắc. Được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), thành cổ Sơn Tây là một trong những thành cổ lớn nhất ở Bắc Bộ. Di tích này có 4 cổng thành chính, trước đây, đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ còn có ở hai cổng thành chính là cửa Tiền và cửa Hậu.
Vào năm 1883, trong trận Pháp đánh thành Sơn Tây, Cửa Hữu đã bị đại bác của quân Pháp công phá. Cửa Hữu của thành đã không còn nữa. Vì nơi đây đã trải qua trận đánh ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Kết quả sau cuộc chiến, Cửa Hữu bị tàn phá hoàn toàn. Sau khi chiếm được thành, người Pháp cho xây dựng lại để ngăn cản quân Cờ Đen tấn công trở lại.
Hiện nay, Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền, chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm (theo đường quốc lộ 32). Cửa Hữu quay ra hướng Tây Tây Bắc là hiện còn nguyên vẹn nhất.
10. Cửa Đông – Thành cổ Bình Định
Thành Bình Định là một tòa thành cổ do vua Gia Long cho xây dựng, với vai trò là thủ phủ của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Hiện nay, Thành Bình Định tọa lạc tại thị xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành cổ Bình Định đã trải qua quá trình lịch sử lâu đời, là một trong những di tích lịch sử quan trọng của miền Trung Việt Nam, gắn liền với thời kỳ gồm vương quốc Champa, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Thành cổ có cấu trúc kiên cố với nhiều cửa thành, mỗi cổng thành đều mang ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của thành. Thành có 4 cửa mở theo 4 hướng: Đông, Tây, cửa Tiền và cửa Hậu, mỗi cửa có một vọng lầu gác. Kiến trúc cửa thành được xây theo hình bán nguyệt, mỗi cửa có hai cánh bằng gỗ dày.
Thành Bình Định đã tồn tại trong khoảng thời gian dài 132 năm, kéo dài từ 1814 đến năm 1946. Vào năm 1946, Việt Minh đã phá hủy hoàn toàn thành Bình Định theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Hiện nay, di tích lịch sử chỉ còn sót lại biểu tượng của ngôi nhà đón khách và cổng thành phía đông (cửa đông) được phục dựng lại.
11. Cổng trời Koh Kas – An Giang
Đây là cổng thành đi vào ngôi chùa Koh Kas, một kiến trúc cổ độc đáo của người dân tộc Khmer và Phật giáo Nam Tông huyền bí. Còn được gọi là “cổng trời An Giang,” “cổng trời thời gian,” “cổng trời Tri Tôn” có địa chỉ tại ấp An Hoà, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Cánh cổng thành này nằm giữa một cánh đồng lớn, giao thoa giữa trời và đất. Cổng được chạm khắc và trang trí với tông màu nổi bật như đỏ, vàng và xanh cùng các hoạ tiết mang đậm dấu ấn của văn hoá Khmer Nam Bộ.
Kết Luận
Các cổng thành cổ của Việt Nam không chỉ là những công trình kiến trúc đặc sắc mà còn là những chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thăng trầm và phát triển của đất nước. Mỗi cổng thành mang một ý nghĩa riêng, thể hiện sự tài tình và tinh hoa của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.