Culture

Converse – Hành trình lên ngôi vua từ mặt trận thế chiến thứ 2 cho đến sàn đấu thể thao

Converse là một trong những thương hiệu về giày nổi tiếng và uy tín nhất trên thế giới với tuổi đời hơn 100 năm. Converse đã cho ra đời những đôi giày bóng rổ đầu tiên trên thế giới. Theo số liệu thống kê, hơn 60% người Mỹ đều sở hữu ít nhất một đôi Converse trong tủ giày của mình.

Qua câu chuyện dưới đây, bạn sẽ có thể hình dung được tại sao đôi giày vải đế bằng này lại trở thành một tượng đài bất tử trong lòng người hâm mộ.

Converse từ những ngày đầu

Những năm tháng tuổi trẻ của chàng trai Marquis Mills Converse gần như dành trọn cho một công ty đóng giày ở địa phương. Sau 30 năm cống hiến và lên được chức quản lý, Marquis bỗng nghĩ ra một ý tưởng. Ông bị thôi thúc phải tạo ra thứ gì đó – một đôi giày mang tên chính mình.

Năm 1908, Marquis M. Converse đã quyết định một bước ngoặt lớn trong đời, đó chính là thành lập công ty giày đế cao su mang tên ông – Converse, có trụ sở đặt tại Mỹ. Đây cũng chính là điểm bắt đầu cho câu chuyện về một huyền thoại.


Maquis M. Converse (1861-1931), ảnh: Juksy

Chỉ sau 2 năm, nhờ kinh nghiệm sản xuất và quản lý lâu năm của nhà sáng lập, Converse đã sản xuất được 4000 sản phẩm mỗi ngày. Những đôi giày này chủ yếu phục vụ cho phụ nữ và trẻ nhỏ trong những ngày đông lạnh giá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho thương hiệu trăm tuổi này.

Đôi giày Converse All Star đầu tiên

Năm 1915, Converse bắt đầu sản xuất giày cho các vận động viên quần vợt. Tại thời điểm này, các môn thể thao ở Mỹ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Trong đó, không thể không nhắc đến môn thể thao vua của người mỹ – bóng rổ. Nhìn ra tiềm năng của môn thể thao này, Converse đã thiết kế một đôi giày dành riêng cho các vận động viên bóng rổ. Thân giày làm bằng vải với đế cao su “squeaky” (tiếng rít khi mài đế giày trên sàn gỗ), được đặt tên là All Star.

Một trong những đôi giày đầu tiên của Converse, Ảnh: Converse

Những đôi Converse All Star đầu tiên có màu nâu, viền đen bọc xung quanh. Trước khi có những đôi All Star, giày thể thao nói chung vẫn chưa có tính thời trang, các nhà sản xuất chỉ tập trung vào tính năng. Converse All Star được tạo ra để lấp đầy khoảng trống còn thiếu giữa thể thao và thời trang. Đến chính ông cũng không ngờ rằng mình đã tạo ra một trong những đôi giày mang tính biểu tượng bậc nhất trong lịch sử.


Converse All Star đen trắng là một trong những đôi giày mà huyền thoại âm nhạc Elvis Presley yêu thích nhất

Khẩu thần công của Converse mang tên Chuck Taylor

Ban đầu, doanh số của các mẫu giày không có gì đột phá. Cho đến khi có sự xuất hiện của “hiện tượng” Chuck Taylor.

Charles Chuck Taylor là một ngôi sao bóng rổ đến từ đội Akron Firestones. Một lần, ông tình cờ trông thấy đôi giày All Star, cũng như nhìn ra tiềm năng của Converse. Năm 1921, Chuck Taylor quyết định gia nhập đội ngũ bán hàng của Converse và trở thành huấn luyện viên của đội bóng rổ Converse All Stars trong liên đoàn công ty.


Chuck Taylor (Charles H.Taylor), ảnh: Converse

Bằng nghệ thuật bán hàng thần kỳ của mình, cùng với những chiến thuật tiếp thị độc đáo như: Mở phòng khám cho vận động viên, dạy bóng rổ cho trẻ em nghèo, hay tự viết một cuốn sách có tên Converse Basketball Yearbook (Niên giám giày bóng rổ Converse). Chuck Taylor đã biến giày Converse All Star trở thành biểu tượng thể thao: Khi nói đến giày All Star, người ta sẽ nghĩ ngay đến bóng rổ và ngược lại. Nhờ những thành công ngoài sức tưởng tượng mà vào năm 1932, Converse đã cho ra đời bản nâng cấp của giày All Star với cái tên mới: Converse All Star “Chuck Taylor”, thường gọi với cái tên thân thuộc là “Chuck”.


Converse All Star “Chuck Taylor”, ảnh: Converse

Những đôi converse đã từng tham gia “chiến đấu” trong chiến tranh thế giới thứ 2

Trong Thế chiến thứ 2, Chuck Taylor trở thành sĩ quan lực lượng không quân và huấn luyện viên bóng rổ cho khu vực. Lúc này, Converse All Star “Chuck Taylor” được coi là biểu tượng của lòng yêu nước. “Chuck” chính thức trở thành đôi giày luyện tập cho binh lính Mỹ và bản thân ông cũng được xem như người nâng đỡ tinh thần cho quân đội.

Dựa vào những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ dành cho thương hiệu Converse nói riêng và thể thao nói chung. Chuck Taylor bước lên đỉnh vinh quang với danh hiệu “Đại sứ bóng rổ” vào năm 1968, tên ông còn được đưa lên “Hall Of Fame” tại thành phố New York.


Phiên bản Chuck Taylor dành riêng cho quân đội Mỹ vào Thế chiến II, ảnh: Converse

Sự ra đời những đôi All Star cổ thấp (Low)

Năm 1957, những phiên bản All Star cổ thấp được giới thiệu và phổ biến hơn bao giờ hết vì chúng dễ đi, dễ phối đồ hơn phiên bản cao cổ. Có thể bạn sẽ không tin, thời điểm đó Converse gần như nuốt trọn ngành công nghiệp sneaker với 80% thị phần, tiếp theo vào những năm 1960 trở đi là 90%. Tới thời điểm hiện tại, đó là con số kỷ lục mà chưa có bất kỳ hãng thời trang nào có thể vượt qua nổi.

Converse Chuck Taylor 1970s Black Low Top, ảnh: authentic-shoes

Ngai vàng bị soán ngôi

Thật không may, một năm sau khi nhận những thành tựu vinh quang này, Chuck Taylor qua đời. Như mất đi một phần linh hồn, sự thống trị của Converse bắt đầu trượt dốc thê thảm.

Sự ra đi của Chuck Taylor giáng một đòn chí mạng vào Converse. Các công ty đối thủ thi nhau chen lấn vào thị trường giày dép. Trong thời điểm hỗn loạn đó, một ứng cử viên cho ngôi vương mới xuất hiện – Nike. Nike đã mạnh mẽ tấn công và định hướng lại hầu hết tệp khách hàng của Converse.

Ảnh: Nike

Tập đoàn Nike và các công ty đối thủ khác bắt đầu tung ra thị trường vô số mẫu giày dép mới, kèm theo đó là công nghệ vượt trội. Mặc dù Converse cũng cố gắng giành lại thị trường bằng cách ra mắt dòng sản phẩm mới. Nhưng dường như người tiêu dùng đã bắt đầu quay lưng với thương hiệu.

Giai đoạn khó khăn tiếp theo của Converse là những năm 1980 và 1990, quyền sở hữu và quản lý của Converse bị thay đổi không biết bao nhiêu lần. Sự quản lý không rõ ràng, chiến lược kinh doanh sai lầm đã khiến Converse rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Vào thời gian đó, số phận công ty chỉ như ngọn nến trước gió.

Ảnh: Nike, Converse

Đỉnh điểm vào năm 2001 và 2003, Converse đệ đơn xin phá sản sau quá nhiều năm tháng duy trì kinh doanh trong tuyệt vọng. “Ông lớn” Nike chớp ngay cơ hội, mua đứt lại Converse với giá 305 triệu USD. Thương hiệu vang bóng một thời được tái lập thành công với vai trò là công ty con của Nike.

Bức tranh thương hiệu Converse ở thế kỷ 21

Giày Converse Chuck 70 ngày nay, ảnh: Nike

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi xu hướng tiêu dùng đều thay dổi mỗi ngày. Các nhãn hàng lớn khó có thể dự đoán và điều khiển nhu cầu của khách hàng như thế hệ trước. Trong bối cảnh như vậy, những người trẻ lại thích thú tìm về những giá trị có bề dày lịch sử. Converse với hàng ngàn đôi giày được bán ra vẫn là một tượng đài bất tử về văn hóa trong lòng những người yêu giày nói chung và văn hóa đường phố nói riêng.

Bình Viết Gì

Sharing Good Stuff

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago