Nổi bật

#Nghĩ: Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

2020 là một năm đầy biến động của thế giới. Chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát, sự bấp bênh của nền kinh tế, biến đổi về chính trị cũng như văn hoá xã hội…Ở bức tranh nhiều mảng tối đó, quyền lợi của người phụ nữ trở thành nhân tố bị ảnh hưởng đầu tiên. Bất bình đẳng xảy ra ở mọi nơi, từ các vấn đề về sức khoẻ, kinh tế, an ninh cho đến phúc lợi xã hội. Nguyên nhân này xuất phát từ sự lơ là của chính phủ, những hạn chế về mặt truyền thông cũng như thiếu thốn nguồn lực trầm trọng. Kết quả, phụ nữ trở thành một trong những đối tượng chịu bất công nhiều nhất trong đại dịch.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Căng thẳng về kinh tế, xã hội, kết hợp với luật hạn chế di chuyển, sự bí bách khi bị giam lỏng trong nhà đã khiến bạo lực tăng lên ở khắp mọi nơi. Trước Covid-19, người ta ước tính rằng cứ ba phụ nữ thì sẽ có một người bị bạo hành trong suốt cuộc đời. Khi đại dịch bùng phát con số này đã tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ hiện đang mắc kẹt với những kẻ bạo hành và đối diện với nhiều hậu quả nặng nề, nhất là khi hệ thống chăm sóc sức khoẻ bị quá tải, dịch vụ tư pháp bị gián đoạn.

Không chỉ ở gia đình, phụ nữ trong các công việc đặc thù, ví dụ như bác sỹ, y tá, cảnh sát, những người làm dịch vụ cũng phải đối diện với nguy cơ bị bạo hành cao khi phải làm việc trực tiếp tại nơi công cộng hoặc những địa điểm vắng người trong một thời gian dài, khi các phương tiện giao thông bị hạn chế.

Sự bất ổn về kinh tế cũng có thể làm gia tăng tình trạng bóc lột tình dục, tảo hôn khiến phụ nữ và trẻ em ở các nước nghèo, người dân tị nạn trở thành đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Vào tháng 4 năm 2020, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi chấm dứt mọi hình thức bạo lực ở khắp mọi nơi, từ vùng chiến sự đến nhà dân và tập trung nỗ lực vào việc chấm dứt đại dịch. Ước tính những vi phạm nhân quyền phụ nữ này đã gây thiệt hại lên đến 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Các dữ liệu cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: COVID-19 đang thúc đẩy gia tăng bạo lực gia đình. Ở một số quốc gia, các báo cáo về bạo lực gia đình và các cuộc gọi khẩn cấp đã tăng lên 25% kể từ khi luật giãn cách xã hội được ban hành. Những con số này có khả năng chỉ phản ánh những trường hợp được khai báo.

Trước đại dịch, có 40% phụ nữ bị bạo có thể lực tìm kiếm sự giúp đỡ dưới nhiều hình thức. Giờ đây, các hạn chế về cách ly và di chuyển càng khiến nhiều phụ nữ không thể thoát khỏi kẻ bạo hành. Họ bị cô lập khỏi bạn bè, gia đình và các mạng lưới hỗ trợ khác. Trong khi đó các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và cảnh sát lại đang tập trung hầu hết các nguồn lực để ứng phó với đại dịch.

Sự tù túng, lo lắng về bệnh tật, nguy cơ mất việc cùng căng thẳng về kinh tế đã khiến nhiều phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành thể chất và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác từ chính những người thân của mình.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, phần lớn các cặp vợ chồng đều đi làm nên số lần xảy ra các vụ xâm phạm có thể được hạn chế. Tuy nhiên việc ở nhà tránh dịch đã khiến mâu thuẫn trở nên đáng ngại hơn. Nhiều ông chồng dành thời gian uống rượu, đánh đập, chửi bới và tấn công vợ mình.

“Tại Trung Quốc, các báo cáo cho thấy tình trạng bạo hành gia đình tăng lên từ tháng 2/2020. Tỉnh Hồ Bắc ghi nhận số cuộc gọi báo cảnh sát tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn phong tỏa vào tháng 2”.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Theo hãng tin AFP, số trường hợp bạo hành gia đình trên cả nước Pháp đã tăng lên hơn 30% kể từ khi quốc gia này thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 17/3. Chỉ riêng ở Paris, số ca bạo hành đã tăng đến 36%.

Tại Valencia, Tây Ban Nha, chỉ sau 5 ngày thực hiện cách ly, một người phụ nữ đã bị chồng sát hại trước mặt các con của họ.

Ở Brazil, tình trạng này cũng tương tự. Theo đài phát thanh Globo, một trung tâm tình thương đã tiếp nhận tin báo về bạo hành gia đình tăng vọt trong những khu cách ly với sự gia tăng 40% – 50% số vụ” (Theo Báo Tuổi trẻ).

Ở Việt Nam, bạo lực gia đình trong mùa dịch cũng tăng lên đáng kể. Trên các trang thông tin điện tử, không khó để chúng ta nhìn thấy các tin về bạo lực gia đình. Ngày 14/3, cơ quan CSĐT Công an Thị xã Tràng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, chị S. (SN 1993) bị chồng bạo hành, ép quan hệ tình dục với tỷ lệ thương tật là 4%. The lời kể của chị S., chị bị chồng đánh đập dã man gây nhiều thương tích trên cơ thể. Ngoài ra, người chồng còn ép nạn nhân quan hệ tình dục. Chị nói: “Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm thể xác và tinh thần rất nặng nề. Trong lúc bị hành hạ, đánh đập, tôi đã cố la lên cầu cứu, nhưng không ai nghe thấy”. Sau đó, nạn nhân đã cầu cứu cha mẹ ruột nhưng cũng không thể giải quyết được vì bị chồng đe dọa (theo vov.vn).

Ngọc Hà (tên nhân vật đã thay đổi), phải đối mặt với bạo lực gia đình từ trước khi có đại dịch. Thế nhưng sau khi chồng chị làm việc tại nhà vào tháng Giêng, tình trạng này càng trở nên căng thẳng. Mọi chuyện thêm tồi tệ khi anh bị mất việc trong tháng 5 vừa qua. Áp lực về mặt kinh tế, khủng hoảng tinh thần khiến anh hành xử hung bạo hơn. Họ cãi nhau về chuyện nhỏ nhất như cách dọn dẹp nhà cửa, giờ giấc sinh hoạt, bất đồng trong việc chăm sóc con cái. Khi cô không đồng tình, anh sẽ sử dụng bạo lực với vợ mình hoặc đập phá đồ đạc

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam


Sự bùng phát của đại dịch cũng khiến nhiều người nhận ra tầm quan trọng của phụ nữ ở nhiều lĩnh vực và những sự bất bình đẳng trong quyền phụ nữ. Họ là những chuyên gia y tế, tình nguyện viên, những nhà quản lý, nhà khoa học chế tạo vắc xin v.v… đứng ở đầu chiến tuyến để ứng phó với dịch Covid-19. Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm 70% lực lượng lao động y tế, đặc biệt là y tá, nữ hộ sinh và nhân viên y tế cộng đồng. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn các công việc khác như dọn dẹp, giặt là và phục vụ ăn uống.

Bất chấp những con số ấy, nữ giới thường không được đánh giá cao cũng như không được đưa ra các quyết định mang tầm quốc gia về việc ứng phó với Covid-19. Chưa dừng ở đó, dù làm những công việc tương đương, phụ nữ vẫn phải chịu mức lương thấp hơn nhiều so với nam giới và ít được đảm đương những vị trí lãnh đạo. Mặt nạ và các thiết bị bảo hộ thường được thiết kế với kích thước phù hợp cho đàn ông, khiến phụ nữ trở thành đối tượng có khả năng bị phơi nhiễm cao hơn.

“Tất cả mọi người đều phải làm việc liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày và gần như không được nghỉ ngơi. Nhiều bác sỹ phải đóng tã để tránh đi vệ sinh vì đồ bảo hộ có giới hạn. Điều này áp dụng với tất cả mọi người, nhưng phụ nữ phải chịu sự phân biệt đối xử theo kiểu khác, nhất là khi những vấn đề về kinh nguyệt đang gần như bị bỏ qua” – Một nữ y tá tại Trung Quốc chia sẻ.

Sức ép khổng lồ của dịch Covid-19 lên hệ thống y tế đã kéo theo nhiều vấn đề bức bối khác. Một nghiên cứu do các bác sĩ Trung Quốc thực hiện và được tạp chí y khoa Lancet đăng tải cho thấy 70% nhân viên y tế ở tuyến đầu tại tỉnh Hồ Bắc bị căng thẳng cực độ, 50% có những biểu hiện trầm cảm, 44% lo lắng và 34% mất ngủ. Một nữ bác sỹ cho rằng sự đau đớn về tinh thần dày vò cô nhiều hơn là mệt mỏi về thể xác.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Tại Italy, một y tá 34 tuổi làm việc tại bệnh viện San Gerardo ở tâm dịch Lombardy, đã tự tử vì những áp lực quá lớn giữa đợt bùng phát dịch Covid-19. Liên đoàn Y tá Quốc gia Italy – trong một tuyên bố – dẫn lời các đồng nghiệp của Trezzi cho biết cô đã căng thẳng tột độ vì lo sợ mình có thể lây bệnh cho người khác. Trước đó không lâu, một nữ y tá 49 tuổi ở Jesolo (Venice) cũng đã tự sát trước khi nhận được kết quả xét nghiệm COVID-19. Nữ y tá này đã chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dân sự Jesolo cho đến khi bị sốt. (theo Zingnew.vn)

Mặc dù chịu áp lực lớn như vậy, nhưng phụ nữ trong ngành y lại là những đối tượng bị xem xét cho nghỉ việc đầu tiên. Những công việc như hộ lý, y tá, điều dưỡng, phục vụ được coi là có thể thay thế dễ dàng. Leanne Helmerich từng là một trong 600 nhân viên làm việc tại Hệ thống y tế Hillcrest ở hạt Tulsa, bang Oklahoma. Cô rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau khi bệnh viện tái cơ cấu nhân sự và cắt giảm nhân viên trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Giờ đây, chỉ khi có nhu cầu phát sinh, Helmerich mới có cơ hội quay trở lại làm việc. (Zingnew.vn)

Điều này có nghĩa là phụ nữ cần phải được đảm bảo quyền lao động của mình, được tiếp cận với các thiết bị y tế thân thiện hơn. Từ đồ bảo hộ cá nhân đến các sản phẩm y tế, được bố trí giờ làm việc linh hoạt để cân bằng áp lực giữa công việc và gia đình, cũng như giảm tải những áp lực vô hình mà nữ giới đang gánh chịu.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Kinh tế thế giới và sự duy trì cuộc sống hàng ngày trong đại dịch được xây dựng trên sức lao động vô hình và không được trả công của phụ nữ và trẻ em. Trước Covid-19, phụ nữ phải làm các công việc không lương và việc nhà nhiều gấp 3 lần so với đàn ông. Khi đại dịch bùng nổ, một loạt các yếu tố như trường học đóng cửa (1,5 tỷ học sinh đã tạm nghỉ học vào tháng 3 năm 2020), người lao động phải làm việc tại nhà, hệ thống y tế quá tải đã khiến phụ nữ và các bé gái trở thành đối tượng chính đảm đương các các công việc trong gia đình. Điều này khiến phụ nữ không còn thời gian để làm những công việc xã hội hoặc các công việc có thu nhập khác.

Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 9 tỉnh thành phố từ tháng 1 đến tháng 6/2016 mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức ActionAid Viet Nam công bố. Trung bình phụ nữ Việt Nam dành 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD tương đương hơn 900.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, những công việc này lại không được đánh giá cao.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam nhận định: “Dường như công việc không lương hiển nhiên là trách nhiệm của phụ nữ. Điều này có nghĩa là họ có ít thời gian để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi, tham gia vào các công việc được trả lương, được học tập để mở mang kiến thức nhằm bảo đảm nhân quyền phụ nữ.” (theo thanhtra.com.vn)

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Những định kiến về mặt giới tính cũng biến các bé gái vị thành niên trở thành đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp, đặc biệt là những em đang sống trong nghèo đói hoặc vùng nông thôn hẻo lánh. Nhiều bằng chứng từ các dịch bệnh trong quá khứ cho thấy trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ phải bỏ học và không bao giờ được quay lại trường khi dịch bệnh kết thúc. Các bé gái cũng là nạn nhân của nạn tảo hôn để giảm áp lực về mặt kinh tế hoặc mang một nguồn tiền nhất định về cho gia đình.

Tại Việt Nam, trường THCS Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) phát hiện nhiều học sinh không tới trường sau khi nghỉ dịch vì đã lập gia đình. Theo thông tin của nhà trường thì có 5 học sinh đã kết hôn trong thời gian phòng dịch do… nghỉ quá lâu. Nhiều phụ huynh cố tình che giấu thông tin vì sợ các thầy cô giáo tìm đến nhà vận động. Sau khi lập gia đình, các em nam thường đi học tiếp. Ngược lại, các em gái do e ngại hoặc mang thai thường sẽ nghỉ học.


Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Vệ sinh và sát trùng tay là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên theo ước tính toàn cầu mới nhất của WHO và UNICEF có khoảng 3 tỷ người, tức 40% dân số thế giới không có thói quen rửa tay bằng nước và xà phòng tại nhà. Cũng trong thống kê của mình, các tổ chức xã hội cho rằng có khoảng 689,4 triệu người trên thế giới, trong đó phân nửa là phụ nữ và trẻ em có mức sống dưới 1,90 USD/ngày đang đối mặt với sự thiếu thốn các sản phẩm về sức khoẻ.

Phụ nữ và trẻ em gái cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khoẻ tình dục, kinh nguyệt. Họ không được tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh riêng. Hệ thống y tế quá tải và không được phân bố đồng bộ để ứng phó với đại dịch. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi dân trí thấp, phụ nữ không được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Trước đại dịch, mỗi ngày có khoảng 810 phụ nữ chết vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được liên quan đến mang thai và sinh con – 94% những ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Những dịch bệnh trong quá khứ cũng cho thấy tỷ lệ tử vong, bệnh tật của phụ nữ, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác tăng lên. Những sự bất bình đẳng quyền phụ nữ này không những đa dạng mà còn liên quan đến nhau, chẳng hạn như dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, khuyết tật, tuổi tác, chủng tộc, vị trí địa lý và xu hướng tình dục, v.v…

 Tại Việt Nam, việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách lớn. Theo báo cáo, 30,7% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà so với 0,5% ở phụ nữ dân tộc Kinh. Thậm chí có một số dân tộc, tỷ lệ sinh con tại nhà lên tới 90% như La Ha, La Hủ, Si la, Lự, Mảng. Theo kết quả khảo sát đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số không đến trạm y tế xã và không đi tư vấn sức khỏe đều cao hơn so với nam giới dân tộc thiểu số (tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 3, tr.50-59.)

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Trên thế giới, phụ nữ thường có thu nhập thấp hơn và tiết kiệm được ít tiền hơn đàn ông. Phần lớn phụ nữ hiện đang làm việc trong cách ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, thu ngân, bán lẻ, hàng không. Điều này khiến khả năng chịu đựng của phụ nữ kém hơn so với nam giới khi gặp những cú sốc về kinh tế.

Tình hình còn tồi tệ hơn ở các nền kinh tế đang phát triển, nơi một phần lớn người dân làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có bảo hiểm xã hội, giờ làm việc dài. Tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, tỷ lệ phụ nữ làm những công việc không ổn định cao hơn nam giới. Ví dụ, ở khu vực châu Phi cận Sahara, khoảng 92% phụ nữ đang làm những công việc không tên, cao hơn so với con số 86% của nam.

Kết quả khảo sát của UN Women từ Châu Á và Thái Bình Dương cho thấy phụ nữ bị mất việc nhiều hơn nam giới và khó khăn hơn khi tìm một công việc khác thay thế. Hiện nay, con số thất nghiệp của phụ nữ Mỹ đang tăng lên tới mức báo động. Đặc biệt là với phụ nữ trẻ từ 16-19 tuổi khi chỉ trong 2 tháng, số người thất nghiệp đã tăng từ 11,5% lên đến 32,2%.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam


Tại các nước nghèo, đang có chiến tranh, COVID-19, xung đột và khủng hoảng nhân đạo đã ngăn cản nhiều quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm quyền được ăn uống, giáo dục, an toàn v.v.. Một trong những đối tượng bị phớt lờ hoàn toàn chính là nữ giới nhập cư và tị nạn. Trong các trại trị nạn, nơi mà điều kiện sống chật chội, không có khoảng cách vật lý, phụ nữ dễ dàng rơi vào tình trạng bị bạo hành và xâm phạm tình dục hơn bao giờ hết. Vào năm 2019, chỉ có 26% các hiệp định hoà bình được ký có các quy định liên quan đến bình đẳng giới và đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ. Khi Covid 19 diễn ra, rất có khả năng những hiệp định này sẽ không được thực hiện do thiếu sự giám sát cũng như sự chểnh mảng trong việc duy trì các giao ước.

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam

Có rất nhiều vấn đề về quyền phụ nữ hiện chưa được đề cập và quan tâm đúng mực. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì để có một xã hội công bằng hơn. Làm sao để trẻ em gái có nhiều thời gian học tập, vui chơi như trẻ em trai. Làm sao để phụ nữ được đảm bảo quyền phụ nữm sức khoẻ, phúc lợi cũng như các điều kiện tài chính khác.

Ngày nay, tất cả các quốc gia đều đang phải đối mặt với cùng một cuộc khủng hoảng. Không đất nước nào có thể chiến thắng COVID-19 nếu chỉ hành động một mình. Việc đảm bảo quyền bình đẳng giới và mang đến một môi trường làm việc an toàn cho phụ nữ không chỉ giúp thế giới nhanh chóng phục hồi mà còn có thể đem lại sự cân bằng lâu dài cho xã hội.

Bài viết: Ngọc Linh
Minh hoạ: Charm Carm


Thông tin và dữ liệu được tham khảo từ: https://www.unwomen.org/

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Từ câu chuyện của Chadwick Boseman: 6 điều có thể làm để cùng đồng hành với bệnh nhân ung thư
Covid-19 đem lại những thay đổi gì?
Khủng hoảng tâm lý mùa dịch và cách để có một tinh thần khoẻ mạnh chống dịch COVID-19


Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

20 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

22 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago