Vào thế kỷ 14, sự bùng phát của bệnh dịch hạch – hay còn gọi là Cái Chết Đen – gây nên cái chết của khoảng 200 triệu người trên thế giới, kéo theo đó là những biến đổi quan trọng về y tế, kinh tế, cũng như chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Thế kỷ 21, đã hơn 7 tháng kể từ khi Covid-19 xuất hiện và chưa ai dám khẳng định còn bao lâu nữa cơn đại dịch này sẽ kết thúc. Từ những ngày đầu đến giờ, đã có rất nhiều thay đổi xảy ra. Và trong tương lai, mọi chuyện sẽ như thế nào?
Với đa số trong chúng ta, việc phải sống trong tình trạng giữ khoảng cách (distancing), hoặc ở mức độ cao hơn là phong tỏa (lockdown) dẫn đến rất nhiều phiền toái trong cuộc sống thường nhật. Con người là động vật có tập tính xã hội cao. Việc “đứt kết nối” với người khác – hay nói cách khác là với bầy đàn của bạn – dễ làm bạn thấy cô đơn và lạc lõng khi phải hạn chế tiếp xúc và gặp gỡ mọi người trong thời gian dài.
Chính vào lúc này, chúng ta mới chợt nhận ra internet và mạng xã hội quả là phát minh vĩ đại của nhân loại. Không gặp mặt nhưng vẫn có thể cập nhật tin tức và hỏi thăm nhau qua những dòng tin nhắn, những cú điện thoại, và những cuộc gọi video chat. Chúng ta bỗng có nhu cầu quan tâm, lo lắng, và trao gửi nhiều yêu thương cho nhau hơn, việc mà trước đây hầu như bị xem nhẹ do đâu ai nghĩ sẽ có ngày không gặp được mặt nhau.
Hơn nữa, khi giảm bớt thời gian dành cho những việc như di chuyển hay mua sắm, chúng ta có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Covid-19 có thể tạo ra ngăn cách và trở ngại, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội để chúng ta học tập, sáng tạo, và thích nghi.
Một ví dụ cụ thể, trong đợt giãn cách xã hội tháng Tư vừa qua, trên facebook bỗng hot lại những hội nhóm nữ công gia chánh như Yêu Bếp, Nghiện Nhà (hay thậm chí Ghét Bếp Không Nghiện Nhà), rồi đến sự xuất hiện của những thử thách vui kiểu 15 ngày tập thể dục hay 15 chủ đề viết mỗi ngày như một cách để mọi người cùng động viên nhau “sống sót” qua 15 ngày ở yên trong nhà.
Hiện tại dù không còn giãn cách, nhưng chúng ta đã kịp hình thành những thói quen, khám phá thêm những sở thích mới, hay có thêm cho mình những kỹ năng mà trước đây ta chưa từng nghĩ đến bao giờ.
Những tòa nhà lớn tập trung nhiều văn phòng công ty, lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại trở thành những nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Hiện tại, mặc dù chưa áp dụng giãn cách hay cách ly, nhưng những biện pháp an toàn đã và đang nhanh chóng được triển khai. Ở nơi công cộng phải đeo khẩu trang, vào văn phòng phải kiểm tra nhiệt độ (và tất nhiên ai sốt thì được mời về nhà).
Nhiều doanh nghiệp đã phải cân chỉnh lại thời gian làm việc để tránh tình trạng có quá nhiều người tập trung cùng lúc. May mắn thay, việc này vô tình giảm nhẹ nỗi kinh hoàng kẹt xe giờ cao điểm của dân công sở, vì đã không còn tình trạng quá nhiều người di chuyển trên đường cùng một thời điểm nữa.
Ở một phương diện khác, trước Covid, nhiều doanh nghiệp còn khá ngại ngần khi cho phép nhân viên làm việc không cần đến văn phòng. Tuy nhiên trong tương lai thì làm việc từ xa và làm việc tại nhà có khả năng trở thành xu hướng mới.
Về lâu dài, điều này sẽ góp phần làm thay đổi kỳ vọng và thậm chí văn hóa làm việc của đa số doanh nghiệp tại Việt Nam khi hiệu suất lao động của nhân viên không được nhìn nhận và đánh giá thông qua việc họ có hoàn thành tốt công việc được giao hay không, mà bằng việc kiểm tra xem mỗi ngày họ có mặt ở văn phòng hay không và ngồi đó bao nhiêu giờ.
Những công ty không áp dụng hoàn toàn chế độ làm việc từ xa vẫn có thể linh động kết hợp giữa thời gian lên công ty và thời gian làm bên ngoài. Nhân viên chỉ gặp mặt nhau định kỳ hoặc khi cần họp hành.
Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuê mặt bằng, và người lao động cũng không còn bị trói buộc vào việc phải sống gần nơi làm việc. Chúng ta sẽ được tự do hơn trong việc lựa chọn nơi ở, miễn sao thuận tiện và phù hợp với nhu cầu cá nhân cũng như điều kiện riêng của mỗi người.
Tạm… bỏ qua Covid-19, thế giới vẫn đang phải đối mặt với vấn đề lớn và cấp thiết khác, và một trong số đó là biến đổi khí hậu. Trong đợt giãn cách vừa qua, rất nhiều người sống ở các thành thị lớn đã chú ý sự thay đổi “chưa từng có trước đây” – không khí trong lành hơn, nhịp sống từ tốn hơn, đường phố sạch sẽ và an toàn hơn. Cảm giác mỗi sáng mở AirVisual thấy một màu xanh mướt quả là cảm giác dễ chịu vô cùng!
Cách ly và phong tỏa không chỉ giúp làm chậm sự lan truyền của Covid-19 mà nó còn có tác động tích cực đến môi trường. Theo dữ liệu vệ tinh, tại các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp trên khắp châu Á và châu Âu, nồng độ NO2 – một trong chất chính gây ô nhiễm, sinh ra từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch – trong khí quyển đã sụt giảm 30-40% so với thời điểm này năm ngoái.
Kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do suy thoái, tuy nhiên việc này lại được ước tính sẽ làm giảm 8% lượng khí thải Co2 trên toàn cầu vào năm 2020.
Mặc dù không tấn công thảm khốc vào nền y tế toàn cầu như Cái Chết Đen, nhưng Covid-19 chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới. Các biện pháp cách ly, phong tỏa, kéo theo đó là sự ngừng lại của các hoạt động kinh tế và dân sự giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại cách mọi thứ vận hành, đồng thời cũng khơi dậy một mối bận tâm toàn cầu, rằng chúng ta cần thay đổi như thế nào trong tương lai.
Xem thêm:
The Year Earth Changed – Ngắm nhìn thiên nhiên “hồi sinh” dưới sự ảnh hưởng của COVID-19
Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ Việt Nam
Khủng hoảng tâm lý mùa dịch và cách để có một tinh thần khoẻ mạnh chống dịch COVID-19
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…