Các chàng trai đang tìm kiếm nửa kia ơi, các bạn thử cách này chưa: thuê ‘người đóng giả’ chuyên nghiệp làm bạn gái, tối đến phố lên đèn đôi mình lên đồ (nhưng sau COVID-19 nhé) ra ngoài tương tác vui chơi như—một—cặp—đôi—thật—sự. Có một cô người yêu xinh đẹp và lôi cuốn sẽ làm tăng sức quyến rũ của đàn ông, giúp các chàng trai trở nên ‘đáng giá’ hơn trong mắt những đối tượng hẹn hò tiềm năng khác…
… hoặc chí ít đó là lời quảng cáo của những công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu này.
Nếu “Phụ nữ hấp dẫn nhất khi không thuộc về ai”(*) thì các chàng trai đã ‘có nơi có chỗ’ dường như lại tỏa ra sức thu hút khó lý giải với những người phụ nữ khác. Vấn đề khó giải đáp này vốn không phải điều gì lạ lẫm với tâm lý học đại chúng (pop psychology). Nó dựa trên giả thuyết khoa học về sự tồn tại của hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời (mate choice copying) ở phụ nữ dị tính — họ tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm kiếm một người ghép đôi khả dĩ bằng cách chọn lấy người đàn ông đã được những người phụ nữ khác lựa chọn.
Giả thuyết về hành vi này đã được quan sát trên nhiều loài động vật khác nhau, từ các loài gặm nhấm cho đến các loài chim, cá. Nhưng liệu con người có thuộc vào số này hay không thì vẫn còn nhiều tranh cãi.
Về lý thuyết, việc theo đuổi những người đàn ông đã có vợ / bạn gái mang đến những lợi ích nhất định. Các nhà sinh vật học dự đoán rằng, hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời sẽ xảy ra khi có sự mất cân bằng về vai trò của hai giới tính trong quá trình tạo ra thế hệ sau.
Cụ thể, nó đòi hỏi nỗ lực quá nhiều từ một bên — mang thai, cho bú, nuôi dạy con non — và hầu như không cần bất cứ đóng góp quá nhiều từ bên còn lại trừ việc thụ tinh. Do đó, tìm kiếm nửa kia chất—lượng—cao là mục tiêu tối thượng của bên có vai trò sinh học lớn hơn trong việc tạo ra và phát triển thế hệ tương lai. Với phần lớn các loài động vật có xương sống, đây chính là con cái.
Con cái có thể lựa chọn giữa việc tìm kiếm, quan sát, đánh giá nguồn genes cũng như những thuộc tính cần có ở ‘ông bố tương lai’ dựa trên những dấu hiệu về hành vi và / hoặc thể chất của con đực, hoặc nó có thể không cần mất công làm việc này mà chỉ cần chọn những con đực đã được các con cái khác ‘chấm’ trước đó.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà sinh vật học đã đưa ra giả thuyết rằng hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời có tồn tại. Tuy nhiên nó chỉ mới được quan sát chứ chưa được chứng thực qua thực hiện nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Một trong những bằng chứng trực tiếp đầu tiên về hành vi này được tìm thấy từ các nghiên cứu thực hiện trong những năm 1990s về loài cá bảy màu.
Đầu tiên, những nàng cá tự do lựa chọn nửa kia của mình trong số những con đực có trong bể. Nhìn chung, cá bảy màu chọn bạn tình dựa trên kích thước, chiều dài đuôi, và màu sắc — những anh chàng màu cam rực được ‘săn đón’ hơn cả.
Sau đó, nhóm nghiên cứu để thêm một tấm ngăn bằng Plexiglass vào, cho phép những cá cái trong bể có thể chứng kiến cảnh đôi khác tán tỉnh nhau. Các nàng ‘quan sát viên’ này sau đó lại có khuynh hướng chọn cá đực đã được tán tỉnh trước đó, ngay cả khi có một cá đực màu cam rực khác đang trong tầm ngắm. Anh chàng nào được tán tỉnh trong một thời gian dài, hoặc có nhiều cô ‘theo đuổi’ thì cơ hội được lựa chọn lại tăng nhiều hơn nữa.
Hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời cũng được quan sát trên nhiều loài động vật khác, bao gồm chim cút, chuột, và cá thia (damselfish). Thế còn chúng ta?
Trong quá trình tiến hóa của con người, vai trò và mức độ liên quan của người cha đến việc nuôi dạy con cái không thực sự được xác định rõ ràng. Tất nhiên một ông bố loài người sẽ ‘đầu tư’ nhiều hơn một ông bố cá bảy màu trong việc tạo ra và phát triển thế hệ sau, nhưng về mặt sinh học mà nói, vai trò rõ ràng nhất của đàn ông là đóng góp tinh trùng.
Một anh chàng trông bảnh bao sáng sủa vẫn có nguy cơ mang trong người những đặc điểm di truyền không—thật—sự—tốt—lắm. Và nếu họ có con, người phụ nữ có khả năng sinh ra và nuôi lớn một đứa trẻ với bộ DNA ‘tầm thường’ của người cha đó. Do đó, sẽ an toàn hơn nếu phụ nữ chọn cho mình một người đàn ông đã trải qua quá trình tìm kiếm, quan sát, và đánh giá chặt chẽ của một (hoặc một số) phụ nữ khác.
Nhưng kịch bản đó sẽ phụ thuộc vào khuôn mẫu về mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, cũng như cách họ tương tác với nhau. Các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận rất nhiều về vấn đề này.
Các thí nghiệm để phát hiện hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời ở con người thông thường diễn ra như sau: người tham gia được yêu cầu đánh giá mức hấp dẫn hoặc độ quyến rũ của một người thông qua những bức ảnh của họ. Đối tượng được đánh giá trong ảnh có thể xuất hiện cùng với bạn đời hoặc không. Một số ảnh được can thiệp kỹ thuật số hoặc được chỉnh sửa theo những mô hình khác nhau.
Phần lớn người tham gia thí nghiệm là phụ nữ dị tính — và đối tượng đánh giá của họ là nam giới xuất hiện cùng nữ giới khác. Người tham gia đa phần là sinh viên theo học các chứng chỉ / chuyên ngành liên quan đến Tâm lý học trong các Đại học ở Âu, Mỹ — điều không hiếm thấy trong khá nhiều các thí nghiệm tâm lý khác. Vì vậy, nếu muốn đưa ra nhận định có tính phổ quát hơn, chúng ta cần một nguồn dữ liệu lớn hơn từ những người thuộc nhiều độ tuổi, nền văn hóa, trình độ học vấn, bản sắc giới tính và khuynh hướng tính dục khác nhau.
Ở thời điểm hiện tại, kết luận từ các dữ liệu có sẵn cho thấy việc xuất hiện cùng một người phụ nữ — nhất là những người có vẻ ngoài xinh đẹp và trông như thể đối tác tình cảm của người nam — sẽ làm tăng sức hấp dẫn của người nam đó trong mắt những người nữ xung quanh.
Trong một báo cáo từ 2018, 16 trong 18 nghiên cứu cho thấy chỉ cần có thêm một người nữ trông như thể là vợ / bạn gái ở bên cạnh thôi cũng đủ khiến một người đàn ông trở nên hấp dẫn, đáng khao khát hơn so với khi chỉ có mình anh ta trong ảnh. Thêm vào đó, nếu những ‘cô bạn gái’ được can thiệp kỹ thuật số để trông đẹp hơn thì điểm số dành cho anh chàng trong ảnh cũng tăng lên.
Giả sử những nhận định trên đều có giá trị xác nhận, những vấn đề cần giải quyết tiếp theo sẽ là: Vì sao độ hấp dẫn của một người đàn ông lại tăng khi bên cạnh anh ta là một người phụ nữ? Điều này có thực sự là biểu hiện của hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời hay không?
(Tiếp tục) Giả định rằng nam giới không độc thân hấp dẫn hơn, vậy thì phụ nữ nói chung sẽ có niềm tin — vô thức hoặc không — rằng những người đàn ông đang có vợ / bạn gái “hẳn phải ______ tuyệt lắm thì cô kia mới quen” Khoảng trống này có thể là mọi thứ: tính cách, tâm hồn, trí tuệ, nhu cầu tình dục, kỹ năng giường chiếu, tài khoản ngân hàng, vân vân và vân vân. Một điều nên lưu ý, đây hầu hết là những phẩm chất được thể hiện rõ với ‘cô kia’ vì hai người họ đang trong mối quan hệ tình cảm, chứ không phải điều hiển hiện với tất cả mọi người.
Để kiểm chứng nhận định này, một nghiên cứu công bố trên tờ Evolution Psychology đã cho người tham gia xem ảnh của một cặp nam nữ, nhưng tình trạng mối quan hệ giữa họ được xác định khác nhau: người yêu, anh chị em nuôi, anh chị em họ, hoặc người yêu cũ.
Kết quả, người tham gia đánh giá mức độ hứng thú của họ với người nam trong ảnh cao hơn khi được cho biết vai trò của người nữ bên cạnh là bạn gái. Những giá trị vô hình như trí thông minh, độ tin cậy, tính hài hước, tài sản, và sự hào phóng của người nam ‘có bạn gái’ cũng được cho điểm cao hơn những ai xuất hiện cùng người thân và người yêu cũ.
Một số nhà nghiên cứu lại ủng hộ nhận định rằng hành vi bắt chước lựa chọn bạn đời là kết quả của việc học hỏi, kế thừa người khác thay vì độc lập giải quyết vấn đề — một khuynh hướng chung của loài người. So với họ hàng gần nhất về tiến hóa của chúng ta là tinh tinh, thì con người bắt chước đồng loại thường xuyên hơn nhiều. Theo các nghiên cứu về nhân loại học (anthropology), điều này đặc biệt đúng với trường hợp các cá nhân có tầm ảnh hưởng, và khi con người đứng trước những quyết định có tính rủi ro cao với kết quả không chắc chắn.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2018, 49 phụ nữ được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn của các bức ảnh với chủ thể lần lượt là khuôn mặt nam giới, bàn tay nam giới, và các hình ảnh / tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Sau khi cho điểm từ 1 đến 100, họ được cho xem đánh giá của những người khác, với gợi ý rằng đây là “ý kiến đa số”. Tiếp đó, họ tiến hành cho điểm lại các bức ảnh này.
Kết quả, số điểm trung bình dành cho ảnh có khuôn mặt tăng 13 điểm. Ảnh tay cũng tăng 14, và ảnh nghệ thuật trừu tượng tăng 13. Có vẻ như hành vi bắt chước lựa chọn đã không còn bị giới hạn ở bạn tình nữa.
Con người có thể đã tiến hóa theo khuynh hướng khiến mọi việc trở nên an toàn hơn bằng cách bắt chước người khác, từ chuyện xem tranh đến chuyện chọn chồng; hoặc đơn giản là hiện tượng này xảy ra như một cách ‘bù đắp’ cho phái nữ về mặt sinh học.
Chúng ta là cá bảy màu hay là kẻ sao chép? Cuộc tranh luận này vẫn chưa có hồi kết.
Xem thêm:
#Nghĩ: Làm thế nào để ngừng ghen tuông vô lý?
#Nghĩ: Catcalling – “Gọi con mèo” và nguồn gốc của việc trêu hoa ghẹo nguyệt trên đường phố
#Nghĩ: “Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn
#Nghĩ: Đam mê, tưởng là dễ kiếm nhưng đôi khi lại “hiếm” đến khó tìm
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…