Hoa hồng thì màu đỏ,
Violet màu xanh
Nhưng em nhìn ra tím,
Anh nhầm phải không anh?
Không. Sự thật (đáng tiếc) là anh không nhầm, chỉ là chúng ta nhìn nhận mọi thứ khác nhau thôi em yêu ạ.
Hiện tượng “bất đồng ý kiến” giữa đàn ông và phụ nữ về việc xác định xem màu cả hai đang nhìn thấy là màu gì đã trở nên phổ biến đến nỗi người ta chẳng buồn bực tức về nó nữa. Một số người cho rằng đây là sự khác biệt về tâm lý và nhận thức, vì phổ văn hóa (cultural range) mà hai giới tiếp cận là khác nhau. Minh chứng rõ nhất là trong lĩnh vực thời trang: các món đồ thời trang nữ giới thường đa dạng về màu sắc hơn, trong khi quần áo và phụ kiện thời trang nam quanh đi quẩn lại thì xanh, đen, trắng, xám chiếm đa số.
Theo một nghiên cứu của J. Simpson, phụ nữ có vốn từ vựng về màu sắc lớn hơn. Cùng là màu đỏ, nhưng nữ giới có khả năng nhìn ra và gọi tên “đỏ cam”, “đỏ gạch”, “đỏ đô”, “đỏ tím”,… trong khi đối với nam giới thì “tất cả chúng nó đều là màu đỏ”, hoặc nếu có nhìn ra sự khác biệt, thì hầu hết trường hợp đều không biết gọi tên màu sắc đó như thế nào.
Thế nhưng, việc thiếu hụt từ vựng về màu sắc có phải là lý do chính khiến nam giới “nhìn” màu khác phụ nữ không?
Israel Abramov – Tiến sĩ thần kinh học hành vi tại Cao đẳng cộng đồng Brooklyn trực thuộc Đại học New York – không đồng ý với nhận định trên. Ông tò mò rằng liệu có phải vì một khác biệt nào đó trong cách não bộ vận hành, nên đàn ông và phụ nữ mới nhìn ra những màu sắc khác nhau. Và Abramov tìm cách giải đáp thắc mắc của mình bằng một thí nghiệm khoa học.
Abramov tiến hành thí nghiệm của mình với cả đàn ông và phụ nữ. Ông đưa cho họ một số thẻ màu, yêu cầu họ nhận biết dải màu, đồng thời xác định phần trăm của các sắc đỏ, vàng, lục, lam của từng thẻ.
Kết quả cho thấy phụ nữ phân biệt màu dễ dàng hơn nam giới, đặc biệt là với những màu thuộc dải lục và lam. Các cô gái có thể nhận ra những khác khác biệt vô cùng nhỏ giữa những thẻ màu trên tay mình, trong khi những người đàn ông tham gia thí nghiệm đưa ra câu trả lời rằng chúng đều giống nhau.
Abramov tiến hành một thí nghiệm khác. Lần này nhóm đối tượng được yêu cầu phân biệt những dải sáng trên một nền đèn nhấp nháy. Kết quả, nam giới nhìn ra những dải sáng này nhanh hơn, đặc biệt khi các dải sáng càng hẹp. Điều này cho thấy thị lực của đàn ông nhạy cảm hơn phụ nữ trong việc nhận ra các chi tiết nhỏ và các chuyển động nhanh.
Theo Abramov, nguyên nhân của các kết quả trên nằm ở sự khác biệt mức độ testosterone – hormone chịu trách nhiệm cho sự phát triển các đặc điểm tính dục nam – ở mỗi giới. Khác biệt này có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng và sự tổ chức của các tế bào thần kinh trong khu vực vỏ não thị giác (visual cortex). Nam giới có nhiều thụ thể testosterone ở vỏ não thị giác hơn nữ giới. Điều này dẫn đến số lượng tế bào thần kinh ở khu vực này của đàn ông bẩm sinh đã nhiều hơn phụ nữ khoảng 25%.
Ngoài ra, để lý giải việc phụ nữ giỏi phân biệt màu sắc trong khi đàn ông có ưu thế trong việc “bắt” những hình ảnh và chuyển động nhanh, chúng ta vẫn còn một giả thuyết khác. Trong buổi đầu của lịch sử tiến hóa, người tiền sử tập trung thành các nhóm nhỏ. Nam giới chịu trách nhiệm săn bắt và bảo vệ, họ cần độ nhạy về chuyển động để có thể phát hiện con mồi cũng như kẻ thù từ xa. Còn phụ nữ nhận nhiệm vụ hái lượm và chăm sóc, nên họ giỏi trong việc tìm kiếm các vật thể tĩnh (quả, rau, nấm,… dại), đồng thời có khả năng phân biệt màu sắc tốt để xác định giữa quả độc và quả ăn được.
Khác biệt về thị giác giữa nam giới và nữ giới giúp chúng ta giải quyết kha khá “vấn đề” trong cuộc sống, từ chuyện cỏn con như chọn quần chọn áo đến chuyện vì sao người ta hay nói “phụ nữ lái xe tệ hơn đàn ông” (ngạc nhiên làm sao khi nhận định sặc-mùi-thành-kiến này giờ đã được lý giải một cách khoa học).
Mặc dù vẫn cần thực hiện nhiều nghiên cứu khác để có thể đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh nhất về sự tương quan giữa màu sắc và giới tính, nhưng ít ra lần tới, bạn sẽ không còn nổi giận khi hỏi anh người yêu rằng màu son đỏ nào đẹp và nhận lại câu trả lời “Anh thấy cái nào cũng như nhau mà em.”, vì anh ấy thật sự không phân biệt được đâu.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…